Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Tận Hiến Cho Mẹ V Tận Hiến Cho Mẹ VII

Tận Hiến Làm Gì?

85. Sự tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria nhằm mục đích nào? .

Phàm ai làm việc gì cũng nhằm một mục đích chủ yếu và nhiều mục đích tùy phụ đưa tới mục đích chủ yếu. Những mục đích tùy phụ ta nhằm tới khi tận hiến cho Trái Tim Mẹ là: để tỏ lòng tùng phục và yêu mến Chúa hơn, để được thuộc trọn về Chúa hơn, để thánh hóa chính mình hơn, để được nên con yêu dấu thơ dại, bào thai trong cung lòng Mẹ, để nên lễ vật toàn thiêu cho Thiên Chúa. Mục đích chủ yếu ta nhằm khi tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria là: để Nước Mẹ trị đến cho Nước Chúa hiển trị. Và một mục đích hệ kết đi liền theo mục đích chủ yếu là: làm tông đồ cho Trái Tim Mẹ nhằm để Nước Mẹ trị đến.

I. Tùng phục và yêu mến Chúa hơn. .

86. Tại sao ta phải tùng phục và yêu mến Thiên Chúa? .

Đức Tin dạy cho ta biết Thiên Chúa không những là Đấng Sáng Tạo mọi loài trên trời dưới đất, mà riêng với từng người, Chúa còn trực tiếp sáng tạo nên linh hồn họ. Chiếc bình phải tùng phục người thợ gốm, tác phẩm văn nghệ phải tùng phục tác giả . .. . ; và cao hơn hết, con cái không những phải tùng phục cha mẹ, mà, vì là loài hữu trí, nên còn phải yêu mến cha mẹ nữa. Vậy, đối với Thiên Chúa, không những ta phải tùng phục Người như mọi loài thụ tạo khác, mà còn phải yêu mến Người, vì ta là loài hữu trí, nhận thức được Người là Đấng Sáng Tạo nên ta, khát mong được yêu mến Người là Sự Thiện Tuyệt Đối: Người là Cha thật sinh ra ngôi vị con người của ta. Mặt khác ta lại phải tùng phục và yêu mếnThiên Chúa vì, khi ta được phúc chịu phép Rửa Tội, Người đã ban cho ta sự sống siêu nhiên , cho ta được thông phần bản tính thiêng liêng thánh thiện của Người (số 64). Nói khác đi là: khi thụ tẩy, ta đã từ bỏ Satan, kẻ bất phục Thiên Chúa, để tùng phục và yêu mến Thiên Chúa như nguyên tổ ta trước khi sa ngã, theo gương Mẹ Maria, Đấng Vô Nhiễm và Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc ta. .
.
87. Tại sao tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria lại là tùng phục và yêu mến Thiên Chúa hơn? .

Chính Chúa Giêsu khi xuống thế gian đã làm gương cho ta trong sự tùng phục Thiên Chúa: "Này con xin đến để làm trọn ý Cha" (Dt 10:9), Người đã nhờ Mẹ: Thân Xác Người được làm bằng những giọt máu của Trái Tim Mẹ (số 55). Mặt khác, cũng chính Chúa Giêsu đã tùng phục Mẹ suốt cuộc đời ký thế (Lc 2:51). Theo Thánh Môngpho, việc Chúa Giêsu tùng phục Đức Mẹ đã làm vinh danh Thiên Chúa Cha hơn là những việc kỳ diệu Người đã làm để cải tạo nhân loại. Cho nên, khi tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria, tan biến trong Trái Tim Mẹ là ta đã bắt chước Chúa Giêsu, và cùng với Chúa Giêsu, tỏ lòng tùng phục Thiên Chúa hơn hết. Tùng phục Thiên Chúa nhờ Trái Tim Mẹ Maria như vậy sẽ đưa ta tới chỗ nhờ Trái Tim Mẹ mà yêu mến Chúa hơn. Lẽ tự nhiên cho thấy một khi đã tùng phục ai, ta cũng dễ yêu mến người ấy hơn. Các nhà thần học đều nói: trong các loài thụ tạo hữu trí, tức thiên thần và loài người, không một thụ tạo nào yêu mến Thiên Chúa hơn Mẹ Maria yêu mến. Trái Tim Mẹ là một lò lửa mến hằng bừng cháy tình yêu Chúa, và đã được đồng hóa cùng Chúa Thánh Thần là Tình Yêu bản thể của Thiên Chúa. Cho nên tận hiến cho Trái Tim Mẹ là ta chìm ngập vào lò lửa tình yêu ấy, như một thỏi sắt bỏ vào lò lửa, cũng cháy nóng lên như lửa trong lò. Hơn nữa, Trái Tim Mẹ cũng làm cho ta được đồng hóa cùng Tình Yêu bản thể là Chúa Thánh Thần, Bạn Chí Thánh Chí Ái của Mẹ. Do đó, nhờ Trái Tim Mẹ, ta được yêu mến Thiên Chúa hơn. .

II. Thuộc về Chúa hơn.

88. Ta phải thuộc trọn về Chúa vì lý do nào? .

Như đã nói trước, cánh chung định mệnh con người là phải qui hướng về Chúa, thuộc trọn về Chúa (số 81). Không những ta phải thuộc trọn về Chúa, là sở hữu của Chúa xét là một thụ tạo phải thuộc về Chúa Sáng Tạo, như chiếc bình thuộc về thợ gốm, như tác phẩm văn nghệ là sở hữu của tác giả. Ta còn phải thuộc trọn về Chúa cách đặc biệt hơn nữa, vì linh hồn ta do Chúa trực tiếp sáng tạo: Chúa thật là Cha ta (nếu ta chỉ có thể xác do cha mẹ sinh ra mà Chúa không trực tiếp sáng tạo linh hồn cho ta, thì ta đâu có phải là con người?). Ta thật là con của Chúa, là sở hữu của Chúa. Nhưng bao lâu còn sống ở đời này, ta còn xa Thiên Chúa (2 Cor 5:6); bao lâu chưa nhắm đích thuộc trọn về Chúa, bấy lâu linh hồn ta còn mỏi mòn tìm kiếm, chưa sao thỏa mãn được. Thánh Augustinô viết: "Chúa sáng tạo ra con để con thuộc trọn về Chúa, nên trái tim con cứ thao thức băn khăn mãi cho tới khi nào nghỉ yên trong Chúa mới thôi". Chính Chúa Giêsu cũng đã phán với một linh hồn ưu tuyển: " Trái tim con người, dầu chỉ là thụ tạo hết sức bị giới hạn, cũng chỉ có Trái Tim Thiên Chúa của Cha mới làm thỏa mãn được. Và Trái Tim Cha, dầu vô cùng vô tận, cũng chỉ có thể mãn nguyện khi đem chính mình đổ đầy vào trái tim con người, đổi trái tim nghèo nàn của con người nên Mình!". Đó thật là một kỳ diệu khôn dò Thiên Chúa làm nơi ta, chứng tỏ ta phải thuộc trọn về Chúa đến mức nào ! .

89. Tại sao tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria lại làm ta thuộc trọn về Chúa hơn? .

Mẹ Maria là một thụ tạo độc sáng nhất của Thiên Chúa, là một thụ tạo mới (số 13), một Evà mới, để sinh ra đông đảo con cái Chúa như Evà cũ là mẹ cả loài người. Sứ mạng của Mẹ là Đồng Công với Chúa Kitô trong việc cứu chuộc, nên Mẹ chỉ một niềm khắc khoải lo cho mọi người được cứu chuộc thuộc trọn về Chúa. Ai tình nguyện tận hiến cho Mẹ để nhờ Mẹ tùng phục và yêu mến Chúa hơn, thì Mẹ cũng làm cho họ thuộc trọn về Chúa hơn như Chúa khao khát, và như bản tính linh hồn ta đòi hỏi (số 88). Mặt khác, theo Thánh Tôma Tiến sĩ, một vật nào càng ở gần nguyên nhân của nó thì càng được thông phần với nguyên nhân ấy hơn. Không hề có một thụ tạo nào gần Chúa hơn Mẹ Maria, vì Mẹ là Nữ Nhân mặc Mặt Trời Thiên Chúa (Kh 12:1), ở ngay biên cương thần tính Chúa (số 16). Vậy tận hiến cho Trái Tim Mẹ là ta đến gần nguyên nhân hơn, là ta thuộc trọn về Chúa hơn, và chắc chắn thuộc trọn về Chúa hơn, đi sâu vào tình yêu vô cùng của Thiên Chúa hơn. .

III. Thánh hóa chính mình hơn.

90. Ta có phải thánh hóa mình không? .

Thánh hóa có nghĩa là nên trọn lành. Mà như ta đã thấy ở trên, mọi giáo hữu đều phải nên trọn lành (số 35-36). Mặt khác, Chúa sinh ra ta ở thế gian không cốt để ta hưởng thụ thế gian. Linh hồn ta có bản tính bất tử, thiêng liêng và tự do, chỉ khi nào chiếm được sự bất tử, sự sống thiêng liêng, sự tự do thật là chính Thiên Chúa, nó mới thỏa mãn (sô 88). Nhưng ở thế gian này, mọi sự đều là mau qua chết chóc, đều là vật chất đớn hèn, đều là gông cùm trói buộc linh hồn. Cho nên nếu không nên trọn lành, nên thánh, không được hưởng Chúa là Hạnh Phúc thật đời đời, thì ta đi ngược với chính bản tính linh hồn ta. Vì thế, dù xét theo lẽ siêu nhiên hay tự nhiên, ta cũng buộc phải nên trọn lành, nên thánh. .

91. Không tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria thì không nên thánh được ư? .

Ta đã được phúc tiếp nhận sự sống siêu nhiên khi chịu phép Rửa Tội. Nếu ta phát huy và sống trọn vẹn sự sống siêu nhiên ấy thì đã đủ nên thánh rồi. Song đó là nói theo tuyệt đối, chứ thực ra, trong luật Chúa, lời khuyên của Hội Thánh và đường tu đức, MẹMaria đối với việc thánh hóa ta chiếm một địa vị quan trọng. Ai chối bỏ địa vị ấy thì thật lầm lạc, và chắc chắn đường nên trọn lành của họ rất cheo leo. Chứng cớ rõ ràng nhất là vì những anh em tin lành không nhận địa vị của Mẹ trong đời sống đạo, nên ta thấy họ không có một vị thánh nào, dầu do họ tôn lên; nói khác đi, họ thiếu sự thánh thiện. Vì thế, trong Hội Thánh Công Giáo, địa vị thánh hóa của Mẹ là một địa vị không thể thiếu (xem lại các số 31-43). Theo Thánh Augustinô, Mẹ Maria là khuôn mẫu đúc ta nên hình tượng Chúa. Ai tự ý theo đường lối mình mà nên thánh có lẽ cũng được, nhưng thật là vất vả nhọc nhằn, rất dễ bị sai hình tượng Chúa. Còn ai tự nguyện đổ mình vào khuôn mẫu Maria, sẽ nên thánh dễ dàng, chắc chắn, chóng vánh và không sợ sai hình tượng Chúa. Vả nữa, Mẹ Maria lại là gương mẫu trọn lành rất dễ lôi cuốn, rất dễ bắt chước (số 37-39). Ấy là ta chưa nói đến Trái Tim Mẹ là căn nguyên thánh hóa làm một với Chúa Thánh Thần (số 54). Cho nên tận hiến cho Trái Tim Mẹ là việc làm ta nên thánh dễ dàng, mau chóng, chắc chắn và giống như Chúa Giêsu, Đấng là mô phạm thánh thiện tuyệt đối của ta. Như Thánh Môngpho quả quyết, tận hiến cho Mẹ còn cần hẳn cho việc rỗi linh hồn, việc nên thánh của ta nữa. .

IV. Để nên con yêu dấu của Mẹ hơn. .

92. Không tận hiến thì ta không phải là con của Đức Mẹ ư? .

Không tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria, ta vẫn là con Mẹ Maria cách chung vậy, vì Mẹ là Mẹ cả loài người (số 26-27), là Mẹ Hội Thánh (số 28-30). Nhưng việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ đưa ta vào sâu hơn trong tình yêu hiền mẫu của Mẹ. Thánh Vương Đavít cũng từng nại đến danh nghĩa là "con của Nữ Tỳ Chúa" (Tv 116:16) mà tạ ơn Thiên Chúa (phần đông các nhà chú giải Thánh Kinh đều nói "nữ tỳ" đây là Nữ Tỳ đã nói: "Đây con là Nữ Tỳ Chúa", tức là Mẹ Maria). Vì ta là chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, ta càng phải là con Mẹ với một tình yêu thắm thiết hơn, khăng khít hơn, đậm đà hơn. Không có hành vi nào làm ta nên con yêu dấu củaMẹ, làm con thơ dại của Mẹ hơn việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ, một việc đưa ta vào tận thẩm cung lòng hiền mẫu Mẹ, khắc tên ta vào Trái Tim Mẹ : thật hân hoan biết bao! Một niềm hân hoan vô cùng tận, như lời Chúa Giêsu nói với môn đệ Người, vì tên họ được ghi trên trời (Lc 10:20), nghĩa là nhất định ta sẽ được tuyển chọn vào nước hằng sống. .

93. Sao lại nói là con thơ dại, bào thai trong cung lòng Mẹ? .

Danh hiệu "con thơ dại của Mẹ" là một danh hiệu rất quí đẹp, và rất thích hợp với nền tảng thánh thiện của đạo thánh chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã dạy: "Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời" (Mt 18:3). Trẻ nhỏ thơ dại (parvuli) nói lên sự khiêm nhường thẳm sâu, tự nhận mình rất bé nhỏ, không thể làm nên việc gì, và tuyệt đối tin tưởng cậy trông Mẹ (số 129-131). Do đó, Mẹ sẽ đưa ta đến với Chúa, Mẹ đúc nặn ta nên hình tượng Chúa, vì cái gì còn non dại cũng dễ uốn nắn, đúc nặn hơn cái đã to, đã lớn. Còn danh hiệu "bào thai trong cung lòng Mẹ" càng tỏ ra một lệ thuộc tuyệt đối vào Mẹ hơn: mẹ đi đâu nó đi đấy; mẹ nằm, ngồi nó ở trong mẹ; mẹ bị đau bệnh nó cũng chịu; mẹ chết nó cũng chết theo; mẹ sống mạnh hay èo ọt, nó cũng như mẹ. Nó mang trọn vẹn tâm tình và tính khí mẹ. Thánh Augustinô, một vị Giáo Phụ đại danh của Hội Thánh, đã từng viết: "Phàm bất cứ ai được Thiên Chúa tiền định nên phù hợp với hình tượng Con Thiên Chúa, thì, ở đời này, đều được giấu ẩn trong lòng Đức Trinh Nữ Rất Thánh. Họ được Mẹ giữ gìn, dưỡng dục, bảo tồn, làm lớn lên, cho tới ngày Mẹ sinh họ vào vinh quang đời đời, khi họ chết, như Hội Thánh gọi cái chết của kẻ lành là ngày họ sinh vào trời (dies natalis caelestis)". Ý tưởng đó rõ ràng nói lên sự kiện ở đời này ta là bào thai trong cung lòng Mẹ Maria. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ đòi phải lệ thuộc tuyệt đối vào Mẹ (số 134-137), nên danh hiệu ''bào thai trong cung lòng Mẹ" càng thích hợp với người con tận hiến cho Trái Tim Mẹ . .

V. Nên lễ vật toàn thiêu cho Chúa.

94. Lễ vật toàn thiêu là gì? .

Theo Thánh Kinh Cựu Ước, lễ vật toàn thiêu (bò, chiên, chim . . .) là lễ vật được lửa đốt cháy hết để dâng kính Thiên Chúa, vì Chúa tuyệt đối tối cao, và con người dùng lễ ấy để tỏ lòng tuyệt đối tùng phục Thiên Chúa. Tổ phụ Abraham đã toan dâng con duy nhất là Isaac (hình bóng Chúa Kitô) làm lễ toàn thiêu để chứng tỏ lòng ông tuyệt đối tin vào lời Chúa hứa và tuyệt đối tùng phục Chúa. Sau này, chính Chúa Kitô cũng tự nguyện dâng mình làm lễ vật toàn thiêu kính hiến Thiên Chúa Cha trên bàn thờ Thánh giá, không chịu đốt bằng lửa bề ngoài, nhưng bằng lửa tình yêu bản thể của Chúa và bằng đau khổ Chúa chịu thay cho loài người, như đã được Thánh Phaolô viết trong thư gửi cho người Do Thái (Dt 11). Đó là theo nghĩa đen. Theo nghĩa bóng, Hội Thánh vẫn dùng tiếng lễ vật toàn thiêu để chỉ việc ta từ bỏ mình, hy sinh, vâng phục Thánh Ý Chúa. .
.
95. Có cần phải nên lễ vật toàn thiêu cho Chúa không? .

Theo nghĩa bóng, thì bất cứ ai không những muốn nên thánh, nên trọn lành, mà lại cả những ai theo đạo Chúa, cũng đều phải nên lễ vật toàn thiêu cho Chúa, vì ít nhất họ cũng phải theo điều kiện tiên quyết Chúa Kitô đòi hỏi là: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình" (Mt 16:24), nghĩa là họ phải dâng mình cho Chúa trong phép Rửa Tội để nên công dân nước Chúa. Vả nữa, luật Hội Thánh cũng đề ra một số khoản buộc các giáo hữu phải từ bỏ mình, phải hy sinh, như chay tịnh, kiêng thịt, bố thí, vâng phục các Bề Trên . . . Còn theo nghĩa đen, thì đôi khi Chúa cũng soi sáng cho linh hồn này, linh hồn nọ, để họ tình nguyện nên lễ vật toàn thiêu cho phép công bằng (thường là phải chịu rất nhiều đau khổ), hay cho tình yêu nhân hậu của Chúa (cốt nhất là yêu mến Chúa trên hết mọi sự, liên lỉ không ngừng trong mọi sự). Đây là ơn ban đặc biệt, ai được phải cẩn thận trình bày và bàn hỏi với cha linh hướng hay Bề Trên trực tiếpcủa mình, mới được dâng mình làm của lễ toàn thiêu.