Kính
thưa quý vị và các bạn,
Trong những bài trước, chúng tôi đã trình bày một vài vấn đề
thần học về bản chất của hôn nhân, đặc biệt là qua việc đối
chiếu giữa giáo huấn của công đồng Vaticano II và bộ giáo luật
1983. Chúng ta thấy rằng những trang thần học và giáo luật mang
đầy những ưu tư mục vụ, thí dụ như trong bài chót, cuộc tranh
luận về tính cách bí tích của hôn nhân được đặt ra do tình trạng
những người khô đạo hoặc những người chỉ muốn kết hôn dân sự chứ
không muốn kết hôn ở nhà thờ. Phần nào cho đến nay, chúng ta mới
chỉ xét tới bộ mặt đẹp của hôn nhân, nghĩa là lý tưởng của hôn
nhân theo chương trình của Thiên Chúa.
Thế nhưng không phải lúc nào thực tế cũng trùng hợp với lý
tưởng, và thần học không thể làm ngơ tới sự chênh lệch ấy. Thực
ra, khi lật quyển sách Giáo Lý Hội thánh công giáo, chúng ta
thấy tất cả hai bộ mặt đó. Nói đúng ra, ta không nên đối chọi
giữa lý tưởng và thực tại, nhưng là xét cùng một thực tại dưới
hai khía cạnh: một đàng là thế tĩnh (bản chất của
nó: essentia), và một đàng là thế động (sinh hoạt:
operatio). Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo nói đến trạng thái
tĩnh của hôn nhân khi cắt nghĩa bí tích hôn phối (phần thứ hai,
từ số 1601-1666), và trạng thái động khi cắt nghĩa điều răn thứ
6 (phần thứ ba, số 2331-2400); ta cũng có thể thêm những số
2197-2233 (điều răn thứ 4) trong khía cạnh động của đời sống gia
đình.
I. Về bản chất hôn nhân : Sách Giáo lý bàn tới 6
tiết sau đây: 1) Hôn nhân trong kế hoạch của Thiên Chúa. 2) Sự
cử hành hôn nhân. 3) Sự thỏa thuận hôn nhân. 4) Công hiệu của bí
tích hôn phối. 5) Những thiện ích và yêu sách của hôn nhân. 6)
Hội thánh gia thất.
Chúng tôi không muốn lặp lại những gì đã nói trong những bài vừa
qua, xét vì sách Giáo lý trưng dẫn rất nhiều đoạn từ Công đồng
Vaticano II, tông huấn “Đời sống gia đình”, bộ giáo luật.
II. Về khía cạnh động, khi giải thích điều răn thứ
6, Sách Giáo lý đã bàn tới tình yêu vợ chồng, bao gồm sự chung
thủy cũng như sự truyền sinh (số 2360-2379); kế đó là những sự
xúc phạm tới phẩm giá hôn nhân: đứng đầu là ly dị (2382-2386);
tiếp đó là: đa thê, loạn luân, ngoại hôn, ngoại tình, vv
(2387-2391).
Như chúng ta đã thấy, sách Giáo lý đã đặt vấn đề ly dị ở hàng
đầu của những sự xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân. Tiếc thay đây
là một thực tại xã hội mà Giáo hội không thể nhắm mắt, khi mà tỉ
lệ những cặp hôn nhân tan vỡ ngày càng gia tăng.
Các chuyên viên về thần học, giáo luật, mục vụ cũng đã dành
nhiều suy tư về vấn đề này. Chúng tôi chỉ xin giới hạn vào hai
điểm : 1) Lý thuyết: Giáo hội có thể tháo gỡ dây hôn phối để cho
những người ly dị làm lại cuộc đời hay không? 2) Thực tế: Giáo
hội phải đối xử thế nào với những người ly dị và tái hôn?
A. Câu hỏi lý thuyết : hôn nhân có tuyệt đối bất khả ly hay
không ?
