Chúa Nhật X - Năm B - MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
BÍ TÍCH TÌNH YÊU
     Lm, Thiên Ngọc, CMC

“Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi?

Tôi sẽ lãnh chén cứu độ và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa” (Tv 115,12-13)

Các bạn quý mến,

Trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ để củng cố lòng tin và tỏ tình thương xót. Nhưng thử hỏi đâu là phép lạ vượt trên mọi phép lạ, phép lạ vĩ đại và mầu nhiệm nhất? Thưa, đó là phép lạ biến đổi bản thể, gọi tắt là biến thể. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã biến đổi bản thể bánh và bản thể rượu thành Mình và Máu Người, và dạy rằng việc này phải được cử hành qua mọi thời đại cho tới khi Người quang lâm.

Trước bí tích Thánh Thể, tâm tình các thánh vang lên tràn trào, như lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc đến khi ban hành thông điệp về Thánh Thể: “Kính chào Thân Mình đích thực, sinh bởi lòng dạ Đức Trinh Nữ, đã thực sự chịu đau khổ, bị sát tế và treo trên thập giá vì loài người! Đây là kho báu của Hội Thánh, là con tim của thế giới, là bảo chứng của sự thành toàn mà mọi người nam nữ khát khao dù không ý thức” (EE 59).

Theo lẽ thường, hễ yêu ai hết mình thì sẵn lòng hiến thân cho người đó. Do tình yêu thương đến cùng của Người, trong buổi chiều Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể và ban cho Hội Thánh kho tàng thiêng liêng này. Chúa Giêsu còn có thể làm gì cho chúng ta hơn nữa, vì trong Thánh Thể, bí tích Tình Yêu, Người bày tỏ cho chúng ta một tình yêu tận cùng (x. EE 11), qua sự hiện diện, trao ban và kết hiệp.

1. Hiện diện. Thật vậy, khi lập bí tích Mình Máu Thánh, Chúa Kitô muốn ở cùng chúng ta luôn mãi. Yêu nhau thì cần hiện diện bên nhau, vì thường dễ cứ xa mặt thì cách lòng. Trong niềm hân hoan, Hội Thánh kinh nghiệm dưới nhiều hình thức sự thực hiện liên lỉ lời hứa của Đấng Phu Quân: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Nhưng trong bí tích Thánh Thể, Hội Thánh vui hưởng sự hiện diện này với một cường độ mãnh liệt duy nhất. Kể từ ngày lễ Ngũ Tuần, khi Hội Thánh, Dân của Giao Ước mới, bắt đầu cuộc hành trình tiến về Quê Trời, Bí tích thần thiêng này tiếp tục ấn dấu trên ngày sống bằng cách tuôn đổ trên họ niềm hy vọng tin tưởng (x. EE 1).

2. Trao ban. Kế đến, Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện là cốt để trao ban, trao ban cho chúng ta những ân huệ vô giá. Công Đồng Vaticanô II trong sắc lệnh Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục nói rằng Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả Của Cải thiêng liêng của Giáo Hội: đó là chính Đức Kitô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh và Bánh Hằng Sống của chúng ta. Người trao ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã trở nên sống động nhờ Thánh Thần và làm cho con người được sống (x. PO 5). “Trong Thánh Thể chúng ta có Đức Giêsu, chúng ta có hy tế cứu độ của Người, chúng ta có sự sống lại của Người, chúng ta có ân ban của Chúa Thánh Thần, chúng ta có sự tôn thờ vâng phục và tình yêu đối với Chúa Cha. Nếu xem thường Thánh Thể, làm sao chúng ta có thể khắc phục sự nghèo hèn bất toàn của mình?” (EE 60).

3. Kết hiệp. Cuối cùng, Chúa Giêsu trao ban chính Người cho chúng ta là để kết hiệp với mỗi người chúng ta. “Tự bản chất, hy tế Tạ Ơn hướng đến sự kết hiệp nội tâm của người tín hữu với Chúa Kitô qua việc rước lễ: chúng ta lãnh nhận chính Đấng đã tự hiến vì chúng ta, chúng ta lãnh nhận Mình Người bị trao nộp vì chúng ta và Máu Người đổ ra cho muôn người được tha tội” (EE 16). Đó là sự kết hợp của cành nho với thân nho mà hiệu quả là cái gì có ở trong thân thì cũng sẽ có ở cành. Nhờ đó, cành sẽ sinh nhiều hoa trái: trong chúng ta sẽ tiếp diễn sự nhiệt thành của Chúa, sự khiêm tốn của Chúa, sự hiền hậu của Chúa, tâm tình hiếu thảo của Chúa, lòng thương xót của Chúa, v.v... Nhờ kết hiệp với Thánh Thể, chúng ta sẽ được thần hóa, sẽ dần dần trở thành khuôn mặt của Chúa Kitô, trở nên sự hiện diện khiêm hạ của Người.

“Caro Christi est caro Mariae”: Thịt máu Chúa Kitô là thịt máu của Đức Maria (Thánh Augustinô). Thật hiển nhiên, mọi Kitô hữu cần phải tri ân Mẹ Maria luôn luôn vì nhờ Mẹ, Con Một Chúa mặc xác phàm để hiến tế mạng sống và ban Mình cho chúng ta. Cũng vì lẽ ấy, Mẹ Maria là mẫu gương cao đẹp sáng ngời nhất của sự kết hợp với Thánh Thể. Cho nên, vẫn là điều cần thiết phải xin Mẹ giúp con cái, dầu giữa biết bao vất vả hay yếu hèn trong đời sống, thường xuyên đến dự Thánh lễ với tấm lòng khát khao kết hợp, để Chúa Giêsu Thánh Thể làm nên sự sống viên mãn và hạnh phúc tròn đầy cho mình.

“Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành và là Bánh thần linh, xin tỏ lòng thương xót chúng con; xin nuôi dưỡng, che chở chúng con; xin cho chúng con nhìn thấy vinh quang của Người chiếu toả trong đất những kẻ hằng sống. Lạy Chúa là Đấng thấu suốt và làm được mọi sự, là lương thực cho chúng con ở đời này, là nơi an nghỉ cho chúng con trong tương lai, xin cho chúng con được đồng bàn và đồng thừa hưởng với các thánh muôn đời” (Thánh Tôma Aquinô).