MẸ TÔI
Dịch giả: Phạm Đình Khiêm 2/ Đức Nữ Trinh Maria Trở nên Mẹ Ta Khi Nào?: Khi Đức Nữ Trinh Maria nên mẹ Chúa Giêsu, ấy là chính lúc Người nên Mẹ ta. Một lần nên Mẹ, Người vừa là Mẹ Chúa Giêsu, vừa là Mẹ loài người, tức là phần thân thể Chúa Giêsu, do Chúa Giêsu cứu chuộc. Đức Chúa Giêsu đã được kết thai làm Người bởi tác động Chúa Thánh Thần và sự thỏa thuận cộng tác của Đức Nữ Trinh. Như vậy, cùng một lúc ấy, chúng ta đã được kết thai làm người giáo hữu cũng bởi hai công việc kia hiệp lại. Không có Đức Bà Maria, không có sự ưng thuận của Người, Chúa Giêsu đã chẳng sinh làm người. Đức Chúa Trời đã để công cuộc lớn lao nhất của người, công cuộc Giáng sinh và Cứu thế, tuỳ thuộc sự ưng thuận của một loài thụ tạo thường, một nữ trinh bé mọn. Vậy Người cũng để cho mọi hiệu lực của công cuộc cứu thế, mọi ơn thánh ban phát ra, mọi linh hồn được cứu chuộc, cũng phải tùy thuộc sự ưng thuận ấy. Đức Nữ Trinh chí thánh không những đã nghiễm nhiên trở nên Mẹ ta khi chịu thai Chúa Giêsu, mà Người còn hiểu rõ việc ấy. Có lẽ nào Đức Chúa Trời lai giấu Người điều mầu nhiệm ấy? Phẩm tước làm Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ loài người sẽ có những hiệu quả rất vẻ vang và đồng thời rất bi đát đối với một tâm hồn từ mẫu, đến nỗi nếu Đức Bà Maria chẳng rõ mọi chi tiết, chẳng tường sau trước, âu là Người đã chẳng được quyền tự quyết và đồng ý ưng thuận. Lại nữa, khi Người ngỏ lời ưng thuận điều Thiên Thần truyền tin "Fiat" thì chẳng những Người biết trước các hiệu quả của lời ấy mà Người còn tình nguyện vui nhận những hiệu quảkia cách thiết thực, với tất cả sự hăng nồng của Trái Tim từ mẫu Người, để giải thoát ta khỏi hỏa ngục. Ôi, Người biết lắm: nhận Đức Chúa Giêsu làm con, tức là phải nhận cả ta làm con nữa. Nhận ta làm mất Chúa Giêsu, là giết Chúa Giêsu. Mà cứu Chúa Giêsu thì lại mất ta, lại đầy ta vào hỏa ngục. Vậy nên Mẹ Maria đành lòng nhận trước một đời sống đau đớn và khổ cực vô cùng. Trong Sấm Truyền cũ có kể truyện của Rêbêca mang thai hai đứa con đôi: Êsau và Gia-cóp: bà cảm thấy chúng đánh nhau trong bụng mình: Collidebant in utero ejus parvuli, làm bà rất đau đớn, phải than rằng: Nếu biết cơ sự đến thể này, tôi còn chịu thai làm chi? Sic huc futurum mihi erat. quid necesse fuit concipere? Đức Nữ Đồng Trinh cũng chịu thai và mang trong lòng mình hai người con đôi là Chúa Giêsu và loài người như thế, và hai con cũng không thỏa thuận với nhau, vì Chúa Giêsu công chính mà loài người tội lỗi: collidebant in utero ejus: Sự tương phản giữa hai con làm cho Đức Mẹ đau đớn vô hồi. Người biết rằng sự sống của con này sẽ là cái chết của con kia. Kinh Thánh kể tiếp: khi hai đứa con đôi ra đời, thì tay Gia-cóp cầm chân Êsau. Gia-cóp là em, tượng trưng loài người mà Thiên Chúa muốn cứu chuộc, nó không thể lìa biệt anh nó là Chúa Giêsu Cứu Thế, và Chúa Giêsu cũng chỉ sinh ra lúc em Chúa đã bắt đầu sinh với Chúa. Bà mẹ đáng thương ấy nhìn hai con lớn lên, nhưng trong lòng Người, cuộc phân tranh vẫ? không thôi dằn vật. Chúa Giêsu là con cả, con yêu dấu của Đức Chúa Cha. Người được quyền hưởng gia nghiệp vì là con trưởng. Mẹ yêu Chúa vì Chúa là con Mẹ, Con cả của Mẹ, nhưng Mẹ cũng yêu Gia-cóp vì Mẹ đã từng mang nặng Gia-cóp trong thai cùng với Chúa Giêsu, mà Gia-cóp thì lại giống hệt Mẹ vì cùng dòng dõi loài người như Mẹ. Và Mẹ đứng làm trung gian can thiệp để đứa em thứ ấy, tuy không có tước trưởng nam cũng được dự quyền trưởng nam với Anh Cả, được chiếm lấy đặc ân của Chúa Giêsu, đoạt lấy gia nghiệp Người và để phần lao khổ lại cho Người. Nhưng biết bao âu sầu lo lắng trong Trái Tim hiền mẫu Mẹ Maria khi Người mưu toan cuộc thay bậc đổi ngôi gay cấn ấy. Biết bao điều cực lòng cho Người khi phải đặt Chúa Giêsu yêu dấu sau con người tội lỗi, rồi lại phải cho khéo léo mới làm nguôi được cơn giận Thiên Chúa đối với loài người lỗi phạm, sau cùng lại phải bao cố gắng để hòa giải hai anh em trong tình giao hảo muôn đời. Ôi, lạy Mẹ yêu mến! Con đã làm Mẹ chảy biết bao nước mắt. Nhưng đối lại, con yêu Mẹ lắm. Con muốn ở luôn bên Mẹ như Gia-cóp bên cạnh mẹ mình. Con không có quyền hưởng phần gia nghiệp mà chỉ Chúa Giêsu mới có tư cách được hưởng, nhưng Mẹ là Mẹ chung của anh em chúng con, Mẹ sẽ xin Đức Chúa Cha chúc lành cho con và Mẹ sẽ làm hòa con với Chúa Giêsu. Ôi, lạy Mẹ nhân lành! Đó là điều Mẹ đã bắt đầu làm cho linh hồn con. Xin Mẹ hãy làm tròn việc Mẹ, xin Mẹ hãy cho con hưởng hẳn phần gia nghiệp của Chúa Giêsu. Xin Mẹ hãy lấy những nhân đức, những công nghiệp, những tâm tình của Anh Cả con mà mặc cho con, như bà Rêbêca lấy áo Êsau mặc cho Gia-cóp. Như vậy Cha trên trời sẽ nhìn nhận con như chính Giêsu con Người, Người sẽ chúc phúc cho con và ban cho con dự phần gia nghiệp Con Người. Đức Nữ Đồng Trinh trở nên Mẹ ta lúc Chúa Giêsu đầu thai làm người. Người bắt đầu thực hành công khai thiên chức êm đềm ấy khi Người dâng con yêu dấu trong đền thờ. Lễ Dâng Con trong đền thờ là một nghi lễ tượng trưng, có ý chỉ Anh Cả là Đấng Cứu Thế đã trở nên của Lễ Hy sinh dâng hẳn cho Đức Chúa Trời để giải phóng đoàn em. Của Lễ Hy sinh ấy, chính Đức Mẹ hai tay mang tới đền thờ để hiến tế cho Thiên Chúa và Thiên Chúa chấp nhận lễ vật. Đức Mẹ có chuộc con về, chẳng qua cũng chỉ giữ được ít lâu thôi, Người biết rõ lắm. Mà giả sử Người không biết, thì lời tiên tri Simêon đã nhắc cho Người biết mầu nhiệm sợ hãi ấy. Ông nói: "Con trẻ này sẽ làm cớ cho nhiều người trong dân Ích-ra-en vấp phạm và làm bia cho miệng người phản đối. Còn bà, một gươm sắc sẽ thâu qua lòng bà". Làm lễ dâng Con rồi, Đức Mẹ lại ẵm lấy Con vô giá vào lòng, nhưng Người biết rằng Con Giêsu không còn thuộc về Người nữa, sau này sẽ phải án chết, Người có gìn giữ dưỡng nuôi chẳng qua chỉ là nuôi dưỡng một con chiên đợi ngày sát tế. Khi con gái vua Pharaon cứu được con trẻ Maisen khỏi chết đuối dưới giòng sống Nilô, nàng liền tìm một bà vú để nuôi cậu bé Do thái ấy. Bà mẹ Maisen liền đến trình diện dể nhận nuôi, dầu biết rằng khi con khôn lớn sẽ phải dâng trả công chúa. Cứu được con thoát chết, bà mẹ kia vui mừng xiết bao, nhưng sự vui mừng ấy lại hòa lẫn với mối buồn man mác khi thấy con không thuộc về mình nữa, và mình phải trả cho triều đình vô đạo. Mẹ cũng vậy, hỡi Mẹ Maria, Mẹ nhận Con yêu dấu của Mẹ ở tay ông già Simêon nhưng Con Trẻ ấy không còn hoàn toàn là của Mẹ nữa: Mẹ sẽ phải phó Con cho kẻ thù, kẻ vô đạo và chúng sẽ giết Con Mẹ. Thực ra với điều kiện ấy, Mẹ sẽ cứu sống được tất cả những con khác của Mẹ, nhưng đau đớn thay cho Mẹ vì phải mất người Con Cả, người con ưu tuyển ấy. Nỗi khổ tâm này sẽ không bao giờ thôi xâu xé lòng Đức Mẹ. Từ nay điều gì cũng sẽ nhắc cho Đức Mẹ nhớ rằng con Trẻ Giêsu kia không thuộc về Người nữa. Trí Người sẽ liên tưởng đến cảnh con bị nộp cho quân dữ, bị xỉ vả, bị khổ hình đến nỗi chết. Đôi khi chính Chúa Giêsu cũng nhắc cho Đức Mẹ nhớ rằng Chúa không thuộc hẳn về Đức Mẹ nữa, như khi Chúa lạc Đức Mẹ và ở lại ba ngày trong đền thờ, và khi ở Nagiarét, những lúc mẹ con trò truyện, thỉnh thoảng Chúa cũng dẫn câu truyện về cái cảnh tượng đau đớn ấy, cảnh tưởng hy sinh tử nạn cuối cùng sẽ đến. Nhưng Chúa Giêsu cũng cho Đức Mẹ biết Chúa có chịu chết, bao người trần thế mới được cứu rỗi, nên Đức Mẹ lại vui mừng vì các con cái khác của Người sẽ được hạnh phúc. Hết lo sợ, phiền não, lại hy vọng, vui mừng: trong bao năm trường, Đức Mẹ phải sống vật vờ giữa những tình cảm mâu thuẫn ấy. Ôi, Người đã chịu chết biết bao đau khổ vì tôi trong suốt cuộc đời Người, thế mà tôi lại vô tình chẳng biết những đắng cay tôi đã gây nên cho Người. Đức Nữ Đồng Trinh đã chịu thai ta lúc Chúa Ngôi Hai nhập thể: Người mang ta trong lòng khi Người dâng Chúa Giêsu trong đền thờ và hằng dâng liên tiếp trong lòng Người cho tới ngày Chúa chịu nạn: sau cùng Người sinh hạ ta trong cơn đau đớn dưới chân Thánh Giá khi Chúa Giêsu tắt thở trước mặt Người. Sách truyện các Vua kể lại truyện rất cảm động này: Nước Ích-ra-en mất mùa đã ba năm, dân tình thật khốn khổ. Vua Đavít cầu khấn Thiên Chúa, được Thiên Chúa cho biết: nguyên nhân bởi tội Saolê và nhà Saolê đã giết oan nhà Gabaônít. Vua Đavít liền hỏi nhà Babaônít được đền bù cách nào, nhà ấy đòi phải nộp cho họ bảy người trong dòng dõi Saolê để xử trên thập giá. Trong số bảy nạn nhân ấy có hai người con bà Rết-pha, vợ Saolê. Bà mẹ đáng thương kia đã bằng lòng hiến mạng hai con với một lòng nhẫn nại phi thường. Khi hai con đã bị đóng vào thập giá dựng trên núi, bà liền mặc áo nhặm, đi đến pháp trường, giải áo tang ra trên tấm đá dưới chân thập giá, rồi can đảm ngồi đợi giờ chết của hai con. Và khi hai con đã tắt thở, lòng đau xắt lại, bà vẫn ngồi đó, canh giữ kẻo muông dữ ăn thịt con. Hỡi Mẹ Maria chí ái! Bà Rết-pha trong Cựu ước ấy chính là Mẹ. Theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, người ta đến bắt con Mẹ để đền tội cho toàn dân người ta đem con Mẹ đi đóng đinh, mà Mẹ chẳng một lời kêu trách. Không những thế, khi Chúa Giêsu vác thập giá lên núi Gôn-gô-tha, Mẹ còn theo sau, ảo não trong bộ tang phục. Chân Mẹ giẫm lên máu Chúa chảy xuống dọc đường. Và khi người ta đóng đinh Chúa vào Thập giá, Mẹ đứng đó, nghe rõ những tiếng thở dài từ ngực Chúa phát ra, nhìn rõ những gân Chúa con lại dưới sức búa đập mạnh, chứng kiến cái thảm cảnh Chúa bị treo lơ lửng giữa trời với đất lòng đau như cắt, mắt không rời con, Mẹ đứng đó, lấy sự có mặt của Mẹ và cái uy thế của nỗi đau khổ mà bênh vực con trước những lời phỉ báng của bọn lang sói đóng đinh Chúa. Rồi, giữa cái lúc bi thảm và long trọng ấy, trước khi tắt thở một vài phút, Chúa Cứu Thế đã tuyên bố lời mầu nhiệm: Hỡi Bà, đây là Con bà đoạn nghoảnh nhìn người tông đồ yêu dấu, Chúa nói tiếp: Đây là Mẹ em. Trong giây phút quan trọng nhất này của đời Chúa cũng như của muôn đời, Chúa Giêsu không chỉ giải quyết riêng một vấn đề gia đình Chúa mà còn muốn làm một việc can hệ hơn nhiều, là giải quyết vấn đề cứu chuộc nhân loại. Những lời Chúa phán đây cũng như tất cả những lời Chúa giảng dạy trong suốt cuộc đời Chúa, đều có một ý nghĩa thiêng liêng, một ý nghĩa cứu thế. Đức Mẹ đã nên Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ ta ngay từ lúc truyền tin. Người đã hiểu rõ đặc ân và thiên chức của Người là Mẹ loài người. Nhưng giờ đây là lúc hoàn tất công cuộc Cứu thế, Chúa Giêsu lại muốn, trước mặt các môn đệ, công khai phong cho Đức Mẹ tước phẩm làm Mẹ loài người, và Chúa đã làm việc ấy cách trịnh trọng, bi ai, như dối một lời di chúc. Ngày ấy Chúa đã dùng miệng thiên thần mà đề nghị cùng Nữ Trinh bà muốn làm mẹ tôi chăng? Muốn vậy thì Bà hãy làm mẹ cả những người có tội là anh em tôi, sau này sẽ giết tôi trước mặt bà, và Nữ Trinh đã không ngần ngại trả lời: Tôi xin vâng "Fiat". Giờ đây là màn chót tấn bi kịch đãm máu, Chúa Giêsu muốn nói tiếp cùng Đức Nữ Đồng Trinh: Bởi vì bà đã không tiếc giữ con một bà để cứu chuộc kẻ có tội, thì này đây tôi giao phó hết thảy những kẻ ấy cho bà: họ là sở hữu của bà. Chính lúc này là lúc Đức Mẹ bắt đàu chấp hành quyền trực tiếp làm Mẹ loài người. Từ trước đến giờ, Người vẫn tập trung tình thương yêu ta trong Trái Tim Người Người âm thầm mang ta trong lòng từ mẫu Người, Người giấu kín mối tình bí nhiệm ấy, nhưng bây giờ là lúc Người đã sinh hạ ta cách thiết thực trong đời sống siêu nhiên, nên Người bắt đầu chu toàn nghĩa vụ êm đều ấy cách công khai. |