Sinh hoạt Hội Thân Hữu Đồng Công

Phụng Vụ Tháng 2-2020

Thứ Năm sau Thứ Tư Lễ Tro 

"Mùa Chay là thời điểm phụng vụ cử hành mầu nhiệm "bỏ mạng sống mình đi để lấy nó lại""

Chủ đề của Mùa Chay bao gồm cả Tuần Thánh, như đã đề cập từ Thứ Tư Lễ Tro hôm qua, đó là "Tôi bỏ mạng sống mình đi để lấy nó lại" (Gioan 10:17), rất khít khao với bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Năm ngay sau Thứ Tư Lễ Tro, ngày thứ hai mở đầu Mùa Chay. 

Thật vậy, chủ đề "Tôi bỏ mạng sống mình đi để lấy nó lại" được phản ảnh rất chính xác ngay câu Chúa Giêsu tiên báo về cuộc Vượt Qua của Người trong Bài Phúc Âm hôm nay như sau: "Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại".

Thế nhưng, Giáo Hội cố ý chọn Bài Phúc Âm hôm nay không phải để nhấn mạnh đến Chúa Kitô cho bằng đến Kitô hữu, thành phần đã nhờ Phép Rửa mà được hiệp thông với cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô thì cũng phải sống như Chúa Kitô và với Chúa Kitô, ở chỗ, đáp ứng đúng như lời Người kêu gọi trong bài Phúc Âm hôm nay:

"Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?"

Đúng thế, nếu "môn đệ không hơn Thày và tôi tớ không hơn chủ" (Mathêu 10:24), mà Thày và chủ đây "phải đau khổ nhiều, bị khai trừ và giết chết" thì bất cứ người môn đệ và đầy tớ nào "muốn theo Thày" của Người cũng không thế nào không "bỏ mình"  "vác thập giá mình hằng ngày mà theoNgười.

Chính Chúa Kitô cũng đã "bỏ mình" và "vác thập giá mình" ở chỗ "tuy là Con, Người cũng đã biết tuân phục ("bỏ mình") nơi những gì Người phải chịu ("vác thập giá mình")..." (Do Thái 5:8), đến độ "Người đã vâng lời cho đến chết ("bỏ mình") và chết trên thập giá ("vác thập giá mình")... " (Philiphe 2:8).

 

  (xem tiếp)


Thứ ba sau Chúa nhật VII - Thường Niên - năm A 

"Không bé nhỏ không thể chấp nhận và theo được Chúa Kitô"

Bài Phúc Âm hôm nay tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua. Tuy nhiên cả 2 bài Phúc Âm đều được Giáo Hội, chứ không phải chính Thánh ký Marco, sử dụng cùng một câu Phúc Âm 9:9 "Khi ấy Chúa Giêu từ trên núi xuống", để mở đầu từng bài Phúc Âm, một bài được bắt đầu ở câu 13 (hôm qua) và một bài được bắt đầu ở câu 29. Như thể Giáo Hội muốn ghép biến cố đã xẩy ra trên núi trước đó với 2 biến cố liền ngay sau đó ở bài Phúc Âm hôm qua: trừ quỉ câm, và hôm nay: báo trước cuộc vượt qua lần 2.

 

Thật vậy, sau khi biến hình trên núi trước mặt 3 môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan, một sự kiện biến hình cho các vị thấy trước cuộc phục sinh vinh hiển của Người, Chúa Giêsu đã trừ quỉ câm, như ám chỉ rằng Người sẽ trừ quỉ cho nhân loại bằng cuộc phục sinh của Người, hoàn toàn tiêu diệt tội lỗi và sự chết do ma quỉ gây ra cho con người, và tội lỗi cùng sự chết chỉ bị tiêu diệt nơi nhân tính của Người trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người mà thôi, như Người báo trước cho các môn đệ lần thứ hai trong bài Phúc Âm hôm nay: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại".

 

Tuy nhiên, các vị môn đệ thân cận của Người và với Người, cho dù đã sống bên Người từ đầu, thấy được các việc quyền năng đầy lạ lùng Người làm, và nghe được những lời khôn ngoan đầy khắc phục Người nói, vẫn như Thánh ký Marco thuật lại: "các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người", cho dù về ngôn từ những gì Người nói chẳng có gì là cao siêu huyền diệu hay có tính cách triết lý thần học khó hiểu.

