“Đây là lệnh truyền của Thầy: các con
hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15,12)
Chúa Nhật trước, Chúa Giêsu mời gọi
các môn đệ hãy gắn liền với Ngài như cành nho liên kết với thân nho. Với
Chúa Nhật VI Phục Sinh này, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy ở lại trong
tình yêu của Ngài. Để ở lại trong tình yêu của Ngài, Chúa Giêsu dạy ta
hãy thi hành lệnh truyền của Ngài, đó là hãy yêu thương nhau, như chính
Ngài đã yêu thương chúng ta (x.Ga 15,9-17).
Nhớ lại sự kiện thuật lại trong Công
Vụ Tông Đồ. Khi Thánh Phêrô đến nhà viên sĩ quan Roma với mục đích nói
về Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh cho ông theo như lòng ông khát khao,
thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã
chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn
Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các
người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa (x.Cv 10,25-48).
“Nói nhiều thứ tiếng”, theo thánh Antôn Pađôva, đó là những lời chứng về
Đức Kitô như khiêm nhường, nghèo khó, kiên nhẫn, tuân phục và nhiều nhân
đức khác. Và theo Thánh Phaolô, đức bác ái thì vượt trên tất cả nên các
môn đệ Chúa Kitô phải sở đắc sở cầu (1Cr 13).
Yêu mến nhau và yêu mến mọi người, đó
là điều Chúa Giêsu thiết tha mong mỏi các môn đệ phải thực hành, như
chính Ngài đã yêu chúng ta và nhân loại, đến mức thí mạng. Chúng ta được
chọn là để trở nên khuôn mặt tình yêu của Ngài trong thế giới, hầu cho
“khắp nơi bờ cõi địa cầu nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”
(Tv 97,3). Thánh Gioan Tông Đồ dạy: “Hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi
Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không
biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8).
Tình
yêu thương hẳn là cao quý vô cùng, đến
nỗi Chúa Giêsu coi trọng, thực hành và dạy ta thực hành. Linh mục Gioan
M. Đoàn Phú Xuân CMC trong cuốn Men Trong Bột cho ta biết các giá trị
của tình yêu thương như sau:
-
Giá trị thứ nhất là giá trị
thần bí. Chúa phán: “Đâu có hai ba người nhân danh Thầy mà hội họp lại,
Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20). Theo lời Chúa dạy, nơi nào có sự hiệp
nhất yêu thương, nơi đó có Chúa, gia đình ấy trở nên nhà của Chúa,
và những
người ở đó được hưởng sự hiện
diện đặc biệt của Ngài. Và hẳn là, ngược lại, nơi không có sự hiệp nhất
không có yêu thương,
sẽ là nơi ma quỉ ngự trị và
vắng bóng
Chúa.
-
Giá trị thứ hai là giá trị
truyền giáo, hay là giá trị chứng tá. Chúa phán: “Nếu các con yêu thương
nhau, thiên hạ sẽ cứ dấu ấy mà biết các con là môn đệ Thầy” (Ga 13,35).
Sự anh em yêu thương nhau là dấu chỉ của người môn đệ Chúa Kitô, và là
động lực thúc đẩy người ta tin theo Phúc Âm. Đó là việc truyền giáo tốt
nhất, vì nó làm chứng rằng đạo ta là đạo tốt lành.
Thánh Polycapo, khi
còn là ngoại đạo, ông đã đi lính. Một hôm quân đội của ông tới một miền
quê, thiếu lương thực, được dân chúng vui vẻ cung cấp, ông hỏi thăm mới
biết là những người dân tốt lành ấy là người giáo hữu của Đức Kitô. Sau
này khi giải ngũ, ông đã tìm hiểu đạo công Giáo và đã trở lại, đi tu
rừng và đã làm thánh. Nhờ gương bác ái của người Kitô hữu mà Giáo Hội
lan rộng khắp dân nước.
-
Giá trị
thứ ba là giá trị tu đạo, nghĩa là nó làm nên hồn sống của mọi nhân đức, mọi nhân đức
phải qui về đức ái. Thí dụ: giữ đức trinh khiết là để yêu mến cả gia
đình nhân loại thay vì yêu thương một cá nhân; giữ đức khó nghèo là để
cảm thông và chia sẻ với cấp nghèo khổ cùng cực; giữ đức tuân phục là để
bớt gánh nặng cho bề trên và mọi người hợp nhất nên một.
Nhân đức
nào
mà thiếu đức ái thì
cũng méo mó, khô cằn, không đáng công bao nhiêu. Thiếu tình yêu: giữ đức
trinh khiết là một sự ích kỷ, giữ đức hiền lành là sự nhu nhược, giữ đức
khó nghèo là một nỗi cùng quẫn, chịu sự bách hại là hèn nhát,…
-
Giá trị
thứ bốn là giá trị
phục sinh,
như lời Thánh Kinh: “Chúng ta biết rằng chúng ta đã qua sự chết mà đến
sự sống, vì chúng ta thương yêu nhau. Ai không yêu thương, thì ở trong
sự chết” (1Ga 3,14). Thực hành
giới răn này, chúng ta đang ở trong ơn tái sinh, thông phần vinh quang
phục sinh ngay từ đời này.
-
Sau cùng là giá trị thanh
tẩy. Nhờ có đức ái ta được Chúa thứ tha tội lỗi: “Đức
ái che lấp được tội lỗi” (1Pr 4,8). Đến ngày phán xét, Chúa sẽ xử đoán
ta theo đức bác ái, và tha thứ cho ta tùy ta tha thứ cho anh em: “Nếu
các ngươi tha tội cho người ta, Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha
tội cho các ngươi” (Mt 6,14). Vì thế, ai
thực hành
bác ái nhiều sẽ không bị phán
xét nặng nề. (Trích Men Trong
Bột).
Thế nhưng sống đức ái đích
thực với nhau hay với
tha nhân vẫn là một thách đố trường kỳ, không chỉ đối
với giáo dân giữa đời thường mà còn cả đối với những người tu trì nữa.
Bởi lẽ,
cuộc đời của người Kitô hữu
có một bài tập xuyên suốt và tối quan trọng, đó
là tập yêu,
ngày càng phải lớn lên trong tình yêu.
Trong Kinh Đức Ái được đọc
vào ngày thứ năm đầu tháng, Đấng Sáng Lập Dòng Đồng Công,
nay là Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc,
đã dạy anh em Dòng
phải tha thiết cầu xin đức ái và thực hành đức ái đến mức trọn hảo:
“Lạy Cha, dù chúng con là những
nạn nhân của thần tự ái, là những tội nhân vô cùng yếu đuối và khốn nạn,
nhưng vì chúng con đã
được diễm phúc làm con cưng yêu của Cha, đã tình nguyện làm thành phần
của đức ái trọn hảo, chúng con không muốn sống giả tạo và mâu thuẫn,
chúng con muốn là những chứng tá đích thực và sống động của Phúc Âm;
chúng con muốn là môn đệ, là bạn thân thật của Chúa Cứu Thế. Xin Thần
Linh Đức Ái Cha luôn
chiếm đoạt cai trị và hướng dẫn lòng chúng con, để chúng con luôn sống
bác ái trọn hảo với mọi anh em con trong cuộc sống hằng ngày: dù bị
người xét đoán, mà không đoán xét ai; trọng kính mọi anh em, dù không
được anh em kính trọng; với hết tình huynh đệ yêu mến mọi anh em, mà
không đòi được người yêu mến; không phê phán bình phẩm nói hành ai; mà
sẵn lòng chịu người chê bai đàm tiếu; quảng đại hy sinh giúp đỡ anh em,
dù bị người phản bội vong ân và quên lãng, để chúng con được nên giống
Cha, làm con cưng yêu Cha trên trời”.
“Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã dạy chúng con phải thương yêu
nhau. Chúa đã nhận giới răn yêu thương làm giới răn Chúa, Chúa lại mặc
cho nó những giá trị vô song. Xin cho con hiểu biết giá trị cao quí của
đức ái, để con say mê thực hành, hầu con được nên giống Chúa vì mỗi lần
con làm gì cho người anh em, Chúa sẽ kể như con làm cho chính Chúa vậy.
Xin Chúa làm cho con trở nên người anh hùng của đức bác ái, người tông
đồ của đức bác ái, đi tung vãi yêu thương khắp nơi, để mọi người sống
yêu thương thuận hòa, khiến mọi hiềm khích phải tan biến và Chúa hiện
diện khắp nơi, muôn người đồng tâm nhất trí ca tụng Chúa. Amen” (Men
Trong Bột, Gioan M. Đoàn Phú Xuân CMC).
Lạy Mẹ Maria,
Xin Mẹ giữ gìn tăng triển đức ái trong
tâm hồn chúng con. Xin Mẹ khử trừ và xua đuổi khỏi trí lòng chúng con
những tư tưởng ước muốn, những ngôn ngữ hành động chia rẽ, phản đối bất
mãn ghen tị, do địch thù chí tử đức ái xui xiểm, gieo rắc và phát sinh.
Xin Mẹ lấy đức ái bao la của Mẹ bao phủ và thay thế lòng chúng con, để
chúng con thiết tha yêu mến Chúa Ba Ngôi như Mẹ, luôn bác ái với mọi anh
chị em con như Mẹ, cho sáng Danh Thiên Chúa muôn đời. |