Thoạt tiên câu trả lời đã quá rõ ràng: hôn nhân bất khả ly, bởi
vì “con người không được tháo gỡ điều mà Thiên Chúa đã nối kết”
(Mc 10,9; Mt 19,6). Nhưng khi giở lại lịch sử, ta thấy Giáo hội
đã tháo gỡ nhiều đôi hôn phối. Thí dụ từ thế kỷ thứ XII, khi đức
Alexandro III (1159-1181) tuyên bố rằng Giáo hoàng có thể tháo
hôn phối thành nhận nhưng chưa hoàn hợp. Cũng từ thế kỷ thứ XII,
đức Innocentê III (1199) bắt đầu tháo gỡ hôn nhân những người
ngoại đạo do đặc ân của thánh Phaolô.
Thế nhưng, đó mới là khởi điểm, xét rằng từ thế kỷ XII tới nay
học lý và án lệ đã tiến triển rất nhiều. Ta đã biết rằng đặc ân
thánh Phaolô được mở rộng thành đặc ân thánh Phêrô (hay đặc ân
đức tin nói chung), khi mà Tòa thánh tháo gỡ dây hôn phối thành
hiệu giữa một kitô hữu với một người ngoại đạo (đã được miễn
chuẩn ngăn trở dị giáo). Còn sự chước chuẩn hôn phối chưa hoàn
hợp cũng sẽ tăng, xét vì bộ giáo luật hiện hành đã đòi hỏi sự
hoàn hợp phải có tính cách nhân linh (humano modo) chứ không áp
dụng cho bất cứ sự giao hợp nào! Đi từ những tiền đề lịch sử đó,
ngay từ năm 1971, giáo sư Louis de Naurois đã đặt câu hỏi: tại
sao Giáo hội không tiến thêm bước nữa để miễn chuẩn cả những hôn
phối đã hoàn hợp? Trước và sau sự hoàn hợp, bản chất của hôn
phối (kể cả xét như là bí tích) có gì khác nhau đâu?
Cũng không thiếu tác giả đề nghị một giải pháp khác ngoài việc
tháo gỡ dây hôn phối. Theo họ, trong các Giáo hội chính thống
Đông phương, không có chuyện tháo dây bí tích hôn phối: dây hôn
phối có tính cách vĩnh cửu. Nhưng họ áp dụng nguyên tắc
“oikonomia”, nguyên tắc ân sủng trong giai đoạn lữ hành trong
lịch sử cứu độ. Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào đường thánh
thiện; nhưng Ngài vẫn còn nhẫn nại với chúng ta bao lâu chúng ta
còn đang trên đường tiến về Ngài; Ngài chấp nhận những sa ngã
của ta qua bí tích tha thứ. Giáo hội cũng phải bắt chước đường
lối của Chúa: một đàng phải khẳng định về tính cách bất khả ly
của hôn nhân trên bình diện đức tin và phong hóa bởi vì đó là
một giá trị vĩnh cửu; tuy nhiên đàng khác, cần biết nhẫn nại,
không nên khư khư áp dụng một biện pháp cho hết mọi hoàn cảnh;
cần phải tìm ra một giải pháp cho mỗi hoàn cảnh cụ thể. Tuy
nhiên, để chứng tỏ cho thấy rằng sự kết hôn lần thứ nhất mang
tính chất vĩnh viễn, các cuộc tái hôn (kể cả khi người phối ngẫu
đã qua đời) đều mang dấu thống hối.
B. Vấn đề thực hành.
Trong khi chờ đợi những bước tiến pháp lý về phía nhà cầm quyền
trong Giáo hội, các vị mục tử phải đương đầu với thực trạng của
những người ly dị và tái hôn. Nếu cứ xét theo lý, thì những
người này sống trong tình trạng bất hợp pháp, hay là tội nhân
công khai, với hậu quả là không được lĩnh các bí tích thống hối
và Mình Thánh Chúa. Thế nhưng, xét theo tình, thì không lẽ cứ để
họ suốt đời sống xa Chúa và xa Giáo hội hay sao ? Chúng ta biết
rằng giải pháp quen được áp dụng cho tới nay là cố gắng tìm cách
để tuyên bố giá thú thứ nhất vô hiệu (vì mắc ngăn trở tiêu hôn,
vì hà tì ưng thuận, vì hà tì thể thức). Giải pháp khác là khuyên
nhủ họ chấp nhận sống với nhau như anh em.
