Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 1

* NHỮNG THỬ THÁCH NỘI TÂM ĐỨC MARIA PHẢI CHỊU; 
* CHÚA GIÊSU Ở LẠI TRONG ĐỀN THỜ

Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse đã trở về định cư tại Nazareth, biến ngôi nhà nghèo nàn khiêm tốn của Thánh Gia thành thiên đàng. Để mô tả các mầu nhiệm giữa Chúa Con và Đức Hiền Mẫu cực trinh khiết trước khi Chúa mười hai tuổi và về sau nữa, cho tới khi Chúa đi rao giảng công khai, phải cần đến nhiều bộ sách. Mặc dù được Mẹ Maria chỉ dạy, tác giả chỉ có thể sơ lược một vài sự việc nhỏ nhất trong bối cảnh bao la của đề tài và phải để lại phần lớn không đả động tới vì sự hèn kém dốt nát của mình.

Chỉ ít lâu sau khi từ Ai Cập trở về, Chúa Con quyết định để cho Đức Hiền Mẫu Maria, với tư cách là Trưởng Nữ của Luật Ân Sủng, phải chịu những đau buồn khổ sở cùng một cách Chúa đã để cho Người phải chịu khi còn ấu thơ. Chúa muốn Mẹ là hình ảnh tuyệt hảo các khuôn mẫu toàn hảo của Ngài, là chất liệu dễ uốn nắn nhất, chất liệu như sáp lỏng phải được đúc trong khuôn mẫu với ấn tín giáo lý của Chúa về sự thánh thiện, để CON và MẸ là HAI TẤM BIA đích thực của Lề Luật Mới cho thế giới (Xh 31:18). Vì mục đích này, Chúa cho Mẹ Maria biết rõ mọi mầu nhiệm Luật Phúc Âm và Giáo Lý. Đây là chủ đề những điều Chúa chỉ dạy Mẹ từ ngày Thánh Gia trở về Nazareth cho tới ngày Chúa đi rao giảng công khai. Ngôi Lời Nhập Thể và Mẹ Maria đã sống các nhiệm mầu này suốt hai mươi ba năm tại Nazareth. Vì tất cả các mầu nhiệm này chỉ liên quan đến một mình Đức Hiền Mẫu (các Thánh Sử đã không chính thức kể lại cuộc đời Mẹ Maria trong Phúc Âm), các Tác Giả Phúc Âm đã không nêu ra cuộc đời Mẹ, ngoại trừ những điểm không thể không nói tới liên quan đến Chúa Cứu Thế như khi Chúa mười hai tuổi, Mẹ lạc Chúa ba ngày ở Jerusalem. Trong suốt hai mươi ba năm này, một mình Mẹ Maria là môn đệ Chúa Kitô.

Để xây dựng trong trái tim Đức Trinh Mẫu lâu đài thánh thiện vĩ đại tới cực điểm trội vượt trên tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, Chúa đã đặt các chân móng nền tảng tòa lâu đài đó cách thích hợp, thử thách sức mạnh tình yêu và tất cả các nhân đức khác của Mẹ Maria. Nhắm mục đích này, Chúa đã tự mình rút lui, làm cho Mẹ không thấy Chúa trước mặt. Tác giả không có ý nói Chúa Giêsu rời xa Mẹ Maria bằng thân xác; Chúa vẫn ở bên Mẹ, ở trong Mẹ bằng sự hiện diện và ân sủng, Chúa ẩn mình đi khỏi ánh mắt linh hồn Mẹ, ngưng mọi dấu hiệu về lòng yêu mến ngọt ngào nhất. Trong khi đó Mẹ Maria không biết lý do bên trong cách cư xử này, vì Chúa không giải thích. Chúa Con của Mẹ không nói một lời nào trước, đã tỏ ra rất kín đáo rút lui khỏi thế giới Mẹ. Nhiều lần Chúa rút lui ở một mình và chỉ nói với Mẹ Maria vài lời, mà ngay cả những lời này cũng nghiêm nghị uy nghi.

Sự thay đổi bất ngờ này là lò luyện kim trong đó vàng tinh ròng nhất là tình yêu của Mẹ Maria được luyện lọc thí nghiệm. Bỡ ngỡ vì những điều xảy ra, Mẹ Maria lập tức ẩn náu trong ý nghĩ khiêm tốn sẵn có, tự nghĩ Mẹ không xứng đáng nhìn thấy Chúa. Đức Trinh Mẫu cho rằng tất cả những điều đó là do Mẹ thiếu sót, vô ân đối với những hồng ân Mẹ nhận được từ Thiên Chúa Cha đại lượng cao cả vô cùng. Mẹ Maria đã không cảm thấy thiếu thốn quá nhiều ơn vỗ về an ủi hoan lạc của Thiên Chúa Cha cho bằng lo âu đã làm mất lòng Chúa Con và thiếu sót trong việc phụng sự Ngài. Sự buồn phiền lo âu này là mũi tên xuyên thấu trái tim Mẹ Maria. Một người được tràn đầy tình yêu chân thành cao quí như thế không thể cảm thấy ít hơn. Mọi hoan lạc của tình yêu đều do sự hài lòng và thoả mãn người yêu tặng cho nhau, vì thế Thiên Chúa Cha không thể nào nghỉ yên khi thấy Người Yêu không hài lòng. Những tiếng thở dài yêu thương của Đức Hiền Mẫu đã làm hài lòng Con cực thánh. Thiên Chúa Cha canh tân lòng yêu thương đối với Mẹ Maria, lòng yêu mến dịu dàng của Người Yêu duy nhất được tuyển chọn đã làm cho trái tim Chúa bị thương (Cv 4:9). Nhưng bất cứ khi nào Đức Hiền Mẫu dịu hiền tìm nói chuyện với Chúa Con, Ngài lại tiếp tục tỏ vẻ bề ngoài dè dặt. Y hệt như ngọn lửa của lò luyện kim, ngọn lửa yêu thương nơi trái tim Hiền Mẫu dịu hiền nhất được làm cho bừng cháy mãnh liệt hơn do nghịch cảnh này.

Mẹ Maria với trái tim đơn thuần đã thực hành những việc anh hùng nhân đức. Đức Trinh Mẫu hạ mình xuống thấp hơn bụi đất, tôn kính Con của Mẹ sâu thẳm hơn. Mẹ Maria chúc tụng tạ ân về mọi kỳ công và ân sủng đáng ca ngợi của Thiên Chúa Cha, đúng với các ước muốn và sự hài lòng của Ngài. Mẹ Maria tìm biết để chu toàn thánh ý Thiên Chúa Cha trong mọi sự, Mẹ không ngừng canh tân các hành động đức tin, cậy, yêu mến nồng cháy. Trong mọi hành động cũng như trong mọi hoàn cảnh, cây cam tùng ngát hương này toả ra hương thơm ngọt ngào êm dịu đối với Chúa, Vua trên hết mọi vua, Đấng ngự trong trái tim Mẹ như nơi long sàng đầy hoa thơm (Cv 1:11). Mẹ Maria kiên trì đẫm lệ cầu nguyện, với tiếng thở dài không ngừng trông chờ từ thẳm sâu linh hồn, Mẹ dâng lên những lời cầu nguyện và kể lại những khổ tâm của Mẹ trước Thiên Nhan (Tv 141:3).

Ba mươi ngày trôi qua trong nghịch cảnh này mà mỗi ngày đó đối với Mẹ Maria dài bằng nhiều thế kỷ, hầu như không thể nào sống được dẫu chỉ một giây phút mà không có tình yêu, không có Đấng Yêu Thương của linh hồn. Sau những chần chờ như thế (theo cách chúng ta nói), Trái Tim Chúa Giêsu không còn chịu đựng được nữa, hoặc chống lại thêm được nữa sức mãnh liệt của tình yêu đối với Đức Hiền Mẫu rất hiền dịu. Một hôm Mẹ Maria đến quì nơi chân Chúa Con, với những giọt lệ chan hoà và tiếng nức nở, Mẹ nói: “Hỡi Tình Yêu dịu ngọt nhất và Thiên Chúa tối cao của mẹ, mẹ là bụi tro đê hèn, đáng kể gì trước quyền năng bao la của Con? Sự nghèo nàn của một thụ tạo là gì so với sự giàu sang vô cùng của Chúa? Trong mọi thứ, Chúa trội vượt quá sự thấp hèn của nhân loại, biển thương xót vô biên của Chúa chôn lấp mọi bất toàn và khuyết điểm của loài người. Nếu mẹ không nhiệt thành trong việc phụng sự Con, như mẹ phải thú nhận, Con hãy phạt sự chểnh mảng của mẹ và tha thứ cho mẹ điều đó. Nhưng hỡi Con và Chúa của mẹ, hãy cho mẹ nhìn thấy nét mặt vui vẻ của Con mà đó là ơn cứu độ của mẹ, là ánh sáng được ao ước cho cuộc sống của mẹ. Tại đây, nơi chân Con, mẹ để sự nghèo nàn trộn với bụi đất, mẹ sẽ không đứng lên cho tới khi mẹ lại được nhìn vào tấm gương soi sáng linh hồn mẹ.”

Mẹ Maria khiêm tốn trút ra trước mặt Con cực thánh những lời giải bày hết sức khôn ngoan nồng nàn khác. Chúa mong mỏi phục hồi cho Mẹ những hoan hỉ vĩ đại hơn Mẹ mong mỏi, Chúa Giêsu dịu dàng nói: “Thưa MẸ của Con, MẸ hãy đứng lên.” Những lời này, được chính Chúa Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa Cha hằng hữu nói ra, có hiệu lực vĩ đại đến độ Đức Hiền Mẫu thiên đàng lập tức được biến đổi và ngất trí hết sức lạ lùng, trong đó Mẹ Maria được gián tiếp thị kiến Thiên Chúa. Trong thị kiến này, Thiên Chúa đón tiếp Mẹ bằng lời chào ngọt ngào nhất với sự ôm ấp của Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đổi những giọt lệ của Đức Trinh Mẫu thành hân hoan, đau khổ thành hoan lạc, cay đắng trở nên ngọt ngào vô cùng. Chúa cho Đức Hiền Mẫu biết các bí mật vĩ đại của Luật Phúc Âm Mới, muốn viết trọn vẹn Luật đó vào trái tim cực tinh tuyền Mẹ. Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh đã chỉ định, an bài Đức Maria là Trưởng Nữ và là Môn Đệ đầu tiên của Ngôi Lời Nhập Thể, đặt Mẹ là khuôn mẫu cho tất cả các thánh Tông Đồ, các thánh Tử Đạo, các thánh Tiến Sĩ, toàn thể các thánh và những người công chính khác của Giáo Hội mới và Luật Ân Sủng mà Ngôi Lời Nhập Thể sẽ thiết lập cho Ơn Cứu Chuộc nhân loại.

Chúng ta trở lại với cuộc sống hàng ngày của Thánh Gia. Theo ý Mẹ Maria, thánh dưỡng phụ Giuse đã làm cho Chúa Con một chiếc giường mà trên đó Mẹ phủ tấm mền đơn. Từ khi thôi nằm nôi, lúc còn ở Ai Cập, Chúa con đã không chấp nhận một chiếc giường nào có hơn một tấm phủ. Chúa không nằm thẳng ra trên giường này và cũng không dùng đến chiếc giường này thường xuyên, thỉnh thoảng Ngài chỉ nghiêng mình trên đó, dựa đầu trên chiếc gối mà Mẹ Maria làm bằng len đơn sơ. Khi Mẹ Maria nói đến việc chuẩn bị cho Chúa chiếc giường tốt hơn, Con cực thánh Mẹ đáp rằng chiếc giường duy nhất Chúa sẽ nằm duỗi thẳng tay chân là giường Thánh Giá, để bằng gương sáng Chúa dạy loài người (1 Phêrô 2:21) rằng không một ai có thể vào nơi an nghỉ đời đời với vật chất được yêu mến ở Babylon, hãm mình chịu đau khổ là sự giúp ích đích thực cho chúng ta trong cuộc đời trần thế này.

Chỉ một vài ngày sau khi Thánh Gia định cư tại Nazareth, thời kỳ hàng năm người Do Thái trình diện trước Thiên Chúa tại đền thờ Jerusalem đã tới. Người Do Thái viếng đền thờ Jerusalem vào Lễ Nhà Tạm (Tl 6:13), Lễ Ngũ Tuần cũng gọi là Lễ Chúa Thánh Thần, Lễ Bánh Không Men tức là Lễ Vượt Qua. Luật này buộc người Do Thái thi hành hàng năm, như được nói trong Sách Xuất Hành và Thứ Luật. Luật này chỉ buộc nam giới (Xh 23:17); phụ nữ có thể đi hoặc không, tùy theo lòng mộ mến. Mẹ Maria và thánh Giuse thảo luận việc thi hành luật này. Thánh Giuse hết sức ước ao có Mẹ Maria và Con cực thánh của Mẹ cùng đi; thánh dưỡng phụ ước ao lại được dâng Chúa Con lên Thiên Chúa Cha toàn năng trong đền thờ. Đức Hiền Mẫu cực trinh khiết bị lôi cuốn bởi lòng sốt sắng thờ phượng Thiên Chúa trong đền thờ. Nhưng Mẹ Maria không tự cho phép mình quyết định nếu không tham khảo ý kiến và chỉ dẫn của Ngôi Lời nhập thể, Thầy dạy Mẹ. Mẹ xin Chúa chỉ dạy trong việc này. Sau cùng Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse thỏa thuận: hai lần thánh Giuse đi một mình; toàn Thánh Gia lên Đền Thờ vào dịp Lễ Vượt Qua.

Khi Chúa Con mười hai tuổi và thời điểm để cho sự huy hoàng từ ánh sáng Thiên Tính không thể tới gần được của Chúa hiển lộ đã tới, Thánh Gia lên đền thờ mừng lễ Vượt Qua (Lc. 2:42). Theo luật Chúa: Lễ Vượt Qua kéo dài bảy ngày; những ngày long trọng nhất là ngày đầu, ngày cuối. Sau bảy ngày lễ trong tinh thần thờ phượng tận hiến, Thánh Gia lên đường trở lại Nazareth. Khi Mẹ Maria và thánh Giuse rời khỏi Jerusalem giong ruổi đường về, Chúa Con rút lui khỏi Đức Hiền Mẫu và thánh dưỡng phụ mà các ngài không biết. Để thực hiện mục đích này, Chúa Giêsu đã tự tách rời khỏi đoàn các nam nhân, cũng rời khỏi đoàn các phụ nữ. Từ đền thờ trở về, người ta đi thành đoàn nam nữ riêng biệt là thông lệ giữa những người hành hương và cũng để việc chiêm niệm được sâu sắc hơn. Trẻ nhỏ không phân biệt nam nữ đi theo cha hoặc mẹ vì việc các trẻ nhỏ đi theo không thành vấn đề. Thánh Giuse dễ dàng nghĩ rằng Chúa Con đi với Đức Hiền Mẫu như Chúa thường ở bên Mẹ. Ý nghĩ Mẹ Maria không có Chúa Con đi cùng không thể nào đến trong trí thánh Giuse. Mẹ Maria không có nhiều lý do để cho rằng Con cực thánh của Mẹ đi với thánh Giuse, nhưng chính Chúa đã đổi chiều ý nghĩ của Mẹ bằng những chiêm niệm cao siêu, nên Mẹ không chú ý tới sự kiện không có Chúa Con ở bên lúc khởi đầu ra về. Về sau khi Mẹ Maria biết Con cực yêu dấu dịu hiền không đi với Mẹ, Mẹ nghĩ Chúa Con đi chung với thánh dưỡng phụ để an ủi ngài.

Vì thế, như thánh Luca kể lại, Mẹ Maria và thánh Giuse an tâm giong ruổi hành trình suốt ngày hôm đó. Các đoàn hành hương tiếp tục đi và mỗi lúc mỗi thưa bớt; người ta tìm họp lại với vợ con, gia đình. Mẹ Maria và thánh Giuse sau cùng gặp nhau tại điểm hẹn chiều tối ngày thứ nhất, nhưng không thấy Chúa Con. Mẹ Maria và thánh dưỡng phụ Giuse sửng sốt, bị chi phối bởi lòng khiêm nhượng sâu thẳm, tự trách mình sơ sót trong việc săn sóc Con cực thánh. Cả hai vị đều không chút nghi ngờ về cách thức huyền diệu mà Chúa Con đã có thể tránh khỏi sự trông coi cẩn thận của cha mẹ. Một lúc sau bình tĩnh lại, Mẹ Maria và thánh dưỡng phụ trao đổi ý kiến về việc phải làm (Lc. 2:45). Đức Hiền Mẫu nói với thánh Giuse: “Thưa phu quân và chủ nhân của thiếp, trái tim thiếp không thể nào yên, trừ phi chúng ta lập tức trở lại Jerusalem tìm Con cực thánh của thiếp.” Các ngài tìm kiếm khắp nơi bà con bạn hữu, nhưng không ai cho được tin tức gì hoặc điều gì an ủi nỗi đau buồn lớn lao này.

Mẹ Maria lúc nào cũng cầu nguyện trong nước mắt đầm đìa, ròng rã ba ngày không ăn không ngủ. Mặc dầu các thiên thần tháp tùng Mẹ và chứng kiến sự đau đớn buồn rầu của Mẹ, các ngài vẫn không cho Mẹ biết một chút mấu chốt nào để tìm lại Chúa Con bị lạc mất. Đến ngày thứ ba, Mẹ Maria quyết định đi tìm Chúa trong sa mạc, nơi thánh Gioan ở, vì Mẹ không thấy dấu chỉ nào việc vua Archelaus đã bắt giam Chúa Con, Mẹ bắt đầu tin chắc chắn hơn rằng Con cực thánh Mẹ ở với thánh Gioan. Khi Mẹ Maria sắp sửa đi vào sa mạc, các thiên thần xin Mẹ đừng lên đường, vì Ngôi Lời Thiên Chúa không ở đó với thánh Gioan. Mẹ Maria cũng muốn đi Bethlehem, hy vọng tìm được Chúa Con trong hang đá Giáng Sinh, nhưng các thiên thần cũng cản việc này, nói cho Mẹ biết Chúa Con không ở xa đây. Mặc dầu Mẹ Maria nghe những lời này và tin rằng các thiên thần biết Chúa ở đâu, vì thận trọng kín đáo trong đức khiêm tốn khôn ngoan, Mẹ đã không hỏi các thiên thần xem có thể tìm thấy Chúa Con ở đâu. Mẹ hiểu do lệnh Chúa mà các ngài giữ lại tin tức này. Mẹ Maria đã đối với các bí tích của Đấng Tối Cao và các thiên sứ của Chúa cách tôn kính đại lượng (2 Malaki 2:9). Đây là một trong những dịp Mẹ Maria cho thấy trái tim nữ vương cao cả của Mẹ.

Hết mọi đau khổ tất cả các thánh tử đạo đã chịu không thể nào so sánh được với sự đau lòng Mẹ Maria phải chịu trong cuộc thử thách này. Đức kiên nhẫn, ký thác và chịu đựng của Mẹ trội vượt trên hết tất cả các thánh đức đó của toàn thể các thánh tử đạo. Đối với Mẹ việc lạc mất Chúa Giêsu quá sức vĩ đại vượt xa sự mất đi bất cứ thứ gì được tạo thành, vì tình yêu và lòng kính trọng của Mẹ đối với Chúa vượt trên sức tưởng tượng nơi mọi thụ tạo. Mẹ Maria lo lắng khôn lường vì không biết lý do việc lạc mất Chúa. Hơn nữa trong suốt ba ngày này Chúa để cho Mẹ chỉ được hưởng những ân sủng tự nhiên. Ngoại trừ việc các thiên thần hộ vệ và nói chuyện với Mẹ, Chúa ngưng hết mọi an ủi và ân sủng khác vốn được liên tục ban cho linh hồn rất thánh Mẹ. Với tất cả những thứ này chúng ta có thể ước đoán trái tim đầy yêu thương của Đức Hiền Mẫu chìm đắm trong đau đớn chừng nào. Nhưng Mẹ Maria đã không bối rối vì nỗi đau đớn buồn phiền chưa từng nghe nói như thế! Mẹ không hề mất sự bình an trong lòng và bề ngoài, cũng không hề có ý nghĩ tức giận hoặc phẫn uất, cũng không tỏ ra một cử chỉ bất xứng nào, như thường xảy ra nơi con cái Adong! Vị Nữ Giáo Sư mọi nhân đức đã duy trì toàn thể khả năng của mình trong trật tự và điều hòa. Mặc dầu nỗi đau buồn của Mẹ Maria vĩ đại khôn sánh và đâm lủng Trái Tim Mẹ, Mẹ đã không thiếu sót lòng tôn kính và chúc tụng Chúa, Mẹ vẫn liên tục cầu nguyện cho nhân loại, và cho việc tìm thấy Con cực thánh.

Ròng rã ba ngày, Mẹ Maria đi tìm Chúa Con. Mẹ đi lang thang khắp các đường phố Jerusalem, thăm hỏi mọi người, mô tả cho các con gái Jerusalem dáng vóc Con cực yêu dấu, tìm kiếm khắp hang cùng ngõ hẻm, mọi công viên, do đó hoàn thành điều được ghi trong Diệu ca của vua Salomon. Một vài phụ nữ hỏi Mẹ Maria những đặc điểm về Con Một bị lạc mất, Mẹ đáp lại bằng lời của Diệu ca: “Người Yêu Dấu của tôi trắng trẻo tươi thắm, được chọn giữa muôn ngàn” (Dc 5:10).  Một trong các phụ nữ nghe Mẹ Maria mô tả đã nói: “Đúng Thiếu Niên này, với những đặc điểm như thế, hôm qua đã đến cửa nhà tôi xin bố thí, tôi đã cho Cậu chút ít; dáng khôi ngô tuấn tú của Cậu đã cướp mất trái tim tôi. Đưa của bố thí cho Cậu, tôi cảm thấy chan hòa yêu thương khi nhìn thấy một Thiếu Nhi xinh đẹp tuyệt vời mà trong cảnh thiếu thốn.” Đây là những tin tức đầu tiên Đức Hiền Mẫu đau khổ nhận được về Con Một yêu dấu tại Jerusalem. Nỗi đau buồn được giảm bớt đôi chút, Mẹ Maria tiếp tục hỏi han và gặp những người khác cũng nói về Chúa như thế. Được tin tức này hướng dẫn, Mẹ đi thẳng tới nhà thương thành phố, nghĩ rằng giữa những người đau khổ Mẹ có thể tìm được Đấng là Phu Quân và Thủ Lãnh của người nghèo khó ở giữa anh em bạn hữu đích thực của Ngài (Mt. 5:40). Hỏi thăm tại nhà thương, Mẹ Maria được cho biết một thiếu niên có dáng vóc như được mô tả đã tới thăm những người ở đó, để lại một số của bố thí và an ủi người đau khổ.

Lời tường thuật về các việc làm của Con cực yêu dấu tạo ra những mối cảm thương yêu mến dịu dàng nhất, ngọt ngào nhất nơi trái tim Mẹ. Mẹ gởi các mối cảm thương đó như sứ giả đến với Chúa Con. Khi đó Mẹ nghĩ rằng Chúa không ở với những người nghèo, chắc chắn Chúa ở trong đền thờ, ở trong nhà Thiên Chúa và nhà cầu nguyện. Các thiên thần khích lệ Mẹ Maria: “Thưa Nữ Vương và Bà Chúa của chúng thần, thời điểm an ủi Người đã đến, chẳng bao lâu nữa Người sẽ gặp được Ánh Sáng cho cặp mắt Người, xin hãy đi mau tới đền thờ.” Lúc này thánh Giuse gặp lại hiền thê, vì để tăng thêm cơ may tìm được Chúa Con, Mẹ Maria và thánh Giuse chia nhau mỗi người đi một hướng. Thánh Giuse dường như được một thiên thần bảo đi tới đền thờ. Ròng rã ba ngày này thánh Giuse đã đau đớn khôn tả, vội vàng rảo bước khắp nơi, khi đi một mình, khi đi chung với Mẹ Maria. Suốt ba ngày này thánh dưỡng phụ đã kiệt lực, nếu Thiên Chúa không tăng thêm sức mạnh cho ngài, nếu Mẹ Maria không yên ủi và nài nỉ ngài dùng chút thực phẩm và nghỉ ngơi. Tình yêu chân thành và tuyệt đối của thánh Giuse đối với Chúa Con làm cho ngài hết sức khắc khoải lo lắng tìm kiếm Chúa, ngài không dành một chút thì giờ hoặc chú ý tới ăn uống để nâng đỡ thân xác.

Từ ngay sát bên cổng thành, Chúa Con vội vàng đi qua các đường phố trở lại Đền Thờ. Trong quyền năng khôn ngoan Thiên Tính, Chúa thấy trước mọi việc xảy ra. Chúa dâng mọi sự lên Thiên Chúa Cha hằng hữu vì lợi ích các linh hồn. Trong ba ngày này Chúa Con đã đi xin của bố thí để từ thời điểm đó về sau cao quí hoá việc đi ăn xin khiêm nhượng là con đầu lòng của Đức Khó Nghèo thánh thiện. Chúa Con đã viếng thăm các trại tế bần, những người nghèo khó, an ủi và bố thí cho họ những thứ đã xin được. Chúa kín đáo hồi phục sức khỏe thể xác cho một số người, khôi phục sức khỏe tinh thần cho nhiều người, soi sáng trong lòng và dẫn họ về đường cứu độ. Đối với một số người hảo tâm đã cho Chúa của bố thí, Chúa ban cho họ dồi dào ân sủng và ơn soi sáng. Bởi vậy từ thời điểm đó trở đi chu toàn lời Chúa hứa cho Giáo Hội: kẻ nào tặng vật gì cho người công chính và cho các tiên tri nhân danh một tiên tri, kẻ đó sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính (Mt 10:41).

Sau khi chính mình đã làm các việc này và những việc khác nữa của Thiên Chúa Cha, Chúa Con trở lại đền thờ. Theo Thánh Sử, hôm đó là ngày các luật gia, các học giả uyên bác, các thầy dạy Luật trong đền thờ, gặp nhau để thảo luận vài điểm không rõ trong Sách Thánh. Trong dịp này “việc Chúa Cứu Thế đến” được đem ra bàn luận, vì căn cứ vào lời tường thuật về các biến cố kỳ lạ được loan truyền từ khi thánh Gioan Tẩy Giả chào đời, các Vua ở Phương Đông đến viếng, tin đồn về Chúa Cứu Thế đến và hiện diện ở trần gian rồi, mặc dầu chưa nhận ra, đã được dân Do Thái nghe biết. Các vị này ngồi tại những chỗ cao thường dành cho các thầy tiến sĩ và những người được coi là uyên bác. Chúa Con tới nơi hội họp của những người xuất chúng này. Chúa, Đấng là Vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa (Kh 19:16), Đấng Khôn Ngoan vô cùng (1 Cor. 1:24), Đấng sửa dạy những người khôn ngoan (Kn 7: 15), đứng truớc các thầy tiến sĩ trần gian như một đệ tử khiêm tốn, cho họ hiểu rằng Chúa đến để nghe thảo luận và chính Chúa nghe câu hỏi được đề cập đến, chẳng hạn: Chúa Cứu Thế đã đến chưa, hoặc, nếu chưa, thì khi nào Chúa Cứu Thế sẽ đến trần gian. Chúa Giêsu xuất hiện trước các thảo luận viên, cho mọi người thấy rõ ân sủng Thiên Chúa tuôn trào qua môi miệng Chúa (Tv 44:3). Chúa tiến đến giữa những người đó trong vẻ uy nghi và thánh sủng, như một người chắc chắn sẽ đưa ra một nghi vấn hoặc lời giải đáp. Do dung mạo xuất phàm, Chúa làm chỗi dậy nơi trái tim các nhà thông thái này lòng khao khát chăm chú nghe Chúa nói.

Những người thông luật và các học giả nghe Chúa nói đều sửng sốt. Bị thuyết phục bởi những lời Chúa dẫn giải, họ nhìn nhau ngỡ ngàng, nói với nhau: “Đây thực là phép lạ? thực là phi thường nơi một cậu bé! Cậu Bé này từ đâu tới, Cậu Bé này là Ai?” Nhưng mặc dầu kinh ngạc như thế, họ vẫn không nhận ra hoặc nghi ngờ Chúa là Ai, Đấng đã dạy và soi sáng cho họ về chân lý hết sức quan trọng. Trước khi Chúa Giêsu thảo luận xong, Đức Hiền Mẫu Maria và thánh dưỡng phụ Giuse tới nơi, vừa kịp nghe Chúa Con đưa ra lời thảo luận chót hết. Khi Chúa nói xong, tất cả các thầy dạy luật đều đứng lên ngẩn ngơ lạ lùng. Mẹ Maria, vui mừng tới gần Con cực yêu quí và trước mắt cả hội trường, đã nói với Chúa những lời thánh Luca ghi lại: “Này Con, sao Con làm cho cha Con và mẹ như thế này? Cha Con và mẹ đã hết sức lo lắng tìm Con” (Lc. 2:48). Lời than phiền đầy yêu thương này được Mẹ Maria thốt ra với lòng tôn kính yêu mến, thờ lạy Chúa là Thiên Chúa, và tỏ lộ sự đau buồn của Mẹ. Chúa Giêsu đáp: “Cha Mẹ tìm Con làm chi? Cha Mẹ không biết Con phải lo việc của Cha Con sao” (Lc 3:49a)? Thánh Sử nói Mẹ Maria và thánh Giuse không hiểu ý nghĩa huyền nhiệm của những lời này (Lc. 2:50) là vì lúc đó mầu nhiệm này bị che giấu đối với Mẹ Maria và thánh Giuse. Có hai lý do: một mặt, niềm vui mừng do việc lúc này gặt hái được những gì Mẹ Maria và thánh Giuse đã gieo trong nỗi phiền sầu cực độ lớn lao, và sự hiện diện của Kho Tàng châu báu hoàn toàn phủ ngập mọi quan năng linh hồn các ngài. Mặt khác, thời điểm hiểu thấu đáo các điều mới đề cập tới trong cuộc thảo luận này chưa đến với Mẹ Maria và thánh Giuse. Hơn nữa, đối với Mẹ Maria ngay lúc đó còn một trở ngại khác nữa là tấm màn mỏng che giấu tâm hồn Con cực thánh Mẹ mãi tới một thời gian sau mới được gỡ bỏ.

Các học giả ra về, bình luận về sự ngạc nhiên của họ đối với biến cố kỳ lạ này, họ được đặc ân nghe lời giáo huấn của Đấng Khôn Ngoan hằng hữu, mặc dầu họ không nhận ra được điều đó. Bằng tình yêu hiền mẫu, Mẹ Maria ôm Chúa Con và nói: “Con của mẹ, hãy cho phép trái tim khắc khoải của mẹ diễn tả nỗi lo âu đau buồn của nó; để trái tim mẹ không chết vì đau buồn bao lâu trái tim mẹ còn hữu dụng đối với Con. Xin Con đừng để mẹ xa lìa ánh mắt Con, hãy nhận mẹ là nô lệ của Con. Nếu vì sự chểnh mảng của mẹ làm cho mẹ không được nhìn thấy Con, xin hãy tha thứ cho mẹ và làm cho mẹ xứng đáng ở bên Con, xin đừng phạt mẹ vì sự vắng mặt của Con.” Chúa Con đón Mẹ Maria với những dấu hiệu hài lòng, chính Chúa đề nghị làm Thầy Dạy và là Bạn Đồng Hành của mẹ cho tới thời điểm được ấn định. Nhờ đó trái tim bồ câu đầy yêu thương của Mẹ Maria được khuây khoả, và Thánh Gia đi về Nazareth.

Thánh Gia về tới Nazareth và sống tại đây cuộc sống được Thánh Sử Luca sơ lược các mầu nhiệm chỉ trong vài tiếng: “Chúa Giêsu vâng phục cha mẹ Ngài, Đức Hiền Mẫu ghi nhớ tất cả mọi biến cố này trong lòng; Chúa Giêsu càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và ân sủng Thiên Chúa và lòng quí mến của mọi người” (Lc. 2:51-52).

Về phần Mẹ Maria, Mẹ đáp lại sự vâng lời của Con cực thánh bằng những hành động anh hùng. Trong số những điểm tuyệt diệu khác là Mẹ ý thức được lòng khiêm nhượng và biết ơn chân thành nhất vì đã giành được sự khăng khít của Con cực thánh. Đặc ân mà Mẹ Maria cho mình không xứng đáng được đã gia tăng gấp bội nơi trái tim cực trinh khiết Mẹ lòng yêu mến và lo lắng phụng sự Con cực thánh. Mẹ Maria không ngừng bầy tỏ lòng biết ơn, hết sức mau mắn ân cần phụng sự Chúa Con, quì trước mặt Chúa, hạ mình xuống tới bụi đất. Hơn nữa, Mẹ Maria tận lực bắt chước cặn kẽ mọi hành động của Chúa khi được tỏ cho Mẹ và làm cho các việc đó nảy nở trong cuộc đời Mẹ.

LỜI MẸ MARIA

 

 Con của Mẹ, mọi việc Con cực thánh Mẹ làm, các việc của riêng Mẹ đều bao gồm muôn vàn lời chỉ dạy và giáo lý huyền nhiệm dành cho những ai suy gẫm các việc đó cách chuyên cần tôn kính. Chúa tránh mặt Mẹ để, vì lo lắng tìm kiếm Chúa trong nước mắt đau buồn, Mẹ tìm lại được Chúa trong vui mừng và dư đầy hoa trái cho linh hồn. Mẹ muốn con bắt chước Mẹ trong việc huyền nhiệm này, hết sức sốt sắng tìm kiếm Chúa, như thể bị tan biến vì suốt đời con lúc nào cũng tha thiết trông mong tới khi con giữ được Chúa, không bao giờ để mất Chúa nữa (Dc 5:4). Để có thể hiểu rõ hơn mầu nhiệm này, con hãy nhớ Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng làm cho loài người có khả năng đạt tới hạnh phúc đời đời, dắt họ trên đường tới hạnh phúc. Nhưng bao lâu người ta chưa đạt được hạnh phúc đời đời, Thiên Chúa cũng để cho họ sự hoài nghi 'có đạt tới hạnh phúc không', do đó ban cho người ta hy vọng hoan hỉ và lo lắng đạt được hạnh phúc cuối cùng. Sự lo lắng này gây ra trong tâm trí người ta lòng sợ hãi và khinh ghét tội lỗi suốt đời, mà chỉ với điều đó thôi người ta có thể giành được tối đại hạnh phúc, ngăn giữ người ta khỏi sa bẫy, khỏi bị dẫn đi lạc đường bởi những thứ vật chất hữu hình. Thiên Chúa trợ giúp cho lòng lo lắng này bằng cách ban thêm khả năng suy luận, đức tin và lòng cậy trông. Những thứ này khích lệ người ta yêu mến tìm kiếm và đạt được cùng đích của họ. Ngoài các nhân đức này và những nhân đức khác được ban cho khi chịu Phép Rửa Tội, Chúa gởi ơn thúc đẩy giúp đỡ để giữ cho linh hồn tỉnh thức khỏi lãng quên sự hiện diện tốt lành của Chúa, ngăn ngừa sự lãng quên Chúa và chính linh hồn mình. Nhờ đó linh hồn đi đúng đường cho tới khi tìm được mục đích cao cả, mọi khuynh hướng và ước vọng sẽ được hoàn toàn thoả mãn.

Vì thế con có thể hiểu sự ngu dại của loài người và ít người ngừng lại để suy nghĩ mầu nhiệm tạo dựng, an bài và mọi công trình của Đấng Toàn Năng hướng về hạnh phúc cao cả này. Sự lãng quên này sinh ra quá nhiều điều ác độc nơi nhân loại: họ chìm đắm trong ham mê hưởng thụ của cải trần gian và hoan lạc giả trá, chẳng khác gì họ đã tìm được trong những thứ đó cứu cánh tối hậu. Cao điểm của sự ngoan cố chống lại lệnh Đấng Tạo Hóa là loài người ham mê gắn bó các vật hữu hình như thể những thứ đó là cùng đích. Đáng lẽ người ta phải dùng các vật thụ tạo làm phương tiện để giành cho được, chứ không để mất, Thiên Chúa Tối Cao. Con yêu quí của Mẹ, vì thế con hãy nhớ sự điên khùng nguy hiểm này của loài người. Con hãy coi mọi hoan lạc trần thế này là điên khùng, những tiếng cười vui vẻ là đau buồn, vui thỏa cảm giác là tự lừa dối, là nguồn gốc sự khùng dại, các thứ này đầu độc trái tim, cản trở và tiêu diệt mọi sự khôn ngoan đích thực. Vì thế, cho tới khi con chiếm được Thiên Chúa trọn vẹn, con hãy sống trong lo lắng thánh thiện, thường xuyên sợ mất Thiên Chúa và cuộc sống đời đời.