Cẩm nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô
- Mục vụ Hôn nhân và Gia đình -

Tác giả : D. WAHRHEIT

Tổng hợp và biên tập : Lm. Minh Anh, GP. Huế

CƯ XỬ VỚI VỢ NHƯ MỘT NGƯỜI CHỒNG TỐT

Chuyện hy hữu xảy ra tại Hoa Kỳ:

Có một người đàn bà không chấp nhận ngủ cạnh một người chồng có đôi bàn chân lạnh. Người chồng phải đi làm ca đêm, gần sáng ông về nhà, lên giường nằm bên cạnh vợ với đôi bàn chân lạnh ngắt. Người vợ không chịu được cho nên một đêm nọ bà ta đá chồng té xuống khỏi giường. Kết quả là người chồng bị gãy một cánh tay, ông ta đưa vợ ra toà và xin ly dị. Dĩ nhiên toà chấp nhận cho ly dị nhưng qui lỗi cho người đàn ông bởi vì theo luật pháp Hoa Kỳ, người đàn bà có quyền quyết định ai được phép ngủ với mình trên một giường.

Những người đàn ông theo dõi câu chuyện hẳn phải nghĩ rằng: người vợ trên đây là người đàn bà quá khó tính. Nhưng có lẽ ông chồng trong câu chuyện cũng phải tự vấn xem mình đã cư xử với vợ như một người chồng tốt chưa. Khi người vợ trẻ trở nên khó tính và bất thường, thiết tưởng thay vì trách móc, người chồng nên tự xét mình; cũng có thể sự thay đổi tính khí của người vợ là do những thiếu sót của người đàn ông tạo nên. Hãy tự xét mình, đó là điều mà một lần nữa chúng tôi xin phép đề nghị với những người chồng trẻ.

1. Những mối tội đầu, những thiếu sót mà người đàn ông cần phải xét đến trước tiên. Đó là tính ích kỷ, thay đổi bất thường, tự phụ và thiếu óc khôi hài. Những thiếu sót ấy người vợ khó mà tha thứ được.

Không gì làm thất vọng cho bằng phải sống bên người đàn ông chỉ biết nghĩ đến mình. Không gì làm mất hứng khởi cho bằng phải sống bên cạnh người đàn ông tính khí bất thường. Không gì tủi nhục cho bằng phải sống bên cạnh người đàn ông huênh hoang tự phụ. Và dĩ nhiên, không gì nhàm chán cho bằng sống bên cạnh người đàn ông không biết cười và cũng không biết làm cho người khác cười. Đó là những mối tội đầu trong đời sống vợ chồng.

Có những thiếu sót khác, tuy không ảnh hưởng trầm trọng tới mối tương giao vợ chồng nhưng sẽ làm cho người đàn ông thành một người bạn đường tầm thường. Trước hết là những lời nói tục tằn và những cử chỉ thô bạo. Chắc chắn không có người vợ nào ưa thích và đề cao mẫu người đàn ông như thế. Thứ đến, sự chểnh mảng trong cách ăn mặc. Cho rằng, phục sức lịch sự là chuyện riêng của người đàn bà là một sai lầm lớn. Lịch sự trong cách ăn mặc là một đòi hỏi của tình yêu. Ăn mặc lịch sự là thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người, nhất là đối với người mình yêu.

2. Một khuyết điểm khác mà người ta cũng thường thấy nơi nhiều người chồng, đó là thiếu tinh thần kỷ luật và trật tự trong gia đình. Họ vất bừa bãi các đồ vật trong nhà, họ không đúng giờ khi có hẹn. Ngược lại với sự bừa bãi, là tính quá tỉ mỉ, khiến cho những người chung quanh không thấy thoải mái khi đến gần.

Bên cạnh những khuyết điểm ấy, người chồng còn có thể làm cho bầu khí gia đình trở nên nặng nề hơn nếu ông là một người khép kín, ít nói, nhất là đối với vợ. Sự dè dặt cẩn trọng quá đáng của người chồng dễ làm cho người vợ thiếu tự tin. Tính thiếu cởi mở của người chồng sẽ gây ra sự nghi ngờ nơi người vợ và từ đó biến bầu khí gia đình trở nên nặng nề.

Có những điều mà người chồng nên tránh. Tránh nói ngược lại với vợ trước mặt con cái hay người khác, tránh trút xuống trên vợ những lo âu và gánh nặng của công việc riêng của mình, tránh nhai lại những lầm lẫn trong quá khứ của vợ, và nhất là tránh nói đến gia đình thấp kém của vợ, tránh nhắc đến sự quan tâm mà mình dành cho một người đàn bà khác.

3. Người chồng nên nhớ, “nhân vô thập toàn”. Người vợ không phải là một người đàn bà hoàn hảo. Có những khuyết điểm gắn liền với cá tính, nhưng cũng có những khuyết điểm do đời sống chung tạo nên. Người chồng cần phải chấp nhận những khuyết điểm của vợ và thích nghi, hơn là chống chọi. Thích nghi có nghĩa là đáp lại bằng cố gắng cải thiện của chính mình. Một người chồng thực tế, thay vì mất giờ để than phiền và trách móc những thiếu sót của vợ, hãy luôn chú ý đến những đức tính của vợ cũng như loại bỏ những khuyết điểm của chính mình.

Đời sống vợ chồng là một lò luyện nhân cách chung. Khuyết điểm của người này gây hại cho người khác và tính tốt của người này xây dựng cho người kia. Mỗi người phối ngẫu cần phải xác tín rằng, khuyết điểm của một người cũng là khuyết điểm chung mà họ phải chia sẻ với nhau; và đức tính tốt của một người cũng là kho tàng chung của hai người. Vì nhau mà phát huy những đức tính tốt, và vì nhau mà mỗi người chiến đấu chống lại những khuyết điểm riêng của mình. Người chồng phải luôn có cái nhìn như thế đối với những đức tính và những khuyết điểm của vợ.

4. Một văn sĩ Pháp đã viết về người đàn bà như sau: “Người ta bảo rằng, đàn bà phức tạp. Không phải thế. Họ rất đơn giản và trong suốt. Đôi cánh tay của người đàn ông giương ra là có thể ôm trọn lấy họ, một nụ hôn của người đàn ông có thể đi sâu vào tâm hồn họ. Chính những người đàn ông là những người làm cho mọi việc nên phức tạp”.

Điều mà người đàn ông bảo là phức tạp nơi người đàn bà, chẳng qua chỉ là sự bất lực của họ để hiểu được sự đơn giản nơi người đàn bà. Để hiểu được người đàn bà, có lẽ người đàn ông phải đặt mình vào địa vị của họ. Đó chính là đòi hỏi của đời sống vợ chồng. Người đàn ông không chỉ nên một với vợ trong thân xác mà còn phải cố gắng nên một với vợ trong tâm hồn. Nên một với vợ trong tâm hồn chính là thông cảm và chấp nhận những đức tính tốt cũng như những khuyết điểm của vợ.

<<<

Mục Lục

>>>