Nhiều Hội đồng Giám mục đã thảo ra những đường hướng mục vụ dành
cho những người ly dị dù có tái hôn hay không. Những thí dụ điển
hình gần đây là Hội đồng Giám mục Pháp
;
Các Giám mục miền Oberrhein (Tây Nam nước Đức) với lá thư mục vụ
tháng bảy năm 1993. Đó cũng là cơ hội để các nhà thần học cũng
như toàn thể cộng đồng Dân Chúa xét lại toàn thể vấn đề, và vượt
qua nhiều thiên kiến. Một số thiên kiến thường gặp hơn cả có thể
kê ra như sau.
-
Những người ly dị không chấp nhận đạo lý về hôn nhân bất khả ly.
Không hẳn như vậy: nhiều người vẫn còn thâm tín nơi tính cách
bất khả ly, và họ cố gắng duy trì mối dây hôn phối. Họ tiếc xót
về sự đổ vỡ không tránh được, và họ đau khổ do vết thương lòng
đó.
-
Những người ly dị bị tuyệt thông. Không đúng: không có vạ nào dự
trù cho tội ly dị cả.
-
Những người ly dị bị loại khỏi Giáo hội. Không phải như vậy: các
người ly dị vẫn là phần tử của Giáo hội. Họ vẫn được mời gọi
tham gia vào đời sống của Giáo hội, tỉ như qua các buổi cầu
nguyện phụng vụ, các lớp huấn giáo. Thậm chí họ cũng được mời
gọi tham gia tích cực vào những sinh hoạt của cộng đồng, thí dụ
các hoạt động bác ái, xã hội. Dĩ nhiên, họ vẫn có trọng trách
giáo dục đạo đức cho con em của mình như những phụ huynh khác.
Những đường hướng mục vụ mà các văn kiện muốn lưu ý có thể tóm
lại như sau.
1)
Các vị mục tử cần phân biệt từng trường hợp một, như đức Gioan
Phaolô II đã viết trong tông huấn “Đời sống Gia đình” số 84: có
những người đã cố gắng hết sức để cứu vãn hôn phối nhưng họ đã
bị bỏ rơi một cách bất công; có những người đã tái hôn cốt để
dưỡng dục con cái; có người thâm tín trong lương tâm rằng hôn
phối đầu tiên đã tan vỡ và cũng vô hiệu nhưng không có đủ chứng
cớ để xuất trình ra tòa án.
2)
Các phần tử trong cộng đoàn phải tỏ ra thông cảm với nỗi đau khổ
của những đôi vợ chồng tan vỡ, và hãy nhớ lời của Phúc âm đừng
dành quyền xét đoán lương tâm của tha nhân.
3)
Các vị mục tử hãy nâng đỡ những đôi bạn ly dị, để hướng dẫn họ
khám phá ra sự thực của Phúc âm, chứ không khư khư bám theo quan
điểm chủ quan của mình. Việc lắng nghe chân lý của Phúc âm dần
dần mở đường cho việc cải hoán, một điều kiện cần thiết để lãnh
nhận bí tích.
4)
Tuy rằng các bí tích là những phương tiện thông thường để nhận
lãnh ơn Chúa, song không phải là những con đường duy nhất. Chính
sự đau khổ vì không được thông hiệp hoàn toàn vào các bí tích
cũng có thể mang lại an bình trong tâm hồn một khi kết hợp với
Thập giá của đức Kitô.
5)
Sau cùng, tuy khó lòng trong ngắn hạn có thể tìm ra một giải
pháp mới, các văn kiện vừa nói không quên nhắc tới sức mạnh của
ơn thánh Chúa: ơn thánh giúp đôi bạn vượt qua những thử thách
của đời sống vợ chồng; ơn thánh giúp cho các người ly dị tái hôn
có thể chấp nhận yêu sách về sự tiết chế hoàn toàn.