ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Tất Niên cho Giờ Kinh Chiều Áp Lễ Mẹ Thiên Chúa

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

 


Pope Francis in St. Peter's Basilica Dec. 31, 2017. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

(Hình 31/12/2017)

Vị bị đau thần kinh tọa, ĐTC đã không thể chủ sự giờ kinh chiều 31/12/2020 áp Lễ Mẹ Thiên Chúa và chủ tế Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa sáng 1/1/2021,
nhưng bài giảng của ngài đã được vị chủ sự giờ kinh chiều áp Lễ Mẹ Thiên Chúa đọc thay ngài, giờ kinh bao gồm cả Chầu Thánh Thể và Hát Kinh Te Deum Tất Niên.

 



Trong các bài đọc của Thánh Lễ hôm nay, có 3 động từ được nên trọn nơi Mẹ Thiên Chúa, đó là chúc phúc, được hạ sinh và gặp thấy.
 

Chúc PhúcTrong Sách Dân Số, Chúa nói với các vị thừa tác viên thánh của Ngài hãy chúc phúc cho dân của Ngài: "Vậy các ngươi hãy chúc phúc cho dân Israel: Các ngươi hãy nói cùng họ rằng: 'Chúa chúc phúc cho anh chị em'" (6:23-24). Đây không phải là một huấn dụ đạo đức, mà là một yêu cầu đặc biệt. Cả ngày hôm nay nữa, các vị linh mục cần phải liên lỉ chúc phúc cho Dân Chúa, và chính các tín hữu là thành phần mang lấy phúc lành được các vị chúc phúc. Chúa biết chúng ta cần được chúc phúc biết bao. Việc đầu tiên Ngài làm sau khi tạo dựng nên thế giới này đó là phán rằng tất cả mọi sự đều tốt đẹp (bene-dicere), và phán về chúng ta rằng chúng ta thật là tốt đẹp. Tuy nhiên, chúng ta đã được lãnh nhận Người Con của Thiên Chúa không phải bằng những lời chúc phúc, mà bằng chính phúc lành: Chúa Giêsu tự thân là phúc lành của Chúa Cha. Nơi Người, như Thánh Phaolô nói, Chúa Cha chúc phúc cho chúng ta "với hết mọi phúc lành" (Eph 1:3). Mỗi khi chúng ta mở lòng mình ra cho Chúa Giêsu là phúc lành của Thiên Chúa đến với cuộc sống của chúng ta.

Hôm nay, chúng ta mừng Con Thiên Chúa, Đấng tự bản chất "được chúc phúc", Đấng đến với chúng ta qua Mẹ của Người, vị "có phúc" bởi ân sủng. Nhờ thế Mẹ Maria mang phúc lành của Thiên Chúa đến cho chúng ta. Chúa Giêsu đến với chúng ta bất cứ Mẹ ở nơi nào. Bởi thế, chúng ta cần phải tiếp đón Mẹ như Thánh Isave, vì ngay khi nhận biết phúc lành này nơi Mẹ, thì đã kêu lên rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người nữ và hoa trái của lòng em được chúc phúc" (Lk 1:42). Chúng ta lập lại những lời này một khi chúng ta đọc Kinh Mừng MariaKhi tiếp nhận Mẹ là chúng ta được lãnh nhận một phúc lành, nhưng chúng ta đồng thời cũng biết chúc phúc nữa. Đức Mẹ dạy chúng ta rằng các thứ phúc lành được lãnh nhận là để được trao ban. Mẹ là vị được chúc phúc đã trở nên một phúc lành cho tất cả những ai Mẹ gặp gỡ: cho Isave, cho đôi tân hôn ở tiệc cưới Cana, cho các vị Tông Đồ ở Căn Thượng Lầu Tiệc Ly... Chúng ta cũng được kêu gọi để chúc phúc, để "nói hay nói tốt" vì danh Chúa. Thế giới của chúng ta đang bị phóng uế trầm trọng bởi cách thức chúng ta "nói năng" và nghĩ "xấu" về người khác, về xã hội, về bản thân mình. Nói bậy là những gì băng hoại và thối nát, ngược lại, chúc phúc là những gì phục hồi sự sống và cống hiến sức mạnh cần thiết để lại tái khởi đầu từng ngày sống. Chúng ta hãy xin Mẹ Thiên Chúa ơn trở thành những con người chất chứa phúc lành của Thiên Chúa cho người khác, như Mẹ là phúc lành cho chúng ta vậy.