  (xem tiếp)


Thứ hai sau Chúa nhật VII - Thường Niên - năm A 

""Chính để phá hủy công việc của ma quỉ mà Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra" (1Gioan 3:8). "

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Marco thuật lại sự việc Chúa Giêsu chữa lành cho một đứa con trai cho khỏi bị quỉ câm ám. Sự việc chữa lành này xẩy ra sau biến cố Người biến hình trên núi (xem Marco 9:1-13), lúc Người cùng ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan xuống núi để đến với các môn đệ khác đang chờ Người ở dưới núi, và cũng chính là lúc "Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông".

 

Thánh ký Marco không thuật lại cho chúng ta biết chi tiết về vấn đề tranh luận giữa 9 môn đệ của Chúa Giêsu với các luật sĩ thông luật hơn các vị, thế nhưng chúng ta cũng có thể suy đoán rằng về vấn đề trừ quỉ, một vấn đề sau đó đã được chính các vị đặt ra hỏi Chúa Giêsu, và cũng là vấn đề thành phần luật sĩ này đã có lần trước đó xuyên tạc rằng Người lấy quỉ tướng mà trừ quỉ con (xem Marco 3:22).

 

Cũng có thể là bấy giờ các môn đệ ở dưới chân núi chờ Người thì đã cùng nhau và thay nhau trừ quỉ, nhưng không được, nên bị nhóm luật sĩ có mặt bấy giờ châm biếm: "Thày của các người đâu rồi. Các người làm gì mà trừ quỉ được, làm gì bằng sư phụ của các người, một tay phù thủy chuyên môn lấy quỉ tướng mà trừ quỉ con. Thứ tà thuật che mắt trẻ con chứ làm gì qua mặt bọn này được..."

 

  (xem tiếp)


Chúa nhật VII - Thường Niên - năm A 

"Các con hãy yêu thương thù địch các con. "

Bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu Năm A hôm nay tiếp ngay sau Bài Phúc Âm của cùng vị thánh ký Chúa Nhật VI tuần trước về Bài Giảng Trên Núi nói chung của Chúa Giêsu giảng dạy cho riêng các vị tông đồ và về cách thức so sánh giữa luật cũ với giáo huấn mới của Người nói riêng. Sở dĩ Người tiếp tục sử dụng đường lối so sánh này là vì, cũng trong bài Phúc Âm tuần trước, ở ngay đầu bài, Người đã khẳng định "đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn".

 

Nên ngay sau đó, Người đã so sánh về 3 vấn đề tiêu biểu liên quan đến 3 trong 10 điều răn Chúa đó là "sát nhân", "ngoại tình" và "thề nguyền" theo luật cũ với giáo huấn mới của Người, một giáo huấn mới thật là sâu xa và siêu việt hợp với tinh thần và ý nghĩa hàm xúc của lề luật Thiên Chúa ban qua trung gian Moisen. Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật VII Thường Niên Năm A hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục so sánh, nhưng không phải về 3 điều tiêu cực như trong Bài Phúc Âm tuần trước mà là 2 điều tích cực liên quan đến chính đức bác ái trọn hảo - perfectae caritatis, một đoạn Phúc Âm được kết thúc ở lời kêu gọi là tâm điểm và cốt lõi của Bài Giảng Trọn Lành Trên Núi: "Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành".

 

 

 

  (xem tiếp)


Thứ bảy sau Chúa nhật VI - Thường Niên - năm A 

"Lễ Lập Tông Tòa Thánh Phêrô - Lễ Kính "

Phụng vụ muốn dùng ngày lễ hôm nay để tôn kính tòa thánh Phêrô đồng thời cũng tôn kính cá nhân Ðức Giáo Hoàng, vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian, là đấng kế vị liên tục của vị thủ lĩnh đầu tiên mà Chúa Giêsu đã trao cho trọng trách chăn dắt các chiên con và chiên Mẹ của Ngài. Bởi đó, Ðức Giáo Hoàng đã trở thành vị mục tử tối cao hướng dẫn toàn thể Giáo Hội. Chính vì thế thánh lễ này là một lời tuyên xưng trọng thể quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng ở Rôma.

