Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

TRÁI TIM ME ̣TOÀN THẮNG

Chương 19 - Trái Tim Mẹ Toàn Thắng

Phải,  Đúng như lời Mẹ đã tiên báo vào lần hiện ra thứ ba ở Fatima, 13/7/1917:

 “Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng” (FILOW:162).

Lịch sử đã tự chứng minh một cách rõ ràng và hùng hồn là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ thực sự đã thắng.

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ đã không thắng là gì, khi “cuối cùng” Mẹ đã làm cho Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II hiệp với tất cả các giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 25/3/1984.

Nhờ đó, “cuối cùng” Mẹ cũng đã làm cho “Nước Nga trở lại” (FILOW:162) ngày 25/12/1991, khi chế độ và chủ nghĩa CS hoàn toàn bị truất phế và hạ bệ sau 74 năm và 18 ngày đã làm lũng đoạn Nước Nga nói riêng và đe dọa thế giới nói chung.

Thế rồi, vì Nước Nga là mồi “gây chiến tranh” (FILOW:162) đã trở lại như thế, “cuối cùng...thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình” (FILOW:162).

“Thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình”, hay, nếu dịch cho đúng điệu văn hơn, câu nói này của Đức Mẹ sẽ là: “Một thời gian hòa bình sẽ được ban cho thế giới”.

Thật vậy, với tình trạng thế giới băng hoại hơn bao giờ này, thế giới không thể nào tự tạo lấy cho mình được một thời gian hòa bình, nếu không được Trời Cao ban cho.  

Với hiện trạng thế giới ngày nay đang bị chủ nghĩa cá nhân (mà ly dị là một hình thức điển hình), hưởng thụ (mà ngừa thai và phá thai là những hiện tượng hiển nhiên), duy nghiệm (mà khoa học và kỹ thuật tối tân được dùng để giải quyết tất cả mọi sự) và duy tâm (mà sự thật và sự thiện được chấp nhận và tuân theo một cách hoàn toàn chủ quan theo ý nghĩ và cảm nghiệm tự nhiên), làm sao thế giới có thể tiêu diệt CS vô thần, vì chính thế giới đang vô thần như ai, như thế, làm sao thế giới có thể kiến tạo cũng như hoan hưởng hòa bình chân chính và bền lâu.

Do đó, Trời Cao ban cho thế giới một thời gian hòa bình như vậy không phải là vì thế giới đã biết lắng nghe lời Mẹ van xin “Hãy đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi” (FILOW:168), mà có thể là vì một số con cái của Mẹ đã làm việc đền tạ tạm đủ để “rút những gai tội lỗi ra” (FILOW:195) khỏi Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, hay đã sốt sắng nghe theo lời Mẹ dặn “lần hạt Mân Côi hằng ngày để cầu cho hòa bình thế giới” (FILOW:160-161).

Dầu sao, hoà bình cũng chỉ được ban cho thế giới trong vòng một thời gian mà thôi! “Một thời gian” ấy không biết sẽ kéo dài trong bao lâu và không biết là những gì sẽ xẩy ra sau đó? Chỉ biết rằng, “cuối cùng” lời Thiên Chúa tuyên án phạt con cựu xà trong vườn địa đàng chắc chắn sẽ được ứng nghiệm hơn bao giờ hết vào Thời Điểm Fatima này, Thời Điểm “Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:162).

Những gì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ tỏ ra đã thắng trong lúc này, như vừa kể trên, mới chỉ là bước đầu và là dấu chứng cho con cái Mẹ, những người “nhận biết và yêu mến Mẹ”, những người hằng đền tạ và tin cậy Mẹ, thấy rằng “cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ TOÀN THẮNG”.

Thế nhưng,

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ:

- Toàn Thắng ai?  

- Toàn Thắng bằng cách nào?  

- Toàn Thắng như thế nào?

 THÙ HẬN THIÊN THU

“Ta sẽ gây thù hận giữa ngươi và người nữ, giữa giòng dõi ngươi và giòng dõi người nữ, trong khi ngươi rình cắn gót chân Ngài thì Ngài sẽ đạp nát đầu ngươi” (STK 3:15).

Tại sao “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Gn 4:8,16), “là Đấng trọn lành ở trên trời” (Mt 5:48), lại có thể làm việc này, đó là “gây thù hận” giữa các tạo vật của mình? Chẳng lẽ đó là thú vui của Ngài khi Ngài dựng nên tạo vật hay sao? Thật ra, theo tình hay theo lý đi nữa, Thiên Chúa không thể nào lại làm thế, “gây thù hận” giữa các tạo vật của Ngài. “Thù hận” sở dĩ có nơi tạo vật là do tự tạo vật mà ra.

“Con Trẻ (Chúa Giêsu) này là duyên cớ cho nhiều người trong Do Thái bị vấp phạm hay được chỗi dậy” (Lc 2:34), theo lời tiên báo của ông già Simeon cho Đức Mẹ và thánh Giuse biết, nghĩa là gì? Phải chăng, việc “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Gn 1:14) làm cho nhiều người trong dân Do Thái vấp phạm là việc Thiên Chúa không nên làm, nếu làm sẽ là việc “gây thù hận” cho những người “yêu tối tăm hơn ánh sáng” (Gn 3:19)?

Phải chăng việc ông chủ vườn nho, trong quyền hạn của mình, phát lương cho các nhóm thợ được ông thuê mướn một cách công bình để làm vườn nho cho ông, đã gây cho nhóm thợ đến làm vào những giờ đầu tiên ghen tức vì “lòng rộng rãi” (Mt 20:15) của ông đối với những người làm vào giờ sau hết, là việc “gây thù hận” của ông chủ, bởi đó, ông không nên làm hay sao?

Nếu vì những thành phần “làm ác thì ghét ánh sáng” (Gn 3:20) này mà “Thiên Chúa là ánh sáng” (1Gn 1:5) tránh hết điều này đến điều kia, thì Ngài sẽ không bao giờ làm được gì cả, và thành phần “làm điều chân thật thì đến với ánh sáng” (Gn 3:21) sẽ không bao giờ được thấy ánh sáng.

Bản tính của ánh sáng là chiếu soi. “Là ánh sáng”, Thiên Chúa không thể nào không tỏ mình ra theo bản tính của mình. Một khi ánh sáng chiếu soi, bóng tối tự nhiên sẽ tan biến.

“Bóng tối bao trùm vực thẳm” (STK 1:2), tượng trưng cho hư vô là tất cả những gì không phải là Thiên Chúa hay ngoài ý muốn của Thiên Chúa, đã không biến mất là gì khi Thiên Chúa bắt đầu dựng nên “ánh sáng” trong ngày thứ nhất và mọi sự Ngài muốn sau đó?

“Bóng tối sự chết” (Luca 1:79), tượng trưng cho tội lỗi là tất cả những gì nghịch lại với Thiên Chúa và không đúng với ý muốn của Thiên Chúa, cũng đã không biến mất là gì, khi “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Gn 1:14) “là Ánh Sáng thế gian” (Gn 8:12) “tỏ mình ra để phá hủy công việc của ma quỉ” (1Gn 3:8). 

Bởi vậy, ý nghĩa của câu Thiên Chúa tuyên phạt con cựu xà Satan trong vườn địa đường: “Ta sẽ gây thù hận giữa ngươi và người nữ”, có thể được hiểu là vì Thiên Chúa “đã thương đến phận nữ tỳ tôi tớ của Ngài (là người nữ tên Maria và) đã làm những sự trọng đại” (Lc 1:48-49) nơi người nữ này, một người nữ vô danh tiểu tốt trước con mắt chỉ có mình là đệ nhất thiên hạ của Satan, mà về bản tính tự nhiên hắn cao sang hơn người nữ đó cả một trời một vực, đã làm cho hắn vô cùng ghen tức.

Thật ra, Satan đã “thù hận” Mẹ Maria ngay từ ban đầu, khi hắn được Thiên Chúa tỏ cho biết ý định của Ngài là Ngôi Lời sẽ mặc lấy bản tính nhân loại trong lòng một người phụ nữ. Đến nỗi, hắn đã dám chống lại ý định tối cao và vô cùng toàn hảo này của Thiên Chúa. Thánh Kinh đã diễn thuật sự kiện này như sau:

“Bấy giờ con rồng đứng trước người nữ sắp sinh con, chờ để nuốt con trẻ khi con trẻ được sinh ra... Khi con rồng thấy rằng mình bị hất văng xuống đất, hắn truy lùng người nữ đã sinh con trai. Nhưng người nữ đã được ban cho đôi cánh đại bàng để bay về chỗ của mình trong sa mạc, xa khỏi con rắn... Tức giận khi thấy người nữ thoát nạn, con rồng đi gây chiến với giòng dõi của người nữ, những kẻ giữ mệnh lệnh Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Kitô” (KH 12:4,13-14,17). 

 TRÁI TIM MẸ TOÀN THẮNG SATAN

Phải, chính Satan, con cựu xà đã cám dỗ Evà trong vườn địa đường, là đối tượng và là mục tiêu Toàn Thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

Thật ra, căn cứ vào văn từ của Thánh Kinh, chủ từ “đạp dập đầu ngươi” là giống đực, chứ không phải là giống cái, tức không phải là Mẹ Maria, “một người nữ”.

Đúng thế, theo thần học, tự Mẹ Maria cũng không thể nào chiến thắng được Satan, nếu không có Thiên Chúa hay không có Chúa Kitô. Nói cách khác, Mẹ Maria có chiến thắng Satan là do Chúa, trong Chúa và nhờ Chúa. Chính Thánh Kinh cũng không có chỗ nào rõ ràng diễn tả việc Mẹ Maria chiến thắng Satan, “đạp dập đầu Satan”, mà chỉ diễn tả việc “thoát nạn” của Mẹ “xa khỏi con rắn” muốn hãm hại Mẹ thôi. Tuy nhiên, dù Mẹ Maria không trực tiếp và tự mình đạp dập đầu Satan, nhưng, một khi Satan không làm gì được Mẹ như lòng “thù hận” của hắn, thì kể như hắn bị thua Mẹ rồi vậy.

Nếu nói Thiên Chúa chiến thắng Satan cũng không đúng lắm. Là Thiên Chúa, cần gì Ngài phải bận tâm và ra tay với một tạo vật hỗn láo của Ngài.

Trong trận chiến đầu tiên, không phải là tổng lãnh Micae lãnh đạo các thần lành, chứ không phải là chính Thiên Chúa, đã chiến đấu và chiến thắng Satan và các thần dữ theo hắn đấy ư (x.KH 12:7-9). Thế mà, Thánh Kinh lại minh định vị chiến thắng Satan là Chúa Kitô: “Chính vì để phá hủy công việc của ma qủi mà Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra” (1Gn 3:8) hay “Thày đã chiến thắng thế gian” (Gn 16:33), nơi ma qủi đã làm cho “qua một người tội lỗi đã đột nhập và cùng với tội lỗi là sự chết” (Rm 5:12).

Thật ra, ngoài chính Thiên Chúa, không một tạo vật nào, kể cả tổng thần Micae hay Nữ Vương Maria tự mình có thể khống chế được Satan, đệ nhất tạo vật mà Ngài đã dựng nên.

Tuy nhiên, để khống chế Satan, Thiên Chúa chỉ “ra tay uy quyền đánh tan kẻ kiêu căng với những ý nghĩ của hắn và đã hạ kẻ quyền hành xuống khỏi vị cao” (Lc 1:51-52) bằng chính tạo vật của Ngài thôi. Chẳng hạn, ở trên trời bằng tổng thần Micae và các thần lành, và ở dưới đất bằng Mẹ Maria và các kẻ lành. “Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra để phá hủy công việc của ma qủi” là gì, nếu không phải là Thiên Chúa dùng bản tính nhân loại, một bản tính thua kém bản tính của Satan, một bản tính đã bị chính Satan làm cho hoàn toàn băng hoại vì tội nguyên tổ, để khống chế Satan.

Thế mới nhục cho Satan! Không còn cực hình nào nặng hơn và đích đáng hơn để trừng phạt và trừng trị Satan là một tạo vật thông sáng hơn hết mọi tạo vật lại là một tạo vật đã dám đứng lên chống đối Ngài, bằng cách này. Lý đoán của Chúa vô cùng công minh và bàn tay của Chúa vô cùng công thẳng là vậy.

Thế nhưng, bản tính nhân loại nói chung và thân xác loài người nói riêng mà Ngôi Lời đã mặc lấy nơi Chúa Giêsu Kitô để phá hủy công việc của Satan đây bởi đâu mà có, nếu không phải bởi Mẹ Maria, “trinh nữ thụ thai và sinh con trai” (Is 7:14). 

Có thể nói, đối tượng và mục tiêu chiến thắng của Mẹ Maria là chính Satan, trong khi, đối tượng và mục tiêu chiến thắng của Chúa Kitô là chính tử thần. Căn cứ vào đâu để có thể phân tách và khẳng định như thế?

Mẹ Maria chiến thắng Satan bởi vì, cả hai, trong thượng trí của Thiên Chúa, là hai tạo vật đệ nhất, như Thánh Kinh đã diễn tả qua hình ảnh: “Một Người Nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai tinh tú... Một Con Rồng khổng lồ, rực lửa, với bảy đầu và mười sừng, mỗi đầu có bảy vương miện” (KH 12:1,3).

Tuy nhiên, hai tạo vật thượng thặng này đệ nhất về một phương diện khác nhau: Satan, theo các thánh Giáo Phụ, là Lucifer, tức “thần ánh sáng”, đệ nhất về bản tính tự nhiên, hơn Mẹ Maria, cũng như đệ nhất về phẩm trật hơn các thần trời cùng một bản tính với hắn; Mẹ Maria, tuy thua kém Satan về bản tính tự nhiên, song lại đệ nhất thiên hạ về phương diện ân sủng, đến nỗi, chính bản tính tự nhiên thua kém Satan của Người đã được mặc lấy Thiên Tính khi “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Gn 1:14) trong cung lòng trinh nguyên của Người.

Chúa Kitô “là sự sống lại và là sự sống” (Gn 11:25) đã chiến thắng tử thần (x.1Cor 15:26, Rm 6:9). Thật vậy, chiếc “Đầu” mà Satan bị “đạp nát" đây là gì, nếu không phải là biểu hiệu cho “những ý nghĩ kiêu căng của hắn”, những mưu đồ vô cùng gian trá và hiểm độc của hắn, nhất là hiện thân của chính “tử thần” mà hắn vừa làm tôi vừa làm chủ.

“Đầu” của Satan là biểu hiệu cho “những ý nghĩ kiêu căng của hắn”.

Hành động bất mãn đứa đến bất tuân và phản loạn của “con rồng khổng lồ” chỉ là hậu quả, bị tác động bởi những ý nghĩ kiêu căng ở bên trong mà thôi. Nếu “con rồng khổng lồ” không có “những ý nghĩ kiêu căng” này, hắn sẽ không có những phản ứng làm cho hắn phải chịu những hậu quả bất hạnh đời đời như hắn đang phải chịu.  

“Những ý nghĩ kiêu căng của hắn” đây là gì, nếu không phải như  Thánh Kinh đã viết về vua Babylon, hiện thân kiêu căng của hắn: “Ngươi thầm nhủ trong lòng rằng: 'Ta sẽ vượt trên các tầng trời; trên các tinh tú của Thiên Chúa, Ta sẽ đặt ngai tòa của Ta. Ta sẽ ngự trên Núi Đồng Hội, nơi bồng lai phương Bắc. Ta sẽ lên tới chót đỉnh mây ngàn; Ta sẽ nên như Đấng Tối Cao'“ (Is 14:13-14).

Chiếc “Đầu” này của Satan, tức “những ý nghĩ kiêu căng của hắn” này thật ra không phải tự hắn mà có, hơn là do chính tử thần mà có, và hắn chỉ là thừa hành, là tay sai của tử thần để làm điều tử thần muốn mà thôi. Do đó, khi tử thần bị tiêu diệt thì tự nhiên “Đầu” của Satan cũng bị “đạt dập nát” thôi.

“Đầu” của Satan là biểu hiệu cho “những mưu đồ vô cùng gian trá và hiểm độc” của hắn.

Thánh Kinh đã nói rõ về Satan là: “Sự thật không có trong mình hắn” (Gn 8:44). Nếu sự thật có trong mình Satan thì hắn đã không có những ý nghĩ kiêu căng như vậy. Vì có những ý nghĩ kiêu căng như vậy, hắn đã không biết mình, dù là thần ánh sáng đi nữa. Và vì không biết mình, hắn đã phản loạn, đã làm theo sự mù tối của hắn, tức làm theo tử thần ở trong hắn.

Tử thần chính là sự tối tăm, sự gian dối. Mà, đã là sự tối tăm thì “ghét ánh sáng” (Gn 3:20), nên làm hết cách để tiêu diệt ánh sáng. Thế nhưng, Thánh Kinh đã nói về số phận vô cùng đáng thương và khốn nạn của thành phần tăm tối này như sau: “Đây là kẻ cưu mang gian manh, thụ thai lệch lạc và hạ sinh thảm bại. Hắn đào bẫy sập, đào thật sâu, mà lại bị rơi ngay xuống bẫy hắn tạo ra. Sự gian manh của hắn quật lại vào mình hắn; sự hung tàn của hắn rơi lại rơi ngay xuống đầu hắn” (TV 7:15-17).

Không phải hay sao, qua bàn tay đẫm máu của loài người là loài đã bị hắn sát hại ngay từ đầu nên lúc nào cũng sẵn sàng vui vẻ làm theo ý muốn của hắn (x.Gn 8:44), hắn đã giết chết được Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Thế nhưng, hắn có ngờ đâu rằng, chính thập giá mà hắn nhờ tay con người đóng đanh Con Thiên Chúa lại là cái giá loài người cần phải trả cho Ngài trong Con của Ngài để Ngài cứu rỗi họ. Như thế, không phải là “Đầu” của Satan, “mưu đồ vô cùng gian trá và hiểm độc của hắn” đã bị đạp nát hay sao!“Đầu” của Satan là biểu hiệu cho chính “tử thần”.

Nếu Mẹ Maria không phải là sự sống như Con Mẹ, nhưng Mẹ đã thụ thai, cưu mang và sinh hạ Ngài cho thế gian thế nào, Satan cũng vậy, hắn cũng không phải là chính tử thần, song hắn đã thụ thai, cưu mang và hạ sinh tử thần cho thế gian. Chính hắn cũng đang ở trong sự chết, ở trong tử thần vậy. Chính sự chết ở trong Satan đã bị hủy diệt qua các mưu đồ và việc làm của Satan. Hay, nói cách khác, một khi mưu đồ và việc làm của Satan, của ma qủi bị hủy diệt, qua việc tỏ mình ra của Con Thiên Chúa (x.Gn 3:8), thì tử thần bị hạ và Satan bị thua trận.

“Đầu” của Satan là như thế, và chiếc “Đầu” đó đã bị đạp nát ra như vậy, nhưng, chiếc “Đầu” đó đã bị đạp nát bằng cách nào, nếu không phải bằng “gót chân Ngài”. Cái “Đầu” kiêu ngạo của Satan “nát” ra không phải vì bị một bàn tay bóp chết hay vì bị một chiếc gậy đập chết, mà là, nhục nhã hơn nữa, vì bị bàn chân là phần thấp hèn nhất trong thân thể so với đầu “đạp nát”.

Vậy, “bàn chân” đạp nát “đầu” Satan đây là gì, nếu không phải là biểu hiệu cho nhân tính của Chúa Kitô và cho Giáo Hội là Nhiệm Thể của Ngài.

“Bàn chân” đạp nát đầu Satan đây là biểu hiệu cho nhân tính của Chúa Kitô.

Lý do là vì, phần bị Satan rình cắn của bàn chân tức của nhân tính Chúa Kitô này là “gót”. “Gót” của bàn chân bị Satan rình cắn đây không phải là Thánh Thể của Chúa Kitô, Mình đã “bị nộp vì các con” và Máu đã “đổ ra cho các con” (x.Lc 22:18,20) hay sao.

“Bàn chân” đạp nát đầu Satan đây còn là biểu hiệu cho Giáo Hội là Nhiệm Thể của Chúa Kitô.

Lý do là vì, “gót” của bàn chân tức của Giáo Hội này là phần bị Satan rình cắn chính là những chi thể của Giáo Hội, “những kẻ giữ mệnh lệnh Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Giêsu” (KH 12:17).

Thế nhưng, “những kẻ giữ mệnh lệnh Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Kitô” là “gót chân Ngài”, thành phần trực tiếp đạp dập đầu Satan ấy là ai, nếu không phải là chính “giòng dõi Người Nữ” (KH 12:17; STK 3:15), những người “được đóng ấn trên trán” (KH 7:3), những người “Thiên Chúa đã tiền định” (Rm 8:29).

Chính thành phần “được đóng ấn trên trán” (KH 7:3) này mới là đối tượng, là mục tiêu tấn công toàn lực của Satan cùng đồng bọn “Phản Kitô” của hắn. Lý do là vì hắn “săn đuổi (mà không làm gì được) Người Nữ sinh con trai” (KH 12:13), nên, “tức giận vì Người Nữ vượt thoát, con rồng đi giao chiến với con cái của Người Nữ” (KH 12:17).

Ấn tín được đóng trên trán của thành phần “có tên trong sổ hằng sống” đây là gì, nhờ đó, Satan và đồng bọn của hắn có thể dễ dàng nhận diện đối phương không đội trời chung để mà tấn công, để mà ăn tươi nuốt sống, để mà, nếu chiếm được thành phần này là hắn làm cho ý định cứu rỗi đời đời của Thiên Chúa bất thành, và làm cho Người Nữ “uy hùng như đạo quân sắp hàng vào trận” (DTC 6:10) bị bẽ mặt, tức làm cho hắn chuyển bại dưới thập giá Chúa Kitô, dưới Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, thành thắng trên giá Máu của Chúa Kitô, trên con cái của Mẹ, là “những người Thiên Chúa đã biết trước thì Ngài cũng tiền định” (Rm 8:29)?

Phải chăng ấn tín của những kẻ được Thiên Chúa biết trước thì Ngài cũng tiền định đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria?

Không phải hay sao, các thánh đã không sợ sai lầm khi công khai xác tín rằng: “Hoàn toàn thành tâm tôn sùng Mẹ là dấu hiệu chắc chắn được cứu rỗi” (TDTM, 40).

Phải,

Trái Tim Mẹ đã thắng Satan trong Chúa Giêsu nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, đặc ân làm cho Satan bất lực trong việc hãm hại Mẹ và đàn con mà Mẹ ấp ủ dưới cánh chở che của Mẹ.

TRÁI TIM MẸ TOÀN THẮNG Satan nơi con cái của Mẹ nữa, thành phần bị hắn dốc toàn lực tấn công với tất cả khôn ngoan và mãnh lực của hắn mà vẫn không làm gì được, vì họ mang ấn tín cứu rỗi trên trán của mình là thập giá Chúa Kitô, qua những gì họ bị bắt bớ trên trần gian, bị Satan rình cắn, và là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, qua lòng thành thực sùng kính Mẹ của họ được thể hiện nơi việc họ thiết tha tin cậy Mẹ, đền tạ Mẹ và làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến.