1. Giờ Hấp Hối
Trong miền nữ tu ở, có một phụ nữ tên là Maria từ thiếu thời đã sống một cuộc đời rất mực buông tuồng. Lớn lên cũng chẳng sửa mình. Người miền ấy chán ngấy vì những phóng đãng của nàng, họp nhau trục xuất nàng ra khỏi thành phố, cho ở trong một cái hang ngoài vùng họ.
Ở đó nàng mắc một bệnh ghê tởm, từng mảng thân thể rơi rụng dần. Sau ít lâu nàng chết không được chịu các phép bí tích, không được một ai đoái hoài. Xác nàng được người ta chôn táng ngoài đồng, không 1 lễ nghi tôn giáo.
Bốn năm sau, một hôm có một linh hồn ở luyện ngục hiện về với nữ tu kêu xin:
-Tôi là Maria, tội lỗi đáng thương, đã chết ngoài hang núi, Nữ tu Catherine ngạc nhiên kêu lên:
-Sao? Chị cũng được rỗi ư?
-Vâng, tôi được rỗi nhờ tình thương của Mẹ Maria. Trong giây phút cuối cùng đời tôi, thấy bị mọi người bỏ rơi và đầy tội lỗi ghê gớm, tôi nhớ đến Mẹ Thiên Chúa. Tự đáy lòng tôi kêu xin:
"Ôi lạy Mẹ là nơi nương ẩn của những người trơ trụi, xin thương đến con! Người ta từ bỏ con hết rồi! Chỉ còn có Mẹ là hy vọng độc nhất của con thôi. Xin Mẹ đến cứu con!"
Tôi chẳng cầu nguyện uổng công. Chính nhờ Mẹ cầu bầu mà tôi được thành tâm thống hối, ăn năn tội cách trọn và thoát khỏi hỏa ngục.
Rồi nàng xin nữ tu Catherine xin lễ cầu nguyện cho mình được giải thoát. Ít lâu sau, nàng hiện về sáng láng như mặt trời nói với nữ tu:
-Tôi lên trời đây. Tôi sẽ ca tụng tình thương vô biên của Chúa và Ðức Mẹ. Xin cám ơn bà.
2. Nhờ Mẹ Hướng Dẫn
Năm 1120, một người Anh giầu có và đạo đức tên là Becket, cùng với người đầy tớ đi viếng thánh địa Jerusalem. Trên đường về, thầy trò Becket bị quân Hồi Giáo Amurth bắt bỏ ngục vì ghét đạo Công Giáo.
Trong ngục, đã có rất đông người Công giáo. Thấy Becket khôi ngô, khôn ngoan thông thái, vua thương tình giảm hình khổ cho ông. Ðôi khi còn mời vào đồn để hỏi han phong tục nước Anh nữa. Vua có nàng công chúa nhan sắc, thấy các người Công giáo bị tù đầy cách can đảm, thì lấy làm lạ, động lòng thương Becket, và ước ao biết rõ lai lịch Ðạo Công giáo.
Một hôm, công chúa đánh bạo gặp riêng Becket hỏi về đạo và quê quán của ông. vì lòng kính mến Ðức Mẹ thiết tha, Becket đã hướng công chúa vào đạo, về lòng nhân lành của Ðức Mẹ, và đọc kinh Kính Mừng, kinh hãy nhớ, kinh lạy nữ vương cho công chúa nghe. Công chúa tỏ ý xin Becket giúp mình theo Công giáo. Becket hồ nghi chưa dám nhận lời. Sau một năm rưỡi, hai thầy trò thoát ngục về tới quê nhà bằng an.
Công chúa nghe biết tin, buồn bã khóc lóc, nài xin Ðức Mẹ của Becket ban cho mình được phúc tử đạo. Ðức Mẹ đã nhận lời công chúa và Becket, nên soi lòng công chúa bỏ đền vua, ban đêm trốn sang London là quê hương của Becket. Tới London vì không biết tiếng nên lang thang ngoài phố. Mọi người thấy một thiếu nữ ăn mặc lạ kỳ thì ra xem. Rất may đầy tớ của Becket đã bị giam tù trước, cũng ra xem, liền nhận ra công chúa vua Amurth, liền dẫn về cho Becket. Ông liền dẫn nàng vào Ðức giám Mục bày tỏ mọi sự: Ðức Giám Mục nhận công chúa vào đạo, sau khi thuộc các kinh và thông thạo giáo lý, Ngài đã rửa tội cho công chúa và đặt tên thánh là Mathida.