Trong nhiều thế kỷ trước, có hai lễ riêng biệt: một để kính tòa thánh Phêrô ở Antiôkia, một để kính tòa thánh Phêrô ở Rôma. Nhưng vì cả hai lễ đều mang một ý nghĩa như nhau nên ngày nay phụng vụ đặt chung vào một lễ: "Lễ kính tòa thánh Phêrô".

Ðây là một dịp Giáo Hội kêu mời giáo dân hãy cầu nguyện nhiều cho Ðức Thánh Cha trước những khó khăn lớn lao mà ngài phải đương đầu trong thế giới hôm nay.

 

 

  (xem tiếp)


Thứ sáu sau Chúa nhật VI - Thường Niên - năm A 

"Ai muốn theo Tôi thì hãy từ bỏ chính bản mình đi và vác thập giá của mình mà theo Tôi."

Bóng thánh giá đã xuất hiện ngay từ ban đầu trong vườn địa đường, ngay trước cả nguyên tội!
 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Sáu tuần VI Thường Niên hôm nay thuật lại lời Chúa Giêsu khẳng định với "dân chúng cùng các môn đệ" của Người về điệu kiện ắt có và đủ, bất khả thiếu và bất khả phân ly để nhờ đó họ có thể xứng đáng làm môn đệ của Người và theo Người cho tới cùng, bằng không chắc chắn họ sẽ đứt gánh giữa đường một cách nào đó và vào một lúc nào đó. Điều kiện tối căn bản và cần thiết đó là: "Ai muốn theo Tôi thì hãy từ bỏ chính bản mình đi và vác thập giá của mình mà theo Tôi".

 

Thật ra chính bản thân của con người chẳng những không có gì là xấu đến độ phải bỏ đi, trái lại, mà còn là một yếu tố bất khả thiếu để làm nên con người, để là một con người. Bởi vì, bản thân đó chính là cái tôi của từng cá thể con người, một bản ngã đặc thù duy nhất trên trần gian này, hoàn toàn khác với bất kỳ một ai được sinh ra trên đời này, từ tạo thiên lập địa cho tới tận thế. Và chính cái tôi đặc thù ấy, cái bản ngã duy nhất ấy trên trần gian được coi là căn tính của từng cá thể con người ấy mà họ mới là hình ảnh Thiên Chúa là vị Thiên Chúa duy nhất.

 

Nếu con người không có bản ngã, không có cái tôi thì cũng chẳng khác gì loài vật, một tập thể bao gồm cả đống hay cả đoàn sinh vật hổ lốn, nhìn con nào cũng như nhau, và con người hổ lốn như con vật như thế sẽ chẳng có trách nhiệm gì về việc mình làm, và việc họ làm sẽ chẳng có giá trị nhân bản... Vậy thì tại sao Chúa Giêsu lại bảo những ai muốn theo Người cần phải "bỏ chính bản thân mình" đi như thế?

 

  (xem tiếp)


Thứ năm sau Chúa nhật VI - Thường Niên - năm A 

"Thày là Đức Kitô" - "dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi"

Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Tư tuần VI Thường Niên hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu chữa lành cho một người mù ở Betsaida. Thế nhưng, cách thức chữa lành của Người trong trường hợp này thật là đặc biệt, bao gồm những cử chỉ và tiến trình của một việc chữa trị (treatment) hơn là chữa lành (healing) đùng một cái là xong, chẳng hạn bằng một lời truyền.

 

Dân chúng thì vẫn cứ tưởng như thế, cứ tưởng Chúa Giêsu đầy quyền năng chỉ cần một cử chỉ đơn giản nào đó là nạn nhân liền được khỏi, như họ đã từng chứng kiến ở những trường hợp khác, thậm chí chỉ cần sờ vào gấu áo của Người cũng được khỏi như trường hợp của người đàn bà bị loạn huyết 12 năm trong Bài Phúc Âm Thứ Ba tuần IV Thường Niên 2 tuần trước. 

