1. Trong số 25 của
Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng khi bàn về phẩm giá cao cả của bậc hôn
nhân, Công Đồng Vaticanô II đã quả quyết rằng, cần phải có nhân đức anh
hùng mới có thể chu toàn được những nghĩa vụ của đời sống vợ chồng trong
gia đình.
Các vị thánh được gọi là những bậc anh hùng trong đức tin, anh hùng vì
hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho đức tin; nhưng cũng anh hùng
không kém khi làm chứng cho đức tin bằng cuộc sống âm thầm hy sinh từng
ngày. Dĩ nhiên, không phải chỉ có những tu sĩ mới có thể sống được cuộc
sống anh hùng như thế, những người sống bậc vợ chồng nếu không có một sự
kiên nhẫn đến độ anh hùng thì không thể nào chu toàn được ơn gọi và đứng
vững trước những thử thách trong cuộc sống chung.
Đời sống cộng đoàn trong dòng tu đòi buộc các tu sĩ phải giữ ba lời khấn
là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục; đời sống tu trì là một thể hiện
cao độ của đức ái. Cả ba lời khấn ấy đều nhằm giúp cho các tu sĩ xây
dựng cộng đồng yêu thương và như thế trở thành nhân chứng cho tình yêu
của Chúa.
Đời sống hôn nhân và gia đình, như Công Đồng Vaticanô II đã định nghĩa
trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, thiết yếu là một cộng đồng tình yêu.
Do đó, cũng giống như trong tất cả cộng đồng tu trì nào khác, ba lời
khấn cũng cần thiết để xây dựng tình yêu trong gia đình. Tình yêu mà đôi
tân hôn trao cho nhau trong bí tích Hôn Phối cũng chính là một hình thức
khấn hứa. Hai người hứa giữ khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục đối với
nhau.
2. Chúng ta đã bàn đến nhân đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng. Giờ đây,
chúng tôi xin nói đến đức khó nghèo mà hai vợ chồng Kitô hữu được mời
gọi vun trồng để xây dựng cộng đồng tình yêu trong gia đình.
Quyền sở hữu là quyền gắn liền với quyền được sử dụng của cải. Tuy
nhiên, quyền sở hữu không phải là một quyền tuyệt đối vì bên cạnh đó,
vẫn có những giá trị cao hơn như tình yêu, lòng bác ái; vì thế, con
người có thể từ bỏ một phần hoặc hy sinh hoàn toàn. Một trong những nguy
cơ lớn nhất mà quyền sở hữu thường đặt con người vào là sự ích kỷ. Bản
năng chiếm hữu dễ khiến con người thể hiện quyền làm chủ của mình bằng
những phát biểu như: “Cái này là của tôi, tất cả những cái này là của
tôi, tôi sử dụng tuỳ ý tôi”, v.v.. Đàng sau những phát biểu như thế có
thể ẩn tàng cả một thái độ ích kỷ khước từ Thiên Chúa và chối bỏ tha
nhân.
Nhân đức khó nghèo mà những người sống đời tận hiến khấn giữ không hẳn
chỉ có nghĩa là khước từ quyền sở hữu hoặc sống một cuộc sống khắc khổ,
nhưng chính là chia sẻ cho nhau. Nhân đức khó nghèo sẽ trở thành vô
nghĩa nếu nó không nhắm đến đức ái. Tự nó, sự khó nghèo không bao giờ là
một nhân đức. Người ta có thể là một con người tham lam ích kỷ ngay cả
trong thân phận ngửa tay ăn xin. Khó nghèo chỉ có thể là một nhân đức
khi của cải vật chất không được tôn thờ như một cứu cánh và khi con
người biết sống chia sẻ cho nhau.
Trong ý nghĩa đó, chúng ta hiểu được lời chúc phúc của Chúa Giêsu: “Phúc
cho những ai có tinh thần nghèo khó”. Khi con người biết ra khỏi chính
mình để chia sẻ cho tha nhân, đó là lúc họ đang sống tinh thần khó
nghèo.
3. Hơn bất cứ nơi nào, cộng đồng tình yêu do hôn nhân thiết lập càng đòi
hỏi con người sống nhân đức khó nghèo hơn.
Thời Giáo Hội tiên khởi, khi nhìn vào cuộc sống cộng đồng tín hữu, những
người chung quanh phải thốt lên: “Hãy nhìn kìa, họ yêu thương nhau là
dường nào!”. Thật thế, người ta ngưỡng mộ các tín hữu sơ khai vì mỗi
người bán tất cả tài sản của mình và góp chung lại với nhau. Đức ái đã
được thể hiện cao độ bằng sự để chung của cải và chia sẻ cho nhau. Nếu
có một xã hội Cộng sản thật sự thì cộng đồng các tín hữu tiên khởi chính
là xã hội ấy. Nhưng một xã hội Cộng sản như thế chỉ có thể hiện hữu được
vì xây dựng trên tình thương.
Hôn nhân và gia đình là một xã hội mẫu mực và cơ bản của con người.
Không có sự chia sẻ đặt nền móng trên tình yêu thương, xã hội ấy không
thể đứng vững được. Khi hai người phối ngẫu nên một với nhau họ nên
giống cộng đồng tín hữu tiên khởi. Họ sẽ để chung của cải, sẽ không còn
những phát biểu như: “Cái này là của tôi, tôi muốn sử dụng như thế nào
tuỳ ý tôi”. Mà chỉ còn chung một ý muốn: “Cái này là của chúng ta, chúng
ta quyết định chung với nhau”.
Người ta diễn tả sự để chung, hay đúng hơn, nhân đức khó nghèo ấy bằng
kiểu nói “của chồng công vợ”. Người chồng có đầu tắt mặt tối để làm ra
tiền của, tiền của ấy cũng không còn là của riêng mình nữa mà là của
chung cho cả hai người. Người vợ có buôn bán tảo tần để kiếm ra tiền
của, tiền của ấy cũng là của chung cho cả hai người.
4. Nhân đức nào cũng bao hàm sự hy sinh. Tự nó, việc để chung của cải
chưa hẳn đã là một nhân đức. Chỉ có nhân đức khi con người biết ra khỏi
chính mình, lấy ý muốn của người khác làm của mình. Như vậy, của cải vật
chất đã được đặt đúng chỗ của nó, nghĩa là một phương tiện để giúp con
người đạt được giá trị cao cả hơn trong cuộc sống. Đó là tình yêu và sự
thông hiệp trong vợ chồng.
Nhưng tình yêu và sự thông hiệp ấy không chỉ đóng khung trong quan hệ vợ
chồng mà còn được trải dài tới con cái trong gia đình. Khi con cái đã
đến tuổi có thể hiểu được giá trị của vật chất của cải thì cha mẹ cũng
nên cho chúng dự phần vào việc chia sẻ. Điều này sẽ giúp con cái biết
chia sẻ và có tinh thần trách nhiệm chung trong gia đình.
Ngoài ra, sự chia sẻ của cải trong gia đình cũng không được đóng khung
giữa vợ chồng và con cái. Tinh thần nghèo khó và chia sẻ đích thực cũng
sẽ thôi thúc con người ra khỏi ranh giới của gia đình để hướng đến những
người chung quanh, nhất là những người nghèo khổ túng thiếu. Hôn nhân và
gia đình là một xã hội mẫu mực. Điều đó có nghĩa là tình yêu thương, sự
san sẻ trước tiên phải thực hiện trong gia đình để rồi từ đó trào tràn
ra cho cả những người chung quanh.
Việc sử dụng của cải là một chất nổ tiềm tàng trong xã hội. Bao nhiêu
bất công và tệ trạng xã hội đều bắt nguồn từ lòng tham không đáy và tính
ích kỷ của con người. Trong một quy mô nhỏ hơn, việc quản lý của cải
trong gia đình cũng là đá thử vàng của tình nghĩa vợ chồng và tình yêu
trong gia đình. Biết bao gia đình tan vỡ, biết bao xáo trộn trong gia
đình, tất cả ấy đều phát xuất từ sự ích kỷ của con người.
Nhờ đức tin soi dẫn, người tín hữu Kitô sống bậc vợ chồng và đời sống
gia đình sẽ thấy được giá trị chóng qua của tiền bạc, của cải trần thế.
Họ nên thánh bằng cách thực thi nhân đức khó nghèo qua việc chia sẻ yêu
thương giữa mọi thành phần trong gia đình cũng như với mọi người chung
quanh. |