Cẩm nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô
- Mục vụ Hôn nhân và Gia đình -

Tác giả : D. WAHRHEIT

Tổng hợp và biên tập : Lm. Minh Anh, GP. Huế

BÍ QUYẾT ĐỂ GIỮ CHỒNG

Tạp chí Red Book xuất bản tại Hoa Kỳ đã có lần báo động như sau: Sau năm năm thành hôn, một số rất lớn những người chồng Mỹ bắt đầu ngoại tình, và một số lớn hơn nữa bị cám dỗ muốn ngoại tình. Tạp chí này giải thích rằng: Thông thường người đàn ông ngoại tình không phải để tìm lạc thú mà để củng cố lòng tự tin.

Nhận định trên đây của tạp chí Red Book xem ra phù hợp với cái nhìn của Kinh Thánh về hôn nhân. Kinh Thánh nói rằng: “Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ để luyến ái với vợ mình”. Lìa bỏ cha mẹ là hình ảnh nói lên sự trưởng thành và tự khẳng định của con người. Không những chỉ có những con người trưởng thành mới có thể bước vào đời sống hôn nhân, mà chính hôn nhân phải là môi trường giúp con người đảm nhận trách nhiệm làm người và nên trưởng thành hơn.

Một hôn nhân đổ vỡ là một cuộc sống trong đó người ta không tìm thấy được chính mình hoặc không thể tự khẳng định mình. Đó là lý do khiến người chồng hoặc người vợ đi tìm sự khẳng định và niềm tự tin ở một nơi khác.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới những người vợ trẻ một bí quyết để giữ chồng. Đó là biết giúp chồng trưởng thành hơn, nghĩa là giúp chồng tìm thấy được niềm tự tin trong đời sống vợ chồng.

1. Trước tiên người vợ hãy nhớ kỹ nguyên tắc mà Kinh Thánh đã đề ra. Đó là người đàn ông lìa bỏ cha mẹ để luyến ái với vợ và nên một với vợ trong thân xác và tinh thần. Muốn nên người, con người cần phải bỏ cung lòng và vòng tay ấm cúng của người mẹ. Tiến trình trưởng thành ấy không ngừng đòi hỏi ra đi và tự khẳng định về mình. Do đó, đối với người đàn ông, sự vượt thoát ra khỏi sự săn sóc và vòng kiềm toả của người mẹ là một nỗi khát khao mà họ muốn được thoả mãn trong đời sống hôn nhân.

Một cách cụ thể, người đàn ông không muốn được vợ cư xử như một đứa con. Không gì làm cho người đàn ông cảm thấy mệt mỏi cho bằng phải sống bên một người vợ lúc nào cũng canh cánh bên mình để nhắc nhở cho mình mọi sự. Từ chuyện ăn uống, đến ngủ nghỉ, phục sức đến chuyện giải trí và giao dịch. Dĩ nhiên người đàn ông nào cũng thích sự săn sóc của vợ. Tình yêu không thể không được diễn tả bằng những hành động cụ thể, nhưng người vợ nên nhớ: họ phải săn sóc chồng như một người vợ chứ không phải như một người mẹ. Một người đàn bà đầu tắt mặt tối lo cơm nước và mọi sự cho chồng chưa hẳn là một người vợ lý tưởng. Công việc ấy một người giúp việc và một người mẹ có thể làm được. Người đàn ông không lập gia đình để được săn sóc chiều chuộng. Người ta thường đề cao sự chiều chuộng như đức tính cơ bản mà một người vợ phải có. Nhưng có trăm nghìn cách để chiều chuộng, mà sự chiều chuộng khiến cho người đàn ông cảm thấy tự ái nhiều nhất là sự chiều chuộng của vợ lại như của một người mẹ. Người đàn ông chỉ cảm thấy đầy đủ tự tin trong gia đình khi những săn sóc chiều chuộng của vợ là một biểu lộ sự âu yếm của tình yêu đôi lứa mà thôi.

2. Có nhiều lý do khiến người đàn bà săn sóc chồng như săn sóc một đứa con. Có người thú nhận: vì cảm thấy chồng không chú ý đến mình đủ, cho nên phải tìm cách săn sóc chồng. Họ chờ đợi nơi người chồng một sự đáp trả tình tứ hơn, lãng mạn hơn, nhưng lắm khi họ chỉ nhận được tâm tình biết ơn của một người con mà thôi.

Tình mẫu tử là một bản năng của người đàn bà. Lúc mới lớn lên, quan sát cách sống của người mẹ, người con gái nào cũng học được cách săn sóc, sự chú ý đến những nhu cầu của người khác. Đó là điểm son trong bất cứ nền giáo dục gia đình nào. Đó là cách thế tốt đẹp nhất để chuẩn bị cho người con gái bước vào đời sống gia đình.

Tuy nhiên, một cách vô tình và vô ý thức, người con gái nào cũng tự nhiên muốn áp dụng bài học săn sóc ấy vào chính người chồng của mình. Thoạt tiên sự săn sóc nào cũng hấp dẫn người đàn ông, nhưng về lâu về dài, khi người đàn ông chỉ nhìn thấy trong sự săn sóc ấy cách nối dài sự vỗ về và nhất là sự kềm kẹp của mẹ mình, hẳn họ sẽ cảm thấy tự ái; từ đó, trở nên lạnh nhạt với vợ. Có biết bao nhiêu người than phiền rằng, mình đã săn sóc lo lắng cho chồng không thiếu món gì, vậy mà chồng vẫn lạnh nhạt và đi tìm những người đàn bà khác. Người vợ nên nhớ, người chồng chờ đợi nơi vợ một cái gì khác hơn là sự săn sóc của một người mẹ.

3. Tình yêu được diễn tả bằng sự tôn trọng và sự chấp nhận nhau. Đó là điều mà người chồng nào cũng chờ đợi nơi vợ mình. Chỉ có tình yêu mới mang lại sự tự tin cho người chồng. Sở dĩ nhiều người vợ dành cho chồng một sự săn sóc có tính mẫu tử, bởi họ không tin tưởng đầy đủ vào chồng, cũng như không muốn chấp nhận con người của chồng mình.

Chấp nhận con người của chồng nghĩa là chấp nhận cả những khuyết điểm, những đam mê, những sở thích của chồng. Lắm khi thảm cảnh gia đình xảy ra chỉ vì người ta không muốn chấp nhận những khuyết điểm của nhau. Có những người đàn bà bắt chồng phải giống với một lý tưởng trừu tượng nào đó, thay vì chấp nhận con người với những khuyết điểm và yếu hèn của chồng.

Hãy lấy thí dụ một người nghiện thuốc lá. Dĩ nhiên, xét về những nguy hại cho sức khỏe cũng như bao hệ lụy khác, hút thuốc lá là một khuyết điểm. Tuy nhiên, bỏ thuốc lá không phải là chuyện một sớm một chiều. Chúng tôi nghĩ rằng, người vợ không nên ép buộc chồng mình phải bỏ thuốc lá, hoặc tạo sức ép khiến chồng cảm thấy bứt rứt…

Muốn sửa những khuyết điểm của người đàn ông, muốn uốn nắn người đàn ông theo ý mình, muốn thay đổi những thói quen và sở thích mà người đó đã có từ thuở nhỏ là một sai lầm lớn.

4. Văn sĩ Pháp André Maurois đã nói, “Tình yêu chân thật chỉ có khi những khuyết điểm trở thành kỳ diệu”, nghĩa là khi người ta biết chấp nhận chúng với khoan dung dịu dàng và óc khôi hài. Hạnh phúc đích thực chỉ có được khi người ta không cảm thấy ước muốn thay đổi điều gì nơi người mình yêu. Lời vàng ngọc sau đây của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu cần phải được những người vợ trẻ đem ra tâm niệm:

“Bác ái đích thực là chịu đựng mọi khuyết điểm của tha nhân, là không ngạc nhiên về những yếu hèn của tha nhân, và biết xây dựng tha nhân bằng những hành động nhân đức. Nhưng nhất là, bác ái đích thực không được che giấu trong đáy lòng, bởi vì không đốt đèn rồi để dưới đáy thùng. Nhưng để trên giá đèn hầu soi sáng tất cả mọi người trong nhà”.

Thánh nữ Têrêxa muốn nói rằng, người ta chỉ chữa trị được những khuyết điểm của người khác bằng gương sáng; hay đúng hơn, bằng tình yêu mà thôi. Điều này hẳn phải là chân lý trong đời sống vợ chồng.

<<<

Mục Lục

>>>