 

Đó là lý do Thánh ký Marco đã cho chúng ta thấy chi tiết về khuynh hướng "mì ăn liền" này nơi dân chúng: "Người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy", không phải để chúc lành suông cho nạn nhân bị mù này, mà là để chữa lành cho con người mù lòa bất hạnh đáng thương ấy. Tuy nhiên, chắc họ cũng lấy làm lạ lạ lần này Đấng mà họ tin tưởng đầy quyền năng chữa lành này lại tác hành một cách lạ lùng. Ở chỗ:

  (xem tiếp)


Thứ tư sau Chúa nhật VI - Thường Niên - năm A "Tôi thấy người ta đi lại như cây cối" - "một cành ô liu xanh tươi"

Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Tư tuần VI Thường Niên hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu chữa lành cho một người mù ở Betsaida. Thế nhưng, cách thức chữa lành của Người trong trường hợp này thật là đặc biệt, bao gồm những cử chỉ và tiến trình của một việc chữa trị (treatment) hơn là chữa lành (healing) đùng một cái là xong, chẳng hạn bằng một lời truyền.

 

Dân chúng thì vẫn cứ tưởng như thế, cứ tưởng Chúa Giêsu đầy quyền năng chỉ cần một cử chỉ đơn giản nào đó là nạn nhân liền được khỏi, như họ đã từng chứng kiến ở những trường hợp khác, thậm chí chỉ cần sờ vào gấu áo của Người cũng được khỏi như trường hợp của người đàn bà bị loạn huyết 12 năm trong Bài Phúc Âm Thứ Ba tuần IV Thường Niên 2 tuần trước. 

 

Đó là lý do Thánh ký Marco đã cho chúng ta thấy chi tiết về khuynh hướng "mì ăn liền" này nơi dân chúng: "Người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy", không phải để chúc lành suông cho nạn nhân bị mù này, mà là để chữa lành cho con người mù lòa bất hạnh đáng thương ấy. Tuy nhiên, chắc họ cũng lấy làm lạ lạ lần này Đấng mà họ tin tưởng đầy quyền năng chữa lành này lại tác hành một cách lạ lùng. Ở chỗ:

  (xem tiếp)


Thứ ba sau Chúa nhật VI - Thường Niên - năm A "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê"

Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần VI Thường Niên Hậu Giáng Sinh hôm nay liên quan chính yếu đến lời cảnh báo của Chúa Giêsu với thành phần tông đồ là các môn đệ nồng cốt của Người: "Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê". Thế nhưng, tiếc thay, thành phần môn đệ của Người hầu như toàn là thành phần quê mùa chất phác, hay có trí thức một chút như chàng Mathêu hay Batôlômêo cũng đầy lòng chân thành nên cũng chẳng nghĩ gì sâu xa. Bởi đó, sau khi nghe Thày mình nói như vậy, các vị bảo nhau rằng: "Tại mình không có bánh", bởi các vị lại cứ tưởng Người bảo các vị đừng ăn bánh của nhóm biết phái và Hêrôđê, vì men liên quan đến bánh, mà hãy ăn số bánh mang theo thôi, trong khi đó "các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền".

 

  (xem tiếp)


Thứ Hai sau Chúa nhật VI - Thường Niên - năm A   -  Đức Kitô - Điềm lạ

Hôm nay là Thứ Hai trong Tuần VI Thường Niên Năm Chẵn, Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco thuật lại cho chúng ta biết về một cuộc đụng độ gây ra bởi thành phần vẫn theo dõi Chúa Giêsu để bắt bẻ Người và tìm cách tố cáo Người, một đối thủ không đội trời chung của họ trên đấu trường dân Do Thái, thành phần dân chúng không thông luật bằng họ, không giữ luật như họ, thậm chí còn được họ dạy luật cho, bấy giờ lại chẳng những tỏ lòng kính phục và tôn sùng nhân vật xuất hiện từ một nơi chẳng có danh tiếng gì, được gọi là Nazarét (chứ không phải ở gần giáo đô Giêrusalem như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả), xứ Galilêa (chứ không phải xứ Giuđêa là nơi thuộc vương quốc Đavít), mà còn kéo nhau đổ xô tuốn đến với nhân vật này.

 

 Thánh Marco đã trình thuật lại cuộc đụng độ này như sau: "Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: 'Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào'. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia".

