Tu đức là con đường
gồm những phương thế để sống ơn gọi Kitô hữu trong một bậc sống và một
hoàn cảnh cụ thể. Nói cách khác, tu đức là con đường để nên thánh. Tất
cả mọi người đã chịu phép rửa đều được mời gọi và có bổn phận nên thánh.
Nhưng dĩ nhiên, vì mỗi người có một bậc sống riêng, cho nên mỗi người có
một con đường riêng để nên thánh. Linh mục có con đường tu đức riêng của
linh mục, tu sĩ có con đường tu đức riêng của tu sĩ, giáo dân có con
đường tu đức riêng của giáo dân. Trong bậc giáo dân, những đôi vợ chồng
Kitô hữu cũng có con đường tu đức riêng của mình. Con đường tu đức của
vợ chồng như thế nào, đó là điều chúng tôi cố gắng trình bày sau đây.
1. trong số 48 của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công Đồng đã dạy: “Các
đôi vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như thể được thánh hiến bằng một
bí tích riêng để lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ. Nhờ
sức mạnh của bí tích này họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, để chu
toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ. Do đó, tất cả đời sống của họ
được thấm nhuần đức Tin, Cậy, Mến và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới
sự trọn lành riêng biệt của họ cũng như thánh hoá lẫn nhau và nhờ đó tôn
vinh Thiên Chúa”.
Để hiểu được tinh thần của giáo huấn trên đây, thiết tưởng chúng ta phải
vượt qua hai khuynh hướng đối nghịch nhau.
Trước hết, ngay cả vẫn còn nhiều người ngày nay cho rằng, nên thánh là
chuyện dành riêng cho các tu sĩ và linh mục. Sống thánh giữa đời là
chuyện không tưởng. Muốn nên thánh không có con đường nào khác hơn là xa
lánh thế gian tội lỗi.
Đối lại với khuynh hướng trên đây, ngày nay có nhiều người chủ trương,
để nên thánh, cần phải dấn thân; và để dấn thân người ta cần phải vượt
qua những ranh giới của gia đình và tích cực tham gia vào các tổ chức và
hoạt động của giáo xứ, giáo phận. Quả thực trong xu thế mới này hiện có
không biết bao giáo dân tham gia tích cực vào các hoạt động của giáo xứ
như: ca đoàn, dạy giáo lý, công giáo tiến hành.
Nói chung, những hoạt động bên ngoài gia đình như một thức tỉnh của
người giáo dân quả là một điểm son trong Giáo Hội. Tuy nhiên, đàng sau
những hoạt động ấy là cơn cám dỗ muốn quên đi những nghĩa vụ và sự thánh
hoá trong gia đình khi nghĩ rằng, những hoạt động bên ngoài ấy là con
đường duy nhất để người giáo dân được nên thánh.
2. Khuynh hướng này có lẽ bắt nguồn từ một quan niệm cho rằng, giá trị
của con người dược đo lường bằng mức độ dấn thân trong xã hội. Phong
trào đấu tranh cho nữ quyền cũng được xây dựng trên quan niệm ấy. Người
ta cho rằng, giải phóng người phụ nữ cũng có nghĩa là giải phóng họ khỏi
những công việc nội trợ âm thầm trong gia đình. Nhiều người giáo dân đã
bị giao động vì một quan niệm như thế, nhất là những người không có khả
năng hay không có cơ hội tham gia vào những sinh hoạt đoàn thể của giáo
xứ.
Quan niệm muốn nên thánh, cần xa lánh thế gian; hay ngược lại, chủ
trương, muốn nên thánh, cần phải dấn thân hoạt động xã hội đều là những
thái cực đi ngược lại tinh thần của Công Đồng. Công Đồng đề cao đời sống
chiêm niệm cũng như hoạt động, nhưng đồng thời cũng nêu bật giá trị của
chính nếp sống gia đình. Người Kitô hữu nên thánh bằng những xả thân
hoạt động bên ngoài gia đình, nhưng cũng đạt được sự hoàn thiện bằng mối
quan hệ và trong chính mối quan hệ vợ chồng.
Thực ra, hôn nhân được Chúa nâng lên hàng bí tích bởi lẽ tình yêu vợ
chồng là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Với lời
thề hứa trong bí tích Hôn Phối, hai người phối ngẫu cam kết sẽ sống yêu
thương nhau, chung thuỷ với nhau đến độ trở thành một dấu chứng, một
bằng chứng của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người. Yêu nhau, thuỷ
chung với nhau, xây dựng tình yêu lứa đôi chính là bổn phận tiên quyết
của đôi vợ chồng. Tình yêu ấy dẫn đến tình yêu và sự dưỡng dục con cái.
Tình yêu ấy cũng thúc đẩy hai người hăng say hoạt động bên ngoài gia
đình. Không có tình yêu ấy thì tất cả những hoạt động bên ngoài gia đình
chỉ là những lẩn tránh thiếu trách nhiệm. Không thiếu những người giáo
dân siêng năng việc nhà thờ nhưng lại lơ là việc gia đình; không thiếu
những người giáo dân cho sự có mặt ở nhà thờ quan trọng hơn những bổn
phận trong gia đình. Nhiệt thành trong công việc của Giáo Hội nhưng xao
lãng bổn phận vợ chồng không thể được coi là một thái độ thánh thiện. Sự
thánh thiện của đôi vợ chồng Kitô hữu trước tiên hệ tại việc xây dựng,
củng cố tình yêu lứa đôi.
Người tín hữu Kitô cần có đôi mắt sâu sắc của niềm tin để nhìn tất cả
mọi sự như là những biểu lộ của tình yêu bằng một cái nhìn trong sạch và
thánh thiện. Trong đời sống vợ chồng, tất cả mọi biểu lộ của tình yêu
đều là thánh thiện bởi đó là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con
người. Một ánh mắt, một âu yếm, một nụ hôn và tuyệt đỉnh của tất cả âu
yếm là sự giao hợp vợ chồng đều là những hành động thánh thiện.
3. Trong một phúc âm ngụy thư, tức là sách không được Giáo Hội nhìn nhận
là do linh ứng, kể lại rằng, một hôm có người hỏi Chúa Giêsu khi nào
Nước Chúa đến. Người trả lời: khi nào hai người nên một.
Quả thực, sự nên một của hai người nam nữ tức tình yêu vợ chồng là dấu
chỉ của Nước Chúa. Khi hai vợ chồng yêu thương nhau bằng một tình yêu
quảng đại, hy sinh, chung thuỷ, khi họ cố gắng xây dựng và vun trồng
tình yêu lứa đôi, thì chính là lúc họ làm chứng cho tình yêu của Chúa và
tham dự vào sự thánh thiện của Ngài. Còn giá trị nào cao cả hơn tình
yêu. Còn câu chuyện tình nào lãng mạn cho bằng Diễm Tình Ca, thế mà câu
chuyện đó lại được Thiên Chúa mượn để nói lên tình yêu thánh thiện của
Ngài đối với con người.
Sách Giảng Viên đã có một cái nhìn rất lành mạnh về tình yêu vợ chồng. Ở
đoạn 9, 9, Côhelét đã khuyên người chồng như sau: “Hãy hưởng cuộc đời
với người vợ ngươi yêu dấu suốt cả những ngày kiếp phù sinh của ngươi,
những ngày Thiên Chúa ban cho ngươi ở dưới ánh dương”.
Yêu nhau, sống trọn cho nhau, hy sinh cho nhau, thuỷ chung với nhau. Đó
là ơn gọi và đòi hỏi thiết yếu của những người sống bậc vợ chồng. Người
ta không lấy nhau vì một mục đích nào khác hơn là tình yêu và đó là con
đường nên thánh đích thực của các đôi vợ chồng. Xin được mượn lời của
Đức Giáo Hoàng Piô V để kết thúc câu chuyện: “Tôi sẽ phong thánh tức
khắc cho người đàn bà nào mà người chồng không bao giờ phàn nàn trách
móc”. |