1. Có nhiều kiểu nói
trong Giáo Hội vốn dễ duy trì nơi người giáo dân não trạng mà người ta
thường gọi là não trạng tiêu thụ, đặc biệt đối với các bí tích. Người ta
thường nói, chịu các bí tích, lãnh nhận các bí tích. Đành rằng, bí tích
là những cử hành của Giáo Hội, chỉ có Giáo Hội mới có thể ban các bí
tích. Tuy nhiên, khi nói người giáo dân chịu hay lãnh nhận các bí tích,
người ta dễ khuyến khích giáo dân rơi vào thái độ thụ động hoặc tiêu thụ
đối với các cuộc cử hành trong Giáo Hội.
Bí tích là một cuộc cử hành của toàn thể Giáo Hội, trong đó, mọi tín hữu
đều được mời gọi tham dự, nghĩa là trở thành tác nhân tích cực. Nghĩa là
người tín hữu không chỉ đón nhận một sứ mạng mới của Giáo Hội, nhưng
chính họ phải trở thành những người thợ tích cực trong việc xây dựng
Giáo Hội.
Giáo Hội muốn làm nổi bật thái độ tích cực đó cách đặc biệt trong bí
tích Hôn Phối. Trong hầu hết các bí tích, gương mặt nổi bật trong nghi
thức là giám mục hoặc linh mục; trái lại, trong bí tích Hôn Phối, thừa
tác viên của bí tích chính là đôi tân hôn.
Trước mặt linh mục vốn chỉ đóng vai trò chứng giám, chính đôi tân hôn
mới là thừa tác viên cử hành bí tích. Đó chính là sự mới mẻ của bí tích
Hôn Phối. Người tín hữu không còn chịu hay lãnh bí tích nữa. Họ chính là
người cử hành bí tích.
Tính cách tân kỳ của bí tích Hôn Phối không chỉ do sự kiện đôi tân hôn
nắm phần chủ động trong nghi thức vốn chỉ kéo dài trong khoảnh khắc, mà
chính họ trở thành bí tích. Thiên Chúa đã muốn nêu bật tầm quan trọng
của hôn phối khi Ngài mượn hình ảnh hôn phối để nói về tình yêu của Ngài
đối vơí nhân loại. Thật thế, trong suốt chiều dài lịch sử Israel, Thiên
Chúa luôn được tỏ bày như một phu nhân, quan hệ giữa Ngài và Israel được
diễn tả như một cuộc hôn nhân.
2. Sang đến Tân Ước, thánh Phaolô như muốn diễn đạt tất cả sự cao cả của
hôn phối khi Ngài viết trong thư gửi cho giáo đoàn Êphêsô 5, 32: “Mầu
nhiệm này thật cao cả, tôi muốn nói đến tình yêu của
Chúa
Giêsu đối với Giáo Hội”. Qua lời khẳng định trên đây, thánh Phaolô muốn
nói: vợ chồng phải yêu thương nhau như chính Chúa Kitô đã yêu thương
Giáo Hội. Tình yêu giữa hai người phải trở thành dấu hiệu hữu hình của
tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội Ngài. Còn hình ảnh nào còn có thể
diễn tả được tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội cho bằng tình yêu vợ
chồng?
Nói đến tình yêu vợ chồng là nói đến mọi diễn tả trong tình yêu đó. Từ
những cử chỉ âu yếm hy sinh cho nhau đến sự kết hiệp nên một thân xác
trong hành động giao hợp, tất cả đều là dấu chỉ, đều là bí tích của tình
yêu Đức Kitô đối với Giáo Hội. Sách Diễm Tình Ca chứa đựng không biết
bao nhiêu cảnh trữ tình lãng mạng, nhưng đã được xem như một mạc khải về
tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Trong bí tích Hôn Phối tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống vợ chồng và
gia đình đều được nâng lên như dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa và công
cuộc cứu rỗi của Ngài. Dù không rao giảng, hai vợ chồng cũng là những
tông đồ sống động của tình yêu Thiên Chúa qua tình yêu và qua cuộc sống
của họ. Qua tình yêu ấy, họ trở thành dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa vô
hình. Họ trở thành cung thánh của Thiên Chúa tình yêu. Họ là dấu chứng
và là lời ngỏ cho mỗi người rằng, Thiên Chúa tình yêu hiện hữu. Thiên
Chúa ở đâu? Để trả lời câu hỏi ấy, có lẽ người tín hữu nên chỉ vào một
đôi vợ chồng công giáo. Nơi nào hai vợ chồng công giáo yêu thương nhau,
nơi đó có Thiên Chúa.
3. Hôn phối giữa hai Kitô hữu là một bí tích. Đó là khẳng định mà người
ta có thể tìm thấy trong bất cứ tài liệu về hôn phối nào của Giáo Hội.
Nhưng vì não trạng thụ động và tiêu thụ đối với các cử hành của Giáo
Hội, người ta dễ đóng khung bí tích trong khoảnh khắc của buổi cử hành,
hết nghi lễ là hết bí tích. Ra khỏi nhà thờ là giã từ bí tích. Thật ra,
bí tích nào của Giáo Hội cũng đều là một dấn thân. Người tín hữu không
chịu hay lãnh một bí tích, mà đón nhận một sứ mệnh để ra đi và trở thành
bí tích của tình yêu Thiên Chúa đối với con người.
Điều này đúng cho bí tích Hôn Phối hơn bất cứ trường hợp nào. Qua bí
tích Hôn Phối, đôi vợ chồng Kitô hữu trở thành bí tích của tình yêu
Thiên Chúa. Cả cuộc sống của họ là một cử hành bí tích. Do đó, đôi vợ
chồng Kitô hữu không chỉ làm phép cưới một lần trong nhà thờ mà còn tiếp
tục là một bí tích bằng cả cuộc sống của họ. Được liên kết với Đức Kitô
trong bí tích Hôn Phối, họ cũng bắt chước Ngài để trở thành hình ảnh hữu
hình của Thiên Chúa vô hình. Họ được mời gọi để không ngừng cởi bỏ con
người cũ của tội lỗi để mặc lấy con người mới trong Đức Giêsu Kitô, để
ngày qua ngày họ đạt được tầm vóc viên mãn của Ngài.
Giáo Hội được gọi là bí tích của Đức Kitô, bởi vì Giáo Hội là thân thể
nối dài và hiện thực hoá sự hiện hữu của Ngài. Như Đức Kitô đã từng nói:
“Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”, Giáo Hội cũng có thể nói ai thấy Giáo Hội
là thấy Đức Kitô. Thấy Giáo Hội không như thấy bất kỳ một tổ chức nào,
mà như là một cộng đồng yêu thương. Chính tình yêu mới là dấu hiệu biểu
lộ sự hiện diện của Chúa. Bởi vì ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa.
Tiếp nhận sứ mệnh của Giáo Hội, đôi vợ chồng Kitô hữu cũng trở thành bí
tích của Đức Kitô. Họ phải sống thế nào để mọi người khi nhìn vào đều
tin nhận rằng, tình yêu đích thực hiện hữu; và nếu như ở đâu có tình
yêu, ở đó có Chúa, thì người ta cũng sẽ nhận ra chính Chúa trong chính
tình yêu của họ. |