Nên thánh là ơn gọi
và là nghĩa vụ của tất cả những ai đã chịu phép rửa. Nhưng với tư cách
là vợ chồng, những người tín hữu Kitô có một cách thức riêng để sống và
thực hiện ơn gọi nên thánh. Do một thành kiến từ lâu đời, nhiều người đề
cao đời sống tận hiến trong dòng tu hoặc chức vụ linh mục, nhưng lại xem
thường đời sống gia đình. Mỗi bậc sống đều là ơn gọi của Chúa, và ơn gọi
nào cũng đều cao đẹp và có giá trị riêng của nó. Thế nào là ơn gọi làm
vợ làm chồng? Đâu là sứ mệnh của các bậc làm cha mẹ? Tại sao gia đình là
một Giáo Hội thu hẹp? Trả lời cho những câu hỏi đó tức là chân nhận
rằng, có một con đường nên thánh dành riêng cho những người sống bậc vợ
chồng.
1. Trong số 49 của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công Đồng Vaticanô II
đã đề cao ơn gọi sống đời gia đình như sau: “Để có thể kiên trì chu toàn
nghĩa vụ ơn gọi làm người Kitô hữu như thế, tức là sống đời vợ chồng,
cần phải có một nhân đức phi thường. Chính vì thế mà vợ chồng được ơn
Chúa củng cố để sống thánh thiện sẽ ân cần nuôi dưỡng và cầu xin cho
được một tình yêu kiên vững, một tâm hồn đại lượng và tinh thần hy
sinh”. Những dòng trên đây của Công Đồng xác quyết rằng: Giáo Hội luôn
đề cao và coi trọng đời sống hôn nhân. Thánh thiện không còn là độc
quyền của những người tận hiến, hôn nhân không phải là một bậc sống thấp
hèn hay chỉ là hạng hai trong Giáo Hội. Công Đồng lại khẳng định: Cần
phải có một nhân đức phi thường, cần phải có những đức tính anh hùng mới
có thể chu toàn bổn phận đời sống vợ chồng.
Đâu là những bổn phận của đời sống vợ chồng? Đâu là những trợ giúp của
niềm tin Kitô trong việc chu toàn những bổn phận ấy?
Số 17 trong Tông Hiến Đời Sống Gia Đình do Đức Gioan Phaolô II ban hành
khoảng đầu thập niên 80 đã xác định như sau: “Gia đình nhận lãnh trách
nhiệm bảo toàn, nâng cao và thông truyền tình yêu là một phản ảnh sống
động và thông dự thực sự vào tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại”.
Một cách cụ thể, gia đình đảm nhận bốn trách vụ sau:
- Xây dựng cộng đồng tình yêu
- Phục vụ sự sống
- Tham dự vào việc phát triển xã hội
- Tham dự vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.
Cơ bản và quan trọng nhất trong 4 trách vụ trên đây chính là xây dựng
cộng đồng tình yêu. Tông Hiến giải thích: gia đình được thiết lập và
sinh động bởi tình yêu là một cộng đồng gồm những con người: vợ chồng,
cha mẹ, con cái, bà con thân thuộc.
Đức Gioan Phaolô II muốn vượt qua một mẫu gia đình khép kín, ích kỷ,
hưởng thụ mà xã hội văn minh ngày nay đề cao. Đó là mẫu gia đình chỉ gồm
có vợ chồng hoặc có một hay hai đứa con. Trong một gia đình mà sự hiện
diện của một mầm sống hay của một đứa con bị xem như một gánh nặng, hoặc
như một cản trở cho sự hưởng thụ; trong một gia đình mà sự hiện diện của
người già cả bị xem như thừa thãi, trong một gia đình như thế hẳn không
có tình yêu đích thực.
Sự cao cả của gia đình chính là xây dựng một cồng đồng yêu thương trước
tiên trong ranh giới của chính nó. Và từ đó trải dài tình yêu ấy đến với
mọi người chung quanh. Phải tu thân, tích đức, tề gia rồi mới có thể trị
quốc và bình thiên hạ. Gia đình là tế bào nguyên thuỷ của xã hội. Nếu tế
bào ấy không được lành mạnh; nếu gia đình chưa là một cộng đồng yêu
thương, làm sao có thể nói đến xây dựng xã hội.
