Cẩm nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô
- Mục vụ Hôn nhân và Gia đình -

Tác giả : D. WAHRHEIT

Tổng hợp và biên tập : Lm. Minh Anh, GP. Huế

ĐỨC KHIẾT TỊNH CỦA BẬC HÔN NHÂN

1. Tất cả những ai sống đời tận hiến đều giữ ba lời khấn là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Theo định nghĩa, khấn là long trọng hứa với Chúa và cộng đồng rằng: Mình sẽ trung thành tuân giữ những điều đã cam kết. Vì tính cách quan trọng của nó nên chỉ quyền bính có thẩm quyền trong Giáo Hội mới có thể tháo gỡ một người khỏi lời khấn.

Thông thường người ta dựa vào lời khấn để phân biệt một người sống đời tận hiến với một người giáo dân thường. Nhưng phải chăng chỉ có những người sống đời tận hiến bị ràng buộc bởi ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục? Nếu đó là những lời khuyên của Chúa Giêsu thì tại sao lại có luật trừ dành cho một số người? Trong bí tích Rửa Tội và nhất là Hôn Phối phải chăng người tín hữu Kitô đã không nói lên những lời khấn hứa với Chúa và với Giáo Hội? Nếu đã có một nền tu đức dành riêng cho đôi vợ chồng, tại sao họ được miễn chước những lời khuyên của Chúa?

Chúng tôi nghĩ rằng, tuy những đôi vợ chồng không sống ba lời khuyên khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục một cách đặc biệt như các tu sĩ thì ba nhân đức này vẫn là điều vô cùng cần thiết để có được một cuộc hôn nhân thành công và hạnh phúc thực sự. Và nên thánh trong bậc hôn nhân cũng có nghĩa là trau dồi ba nhân đức này. Hôm nay chúng tôi xin trình bày nhân đức đầu tiên là sự khiết tịnh trong bậc hôn nhân.

2. Nhiều người cho rằng, khiết tịnh trong bậc hôn nhân là điều mâu thuẫn. Làm sao vừa sống bậc vợ chồng lại vừa có thể khiết tịnh được, trừ khi phải sống như thánh Phaolô đã khuyên nhủ, nghĩa là sống như anh em. Chúng ta chẳng được dạy từ thuở nhỏ rằng: tất cả những gì liên quan đến tính dục đều là dơ dáy sao? Quả thực, rất nhiều tín hữu đã và vẫn còn có một quan niệm sai lầm về tính dục và sự khiết tịnh.

Thế nào là sự khiết tịnh? Thưa đó là việc sử dụng tính dục một cách đúng đắn. Như vậy, cần phải loại bỏ quan niệm sai lầm khi cho rằng, khiết tịnh có nghĩa là không sử dụng tính dục. Thiết tưởng chúng ta cũng cần phân biệt một số từ có liên quan đến khiết tịnh, như tiết dục tuyệt đối, đồng trinh, độc thân…

Đồng trinh chỉ những người không bao giờ có quan hệ tính dục với người khác phái. Tuy nhiên đồng trinh không đồng nghĩa với khiết tịnh. Một người sống đồng trinh vẫn không khiết tịnh nếu phạm tội trong tư tưởng, trong ước muốn hoặc trong cách cư xử của mình. Độc thân cho thấy tình trạng pháp lý của một người không lập gia đình. Dĩ nhiên, không hẳn người độc thân là người khiết tịnh.

Như vậy tự nó, đồng trinh và độc thân chỉ là một bậc sống. Trong khi đó, khiết tịnh mới là một nhân đức. Đó là nhân đức của những ai biết làm chủ thân xác và tính dục của mình. Như vậy có sự khiết tịnh của những người sống bậc đồng trinh như linh mục, tu sĩ; nhưng cũng có sự khiết tịnh của những người đính hôn, những người goá bụa và dĩ nhiên, của những người sống bậc vợ chồng.

3. Nếu khiết tịnh có nghĩa là sử dụng tính dục một cách đúng đắn thì khiết tịnh không chỉ là một nhân đức hay một lời khấn dành riêng cho bậc đồng trinh hoặc những người tự nguyện sống độc thân mà còn là một cam kết của những người sống bậc vợ chồng. Một tu sĩ tận hiến cho Chúa đương nhiên sống khiết tịnh; một người tín hữu do phép rửa cũng được tận hiến cho Chúa, và qua bí tích Hôn Phối, họ được tận hiến cho Chúa một cách đặc biệt hơn. Do đó, họ cũng cam kết sống khiết tịnh trong bậc vợ chồng.

Qua bí tích Hôn Phối, người tín hữu cam kết sống tính dục của mình theo tinh thần Phúc Âm và sống tính dục theo tinh thần Phúc Âm là gì nếu không phải sử dụng nó như ngôn ngữ của tình yêu. Tính dục không có tình yêu là tính dục của thú vật. Tình yêu vợ chồng mà không có tính dục cũng không là tình yêu đúng nghĩa. Tính dục được sử dụng như ngôn ngữ để diễn tả tình yêu vợ chồng là tính dục đã được hiểu và sử dụng đúng với chức năng của nó. Mà nói đến tình yêu là nói đến phục vụ, phục vụ cho nhau, phục vụ cho hạnh phúc của nhau, phục vụ cho sự sống mà Thiên Chúa ban tặng qua hành động tính dục.

Trong số 35 của Tông Huấn về đời sống gia đình, Đức Gioan Phaolô II đã định nghĩa sự khiết tịnh như sau: “Theo cái nhìn của Kitô giáo, khiết tịnh không có nghĩa là từ chối hoặc khinh chê tính dục của con người. Đúng hơn, khiết tịnh là một năng lực thiêng liêng bảo vệ tình yêu khỏi những nguy cơ của ích kỷ và gây hấn, đồng thời cổ võ cho tình yêu ấy tiến tới sự viên mãn”.

4. Khiết tịnh như được quan niệm trên đây sẽ bảo vệ hôn nhân khỏi hai cực đoan: hoặc là xem tính dục như một bản năng hoàn toàn xấu xa đê hèn, hoặc là tách biệt tình yêu ra khỏi tính dục. Trong cả hai trường hợp, khiết tịnh đều bị vi phạm một cách trầm trọng.

Quan niệm tính dục như một bản năng xấu xa đê hèn và khước từ sinh hoạt tính dục như cách diễn tả và củng cố tình yêu vợ chồng là đi ngược mục đích của hôn nhân; do đó, lỗi đức khiết tịnh trong đời sống vợ chồng. Ngược lại, tách biệt tính dục ra khỏi tình yêu lại càng là một hành động nghịch với đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng hơn nữa.

Nói cách cụ thể, khi một hành động tính dục bị áp đặt cho người phối ngẫu mà không quan tâm đến tình trạng sức khoẻ, điều kiện sống trong gia đình chẳng hạn, thì đó là một hành động nghịch với đức khiết tịnh; khi người ta cố tình ngăn cản tiến trình tự nhiên của hành động tính dục bằng các phương pháp ngừa thai nhân tạo, đó cũng là một hành động nghịch với đức khiết tịnh trong bậc hôn nhân.

Nói tóm lại, đức khiết tịnh trong bậc hôn nhân được gọi là một nhân đức bởi nó là cuộc chiến thắng của tình yêu trên ích kỷ. Ơn gọi chung của con người là sống yêu thương. Ơn gọi của những người sống bậc vợ chồng lại càng là một ơn gọi của tình yêu hơn nữa. Mà sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa. Do đó, khi tính dục được xử dụng một cách đúng đắn, nghĩa là trở thành ngôn ngữ của tình yêu, đó là lúc đôi vợ chồng được kết hiệp với Chúa.

Sống khiết tịnh trong bậc sống vợ chồng xét cho cùng chính là sử dụng tính dục để diễn đạt tình yêu lứa đôi, một tình yêu quảng đại hy sinh, một tình yêu hướng mở đến sự sống và phục vụ sự sống.

<<<

Mục Lục

>>>