Cẩm nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô
- Mục vụ Hôn nhân và Gia đình -

Tác giả : D. WAHRHEIT

Tổng hợp và biên tập : Lm. Minh Anh, GP. Huế

CON ĐƯỜNG KHỔ CHẾ VÀ THẦN BÍ CỦA BẬC HÔN NHÂN

1. Có hai danh từ thường được dùng để nói đến sự tu luyện của tu sĩ đó là khổ chế và thần nghiệm. Khổ chế là những cố gắng tu luyện để thoát khỏi sự dữ.

Trong các ngôn ngữ Tây phương, khổ chế có nghĩa là đi lên. đông cũng như tây, những người xuất gia tu hành thường ví cuộc sống con người với cuộc leo núi. Và đó cũng là lý do tại sao những kẻ xuất gia thường tìm đến những nơi cô tịch, những ngọn núi cao để tu tỉnh. Leo lên núi cao là hình ảnh của hy sinh từ bỏ nhưng đồng thời cũng là niềm vui trong sự thoát tục. Thần nghiệm là kinh nghiệm của những tâm hồn đã khám phá ra Thiên Chúa trong mình và tiến về phía trước với niềm tin tưởng cậy trông, yêu mến.

Cho đến nay, hai danh từ chuyên môn này tức con đường khổ chế và thần nghiệm chỉ được dành riêng cho các tu sĩ và những người sống độc thân vì Nước Trời. Phải chăng chúng ta không thể áp dụng hai kiểu nói ấy cho bậc hôn nhân? Phải chăng những người sống bậc vợ chồng không thể đi trên con đường khổ chế và có được kinh nghiệm thần bí?

Tiếp tục bàn về con đường tu đức dành riêng cho các đôi vợ chồng, chúng tôi xin đóng góp một vài suy tư về con đường khổ chế và thần nghiệm trong bậc hôn nhân.

2. Ngày thành hôn trước mặt Giáo Hội, hai người nam nữ nên vợ chồng. Bí tích Hôn Phối đưa hai người lên đường, hé mở cho họ thấy sự thánh thiện mà tay trong tay họ cùng giúp nhau đạt tới. Cuộc lễ long trọng trong nhà thờ mới chỉ là khởi hành. Đức tin không là một cây đũa thần để họ làm phép lạ. Họ chỉ biết rằng, con đường trên đó họ cùng nắm tay tiến bước với Chúa Kitô là một con đường hẹp. Ngoài ra, con đường ấy cũng được trải đầy những thập giá mà họ phải vác lấy từng ngày.

Công Đồng Vaticanô II số 49 trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng không ngần ngại khẳng định: “Để có thể sống trọn ơn gọi hôn nhân, cần phải có những nhân đức phi thường”. Thật ra, không có cuộc sống nào là một cuộc sống dễ dãi. Không có con đường nào lại không có chông gai. Con đường mà hai vợ chồng dấn thân quả thực là con đường hẹp đòi hỏi nhiều chiến đấu và hy sinh. Cần phải có nhiều nhân đức anh hùng để có thể đi trọn con đường ấy.

Có 4 nhân đức cột trụ cần thiết cho đời sống vợ chồng là: khôn ngoan, công chính, can đảm và tiết độ. Khôn ngoan để hiểu biết, chọn lựa và áp dụng những phương thế thích hợp để đạt được mục đích; thiếu khôn ngoan người ta sẽ có những hành động và cư xử thiếu trách nhiệm đối với chính mình cũng như đối với người khác. Công chính để luôn tuân giữ luật Chúa, với tất cả thành tâm và yêu mến. Can đảm để đối đầu với nghịch cảnh và khổ đau trong cuộc sống. Và tiết độ để tự chế và dồn năng lực vào những bổn phận hằng ngày.

3. Một cuộc sống hôn nhân tốt đẹp không bao giờ là kết quả ngẫu nhiên, mà là thành quả của những chiến đấu hy sinh từng ngày. Nên một trong thể xác và tâm hồn không là một sự kiện có sẵn nhưng là một điểm đến của con đường phấn đấu hy sinh, hay nói đúng hơn, của những khổ chế từng ngày. Khi hai người đạt được sự nên một ấy, họ hưởng nếm chính tình yêu của Thiên Chúa.

