1. Kinh Thánh viết
rằng, sau khi ký giao ước với dân Israel để yêu cầu họ giữ các giới răn
Ngài đã ban bố, Thiên Chúa truyền dạy: “các ngươi hãy nên thánh, vì Ta
là Đấng Thánh”.
Nhưng thế nào là nên thánh và phải nên thánh như thế nào? Phải đợi cho
tới khi Chúa Kitô đến, người Do Thái mới tìm được câu trả lời. Bởi vì
Chúa Kitô là Đấng Thánh. Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Chỉ
trong Ngài, con người mới có thể thấy được sự thánh thiện của Thiên
Chúa. Tuân giữ lời Ngài không những có thể nên thánh mà còn nên thánh
cách trọn vẹn nhất.
Chúa Giêsu vừa là mẫu mực, vừa là thầy dạy nên thánh; đồng thời Ngài là
năng lực giúp con người nên thánh. Như vậy, nên thánh chính là sống như
Chúa Kitô, là tham dự vào sự thánh thiện của Ngài và thể hiện sự thánh
thiện ấy trong cuộc sống hằng ngày. Đó là ba chiều kích thiết yếu của
đời sống Kitô hữu.
Theo ngôn ngữ thần học rút từ Kinh Thánh, ba chiều kích ấy thường được
gọi là ba chức vụ: tiên tri, tư tế và vương giả.
Đây phải là ba chiều kích của con người nên thánh trong bậc hôn nhân.
Chúng tôi xin gợi lên một vài suy tư về ba chiều kích này trong đời sống
vợ chồng Kitô hữu.
2. vợ chồng Kitô hữu tham dự và thể hiện chức vụ tiên tri của Chúa Kitô
như thế nào?
trước hết, chúng ta nên ôn lại ý nghĩa đích thực của hai tiếng “tiên
tri” khi nói về Chúa Kitô, về Giáo Hội của Ngài và về vai trò của người
tín hữu Kitô.
Theo đúng nghĩa trong Kinh Thánh, tiên tri không có nghĩa là người hay
nói về tương lai mà là người được Thiên Chúa linh ứng và được sai đi để
nói nhân Danh Ngài. Tất cả các tiên tri trong Cựu Ước đều thi hành chức
vụ của họ theo ý nghĩa ấy, họ luôn nói bằng cách mở lời long trọng như
sau: “Đây Chúa phán..., Đây là lời của Thiên Chúa…”.
Các tiên tri trong Cựu Ước cũng biến cả cuộc sống của họ thành một sứ
điệp mà Thiên Chúa ngỏ với toàn dân. Tiên tri Giêrêmia đã đeo gông trên
cổ và đi khắp phố chợ để nói lên cảnh nô lệ toàn dân phải gánh chịu vì
tội lỗi của họ. Tiên tri Ôsê còn táo bạo hơn khi ông đi cưới một cô gái
điếm để trở thành lời tố cáo sự phản bội của dân.
Nói nhân danh Chúa, trở thành lời của Thiên Chúa là sứ mệnh đích thực
của tiên tri.
Khi Ngài đến, Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ tiên tri một cách trọn hảo.
Ngài đã dùng cả cuộc sống, lời rao giảng và nhất là cái chết của Ngài
như một lời yêu thương Thiên Chúa ngỏ với dân Ngài. Lời của Ngài chính
là lời của Thiên Chúa, cả cuộc sống của Ngài là thể hiện sự thánh thiện
và tình yêu của Thiên Chúa.
Nhờ phép rửa, mỗi Kitô hữu được nên một với Chúa Kitô, do đó, họ cũng
lãnh nhận sứ vụ tiên tri, nghĩa là trở thành lời của Thiên Chúa.
Một cách đặc biệt, do bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng lại càng cam
kết trở nên lời của Thiên Chúa. Hơn nữa, bằng tình yêu của mình, vợ
chồng Kitô hữu trở thành lời cho con cái cũng như cho môi trường trong
đó họ đang sống.
Nên thánh trong bậc hôn nhân chính là biến đổi cuộc sống vợ chồng thành
lời của Thiên Chúa ngỏ với con người.
3. Là lời của Thiên Chúa nói với con người, các đôi vợ chồng Kitô hữu
cũng một trật tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô.
Theo định nghĩa trong các tôn giáo, tư tế là người lo việc tế tự, là
người hiến dâng của lễ. Dĩ nhiên không phải mọi người đều có thể là tư
tế. Trong tất cả mọi tôn giáo, tư tế là một thành phần được tuyển chọn
theo một số tiêu chuẩn đặc biệt. Trong Do Thái giáo, chỉ có những nam
nhân thuộc dòng tộc Lêvi mới được chọn làm tư tế. Được chọn như thế, nên
chỉ các tư tế mới được coi là trung gian giữa thần linh và loài người
hay giữa Thiên Chúa và dân Ngài.
Chúa Giêsu Kitô đã được Thiên Chúa xức dầu tấn phong làm tư tế cao cả và
muôn đời. Ngài là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Chỉ
có Ngài mới hiến dâng một của lễ đẹp lòng Thiên Chúa. Bởi vì của lễ ấy
chính là sự sống, là bản thân Ngài. Ngày nay, chỉ có một của lễ được
Thiên Chúa ưng nhận, đó là Chúa Giêsu Kitô. Qua các linh mục được tuyển
chọn, Giáo Hội tiếp tục dâng lên Thiên Chúa của lễ duy nhất là chính
Chúa Giêsu; nhưng là thành phần của Giáo Hội, tất cả mọi tín hữu đều hợp
dâng của lễ ấy vì được tham dự vào điều mà Giáo Hội gọi là chức tư tế
chung, tư tế cộng đồng. Một cách nào đó, hợp với các linh mục thừa tác,
mọi tín hữu cùng dâng của lễ lên Thiên Chúa. Một cách nào đó, họ cũng là
những tư tế.
Chính vì gia đình là một Giáo Hội nhỏ, một Giáo Hội thu hẹp, nên các
thành phần của gia đình cũng là tư tế được mời gọi dâng lên Thiên Chúa
của lễ đẹp lòng Ngài. Với tư cách là thành phần xây dựng nên gia đình,
các người làm vợ làm chồng cũng xứng đáng được gọi là những tư tế.
4. cuối cùng, bằng cuộc sống yêu thương và bác ái của mình, các đôi vợ
chồng tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô.
Chúa Kitô được xức dầu tấn phong làm vua. Ngài đích thực là vua ngự trị
trong các tâm hồn. nhưng Chúa Giêsu chỉ thể hiện tư cách vương giả ấy
bằng hy sinh phục vụ mà thôi. Theo quan niệm thông thường, làm vua tức
là cai trị; cai trị cũng hàm ý thống trị, sai khiến. Chúa Giêsu đã đảo
lộn quan niệm ấy. trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Ngài đã làm
công việc của một đầy tớ khi quỳ xuống rửa chân cho các ông.
Ngài nói, “các thủ lãnh và những người có quyền trên thế gian này thì
sai khiến và bắt người khác hầu hạ. Với các con thì không như thế. Trong
các con ai muốn làm lớn thì hãy hầu hạ người khác”. ngài đã nói về mình,
“Con Người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ”.
Như vậy, theo ý nghĩa Kitô giáo, làm vua chính là phục vụ. Các đôi vợ
chồng Kitô hữu tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô theo nghĩa họ
hiến thân phục vụ. Trước tiên là phục vụ con cái mà Thiên Chúa uỷ thác
cho họ. Chính khi duy trì, kính trọng và nuôi dưỡng sự sống nơi con cái
mà vợ chồng Kitô hữu tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô. Ngoài
ra, sự phục vụ nhau giữa hai vợ chồng và phục vụ những người khác cũng
là thể hiện chức vụ vương giả ấy.
Nếu gia đình là tế bào nguyên thuỷ của xã hội thì chính từ gia đình mà
tinh thần phục vụ được đào luyện trước tiên. Người xưa đã có lý khi nói:
từ vua quan cho đến thứ dân, phải lấy sự tu thân làm nền tảng. Có tu
thân mới tề gia được, có tề gia mới trị quốc được, có trị quốc mới bình
thiên hạ được.
Người tín hữu là sự nối dài và hiện thực hoá của Chúa Kitô trên trần
gian. Để kết thúc chúng ta hãy lắng nghe giáo huấn của Công Đồng
Vaticanô II trong số 38 Hiến Chế về Mầu nhiệm Giáo Hội.
“Trước mặt nhân loại, mỗi tín hữu phải là chứng nhân của sự phục sinh và
sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống.
tất cả và mỗi người phải góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa
trái thiêng liêng và truyền bá trên thế gian tinh thần của những con
người nghèo khó, hiền lành và hiếu hoà, những người được phúc âm tuyên
bố là có phúc. Tóm lại, người Kitô hữu phải làm cho thế giới sống như
linh hồn làm cho thân xác sống vậy”. |