 

Dầu sao chúng ta cũng thấy rằng, về phía thành phần biệt phái trong bài Phúc Âm hôm nay, bất chấp thành kiến và ác cảm của mình, họ vẫn cứ tiếp tục nhẫn nại theo đuổi nhân vật Giêsu Nazarét, vì họ muốn biết nhân vật này thực sự là ai, từ đâu đến. Bởi thế, họ mới "xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người", để xem Người uy quyền đến đâu theo kiểu trần gian của họ. Thế nhưng, cho dù Chúa Giêsu đã làm bao nhiêu là "điềm lạ" trong dân và cho dân chính mắt họ đã thấy, như việc Người chữa lành đủ mọi bệnh nạn tật nguyền của dân, hay khu trừ ma quỉ cho dân, thế mà họ vẫn chưa cho là "điềm lạ", vẫn cứ muốn "một điềm lạ" theo ý nghĩ, ý thích và ý muốn chủ quan của họ.

 

  (xem tiếp)


Chúa nhật VI - Thường Niên - năm A   -  Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn

Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Nhật VI Thường Niên Năm A, khá dài, với 20 câu ở gần cuối đoạn 5 của Phúc Âm Thánh ký Mathêu, bao gồm những lời giáo huấn của Chúa Giêsu về Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành sau phần mở đầu liên quan đến chính Các Phúc Đức Trọn Lành (Chúa Nhật IV Thường Niên Năm A) và vai trò "là muối đất" và "là ánh sáng thế gian" của thành phần tông đồ môn đệ của Người với thế giới nhân sinh (Chúa Nhật IV Thường Niên Năm A).

Bài Phúc Âm 20 câu hôm nay bao gồm, Chúa Giêsu muốn so sánh, hay đúng hơn, muốn khẳng định giáo huấn của Người là những gì làm cho lề luật của Thiên Chúa ở trong Cựu Ước của dân Do Thái được nên trọn, đạt được mục đích của lề luật, qua tinh thần của luật chứ không phải chữ nghĩa của luật: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn". Bởi thế, Chúa Giêsu dùng phương pháp so sánh về 3 điều tiêu biểu nhất, liên quan đến điều răn thứ 5 "chớ giết người", điều răn thứ 9 "chớ muốn vợ chồng người" và  điều răn thứ 8 "chớ làm chứng dối", như sau

1- Giết người: "Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẩn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ngốc, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục".

2- Ngoại tình: "Các con đã nghe nói với người xưa rằng: 'Chớ ngoại tình'. Còn Ta, Ta bảo các con: 'Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi'";

3- Thề Nguyền: "Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: 'Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa'. Còn Ta, Ta bảo các con: 'Ðừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả. Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra".

 

 

  (xem tiếp)


Thứ Bảy sau Chúa nhật V - TN A   -  Đức Kitô - Bánh hóa nhiều

Theo bộ Phúc Âm Nhất Lãm thì Chúa Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa ra nhiều 2 lần. Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Chính việc Người hóa bánh ra nhiều bởi lòng thương xót của Người với dân chúng cũng chứng thực Ngưòi thực sự là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", hợp với chủ đề cho Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh mà hôm nay là Thứ Bảy trong Tuần Thứ V.

 

Đúng thế, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này không phải chỉ tỏ mình ra qua việc Người "đầy ân sủng" ở chỗ chữa lành bệnh tật và khu trừ ma quỉ cho dân chúng, mà còn "đầy chân lý" ở chỗ giảng dạy chung dân chúng với tất cả quyền uy và thế giá của mình, cũng như ở chỗ soi lòng mở trí cho thành phần trí thức và quyền hành trong dân, như nhóm biệt phái và luật sĩ, kỳ lão và tư tế, mỗi khi họ theo dõi Người để đặt vấn đề với Người và để bắt bẻ Người.

 

Qua bài Phúc Âm hôm nay, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" ấy còn tỏ ra mình "đầy ân sủng" ở chỗ Người quan tâm đến cả nhu cầu ăn uống căn bản bất khả thiếu của dân chúng bằng việc hóa bánh ra nhiều nữa; trong khi đó, các môn đệ của Người hầu như chẳng ai để ý gì hết, hay có để ý đi nữa cũng không biết làm sao có thể đáp ứng nhu cầu của dân chúng, nếu quan tâm tại sao các vị không tự động đến thân thưa cùng Thày mình, như trường hợp Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana: "Họ hết rượu rồi" (Gioan 2:3)?