Sự kết hợp thần nghiệm giữa tâm hồn con người và Thiên Chúa không chỉ là phần thưởng dành riêng cho những người sống đời tu trì nhưng còn là đòi hỏi đối với mọi tín hữu, kể cả người sống bậc vợ chồng. “Ở đâu có hai hoặc ba người họp lại vì Danh Ta thì có Ta ở giữa họ”. Lời này của Chúa Giêsu được áp dụng trước tiên cho cộng đồng gia đình. Chính khi hai vợ chồng nên một với nhau, họ sẽ cảm nhận sự hiện diện và tình yêu của Chúa Giêsu trong họ.

Nên một ở đây không chỉ là dừng lại ở sự kết hợp trong thể xác và tâm linh, không chỉ là sự thuỷ chung một vợ một chồng, nhưng còn là một cố gắng hoà hợp của cả hai người từ những dị biệt. Điều đó đòi hỏi hai người ra khỏi chính mình và đón nhận những khác biệt của người phối ngẫu. Vì thế, con đường nên một cũng là con đường hy sinh và từ bỏ. Chỉ có sự hy sinh và từ bỏ ấy mới làm cho hai người phối ngẫu nên một với nhau thật sự. Đó cũng chính là con đường mà Chúa Giêsu đã đi qua.

nên một với nhau giữa hai người phối ngẫu cũng chính là nên giống Chúa Giêsu. Con đường hy sinh và từ bỏ ấy sẽ làm cho họ nên một với Chúa, Đấng ở giữa họ, Đấng làm cho họ được nên một. Và như vậy, họ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Ngài.

4. Nên một với nhau giữa hai vợ chồng là chuẩn bị hành lý cho một cuộc đi xa. Mỗi người có chiếc vali riêng của mình. Nhưng trong cuộc đi xa cần phải thu xếp thế nào để hai chiếc vali chỉ còn lại một chiếc. Hai người phải bàn bạc để quyết định đem theo những gì và phải để lại những gì. Nếu mang theo những gì thừa thãi và vô ích, hành lý của họ chỉ thêm cồng kềnh và nên bất tiện cho cả hai người.

Nên một với nhau chính là biết cắt bỏ những cái riêng tư cồng kềnh để luôn quyết định chung với nhau trong mọi sự. Chỉ khi nào hai người biết gạt bỏ ý muốn riêng tư để có cùng một ý muốn chung, họ mới thực sự nên một. Dĩ nhiên, điều đó đòi hỏi đối thoại và nhất là từ bỏ không ngừng. Chúa Giêsu đã nên một với Chúa Cha vì Ngài luôn từ bỏ ý riêng của mình để thực thi ý muốn của Chúa Cha. Nên một đích thực trong đời sống vợ chồng Kitô hữu thật thiết yếu nhưng đồng thời cũng phải nên một trong việc thực thi thánh Chúa Cha.

Khi khác biệt không còn là ngăn trở cho sự nên một, khi tình yêu vợ chồng được thanh luyện nhờ những đau khổ trong cuộc sống mà trở nên phong phú nhờ việc luyện tập các nhân đức và đeo đuổi những giá trị vĩnh cửu, khi mỗi người nhìn vào người phối ngẫu của mình không phải vì người ấy làm đẹp lòng mình mà chính vì Chúa Giêsu đang hiện diện trong người ấy, những khi đó, trái tim hai người sẽ tràn ngập niềm tín thác vào Đấng Toàn Năng, ngôi nhà của họ sẽ trở thành cung thánh của tình yêu Thiên Chúa, cuộc sống lứa đôi của họ sẽ trở thành bí tích của tình yêu Ngài, và Thiên Chúa sẽ cư ngụ trong tâm hồn họ.

Sự hợp nhất của hai vợ chồng là mẫu mực, là điều kiện của tất cả các hợp nhất khác mà nhân loại hằng chờ mong. Nếu hợp nhất đích thực giữa hai người lẽ ra phải nên một trong thể xác và tinh thần không thể thực hiện được, làm sao có sự hợp nhất giữa những người khác?

<<<

Mục Lục

>>>