Sau khi lãnh nhận phép thánh tẩy, Ðức Giám Mục còn lo liệu cho công chúa kết bạn với Becket. Hai vợ chồng giữ đạo sốt sắng, hết lòng mến yêu Ðức Mẹ. Sau sinh được con trai đặt tên là Thoma Becket. Nhờ mẹ dạy dỗ săn sóc từ thuở nhỏ, Thoma Becket rất yêu mến Ðức Mẹ và nhân đức lạ thường. Trước làm quan đệ nhị trong nước, sau bỏ thế gian làm linh mục rồi Giám Mục, sau cùng được phúc tử vì đạo. Giáo Hội đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh, lễ kính ngày 29 thàng 12 hằng năm.
3. Mẹ Là Sức Mạnh
Có mười hai chiếc tàu tải lương thực lên thành Venise nước Ý, đoàn tàu buôn đến gần thành Loreta nhằm áp ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Thủy thủ là người Công giáo ao ước neo tàu cập bến để lên dự thánh lễ kính Ðức Mẹ, nhưng thuyền trưởng không muốn vì sợ quân tàu ô, lợi dụng anh em đi dự lễ mà đến đánh cướp chăng, vì bấy giờ lắm quân cướp bể! Trong đám thủy thủ, có Antôniô là người vừa can đảm, vừa có lòng sùng mến Ðức mẹ tình nguyện ở lại canh giữ các tàu để anh em yên lòng đi dự lễ. Thuyền trưởng đồng ý.
Sau khi mọi người đi đự lễ kính Mẹ Vô Nhiễm tại đền thờ Loretta thì Antôniô thấy mấy chiếc tàu lớn chạy thẳng tới tàu mình. Biết đích thực là quân tàu ô cướp biển, Antôniô kêu nài Ðức Mẹ cứu giúp mình thoát quân biển, cậy vì lời cầu xin và lòng sốt sắng của đoàn thủy thủ đang dự lễ kính Ðức Mẹ. Cầu xin xong, với lòng đầy tin tưởng, Antôniô cầm một chiếc búa núp ở mạn tàu. Bỗng một tên cướp biển bám vào mạn tàu nơi Antôniô đang nấp. Ðịnh trèo lên, Antôniô giơ búa phang một phát, đứt tay cướp, hắn đau đớn thét lên:
Ối trời đất ơi! Tôi đã bị mưu tụi hắn rồi! Tụi hắn đông vô số sẵn sàng khí giới để diệt chúng ta!
Nghe tên đầu sỏ thét lên, tụi tàu ô đua nhau trốn thoát. Một chập sau , Antôniô ngóc đầu lên, thấy tàu quân cướp bể đã ra xa, liền xấp mình xuống tạ ơn Ðức Mẹ đã cứu giúp mình.
Khi đoàn thủy thủ đi dự lễ về, thấy xa xa ngoài khơi có đoàn tàu quân cướp biển thì họ lo sợ chúng đã giết mất Antôniô và cướp hết lương thực rồi! Nhưng khi về đến tàu, thấy mọi sự còn yên và thấy Antôniô cầm chiếc bàn tay đã chặt được của tên cướp biển, còn tường thuật sự việc đầu đuôi, mọi người vui mừng hớn hở, họp nhau lại đọc kinh cầu Ðức Bà để tạ ơn Ðức Mẹ đã giúp con cái người cách đặc biệt. (Cố Lương, Thiên Chúa Thánh Mẫu II, tr. 108-110)
4. Ba chén cơm mốc:
Hai chị đạo binh Ðức Mẹ thuộc Praesidium Ðức Mẹ Fatima Comitium Nha Trang, đi thăm một bệnh nhân Công Giáo. Trong một túp lều rách nát, tồi tàn, hôi thối vỏn vẹn có chiếc giường ọp ẹp, một người nằm sống sượt không biết nam hay nữ, đầu tóc bù xù! Thoáng nhìn, tưởng là con giả nhân. Tại đây có ba chén cơm, chén nào cũng mốc meo, hôi tanh Thì ra, đây là một bà góa chồng, không thân thích, bị bệnh phù thũng, liệt giường từ mấy năm nay. Hàng xóm thương hại mỗi ngày đem cho bát cơm. Nhưng đã ba hôm, bà không ăn được. Hai chị an ủi thăm nom, tự nhiên bà chối mình không có đạo. Hôm sau các chị trở lại nói nhiều về lòng thương xót của Chúa, Mẹ và khuyên dụ được bà đi nhà thương. Trước khi đi, các chị mời thợ hớt tóc tới, rận chấy bò lổm xổm, thợ phải ớn bỏ! Một chị lo tắm rửa cho bà, một chị lo kêu thợ hớt tóc khác. Chú này can đảm hơn, hớt trọc và bóng loáng! Hai chị khiêng lên xe. Cả xóm ùa ra coi.