Người ta không cần phải ra khỏi nhà để làm công tác xã hội từ thiện.
Không ai cần được yêu thương giúp đỡ cho bằng chính những người thân
trong gia đình. Khi gia đình trở thành một mái ấm thực sự, khi gia đình
trở thành một cộng đồng tình yêu thực sự, hơi ấm của tình người sẽ toả
lan đến những người bên ngoài gia đình.
2. Tông Huấn của Đức Gioan Phaolô II về đời sống hôn nhân và gia đình
trong số 21 đã nói đến việc xây dựng cộng đồng tình yêu trong gia đình
như sau: “Tất cả mọi phần tử của gia đình, mọi người tuỳ theo năng khiếu
riêng của mình đều nhận lãnh ân sủng và trách nhiệm để ngày qua ngày xây
dựng sự thông hiệp giữa nhau. Nhờ thế, họ biến gia đình thành một trường
dạy về nhân bản đầy đủ và phong phú nhất. Điều đó được thể hiện bằng sự
săn sóc hay tình thương yêu đối với những người bé mọn, những người bệnh
tật và người già cả, bằng việc phục vụ nhau mỗi ngày, bằng sự chia sẻ
cho nhau của cải, niềm vui cũng như nỗi buồn. Một sự thông hiệp như thế
chỉ có thể duy trì và thêm hoàn hảo nhờ tinh thần hy sinh mà thôi”.
Thực thế, để có sự thông hiệp giữa các phần tử trong gia đình, cần phải
có sự sẵn sàng và quảng đại cao độ của tất cả và của từng người để cảm
thông với nhau, khoan dung với nhau, tha thứ cho nhau, hoà giải với
nhau.
Các tu sĩ thường nói với nhau: việc đền tội nặng nề nhất đối với tôi là
đời sống chung. Thiết tưởng châm ngôn ấy càng phải áp dụng hơn cho đời
sống gia đình. Việc đền tội nặng nề nhất của tôi là cuộc sống chung
trong gia đình. Không cần một đặc sủng phi thường, không cần một cuộc
sống khắc khổ như các vị ẩn tu trong sa mạc, cũng không cần phải là một
tu sĩ mới có thể sống những nhân đức anh hùng. Đời sống hôn nhân và gia
đình cũng có đủ những yếu tố để con người tập luyện những nhân đức anh
hùng ấy.
3. Ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh, chân lý về cuộc sống hôn nhân
đã được hé mở với tất cả vẻ đẹp và những đòi hỏi của nó. Thật thế, Kinh
Thánh nói: người đàn ông luyến ái với vợ mình và cả hai nên một thân
xác. Nên một mà vẫn là hai, còn gì cao đẹp bằng; nhưng cũng không gì đòi
hỏi bằng. Do đó, cuộc sống lứa đôi là một cố gắng không ngừng để trưởng
thành trong nhân cách, nghĩa là trở thành chính mình hơn mà vẫn nên một
với người khác. Hay đúng hơn, chính khi vượt qua những dị biệt, vượt qua
khỏi chính mình để nên một với người khác mà con người đạt được sự
trưởng thành.
Một tiến trình trưởng thành như thế đòi hỏi một sự hy sinh cao độ. Nhưng
người tín hữu Kitô nhờ hồng ân của phép rửa và nhất là của bí tích Hôn
Phối, sẽ đi vào tiến trình ấy với tất cả hân hoan và yêu thương. Họ biết
rằng, khi sống yêu thương là họ ở trong Thiên Chúa.
Các tu sĩ được phong thánh không phải vì những hành động phi thường của
họ, mà chính vì đức ái họ thực thi trong đời sống chung, hoặc cho những
người khác. Cách tương tự, các đôi vợ chồng cũng đạt được sự trọn lành
trong đời sống vợ chồng của mình nhờ những cố gắng thực thi đức ái cho
nhau và cho mọi người trong gia đình. |