 

Chúa Giêsu tự biết Người phải làm gì, nhưng Người muốn bao gồm cả phần của những ai theo Người nữa, thành phần đã được Người tuyển chọn để thay thế Người chăm sóc đoàn chiên của Người sau này. Trước hết bằng việc tỏ cho họ thấy mối quan tâm thương cảm dân chúng của Người: "Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: 'Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến'".

 

  (xem tiếp)


Thứ Sáu sau Chúa nhật V - TN A   -  Mc 7, 31-37

Phải, trong Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Sáu Tuần V Thường Niện Hậu Giáng Sinh, đề tài "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" cho thời điểm phụng niên này vẫn được tỏ hiện ở câu cuối cùng được Thánh ký Marco ghi nhận như sau: "Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: 'Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được'".

 

Đúng thế, "ân sủng và chân lý" nơi "Người Con duy nhất đến từ Cha" là Chúa Giêsu Kitô này được dịp tỏ hiện ra ở những nỗi khốn cùng và bất lực của con người đáng thương, nhưng qua nhân tính của Người, một nhân tính đã được ngôi hiệp (hypostatic union) với thân tính để trở thành dấu chỉ hiện diện thần linh của Thiên Chúa, thành phương tiện tỏ mình ra của Thần Tính Chúa Kitô và thành bí tích thông ban sự sống của Thánh Linh là Đấng ban sự sống.

Đó là lý do trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Marco đã ghi nhận từng cử chỉ Chúa Giêsu thực hiện trong việc chữa lành cho một nam nạn nhân bị điếc, những cử chỉ được diễn tiến theo một tiến trình có vẻ phức tạp làm sao ấy, không đơn giản như trường hợp Người chẳng cần gặp mặt nạn nhân thì nạn nhân cũng được chữa lành hay được trừ quỉ, như trường hợp đứa con gái bị quỉ ám của người đàn bà dân ngoại xứ Sidon trong bài Phúc Âm hôm qua.

Trong trường hợp chữa lành cho một nạn nhân chỉ bị điếc này, một tật nguyền không trầm trọng bằng bại liệt hay bị quỉ ám, thế mà Chúa Giêsu đã phải làm 5 cử chỉ liền, theo đúng thứ tự thủ tục Người cố ý làm, như được thuật lại như sau: "Người đem anh ta ra khỏi đám đông (1), đặt ngón tay vào tai anh (2) và bôi nước miếng vào lưỡi anh (3). Ðoạn ngước mắt lên trời (4), Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là 'hãy mở ra' (5), tức thì tai anh được sõi sàng".

  (xem tiếp)


Thứ Năm sau Chúa nhật V - TN A   -  Mc 7, 24-30

Bài Phúc Âm cho Thứ Năm Tuần V Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay liên quan đến một đàn bà "dân ngoại", thuộc "dòng giống Syrôphênixi", ở "địa hạt Tyrô và Siđon" ngoài lãnh thổ dân Do Thái. Sở dĩ Chúa Giêsu đến vùng đất của dân ngoại này, không còn trong lãnh thổ dân Do Thái ấy, là vì "Người không muốn ai biết mình", khi Người "vào một nhà kia" ở đó. Người có ngờ đâu rằng, nói theo kiểu trần gian, danh tiếng của ngài, như bài Phúc Âm cho Thứ Năm Tuần 2 Thường Niên đã lan khắp đất nước Do Thái, vượt cả ra ngoài biên cương bờ cõi của đất nước này nữa: "Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm".

Bởi thế, Người đã lọt vào tầm mắt theo dõi thật chuyên nghiệp trinh thám và lỗ tai nghe ngóng vô cùng thính thị của một người đàn bà dân ngoại chưa bao giờ gặp Người, như Bài Phúc Âm hôm nay ghi lại: "Người không muốn ai biết mình, nhưng người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người... xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà".

 

  (xem tiếp)


Thứ Tư sau Chúa nhật V - TN A   -  Mc 7,14-23

Bài Phúc Âm cho Thứ Tư tuần 5 Thường Niên Hậu Giáng Sinh hôm nay liên quan đến bản thân của con người ta và những gì làm cho con người ra nhơ bẩn. Theo Lời Chúa Giêsu phán dạy cho các tông đồ ở bài Phúc Âm hôm nay thì "Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế". 

Nếu những gì xuất phát từ nội tâm của con người mới làm cho họ ra ô uế xấu xa thì ngược lại những gì từ ngoài vào không thể nào làm cho họ ra ô uế, như chính Chúa Kitô đã khẳng định trong cùng bài Phúc Âm hôm nay: "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế". Vì, như Người dẫn giải thêm cho các môn đệ khi ở riêng với các vị: "tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra". Căn cứ vào đó, Thánh ký Marcô đã thêm chi tiết kết luận như sau: "Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch". \

 

  (xem tiếp)


Thứ Ba sau Chúa nhật V - TN A - Lễ Mẹ Lộ Đức   -  Đức Kitô Luật Dạy

Hôm nay, Thứ Ba Tuần V Thường Niên, Bài Phúc Âm vẫn tiếp tục chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" cho chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh kéo dài tới Thứ Tư Lễ Tro mở đầu Mùa Chay hằng năm.

Nếu trong Bài Phúc Âm hôm qua, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" tỏ mình ra, đúng hơn, thông mình ra, hay thông ban ân sủng của mình ra qua việc chữa lành bệnh nạn tật nguyền, thậm chí bằng cả gấu áo của Người cho những ai tin tưởng chạm đến gấu áo ấy, thì trong Bài Phúc Âm hôm nay, Người tỏ mình ra "là chân lý" (Gioan 14:6), Người thông ban chân lý của Người và từ Người ra cho những ai mù quáng, hay nói cách khác, Người mang chân lý đến cho những ai về tâm linh cần chữa lành cái vô thức hay mù quáng của họ, như những người bị bệnh nạn tật nguyền về phần xác cần được Người chữa lành về thể lý vậy.

Thật thế, thành phần mù quáng về tâm linh cần được "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" chữa lành cho đó là "những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem", tức là thành phần giữ luật, thông luật và dạy luật thuộc loại thế giá, thế lực, thuộc loại chính qui, chính gốc, bởi họ có dính dáng tới giáo đô "Giêrusalem", như thể các vị giáo sĩ ở các nước Công giáo trên khắp thế giới ngoài Âu Châu và Tây phương, như ở Á Châu hay Phi Châu hoặc Mỹ Châu Latinh có bằng cấp ở Giáo đô Roma vậy. 

Thành phần biệt phái và luật sĩ thuộc loại chính hiệu "made in Jerusalem" này đã bị khuyết tật hay bị mắc tật nguyền bẩm sinh di truyền mù quáng này ở chỗ nào, nếu không phải ở chỗ đúng như lời Chúa Giêsu nhận định và khiển trách họ trong bài Phúc Âm hôm nay: 

"Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người"

 

 

(xem tiếp)


Thứ Hai sau Chúa nhật V - Năm A   -  Chúa Kitô Thần Lực

Hôm nay, Thứ Hai Tuần V Thường Niên, chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" cho chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh kéo dài tới Thứ Tư Lễ Tro mở đầu Mùa Chay hằng năm, lại càng rõ nét hơn bao giờ nơi Bài Phúc Âm hôm nay, một bài phúc âm được Thánh ký Marco thuật lại về quyền năng chữa lành của Người như sau:

"Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh".
 

Thật vậy, cảnh tượng được Bài Phúc Âm hôm nay trình thuật đã làm cho chúng ta thấy được hình ảnh đáng thương của thành phần dân chúng đau khổ bởi tật nguyền bệnh nạn cần được chữa lành luôn sống trong hy vọng, đợi chờ và tìm kiếm Đấng Cứu Tinh của mình: "nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng". 

