Cẩm nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô
- Mục vụ Hôn nhân và Gia đình -

Tác giả : D. WAHRHEIT

Tổng hợp và biên tập : Lm. Minh Anh, GP. Huế

ĐỊA VỊ CỦA NGƯỜI CHỒNG TRONG GIA ĐÌNH

Một cảnh thư giãn mang tính giáo dục rất ý nghĩa được chiếu trên một đài truyền hình:

Giữa đêm khuya, từ phòng riêng, hai vợ chồng trẻ bị đánh thức vì tiếng khóc của đứa con đầu lòng ở phòng bên cạnh. Trong cơn ngái ngủ xem ra không ai muốn dậy để săn sóc con. Họ nhìn nhau mỉm cười rồi đưa tay đánh cá xem ai là người phải dậy để lo cho đứa bé. Không ai thắng cuộc. Thế là cả hai cùng ngồi dậy và cùng chạy sang phòng bên cạnh.

Sau đó có lời giải thích về phút thư giãn giáo dục như sau: “Nuôi con là một chia sẻ trách nhiệm”.

Mọi người đều hiểu, nuôi dạy con không phải chỉ là việc của người vợ, mà là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng.

Với câu chuyện giáo dục trên đây, chúng tôi xin gợi lên một vài suy nghĩ về địa vị của người chồng trong gia đình. Cần phải hiểu thế nào địa vị làm chủ gia đình của người chồng? Người chồng phải thể hiện quyền làm chủ ấy thế nào?

1. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, dường như đâu đâu cũng đều có một thoả thuận ngầm về vai trò chủ động của người chồng trong gia đình. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê ở chương 3, cũng đồng một quan điểm. Ngài kêu gọi những người vợ phải phục tùng chồng cho phải phép.

Quả thực người đàn ông là chủ gia đình. Nhưng điều đó không có nghĩa là đàn ông cao trọng hơn đàn bà. Xét về phẩm giá con người, giữa đàn ông và đàn bà không hề có bất cứ một sự khác biệt nào về đẳng cấp. Sự khác biệt về thể lý không đương nhiên tạo ra bất bình đẳng giữa hai phái. Chiều cao của thân xác và sức mạnh của cơ bắp không bao giờ được xem là nền tảng của sự bất bình đẳng.

Người đàn ông và người đàn bà có những đặc điểm khác nhau, nhưng những đặc điểm đó không hề có một giá trị khác nhau. Xét như là những con người khác nhau, họ bổ túc cho nhau chứ không hề là kẻ trên, người dưới đối với nhau.

2. Kể từ Công Đồng Vaticanô II, cái nhìn của Giáo Hội về hôn nhân cũng thay đổi. Trước kia, hôn nhân được quan niệm như một thứ khế ước, trong đó, hai người phối ngẫu trao đổi quyền lợi cho nhau. Một quan niệm có tính cách luật pháp như thế, dĩ nhiên dễ đưa đến chỗ phân quyền và cạnh tranh. Người chồng luôn nghĩ tới những quyền lợi của mình đối với vợ.

Với Công Đồng Vaticanô II, hôn nhân được định nghĩa thiết yếu như một cộng đồng tình yêu mà hai người nam nữ, do giao ước hôn phối, cam kết xây dựng với nhau suốt đời. Định nghĩa này đã được Giáo luật mới của Giáo Hội lặp lại trong số 1055 như sau: “Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống”.

Nói đến thông hiệp là nói đến tình yêu, mà nói đến tình yêu là không còn nói đến quyền lợi nữa. Tình yêu vợ chồng làm cho hai người bình đẳng với nhau đến độ không ai còn nại đến quyền lợi của mình đối với người khác. Nếu có một thứ quyền lợi mà cả hai phải nghĩ đến, thì đó là lợi ích của cộng đồng tình yêu mà họ đã cam kết xây dựng với nhau. Trong tình yêu hôn nhân, người ta có thể nói rằng, không còn có cái tôi với những quyền lợi riêng tư nữa. Hai người phối ngẫu sẽ không còn phải khẳng định: cái này của tôi, cái kia của ông, cái nọ của bà. Họ thuộc về nhau trọn vẹn, họ chia sẻ cho nhau tất cả mọi sự. Họ có chung một trách nhiệm.

