Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Tận Hiến Cho Mẹ 1 Tận Hiến Cho Mẹ III

Tận Hiến Là Gì?

Tận Hiến Cho Ai?
9. Ta tận hiến cho ai?
Như đã nói trên, ta tận hiến cho Thiên Chúa; hoặc nói cách khác đi là tận hiến cho Chúa Giêsu, ta lại quá bất xứng, nên ta phải nhờ Trái Tim Mẹ Maria làm trung gian để tận hiến cho Chúa Giêsu. Vì thế, ta mới tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria để Mẹ lại tận hiến ta cho Chúa Giêsu. Việc đó gọi tắt là tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ.

10. Có những lý do nào để ta tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ?
Nói tắt thì tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ vì nhờ Trái Tim Đức Mẹ làm trung gian để tận hiến cho Chúa Giêsu. Nhưng xét ra thì việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria còn có những lý do, những nền tảng thần học rất chắc chắn, như: Mẹ Maria là Mẹ Vô Nhiễm; Mẹ Thiên Chúa; Mẹ Đồng Công; Mẹ Nhân Loại; Mẹ Hội Thánh; Mẹ là nguyên nhân lập công đáng ân sủng; Mẹ là Gương Mẫu đường trọn lành; Mẹ là Trung Gian phổ quát ban ân sủng; Mẹ là Nữ Vương các tâm hồn. Ta sẽ tìm hiểu sơ lược những lý do trên ở các số sau.

A. Mẹ Vô Nhiễm

11. Vô nhiễm là gì?

Vô nhiễm (immaculata) có nghĩa là không vương một tì ố nào về luân lý. Đối với Mẹ Maria thì vô nhiễm có nghĩa là Mẹ đầu thai không vướng mắc nguyên tội và không lây các hậu quả của nguyên tội như chung mọi người con cháu Adong.

12. Tại sao Mẹ Maria được đầu thai vô nhiễm? Mẹ Maria được đầu thai vô nhiễm do đặc ân độc nhất Thiên Chúa ban cho Mẹ, chuẩn bị Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa. Đặc ân đó Mẹ được hưởng là nhờ công nghiệp cứu chuộc Chúa Giêsu Con Mẹ sẽ lập về sau, chứ không phải đặc ân ấy không tùy thuộc công nghiệp Chúa Giêsu Kitô sẽ lập trong cuộc Tử Nạn Cứu Chuộc của Người.

13. Bản chất của ơn Vô Nhiễm như thế nào?

Bản chất của ơn ấy có hai khía cạnh: tiêu cực và tích cực. Về khía cạnh tiêu cực, Mẹ được Chúa gìn giữ không vương lây nguyên tội và các hậu quả của nguyên tội như vừa nói trên; Mẹ cũng lại không mắc và không thể mắc một tội riêng nào, song là Mẹ toàn mỹ, toàn thiện. Về khía cạnh tích cực, Mẹ được Thiên Chúa ban cho đầy tràn hết mọi ân sủng, mọi nhân đức, mọi linh ân tới một mức độ tuyệt cao cả, tới mức toàn thánh, xứng đáng làm Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể, làm Hiền Thê Chúa Thánh Thần, và làm Mẹ nên một thụ tạo mới (Evà mới).

14. Thánh Kinh và Hội Thánh có nói gì về đặc ân Vô Nhiễm của Mẹ Maria không?

Thánh Kinh đã nói về ơn vô nhiễm của Mẹ ngay ở đầu sách Sáng Thế Ký, trong trình thuật Thiên Chúa tuyên án con rắn hỏa ngục đã cám dỗ bà Evà: "Ta sẽ đặt những mối thù giữa ngươi và Người Nữ, Người Nữ sẽ đạp nát đầu ngươi" (Stk 3:15). Người Nữ nói đây chính là Mẹ Maria, và việc đạp nát đầu cựu xà có nghĩa là Mẹ hoàn toàn chiến thắng Satan và hỏa ngục, không hề bị thua nó bao giờ cả, tức là hoàn toàn vô nhiễm tội (khía cạnh tiêu cực). Thánh Kinh còn nói Mẹ Maria "đầy ân sủng" (Lc 1:28), có nghĩa là ngay từ vừa phôi dựng, Mẹ đã sống một cuộc sống siêu nhiên tràn đầy thánh đức, không một thụ tạo nào có thể so sánh được (khía cạnh tích cực).

Mẹ Maria Vô Nhiễm tội, đó là một niềm tin đã từng ăn rễ rất sâu từ xa xưa trong Hội Thánh. Nhưng mãi tới ngày 8 tháng 12năm 1854, Đức Thánh Cha Piô IX mới tuyên bố là một tín điều buộc hết mọi tín hữu phải tin.

B. Mẹ Thiên Chúa

15. Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa như thế nào?

Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Mẹ sinh hạ Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể. Tước hiệu này - đúng ra phải nói là thực tại này - hợp với Mẹ một cách khít khao. Một người mẹ sinh một người con tức là sinh ra ngôi vị người con đó. Ở đây, Chúa Giêsu Con của Mẹ Maria có ngôi vị là Ngôi Hai hay Ngôi Lời Thiên Chúa, chứ không có ngôi vị con người. Ngôi Hai hay Ngôi Lời Thiên Chúa này cũng chính là Thiên Chúa, bằng Thiên Chúa ở hết mọi phương diện (Jn 1:1), chỉ khác là một ngôi vị riêng biệt. Mẹ Maria không sinh ra thần tính của Chúa Giêsu, nhưng chỉ sinh ra nhân tính của Người; song nhân tính ấy lại kết hợp với thần tính của Thiên Chúa Ngôi Hai làm thành một ngôi vị. Mẹ Maria sinh Người Con có ngôi vị Thiên Chúa, nên Mẹ thật là Mẹ Thiên Chúa.

16. Chức Mẹ Thiên Chúa làm Mẹ nên cao trọng thế nào?

Chức Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria là chức rất cao trọng, loài thụ tạo không thể nào hiểu rõ và ca tụng cho xứng được. Chức ấy đưa Mẹ tới gần Thiên Chúa Ba Ngôi hơn hết mọi thụ tạo. Thần học nói chức ấy đưa Mẹ gia nhập gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, tới đến biên cương thần tính của Thiên Chúa.Mẹ được chia sẻ với Ngôi Cha vinh dự gọi Ngôi Lời là Con. Mẹ được trở nên Hiền Thê của Chúa Thánh Thần. Là một nữ nhân trong loài người mà Mẹ lại được chính Thiên Chúa kính tôn và tuân phục. Huống hồ chúng ta là những kẻ tội lỗi, càng phải kính tôn và tuân phục Mẹ Maria hơn nữa.

17. Thánh Kinh và Hội Thánh có nói gì đến chức Mẹ Thiên Chúa không ?

Thánh Kinh có nói đến Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa nhiềulần. Đặc biệt là trong trình thuật việc Mẹ đi viếng thăm thánh nữ Isave, và thánh nữ được đầy ơn Chúa Thánh Thần đã cảm động nói: "Bởi đâu tôi được phúc là Mẹ Chúa đến thăm tôi" (Lc 1:43). Tiếng "Chúa" ở đây, theo các nhà giảng nghĩa Thánh Kinh, chính là Thiên Chúa, vì truyền thống Do Thái thường xưng tụng Đức Giavê (Thiên Chúa) là Chúa.
Về phía Hội Thánh thì ngay từ đầu đã vẫn tin Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, nhưng mãi đến năm 431, Đại Công Đồng Ephêsô mới định tín hẳn Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Và từ đó, trong kinh Kính Mừng, Hội Thánh hằng tuyên tụng Mẹ là "Đức Mẹ Chúa Trời".

C. Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc

18. Đồng Công Cứu Chuộc nghĩa là gì?

Đồng Công Cứu Chuộc là một sứ mạng đặc biệt của Mẹ Maria, có nghĩa là Mẹ đã thực sự cộng tác vào việc cứu chuộc nhân loại của Chúa Giêsu.

19. Có cần Mẹ Maria Đồng Công vào việc cứu chụộc không?

Nói tuyệt đối thì không cần, vì chỉ một mình Chúa Giêsu đã có thể cứu chuộc muôn vàn thế giới. Nhưng nói cho hợp lẽ thì lại cần Mẹ Maria đồng công vào việc Cứu Chuộc ấy, vì tình thương vô cùng của Thiên Chúa đã an bài như vậy: Ngày trước, Evà cũ đã cùng với Adong cũ làm cho loài người phải hư đi, thì ngày nay muốn dựng lại loài người sa ngã, cứu chuộc họ, cũng có Mẹ Maria là Evà mới cộng tác với Adong mới là Chúa Giêsu Cứu Chuộc mới hợp lẽ. Đó là chủ trương từ xa xưa của các thánh Giáo Phụ và là ý kiến chung của các nhà thần học ngày nay.

20. Mẹ Maria nhận sứ mạng Đồng Công khi nào?

Nếu Mẹ Maria nhận thiên chức cao cả là Mẹ Thiên Chúa thì Mẹ cũng nhận sứ mạng đặc biệt là làm Đấng Đồng Công. Khi đếntruyền tin Ngôi Lời Nhập Thể cho Mẹ, tổng thần Gabriel không nói Ngôi Lời ấy là một tư nhân, song là Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu Chuộc. Đấng ấy là Đấng Thiên Sai (Mêsia) mà loài người từ Adong đều mong đợi, đã từng được các tiên tri loan báo, các Tổ Phụ van nài Thiên Chúa sai đến. Đấng ấy là Thủ Lĩnh, là Đầu vĩnh cửu của toàn thể nhân loại mà tổng thần đã mời Mẹ nhận làm Mẹ Người. Toàn bộ công trình cứu chuộc của Đấng ấy đều tùy thuộc lời "Xin Vâng" của Mẹ Maria. Về phía Mẹ, Mẹ cũng đã ý thức rõ ràng lúc ấy rằng: nhận làm Mẹ Đấng ấy thì đồng thời cũng phải nhận sứ mạng Đồng Công với Đấng ấy trong công cuộc cứu chuộc của Người. Vì thế, trong ngày Truyền Tin, Mẹ Maria đã ý thức và tự do nhận sứ mạng Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Giêsu.

21. Thánh Kinh có công bố sứ mạng Đồng Công của Mẹ Maria không?

Khi sinh hạ Chúa Giêsu được bốn mươi ngày, Đức Mẹ đem hiến dâng Chúa trong Đền Thánh. Ở đây, thượng tế Simêon được Chúa Thánh Thần soi sáng, đã long trọng công bố sứ mạng Đồng Công của Mẹ bằng những lời: "Một mũi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà" (Lc 2:35). Nghĩa là chính Mẹ sẽ chịu đau khổ để đồng công với Chúa trong việc cứu chuộc loài người: chính Chúa Giêsu Cứu Chuộc sẽ là mũi gươm sắc ấy thâu qua Trái Tim Mẹ.

22. Mẹ Maria có làm gì để đồng công cứu chuộc không ?

Có. Phúc Âm kể lại ít là hai trường hợp Mẹ đã hoạt động để đồng công cứu chuộc với Chúa Giêsu. Trường hợp thứ nhất là việc Mẹ đi thăm bà Isave. Tới nơi, Mẹ vừa chào bà thì thánh Gioan Thủy Tẩy còn trong thai đã nhảy mừng vì được ơn cứu chuộc nhờ Mẹ (Lc 1:44)). Sự kiện đó có thể hiểu là từ đó, ai muốn hưởng nhờ ơn cứu chuộc của Chúa cũng cần nhờ Mẹ. Trường hợp thứ hai là việc Mẹ can thiệp để Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên trong đời công khai của Người tại tiệc cưới Cana. Phúc Âm nói rõ "phép lạ đó đã tỏ ra vinh quang của Người, và các môn đệ đã tin vàoNgười" (Jn 2:1 vt. 11). Ơn cứu chuộc trước hết hệ ở sự tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc. Mà nhờ có Mẹ Maria, các môn đệ đã tin vào Chúa Giêsu. Vậy ở đây, nhờ Mẹ Maria, các môn đệ lãnh được ơn cứu chuộc. Hai phép lạ đầu tiên về ân sủng và về tự nhiên này chứng tỏ rõ ràng Mẹ thật là Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc.

23. Mẹ Maria hoàn tất sứ mạng Đồng Công khi nào?

Mẹ Maria hoàn tất sứ mạng Đồng Công của Mẹ khi Mẹ đứng sát kề thập giá Chúa Giêsu, lúc Chúa chịu treo trên thập giá để hoàn thành công cuộc Cứu Chuộc của Người. Nhiều vị thánh nói lúc ấy thánh giá là bàn thờ bên ngoài để dâng Chúa là Con Chiên cực thánh lên Chúa Cha làm hi lễ cứu chuộc; còn chính Trái Tim Mẹ là bàn thờ bên trong và sống động dâng hi lễ cứu chuộc ấy. Và Thiên Chúa Ba Ngôi có thể hài lòng vì hi lễ cứu chuộc dâng trên bàn thờ Trái Tim Mẹ lúc ấy hơn là trên bàn thờ thập giá. Bởi lẽ bàn thờ thập giá chỉ là một cây gỗ su si, vô tri, được Chúa Giêsu chọn để chịu chết trên đó thôi.

24. Mẹ Maria còn tiếp tục sứ mạng Đồng Công không?

Dầu đã hoàn tất sứ mạng Đồng Công rồi, Mẹ vẫn còn tiếp tục trong Hội Thánh. Trong Hiến chế Lumen Gentium, Thánh Công Đồng Vaticanô II đã tuyên xưng: "Trong nhiệm cuộc ân sủng, Đức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm Mẹ, từ khi Ngài tin tưởng ưng thận trong ngày Truyền Tin - sự ưng thuận mà Ngài đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá - cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh chị em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời." (LG 62)

25. Hội Thánh nói gì về Mẹ Đồng Công?

Hội Thánh hằng cao rao Mẹ Maria là Đấng hợp tác mật thiết với Chúa Giêsu trong việc cứu chuộc nhân loại. Nhiều vị Giáo Hoàng đã rõ ràng xưng tụng Mẹ là Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc. Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Lumen Gentium tuy không minh nhiên tuyên bố danh từ Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, song đã nhiều lần công nhận rõ sự kiện Đồng Công của Mẹ bằng những tiếng:"Mẹ tự nguyện cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại (LG 56), trung thành hợp nhất với Con cho đến bên thập giá (LG 58, 62), Mẹ hiệp nhất bền chặt với Con (LG 53), Mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật lòng mình sinh ra (LG 58), Mẹ là cộng sự viên quảng đại (LG 61), hiệp nhất với Con là Đấng Cứu Chuộc (LG 63). . . Mẹ cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu (LG 53)". Trong kinh Tin Kính của Dân Chúa, Đức Phaolô VI cũng tuyên xưng như vậy.

D. Mẹ Nhân Loại

26. Mẹ Maria là Mẹ nhân loại như thế nào?

Như đã nói trên, Chúa Giêsu là Thủ Lĩnh, là Đầu của toàn thể nhân loại (số 20). Cho nên khi Mẹ Maria trở nên Mẹ Chúa Giêsu, đồng thời Mẹ cũng trở nên Mẹ cả nhân loại. Vì không bao giờ người mẹ sinh ra một người con mà lại chỉ là mẹ của cái đầu người con, còn mẹ của thân mình và các chi thể người con ấy thì lại không. Do đó, chúng ta phải nhận: Mẹ Maria thật là Mẹ nhân loại. Ở đây, xin trích một đoạn của Hiến chế "Ánh sáng muôn dân" để làm sáng tỏ chân lý này: "Khi sứ thần truyền tin, Đức Nữ Trinh Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Người được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Thế. Được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con Người và hiệp nhất mật thiết bền chặt với Con. Đức Maria đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cungthánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí này, Ngài đã trổi vượt mọi tạo vật trên trời dưới đất. Nhưng đồng thời, vì thuộc dòng dõi Ađam, Người cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi; hơn nữa, "Người thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô) . . . vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Đầu ấy" và "...Thánh Công Đồng ân cần mong muốn làm sáng tỏ vai trò của Đức Nữ Trinh trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và Nhiệm Thể, cũng như làm sáng tỏ bổn phận những người được cứu chuộc đối với Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Chúa Kitô và Mẹ nhân loại, cách riêng Mẹ các tín hữu..."(LG 53-54).

27. Thánh Kinh có chỗ nào nói Mẹ Maria là Mẹ nhân loại không?

Có. Lúc Mẹ đứng gần thập giá Chúa Giêsu, Chúa đã gọi Mẹ mà di chúc thánh Gioan là con của Mẹ: "Đây là con Bà". Và gọi thánh Gioan mà di chúc Đức Mẹ là Mẹ của ông: "Đây là Mẹ con" (Jn 19:26-27). Hội Thánh từ đầu vẫn giải thích và tin rằng thánh Gioan lúc ấy là đại diện cả nhân loại. Thánh nhân đã nhận Mẹ làm Mẹ mình, tức là đã đại diện cả nhân loại để nhận Mẹ Maria làm Mẹ.

E. Mẹ Hội Thánh

28. Mẹ Maria là Mẹ Hội Thánh như thế nào?

Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Hội Thánh, đã nhận làm Mẹ toàn thể cộng đồng Dân Chúa qua di ngôn Chúa trối lại khi hấp hối trên thập giá (số 27). Vừa khi Hội Thánh được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu sau lúc Người tắt thở, Mẹ đã chăm chú coi sóc Hội Thánh, mặc dầu Thánh Phêrô là đầu Hội Thánh lúc ấy đã non gan chối bỏ Thầy và trốn biệt đi. Các Tông Đồ khác cũng tương tự như vậy. Nhưng tới ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, thánh Phêrô và các Tông Đồ đã can đảm ra mặt thi hành chức vụmình. Hạnh phúc cho Hội Thánh vì tất cả kho tàng ân sủng Chúa Kitô đã lập cho Hội Thánh đều được Mẹ cẩn thận cất giữ trong Trái Tim Mẹ. Mẹ là Mẹ Hội Thánh, Mẹ không ngừng ủi an, dìu dắt các Tông Đồ và hướng dẫn Hội Thánh trong buổi sơ khai. Cho đến ngày nay và mãi đến tận thế, Mẹ Maria luôn luôn là Mẹ khôn ngoan dịu hiền của Hội Thánh.

29. Mẹ Maria là Mẹ Hội Thánh vì những lý do nào?

Vì những lý do sau đây:

1. Mẹ đã cưu mang Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Giêsu ngay từ ngày Truyền Tin cùng với Chúa Giêsu là Đầu Hội Thánh. Mẹ đã ưng nhận làm Mẹ Hội Thánh khi đứng bên Thánh Giá Chúa. Ngày lễ Hiện xuống, Mẹ đã cộng tác với Chúa Thánh Linh nuôi dưỡng Hội Thánh sơ khai bằng ơn phúc dư tràn của Mẹ (theo Công Đồng Vaticanô II và Đức Phaolô VI).

2. Mẹ đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Chúa Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Mẹ thật là Mẹ chúng ta (LG 61).

3. Sau khi về trời, vai trò của Mẹ trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Mẹ vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi. Với tình mẫu tử, Mẹ chăm sóc những anh em của Con Mẹ đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời (LG 62).

4. Mẹ là Mẫu gương của Hội Thánh trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô (theo Thánh Ambrôsiô). Mẹ cũng là Mẫu gương mọi nhân đức sáng ngời cho toàn thể Cộng Đoàn những người được chọn (LG 65).
5. Đời sống của Mẹ là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử này phải là động lực của tất cả chúng ta trongkhi thi hành sứ mệnh tông đồ của Hội Thánh (LG 65).

6. Mẹ là Khuôn Mẫu của Hội Thánh nguyện cầu, vì Mẹ luôn giữ địa vị Trung Gian cầu bầu và ban phát ân sủng cho Hội Thánh (số 41-43).

7. Mẹ là nguyên nhân lập công đáng ân sủng Chúa ban cho Hội Thánh (số 31-34).

8. Mẹ là Khuôn Mẫu Hội Thánh khải hoàn, vì Mẹ đã được vinh hiển hồn xác trên trời. Sau này các phần tử tốt lành của Hội Thánh cũng được lên trời như vậy (LG 65).

9.Ơn tiền định của Mẹ cũng là khuôn mẫu ơn tiền định của Hội Thánh, vì Mẹ hằng liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô, Đấng là Anh Trưởng của mọi người được tiền định hưởng phúc đời đời (Jn 1:12; 20:31; Gal 3:26)

30. Hội Thánh tuyên nhận Mẹ Maria là Mẹ từ bao giờ?

Công Đồng Vaticanô II đã ca tụng Mẹ: " Ngài được chào kính như một chi thể của Giáo Hội tối cao và độc nhất vô nhị, là Mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái. Và Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Ngài tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất yêu dấu" (LG 53). Lời khen ngợi đó đã đưa đến kết luận: Mẹ Maria là Mẹ của Hội Thánh mà Đức Thánh Cha Phaolô VI, ngày 21-11-1964, đã long trọng tuyên bố trong Thánh Công Đồng Vaticanô II với sự tán đồng của hầu hết các Nghị Phụ. Ngài còn tuyên nhận tước hiệu ấy trong kinh Tin Kính của Dân Chúa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại truyền đem tước hiệu "Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh" vào kinh cầu Đức Mẹ sau câu "Đức Mẹ Chúa Kitô".

F. Mẹ là nguyên nhân lập công đáng ân sủng

31. Ân sủng là gì?

Nói vắn tắt thì ân sủng là một ơn siêu nhiên hoàn toàn nhưng không, Thiên Chúa ban cho ta vì công nghiệp của Chúa Kitô, để ta nên thánh thiện đẹp lòng Người.

32. Mẹ Maria có lập công đáng được ân sủng không?

Trong công cuộc cứu chuộc, Chúa Giêsu là nguyên nhân chính và, theo nghĩa đen, lập hết mọi công trạng đáng ân sủng cho ta. Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X và, sau ngài, các nhà thần học gọi công Chúa Giêsu lập đó là công trạng tương đáng (de condigno). Còn Mẹ Maria là Đấng Đồng Công với Chúa (số 18-25), nên Mẹ cũng lập được công trạng đáng hết mọi ân sủng cho ta một cách tuỳ thuộc, nghĩa là tuỳ vào Con của Mẹ, và vì Con của Mẹ đã trao cho Mẹ khả năng lập công đáng ân sủng cho ta. Công trạng này của Mẹ, Thánh Piô X gọi là công trạng tương hợp (de congruo). 33. Mẹ Maria lập công đáng ân sủng như thế nào?

Trước hết, trong ngày Truyền Tin, Mẹ đã lập công đáng mọi ân sủng cho ta khi Mẹ thưa lời "Xin Vâng". Vì việc Nhập thể là khởi đầu ơn Cứu Chuộc, và cộng tác vào việc Nhập Thể tức là Mẹ đồng công vào ơn Cứu Chuộc, vào hết mọi ân sủng hiệu quả của ơn Cứu Chuộc; nói cách khác, Mẹ đồng công vào sự cứu rỗi và thánh hóa chúng ta.

Hơn nữa, trong suốt cuộc sống, Mẹ đã cộng tác vào công cuộc Cứu Chuộc của Chúa Kitô, vì ý chí của Mẹ hoàn toàn phù hợp với ý chí của Chúa Giêsu Con Mẹ. Chính Mẹ đã nuôi dưỡng Chúa Giêsu và chuẩn bị cho Chúa chịu sát tế trên núi Canvê sau này. Mẹ cộng tác với Chúa trong niềm vui nỗi buồn, trong những công việc thường hèn, vất vả ở Nagiarét. Mẹ cộng tác vào việc truyền bá Tin Mừng của Chúa và, do một cộng khổ rất quảng đại, Mẹ hợp nhất với Chúa trong cuộc Tử Nạn của Người. Mẹ thưa lại lời "Xin Vâng" ở dưới chân thánh giá và bằng lòng hi hiến Người Con mà Mẹ yêu mến trót mình, yêu hơn yêu chính mình Mẹ, chịu một gươm sắc đau khổ xuyên qua Trái Tim. Mẹ đã lập biết bao công trạng đángân sủng cho ta trong cuộc hi hiến ấy (xem LG 58 và 61).