Cảnh sát trực ở nhà thương thấy hai chị đưa bà vô nhà thương nghe trình bày sự thế, liền la ó, mắng các chị là hạng "đi mua việc" "ăn cơm nhà vác ngà voi." Hai chị kiên nhẫn chịu đựng vì vinh danh Ðức Mẹ, miễn sao xin cho bà được nằm nhà thương. Sau cùng hai chị được toại nguyện. May mắn gặp hai chị dòng Caritas, các chị gởi tiền cho chị thuê người săn sóc bệnh nhân.
Nằm nhà thương được ba tháng, bệnh không bớt, nhưng nhờ sự chăm nom săn sóc của các chị Legio, bệnh nhân tâm sự: Bà có đạo từ lâu, nhưng đã bỏ Chúa 50 năm rồi, kỳ này muốn ăn năn thống hối và xưng tội. Bà đã được toại nguyện. Các chị Legio đã mời linh mục đến bà xin xưng tội sốt sắng và vui vẻ chịu bệnh để đền tội. Legio lo chuyển bà sang viện dưỡng lão. Ở đó được ít lâu, bà qua đời bằng yên. Trước khi chết, bà tiết lộ: tuy đã bỏ Chúa 50 năm, nhưng ngày nào cũng đọc 3 kinh Kính Mừng dâng cho Ðức Mẹ. Ngoài ra, bà còn có mô? chị tu dòng đã ngoài 70 tuổi. (Legio Mariae, số 169, tr. 545)
5. Con cưng của Mẹ (1)
Thánh Luy vua nước Pháp có lòng kính mến Ðức Mẹ cách đặc biệt, và có lòng thương người nghèo cách riêng. Mọi thứ bảy trong tuần, để tỏ lòng tôn kính Ðức Mẹ, nhà Vua cho mời 13 người nghèo vào đền, dọn tiệc tại phòng riêng nhà vua để thiết đãi họ. Các ngày thứ sáu trong tuần, và cả thứ tư mùa chay cũng làm như thế. Nhà vua tự tay cắt bánh, vẽ cá, thái thịt cho họ. Nếu ai mù lòa, nhà vua bưng đút cho họ. Ra về nhà vua cho mỗi người 12 đồng vàng, và nếu ai còn vợ con, nhà vua cho thêm nữa. Các thứ bảy trong tuần, nhà vua còn mời họ vào để rửa chân cho họ, và hôn chân họ mặc dầu họ bị ghẻ lở, hủi. Rửa xong ngài cho họ mỗi người 60 đồng vàng, và hôn tay họ, Ngài yêu thích người mù lòa, nhất là kẻ nghèo khó mà lại mù lòa. Mỗi ngày nhà vua dậy nửa đêm vào nhà nguyện đọc kinh lần hạt và hát ca vịnh, rồi dự thánh lễ, cám ơn. Mùa chay nhà vua dự ba thánh lễ cho đến gần trưa mới thôi. Trước bữa trưa, nhà vua đọc kinh nguyện kính Ðức Mẹ, sau bữa tối lại đọc kinh nguyện kính Ðức Mẹ. Mặc dầu mùa lạnh, dự thánh lễ nhà vua quỳ trót một ván lễ. Vì lòng mến Mẹ, nhà vua ước ao chết đúng ngày thứ bảy, ngày của mẹ và Ðức Mẹ đã nhận lời đứa con xưng của mình.