Động từ thứ hai là được hạ sinh. Thánh Phaolô cho thấy rằng Con Thiên Chúa "được hạ sinh bởi một người nữ" (Gal 4:4). Nơi mấy chữ này, ngài làm cho chúng ta thấy một cái gì lạ lùng làm sao ấy, ở chỗ, Chúa được sinh ra như chúng ta. Người đã không xuất hiện tại hiện trường như là một người lớn, mà là như một con trẻ. Người đã vào thế gian không từ chính mình mà từ một người nữ, sau chín tháng trong lòng dạ của Mẹ Người, vị đã hình thành nên nhân tính của Người. Trái tim của vị Chúa này bắt đầu đập trong Mẹ Maria; vị Thiên Chúa của sự sống hấp thụ dưỡng khí từ Mẹ. Từ bấy giờ Mẹ Maria đã liên kết chúng ta với Thiên Chúa, vì nơi Mẹ Thiên Chúa gắn liền bản thân Người với xác thịt của chúng ta, và Người không bao giờ rời xa nó. Thánh Phanxicô đã thích nói rằng Mẹ Maria "đã biến vị Chúa Uy Nghi Cao Cả thành người anh của chúng ta" (SAINT BONAVENTURE, Legenda Maior, 9, 3). Mẹ chẳng những là cây cầu nối chúng ta với Thiên Chúa; Mẹ còn hơn thế nữa. Mẹ là con đường Thiên Chúa đã hành trình để đến gặp chúng ta, và cũng là con đường chúng ta cần phải hành trình để đến với Người. Qua Mẹ Maria, đường lối Thiên Chúa muốn chúng ta gặp gỡ Người nơi tình yêu dịu dàng, nơi tình thân ái, nơi xác thịt. Vì Chúa Giêsu không phải là một ý nghĩ trừu tượng; Người là Đấng thực hữu và nhập thể; Người "đã được hạ sinh bởi một người nữ, và âm thầm lớn lên. Các nguời nữ đều biết đến loại tăng trường thầm lặng này. Nam nhân chúng ta có khuynh hướng trừu tượng và muốn có ngay các thứ. Phụ nữ là thành phần cụ thể và biết cách thêu dệt những đường nét cuộc đời một cách thầm kín nhẫn nại. Biết bao nhiêu là người nữ, biết bao nhiêu là người mẹ, sinh sản và lại cứ sinh sản sự sống, cống hiến cho thế giới một tương lai!

Chúng ta ở trên thế gian này không phải để chết mà là để cống hiến sự sống. Người Mẹ thánh của Thiên Chúa dạy chúng ta rằng bước đầu tiên để cống hiến sự sống cho những ai ở chung quanh chúng ta đó là biết mến thương nó ngay trong bản thân mình. Phúc Âm hôm nay nói với chúng ta rằng Mẹ Maria "đã lưu giữ tất cả những sự ấy trong lòng mình" (cf Lk 2:19). Sự thiện xuất phát từ cõi lòng. Quan trọng biết bao trong việc giữ cho cõi lòng của chúng ta được tinh tuyền, trong việc vun trồng đời sống nội tâm của chúng ta, cũng như trong việc kiên trì cầu nguyện của chúng ta! Quan trọng biết bao trong việc giáo huấn cõi lòng của chúng ta biết chăm sóc, trong việc mến thương những con người cùng sự vật chung quanh chúng ta. Hết mọi sự được bắt đầu từ chỗ này: từ chỗ mến thương người khác, mến thương thế giới và thiên nhiên tạo vật. Cần phải biết rằng có nhiều người và nhiều thứ chúng ta không mến thương. Năm nay, trong khi chúng ta hy vọng có được những khởi đầu mới, cùng với những chữa lành mới, chúng ta đừng lơ là với việc chăm sóc. Cùng với thuốc chủng ngừa cho thân xác của chúng ta, chúng ta cần đến một thứ chủng ngừa cho cả tâm can của chúng ta nữa. Thuốc chủng ngừa này là việc chăm sóc. Năm nay sẽ là một năm tốt đẹp nếu chúng ta biết chăm sóc cho nhau, như Đức Mẹ đối với chúng ta vậy.

Động từ thứ ba là gặp thấy. Phúc Âm cho chúng ta biết rằng các mục đồng "đã thấy Maria, Giuse và con trẻ" (v.16). Họ không thấy những dấu lạ lùng và ngoạn mục, mà chỉ là một gia đình đơn nghèo. Tuy nhiên, ở đó họ đã thực sự gặp thấy Thiên Chúa, Đấng cao cả nơi sự nhỏ bé, quyền năng nơi sự mềm mại. Thế nhưng làm sao các mục đồng đã có thể thấy được dấu kín đáo này? Họ được kêu gọi bởi một vị thiên thần. Cả chúng ta nữa đã không gặp thấy Thiên Chúa nếu chúng ta không được kêu gọi bởi ân sủng. Chúng ta không bao giờ có thể mường tượng ra được một Vị Thiên Chúa như thế, được người nữ hạ sinh, Đấng cách mạng lịch sử bằng tình yêu thương hiền dịu. Tuy nhiên, nhờ ân sủng chúng ta đã thực sự gặp thấy Ngài. Và chúng ta đã khám phá ra rằng việc Người thứ tha mang lại những gì là tái sinh, ơn an ủi của Người thắp lên niềm hy vọng, sự hiện diện của Người tuôn đổ xuống niềm vui bất khả đè nén. Chúng ta đã gặp thấy Người nhưng chúng ta không được để Người khuất bóng. Thật vậy, không bao giờ được gặp thấy Chúa một lần là xong: từng ngày Người cần được gặp thấy một cách mới mẻ. Bởi thế mà Phúc Âm diễn tả các mục đồng như liên lỉ tìm kiếm, liên lỉ chuyển động: "Họ vội vã lên đường, họ đã gặp thấy, họ đã tỏ ra, họ đã trở lại tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa" (vv. 16-17,20). Họ không thụ động, vì để lãnh nhận ân sủng, chúng ta cần phải chủ động.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta được kêu gọi để gặp thấy những gì vào đầu năm nay? Cần phải tìm giờ cho một ai đó. Thời giờ là một kho tàng mà tất cả chúng ta đều sở hữu, tuy nhiên chúng ta canh giữ nó một cách ganh tị, vì chúng ta muốn sử dụng nó chỉ cho bản thân của chúng ta thôi. Chúng ta hãy xin ơn biết tìm giờ cho Chúa cũng như cho tha nhân của chúng ta - cho những ai đang lẻ loi cô độc hay khổ đau, cho những ai cần có người lắng nghe và tỏ ra quan tâm tới họ. Nếu chúng ta có thể tìm giờ để cống hiến thì chúng ta sẽ cảm thấy ngỡ ngàng và đầy tràn niềm vui, như các mục đồng vậy. Xin Đức Mẹ, Đấng đã mang Thiên Chúa vào thế giới thời gian này, giúp chúng ta biết sử dụng thời giờ của chúng ta một cách rộng lượng. Lạy Người Mẹ Thánh của Thiên Chúa, chúng con xin dâng hiến Năm Mới này cho Mẹ. Mẹ là Đấng biết ấp ủ các thứ trong lòng Mẹ, hãy chăm sóc chúng con, chúc phúc cho thời giờ của chúng con, và dạy chúng con biết tìm giờ cho Thiên Chúa và cho người khác. Với niềm hân hoan và tin tưởng, chúng con tung hô Mẹ là Người Mẹ Thánh của Thiên Chúa! Amen.

 

http://www.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2021/documents/papa-francesco_20210101_omelia-madredidio-pace.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu