Tận Hiến Những Gì?
70. Ta có phải tận hiến cho Mẹ những công trạng đó không?
Ta phải tận hiến cho Trái Tim Mẹ tất cả những công trạng ấy. Về những công trạng không thể nhượng, Mẹ sẽ bảo quản rất tốt cho ta y như của riêng Mẹ, nhưng Mẹ không thể đem ban phát cho người khác. Còn những công trạng có thể nhượng, thì Mẹ có quyền sử dụng tuỳ ý Mẹ: giữ lại hay ban cho người khác tuỳ sự khôn ngoan nhân từ của Mẹ, và tuỳ nhu cầu của họ. Ta đừng thấy thế mà lo cho số phận đời sau của ta. Ta đã quảng đại dâng cho Mẹ kho tàng nghèo nàn, rất nghèo nàn của ta để mặc Mẹ sử dụng, thì Mẹ còn quảng đại hơn ta hầu như vô cùng: Mẹ sẽ dành để cho ta những ơn phúc, những công trạng có một vẻ đẹp tuyệt vời bất ngờ mà chỉ khi vào đời sau ta mới thấy. Phần ta cứ tin tưởng tuyệt đối ở Mẹ.
V. Tính mê và tội lỗi
71. Trái Tim Mẹ Maria cũng tiếp nhận cả tính mê và tội lỗi của ta ư?
Phải. Những điều nói ở trên (số 58-70) là phần tích cực trong lễ vật hiến dâng Trái Tim Mẹ Maria của ta. Ta cũng tận hiến cho Trái Tim Mẹ luôn cả phần tiêu cực nữa, tức là tính mê, nết xấu và tội lỗi ta, để Mẹ tẩy trừ sửa chữa, giúp thêm ơn để ta chừa cải và tránh lánh dễ dàng hơn. Các tính mê và tội lỗi này gồm trong các điểm sau: tam dục; đam mê; bảy mối tội đầu; tội trọng, tội mọn; sau đó là các khuyết điểm, các xu hướng xấu v. v. . .
72. Tam dục là gì?
Là ba dục vọng xấu xa nhất mà thánh Gioan Tông Đồ đã nói: "Mọi sự thế gian đều là tham mê xác thịt, thèm muốn theo con mắt và kiêu hãnh về đời sống" (1 Gn 2:16). Ba dục vọng này chính là nguồn mạch sinh ra mọi sự dữ trong thế gian. Theo lời giải thích của các nhà tu đức học thì: Đam mê xác thịt chính là tình dục, là những tội phạm giới răn thứ sáu và thứ chín. Thèm muốn theo con mắt là sự mê tham của cải trần tục, mê tham những tài sản vật chất hữu hình, mau qua, hèn mạt, mà bỏ quên những tài sản thiêng liêng châu báu trên trời ta phải dùng con mắt đức tin mới thấy được. Kiêu hãnh về đời sống là chỉ tìm tòi những cái kiêu sa, và hãnh diện vì quyền cao chức cả, vì những danh dự hão huyền trống rỗng ở đời, mà bỏ quên chân giá trị của đức khiêm nhượng, nền tảng cuộc sống siêu nhiên ở đời này, và đưa tới hạnh phúc vô cùng đời sau.
73. Đam mê là gì?
Đam mê là những xu hướng mạnh mẽ, những xúc động hăng nồng qui về một đích nào đó đến mù quáng. Thường kể ra mười một đam mê là: vui mừng, tức giận, buồn sầu, sợ hãi, yêu thương, ghen ghét, ước muốn, thất vọng, hi vọng, chán ngán, táo bạo (Triết học Á Đông có nói đến thất tình: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục, ứng với bảy đam mê trước kể trên). Tự nó, đam mê không tốt không xấu: tốt hay xấu là tại ý chí ta qui hướng nó về cái tốt hay cái xấu. Nhưng theo kinh nghiệm của các nhà tu đức học, đam mê bao giờ cũng là duyên cớ gây ra tội lỗi, chứ ít khi trung lập được. Phải là một người có trí năng sáng suốt và ý chí mạnh mẽ lắm mới có thể tiết chế được đam mê cho đúng mức trung lập. Những đam mê không được hãm dẹp đúng mức thường làm cho trí năng ra mù tối, ý chí ra nhu nhược, linh hồn bị ô nhơ, mệt mã, tối tăm, đau khổ. Nghĩa là chúng làm cho linh hồn dễ dàng lạc đường ngay nẻo chính dẫn về phúc thật đời sau.
74. Bảy mối tội đầu là gì?
Ở trên (số 72), ta đã thấy tam dục là nguồn mạch sinh ra mọi sự dữ. Những sự dữ đầu tiên là bảy mối tội đầu. Trước hết, sự kiêu hãnh về cuộc đời sinh ra tật kiêu ngạo, căm hờn và ghen tương. Rồi sự tham mê xác thịt sinh ra tật mê ăn uống, mê đắm xác thịt và lười biếng việc lành. Sau hết, sự thèm muốn theo con mắt sinh ra tật hà tiện. Thường tín hữu nào khi xưng tội lần đầu cũng biết đó là bảy mối sinh ra vô vàn các tội khác.
75. Tội trọng và tội mọn là thế nào?
Khái niệm về hai thứ tội này, thông thường tín hữu nào cũng biết . Nhưng xin nhắc qua lại đây để ta ý thức rõ hơn việc tận hiến của ta có lợi đến mức nào. Khi ta vi phạm một điều luật quan trọng, cần thiết cho việc đạt mục đích sau hết trong vấn đề quan trọng, với một ý thức và một ý muốn đầy đủ, thì đó là tội trọng. Nó làm cho ta mất thánh sủng là nguyên lý sự sống siêu nhiên, đoạn tuyệt với Chúa và phải chết về phần linh hồn. Còn khi ta vi phạm một điều luật không quan trọng cho việc đạt mục đích sau cùng, hay khi ta vi phạm trong vấn đề nhẹ; hoặc nếu là luật buộc nặng, nhưng ta không vi phạm với một ý thức và ý muốn đầy đủ, thì đó là tội nhẹ. Nó không làm ta mất thánh sủng, chỉ giảm bớt sức sống siêu nhiên, ghẻ lạnh với Chúa và linh hồn mắc bệnh nạn. Song dù trọng dù nhẹ, tội nào cũng là khinh mạn Thiên Chúa, là coi thường quyền năng và tình thương của Người, là xa lìa Người nhiều hay ít. Đó thật là thiệt hại lớn lao vô cùng cho ta.
76. Ta còn phải tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria những gì nữa?
Ngoài các điều nói trên, ta còn phải tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria tất cả những khuyết điểm trong cuộc sống đạo và luân lý của ta nữa. Những khuyết điểm này thường gây ra do xu hướng xấu của ta, cho nên ta cũng tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria tất cả những xu hướng, bản tính, tập quán ấy nữa; nhất là những tật xấu riêng của dân tộc ta như: dối trá, thay đổi, nô lệ, không bền vững v. v. . . . Thêm vào đó là những món nợ đức ái ta mắc với người khác, những sẻn so, keo kẹt, bần tiện trong cuộc sống với tha nhân. Sau hết là những cơn cám dỗ về mọi khía cạnh mà ma quỉ, thế gian và xác thịt hằng ngày bày ra trước mắt ta, trước Nguồn Hạnh Phúc vô cùng là Thiên Chúa.
Ta cần ghi nhớ thật kỹ rằng tận hiến tính mê và tội lỗi cho Trái Tim Mẹ Maria không phải là cớ để ta dung dưỡng đua theo tínhmê mà phạm tội, rồi càn dỡ cậy trông Mẹ sẽ tẩy trừ sửa chữa. Trái lại, ta càng phải cậy trông Mẹ mà tỉnh thức chống trả tính mê và đoạn tuyệt với tội lỗi, nhất là những tội trước kia ta hay cố tình phạm dù trọng dù nhẹ. Nhất nữa là ta phải dứt hẳn những tính mê làm chủ. Nhỡ ra vì yếu đuối mà sa ngã cách nào, ta phải nhờ Mẹ cầu bầu mà xin ơn chỗi dậy ngay bằng cách lãnh Bí tích Hòa Giải cho mau kíp và quyết tâm chừa cải.
VI. Cái chết và đời sau
77. Cũng phải tận hiến cả cái chết nữa ư?
Phải. Tất cả những điều nói trên (số 58-76) là nói về sự sống và cuộc sống đời này của ta. Cuộc sống đó dài hay ngắn, hạnh phúc hay đau khổ, dệt bằng những hành động và chịu đựng nào, ta đều tận hiến tất cả cho Mẹ. Đã có sống là có chết: cuộc sống đã là của ta thì cái chết cũng là của ta. Cho nên ta cũng phải tận hiến cả cái chết của ta cho Trái Tim Mẹ Maria.
78. Chết nghĩa là thế nào?
Theo nghĩa thông thường, chết là chấm dứt cuộc sống đời này do việc linh hồn lìa khỏi thể xác. Còn theo Thánh Kinh, chết là một hình phạt vì tội lỗi, một hình phạt kinh khủng. Ngày từ lúc vừa sinh ra, ta đã bị lên án tử. Án tử đó lại thường thi hành với nhiều đau khổ kèm theo: nào là phải vĩnh biệt người thân yêu, nào là đau đớn khổ sở, nào là phấp phỏng não nề về số phận đời sau của mình; sau đó là thân xác phải tan rã nát mòn. Nhưng từ khi Chúa Giêsu chịu chết cứu chuộc ta, cái chết đã thay hình đổi dạng. Nếu được vui lòng chấp nhận, cái chết sẽ là một việc đền tội to tát; nó đặt xác ta vào mồ để chờ ngày sống lại hiển vinh; nó đưa linh hồn ta lên trời hưởng nhan thánh Chúa; nó chấm dứt cuộc sống đầy gian nan thử thách này và xác định ta vào tình trạng linh hồn ta đang có lúc chết. Một điều chắc chắn là ai cũng phải chết, nhưng lại không biết mình sẽ chết bao giờ, ở đâu, cách nào, và vì lý do gì . . . Đó là mộtđiều thường làm ta hoảng sợ nhất. Cho nên ta cung kính tận hiến sự chết của ta cho Trái Tim Mẹ Maria ngay từ bây giờ, để tới giờ Chúa định, nơi Chúa định, cách Chúa định, lý do Chúa định . . . cho ta, Mẹ sẽ lo liệu sắp xếp tất cả cho ta một lần chót làm trọn vẹn thánh ý Chúa ở đời này.
79. Về sự phán xét thì sao?
Ta cũng tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria cả hai cuộc phán xét riêng và chung ta phải chịu, vì đó cũng là những chịu đựng đi theo sát số phận con người của ta. Theo lời các thánh, những linh hồn nào chỉ có lòng tôn sùng Mẹ mà thôi, đều được Mẹ biện hộ đặc biệt cho trước tòa Chúa. Huống hồ là ta tự nguyện trao phó cho Mẹ cả hai cuộc thẩm xét ta phải chịu, với tâm tình một đứa con thơ dại trong lòng đồng trinh vô nhiễm Mẹ, ta tin chắc Mẹ sẽ đảm bảo phần rỗi đời đời cho ta.
80. Ta tận hiến cả cuộc đời sau được ư?
Được và cần tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria cả cuộc đời sau của ta, vì đó chính là cánh chung định mệnh con người của ta. Đời sau hay cuộc đời vĩnh cửu là một thực tại rõ ràng không ai chối cãi được. Thánh Kinh Tân Cựu Ước đã nhiều lần nói tới, và chính trí năng của ta cũng luận ra được. Cuộc đời sau ấy, tín hữu nào cũng biết là có hai phía: Thiên Đàng và Hỏa Ngục. Một người Công Giáo nếu trung thành với việc sống đạo đúng nghĩa của mình cho đến cùng, chắc chắn sẽ được cuộc sống Thiên Đàng hạnh phúc. Nhưng yếu đuối hèn hạ như ta, ta có chắc bền vững đến cùng trong đường lành được không? Chúa Quan Phòng nhân ái vô cùng đã liệu cho ta một phuơng tiện rất chắc chắn là tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria, để Mẹ đưa ta vào nguồn mạch cứu chuộc và giữ cho ta một chỗ trên Thiên Đàng đời sau.
81. Việc tận hiến cuộc đời sau có thật cần thiết không?
Mấy điều đề ra ở số trên (80) đã nói lên rõ tính cách cần thiết phải tận hiến cuộc đời sau cho Trái Tim Mẹ Maria. Nhưng suy kỹhơn chút nữa, ta thấy càng tuyệt đối phải tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria cuộc đời sau ấy hơn. Thật vậy, định mệnh của ta không hệ ở cuộc sống vắn vỏi đời này, song là hệ ở đời sau. Xét về độ dài thì cuộc đời này chỉ là gang tấc, mà đời sau thì dài lâu vô cùng vô tận. Xét về bản chất sự sống thì cuộc đời này chưa đáng gọi là sống, vì nó không được tự do thật, nó còn bị điều kiện hóa từ tứ phía: vật chất, không gian, thời gian . . . ; còn sự sống đời sau ở Thiên Đàng thì được tự do hoàn toàn, ly thoát hẳn những ràng buộc của vật chất, không còn chịu điều kiện hóa trong không gian và thời gian . . . Xét về mục đích sự sống là hạnh phúc thì cuộc sống đời này không thể nào có hạnh phúc đúng nghĩa, song đời sau ở Thiên Đàng thì hạnh phúc thật tràn đầy, không còn thèm muốn gì nữa. Cho nên điểm quan hệ nhất của định mệnh con người là cuộc sống đời sau ở Thiên Đàng, chứ không phải là cuộc sống đời này. Mặt khác, bản chất thiết yếu của ơn Cứu Chuộc mà Chúa Giêsu đã lập và muốn Mẹ Maria đồng công để sắm cho ta là được hưởng kiến Thiên Chúa đời sau. Cuộc đời này chỉ là thời gian để ta sử dụng các phương tiện hầu đạt bản chất ơn Cứu Chuộc ấy. Lẽ nào ta chỉ tận hiến cho Trái Tim Mẹ có phương tiện, còn bản chất thì không? Ta chỉ làm con của Mẹ trên quãng đường về quê thật, còn ở quê, ta lại thôi không làm con Mẹ nữa ư?
Vì thế, tận hiến cuộc đời sau cho Trái Tim Mẹ Maria là việc thật cần thiết, thật thích hợp với chính định mệnh con người của ta, và với chính bản chất của ơn Cứu Chuộc vậy.
VII. Bây giờ và mãi mãi
82. Đã nói tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria cả cuộc đời này và đời sau rồi, sao còn phải nói thêm "bây giờ" và "mãi mãi"?
Thật ra, tất cả các điều nói trên đều hiểu được là tận hiến "bây giờ" và "mãi mãi" rồi. Nhưng cần phải nói thêm, vì "bây giờ" và "mãi mãi" ở đây có một ý nghĩa khác, không như ý nghĩa đã nói ởtrên.
83. "Bây giờ" nghĩa là gì?
Thông thường thì ai cũng hiểu "bây giờ" là cuộc đời này. Song ở đây, "bây giờ" có nghĩa là lúc hiện tại, lúc này đây. Tiếng "lúc này" có nghĩa là một giây lát rất ngắn, một cái tích tắc của đồng hồ. Giây lát ấy là cái tích tắc hiện tại đang có đây, chứ không phải là cái tích tắc đã có trước, cũng không phải là cái tích tắc sẽ đến sau. Cuộc sống của ta từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đều nối kết nhau bằng những giây lát hiện tại, những lúc đang có đây, những cái tích tắc "bây giờ" ấy, liên tiếp không ngừng. Như vậy, tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria "bây giờ" có nghĩa là tận hiến liên lỉ không ngừng, không một giây lát nào ngắt quãng, không một tích tắc nào gián đoạn, không một mở ngoặc nào giữ lại cho mình.
84. Còn "mãi mãi" thì sao?
"Mãi mãi" ở đây không những có nghĩa là liên lỉ tận hiến ở đời này, mà cả ở đời sau vô cùng như đã nói trên. Lại còn có nghĩa là không phải ta chỉ tận hiến có thời gian ngắn, một quãng nào đó để thí nghiệm, để thử xem sao, rồi sau ngưng lại. Theo nghĩa này thì tận hiến mãi mãi có nghĩa là tận hiến một lần dứt khoát, không có "cầm cầy rồi mà còn ngoảnh lại đàng sau" (Lc 8:62). Nếu đi sâu chút nữa thì "mãi mãi" lại choán gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai của ta. Mẹ Maria hiện đang ở trong Thiên Chúa, thấy và nhận mọi sự ta tận hiến cho Mẹ trong Thiên Chúa. Mà trong Thiên Chúa thì tất cả đều là hiện tại, là bây giờ. Cho nên ta mới tận hiến được cho Trái Tim Mẹ Maria cả quá khứ, và cả tương lai của ta cũng như tận hiến cái lúc hiện tại của ta vậy.
Như thế, tận hiến bây giờ và mãi mãi có nghĩa là ta cho hẳn, dâng hẳn để mặc Mẹ sử dụng lễ vật tận hiến của ta theo ý Mẹ. Nếu không cho hẳn, dâng hẳn, mất hẳn cho Trái Tim Mẹ Maria như thế thì chỉ là ta đem gửi tạm Mẹ ít lâu, để Mẹ giữ hộ thôi mà không có quyền tự do sử dụng như chủ của; rồi khi nào không muốn gửi nữa, ta đến lấy lại. Cho nên tận hiến "bây giờ" và "mãi mãi", tức là ta không còn chủ quyền trên lễ vật đã hiến dâng cho Mẹ, mà chỉ một mình Mẹ mới có chủ quyền tuyệt đối trên lễ vật ta dâng. Có như thế mới là dâng hết, cho hết, đúng như định nghĩa của tận hiến (số 1).
Chính vì thế mà trước khi tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria, ta phải tìm hiểu cho rất kỹ việc ta toan làm, kẻo nhỡ ra chỉ làm vì một lý do nào đó không chủ động, không tự nguyện, không tự do, không muốn hẳn, không dứt khoát, rồi sau lấy lại cách này cách khác, thì rất có thể chỉ là một sư đánh lừa người ta, đánh lừa cả Đức Mẹ và Thiên Chúa.