3. Có những người đàn ông thích thể hiện quyền lợi của mình. Họ nại đến quyền làm chồng để cưỡng bách vợ phải vâng phục hầu hạ mình. Họ nại đến quyền làm chủ để đơn phương quyết định mọi việc trong nhà. Họ nại đến cả quyền làm đàn ông để hành hạ đàn bà. Khi người chồng chỉ suy nghĩ và hành động trong vòng quyền lợi của mình, thì dĩ nhiên, người vợ sẽ không còn là người bạn đường để cùng xây dựng cộng đồng tình yêu nữa mà có lẽ chỉ còn là người nội trợ không hơn không kém, một người giúp việc để cho người đàn ông sai khiến và sử dụng vào những mục tiêu riêng của mình. Cư xử như thế không phải là thể hiện tư cách làm chủ trong gia đình.

Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê, sau khi đã nhắc nhở cho người chồng địa vị làm chủ trong gia đình đã khuyên nhủ như sau: “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến vợ”. Như vậy, với thánh Phaolô, chỉ có một cách thế duy nhất để người chồng thể hiện quyền làm chủ của họ trong gia đình, là yêu thương.

4. Tạp chí “Thành Công” của Italia đã làm một cuộc thăm dò với các nữ độc giả về điều mà họ chờ đợi nơi người đàn ông. Một độc giả đã trả lời như sau: “Người đàn ông sẽ trở thành kỳ diệu khi họ siết chặt ta trong vòng tay âu yếm và làm cho ta cảm thấy nhỏ bé trong họ. Trái lại, họ sẽ trở nên ngu xuẩn khi họ muốn ta phải nhỏ bé lại trước mặt họ”.

Nhận xét trên đây thật chí lý. Người chồng chỉ thể hiện được uy quyền của mình bằng tình yêu chứ không bằng vũ lực hay bất cứ sự cưỡng bức và đe doạ nào.

Người đàn bà tự bản chất luôn cần có sự che chở của người đàn ông. Do đó, đức tính mà người đàn bà đánh giá cao nhất nơi đàn ông, trước hết phải là sự can đảm. Can đảm ở đây không hẳn là phải thể hiện những hành động phi thường, mà chính là biết bình tĩnh để ứng phó và đối đầu với những khó khăn của cuộc sống.

Chính sự cứng rắn và ý chí vững mạnh của người đàn ông sẽ mang lại an ninh cho người đàn bà. Sự can đảm nơi người đàn ông còn được thể hiện bằng chính sự chịu đựng, kiên nhẫn nữa. Sự cứng rắn của người đàn ông phải là một sự cứng rắn đầy yêu thương và dịu dàng. Sức mạnh nơi người đàn ông phải là sức mạnh của sự tế nhị. Nam tính của người đàn ông phải là nam tính của yêu thương và âu yếm.

5. Người chồng phải luôn nhớ mình là chủ gia đình. Nhưng địa vị làm chủ ấy họ chỉ có thể thực hiện như lời căn dặn của Chúa Giêsu: “Ai trong các con muốn làm lớn, hãy làm đầy tớ mọi người”. Đó là nghịch lý của Kitô giáo và cũng là khuôn vàng thước ngọc cho người chồng. Người chồng không thể hiện tư cách làm chủ bằng cách đòi hỏi vợ phải tôn trọng những quyền lợi riêng tư của mình, mà chính là bằng phục vụ và phục vụ trong yêu thương, nhẫn nại, cảm thông và tha thứ.

Lời của thánh Phaolô cần phải được người chồng đem ra thực hành để sống đúng tư cách làm chủ gia đình mình: “Anh em hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương. Đó là giây ràng buộc điều toàn thiện”.

<<<

Mục Lục

>>>