 

 

. (xem tiếp)


Chúa Nhật V thường niên - Năm A   -  Các con là sự sáng thế gian

Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật V Thường Niên Năm A hôm nay tiếp tục ngay sau bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Thường Niên Năm A, một bài Phúc Âm về Các Phúc Đức Trọn Lành được Chúa Giêsu chỉ dạy riêng cho các môn đệ thân tín của Người, để các vị có thể "giảng dạy cho họ tất cả những gì Thày đã truyền dạy các con" (Mathêu 28:20), trước hết bằng đời sống chứng nhân của các vị, như "ánh sáng" chiếu tỏa trên "thế gian" này.  

Đúng thế, nội dung của những lời Chúa Giêsu tiếp tục dạy cho các môn đệ của Người trong bài Phúc Âm hôm nay (5:13-16) đã cho thấy rõ ý hướng của Người, như câu mở đầu của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, tỏ lộ, ở chỗ Người dạy riêng cho các môn đệ nhưng nhắm đến lợi ích chung dân chúng và riêng đoàn chiên của các vị sau này: "Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng...". 

Đó là lý do Người đã khẳng định với các môn đệ của Người rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời". 

 

. (xem tiếp)


Ngày 07 tháng hai 2020   -  Đức Kitô Đầu Não

Ngày Thứ Sáu trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay bài Phúc Âm đã chứng thực chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này, với câu đầu tiên như thế này: "Khi ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng".

Tuy nhiên, đối với chung dân chúng thì sở dĩ "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" trở thành "lừng lẫy danh tiếng" như thế là vì, như Bài Phúc Âm hôm nay cho biết: "kẻ thì nói: 'Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những việc lạ lùng'; kẻ thì bảo: 'Ðó là Êlia'; kẻ khác lại rằng: 'Ðó là một tiên tri như những tiên tri khác'". Còn riêng vua Hêrôđê thì khi "nghe vậy (đã) nói: 'Ðó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại'".

Thật ra, theo nội dung của bài Phúc Âm hôm nay thì "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" không đóng vai chủ động và tự tỏ mình ta như các bài Phúc Âm trước, mà chỉ được nói đến lúc đầu thôi rồi sau đó chỉ liên quan đến những chi tiết về sự kiện vua Hêrôđê sát hại Tiền Hô Gioan Tẩy Giả vậy thôi. Thế nhưng, chính trọng sự kiện có tính cách tiêu cực như "sự cố" này cũng đã gián tiếp cho thấy Người quả thực là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý". 

Không phải hay sao, chính Hêrôđê đã phải công nhận mối liên hệ bất khả phân ly giữa Chúa Kitô là nhân vật mà ông ta chưa bao giờ gặp mà lại rất mong muốn được gặp (xem Luca 23:8) với nhân vật đã bị ông bất đắc dĩ phải cắt thủ cấp, chỉ vì đã bị lỡ lời giữa cả một triều thần bá quan văn võ để giữ lấy thể diện của mình, ở chỗ, ông đã đồng hóa hai nhân vật đặc biệt này của ông thành một: "Ðó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại".

 

 

. (xem tiếp)


Ngày 06 tháng hai 2020   -  Đức Kitô Sai Đi

Hôm nay, Thứ Năm trong Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này vẫn tiếp tục được tỏ hiện trong Bài Phúc Âm hôm nay, bài đọc chính yếu cho phần phụng vụ Lời Chúa mỗi ngày.

Ở chỗ, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", trong sự kiện Người "gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi", "Người (đã) ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế", và quả thực cái "quyền trên các thần ô uếnày nơi các tông đồ được Người sai đi như thế đã thực sự có tác dụng: "Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân".

Thế nhưng, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này không phải chỉ được tỏ hiện ở thành quả gặt hái được bởi các tông đồ, mà nhất là ở những gì các tông đồ thực hiện theo lời Người căn dặn các vị nữa, bằng không, cho dù các vị có quyền năng trừ quỉ đấy, quyền năng ấy cũng không có tác dụng gì hay chẳng tác dụng là bao nhiêu từ các vị, như sau này đã có lần các vị đã không trừ được quỉ (xem Marco 9:18,28-29), nếu các vị không sống theo tinh thần được Người chỉ bảo cặn kẽ kỹ càng trong Bài Phúc Âm hôm nay trước khi các vị lên đường thi hành sứ vụ truyền giáo của các vị:

 

. (xem tiếp)