Chuyện xảy ra tại
Hoa Kỳ:
Một người đàn bà nọ đến văn phòng cố vấn hôn nhân để xin hướng dẫn về ly
dị… Bà cho biết, bà đang hận chồng và bà chỉ muốn được ly dị, bà nghĩ,
đây là cách làm cho ông ta đau khổ hơn cả. Nghe thế, chuyên gia về gia
đình mới khuyên bà như sau: “Để được như bà muốn, tôi khuyên bà hãy về
và kể từ nay, hãy thử dùng mọi lời lẽ để ca tụng chồng bà. Khi ông ta
cảm thấy sống mà không thể thiếu bà, khi ông ta cảm thấy bà yêu ông ta
hết lòng, lúc bấy giờ bà hãy xin ly dị. Đó là cách thế hay nhất làm cho
ông ta đau khổ hơn cả”.
Vài tháng sau người đàn bà trở lại văn phòng của viên cố vấn. Vừa gặp
bà, ông ta liền đề nghị: “Nào chúng ta bắt đầu bàn đến thủ tục ly dị”.
Người đàn bà liền kêu lên với tất cả giận dữ, “Ai bảo ông là tôi muốn ly
dị, không bao giờ. Bây giờ thì tôi chỉ biết yêu thương và làm đẹp lòng
chồng tôi”.
Với câu chuyện trên đây, chúng tôi muốn được gửi tới những người vợ trẻ
một bí quyết để xây hạnh phúc gia đình. Họ chỉ có thể chinh phục được
chồng bằng tình yêu thương và sự dịu dàng mà thôi.
1. Chỉ cần một thời gian ngắn chung sống với nhau, người vợ sẽ thấy được
hầu hết những khuyết điểm của chồng. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên
cả. Đây là kinh nghiệm chung của những ai sống đời vợ chồng. Điều quan
trọng không phải là nhận ra những khuyết điểm của chồng, mà biết được
những phản ứng của chính mình. Trước những khuyết điểm của chồng, thái
độ thông thường của nhiều người là giận dữ. Phản ứng này dễ đưa đến
những cãi vã to tiếng và xúc phạm đến nhau. Có những người đàn bà khi
khám phá ra những khuyết điểm của chồng, thì lại rơi vào thất vọng chán
nản và giữ mãi trong lòng nỗi đắng cay chua xót. Thái độ này dĩ nhiên
chỉ làm cho mối quan hệ giữa hai người ngày thêm tồi tệ.
Trước những khuyết điểm của chồng, thái độ tốt nhất chính là thích nghi
với hoàn cảnh, thích nghi có nghĩa là hành động với tất cả kiên nhẫn dịu
dàng và yêu thương. Đó là cách thế duy nhất có thể giúp sửa đổi được
chồng. Một tác giả đã ví von: “Người chồng là ly cà phê đen. Cà phê càng
đen thì cần phải có nhiều đường”. Thật thế, sự bạo động của người vợ
trong lời nói hay trong cách cư xử sẽ không bao giờ thuyết phục được
chồng; trái lại, chỉ có tình yêu, sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn mới có thể
lay động được trái tim của họ.
2. Một trong những điều mà người vợ trẻ cho là khuyết điểm lớn nhất nơi
chồng mình, đó là sự gắn bó của anh với gia đình chồng, cách riêng với
người mẹ. Đa số những người vợ trẻ đều trải qua thảm cảnh “mẹ chồng nàng
dâu”. Thảm cảnh, bởi vì họ không biết thích nghi. Nếu vì phong tục hoặc
lý do kinh tế khiến đôi vợ chồng phải sống trong một đại gia đình, thì
thiết tưởng thích nghi vẫn là thái độ tốt nhất đối với người vợ.
Một cách cụ thể, người vợ trẻ phải biết thích nghi với mẹ chồng bằng sự
kiên nhẫn, tình yêu thương và sự dịu dàng mà họ vốn đã dành cho chồng.
Họ không nên nhìn mẹ chồng như đối thủ, hoặc tệ hơn, như kẻ thù; nhưng
họ phải luôn nhìn thấy nơi bà hình ảnh người mẹ thân yêu của chồng mình.
Dù người đàn bà ấy có thế nào đi nữa vẫn là người mẹ của chồng mình.
Chính người đàn bà ấy đã sinh ra và đã hy sinh tất cả để dưỡng dục chồng
mình.
Một người vợ yêu chồng thực sự là người luôn biết chiều theo ý muốn của
mẹ chồng, biết hỏi ý kiến bà, biết chấp nhận những nhận xét cũng như
những chỉ bảo của bà. Một người vợ yêu chồng thực sự là người biết xem
mẹ chồng như chính người mẹ ruột của mình, bằng cách luôn tìm hiểu và
cảm thông với cách suy nghĩ, lý luận và hành động của bà. Sống như thế
tức là biết thích nghi với hoàn cảnh. Và như vậy, điều mà người vợ cho
là khuyết điểm của chồng vẫn có thể vượt qua được một cách dễ dàng.
3. Kinh Thánh kể lại gương của một nàng dâu mẫu mực tên là Rut. Chuyện
kể rằng: Một bà goá tên là Nôêmi đưa hai người con song sinh đến sống
tại một vùng dân ngoại giáo. Tại đây hai người con trai này đã lập gia
đình với hai người con gái trong vùng. Một nàng dâu tên là Rut. Do yểu
mệnh, hai người con trai này đều qua đời sớm. Bà Nôêmi muốn quay trở về
quê cha đất tổ. Không muốn cho mẹ chồng phải cô thế một mình, nàng Rut
đã xin đi theo và gia nhập vào xã hội Do Thái để được sớm hôm thay chồng
phụng dưỡng bà. Tại Belem, quê quán của bà Nôêmi, nàng Rut đã gặp nhà
phú hộ tên là Bôốt. Họ lấy nhau và sinh ra Giếtsê thân phụ của vua
Đavit, từ đó xuất thân Đấng Cứu Thế.
Thánh Mátthêu, tác giả sách Tin Mừng đã vượt ra ngoài một thông lệ cố
hữu của người Do Thái khi nêu tên nàng Rut trong gia phả của Chúa Giêsu.
Qua câu chuyện của bà Rut, chúng ta cũng thấy được cái nhìn của Kinh
Thánh về hôn nhân và gia đình. Lập gia đình không chỉ là nên một trong
thân xác và tinh thần với người phối ngẫu mà thôi, nhưng còn đi vào
tương quan với một gia đình mới, rộng rãi hơn. Bà Rut không chỉ xem bà
Nôêmi như mẹ ruột của mình mà còn xem dân tộc bà như dân tộc mình, Thiên
Chúa của bà như Thiên Chúa của chính mình. Do sự thích nghi và cởi mở
đó, bà Rut được xếp vào hàng tổ tiên của Đấng sẽ đến để thiết lập đại
gia đình của Thiên Chúa, trong đó không còn hàng rào của chủng tộc, màu
da và văn hoá nữa.
4. Tựu trung, thích nghi với hoàn cảnh cũng có nghĩa là sống giới răn
bác ái của Chúa Kitô. Hơn bất cứ hoàn cảnh nào khác, đời sống vợ chồng
đòi hỏi phải sống bác ái cao độ. Thiết tưởng lời của thánh Phaolô trong
thư gửi giáo đoàn Côrintô chương 13 đáng cho chúng ta tâm niệm mỗi ngày.
Chúng tôi mượn lời thánh nhân để kết thúc:
“Bác ái thì khoan dung, nhân hậu, bác ái không ghen tương, bác ái không
ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh,
không chấp nhất, không giận dữ, không mừng trước sự bất công, nhưng biết
chia vui cùng lòng chân thật. Trong muôn sự, bác ái hết lòng bao dung,
hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn”. |