Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

BÀI CHIA SẺ VỀ LỄ TRÁI TIM VÔ NHIỄM MẸ

Maria cộng tác vào ơn cứu độ bằng đức tuân phục của Người

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

1.- Thánh Luca diễn tả việc thiếu niên Giêsu hành hương lên đền thờ ở Giêrusalem như là giai đoạn cuối cùng thuộc trình thuật về khoảng đời thơ ấu của Người, trước khi sang đến đoạn Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng. Việc hành hương này là một biến cố bình thường, một biến cố chiếu sáng cho thấy ý nghĩa về những tháng năm dài ân dật của Người ở Nazarét.

Nơi biến cố này, với một cá tính nổi bật, Chúa Giêsu đã tỏ ra cho thấy Người biết được sứ vụ của Người phải thi hành, khi làm cho việc lần thứ hai Người “tiến vào” “nhà Cha” của Người mặc lấy ý nghĩa của việc Người toàn hiến cho Thiên Chúa, một ý nghĩa đã đánh dấu ở biến cố Người được hiến dâng trong đền thờ.

Đoạn trình thuật này hình như tương phản với điều Thánh Luca ghi nhận là Chúa Giêsu vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria (x 2:51). Thế nhưng, nếu để ý kỹ, chúng ta thấy ở đây dường như Người đặt mình trong một trường hợp phản khắc có ý thức và hầu như cố tình đối với vai trò làm con bình thường của mình, khi phải dứt khoát xa lìa Mẹ Maria và Thánh Giuse ngoài ý muốn của Người. Theo lương tâm của mình, thiếu nhi Giêsu nói rằng Người thuộc về Cha mà thôi, và không đề cập gì đến những sự liên hệ về gia đình trần gian của Người cả.

2.- Nơi đoạn trình thuật này, Chúa Giêsu sửa soạn cho Mẹ của Người đi vào mầu nhiệm cứu chuộc. Trong ba ngày thảm thương này, ba ngày Người Con tự động ở lại trong đền thờ như thế, Mẹ Maria và Thánh Giuse mới cảm nếm trước được cái tam nhật Khổ Nạn, Tử Giá và Phục Sinh.

Để cho Mẹ mình và Thánh Giuse lên đường trở về Galilêa mà không nói cho các vị biết ý định của mình là muốn ở lại trong đền thờ Giêrusalem, thiếu nhi Giêsu đã dẫn các vị vào một thứ mầu nhiệm của khổ đau mang lại niềm vui, báo trước việc Người sau này cũng thực hiện với các môn đệ của mình như thế, khi loan báo cho họ biết về Cuộc Vươt Qua của Người.

Theo Thánh Luca kể lại, khi hành trình trở về Nazarét, Mẹ Maria và Thánh Giuse, sau một ngày đường, đã tỏ ra lo lắng và buồn khổ về số phận của Con Trẻ Giêsu. Các vị đã mất công tìm kiếm Người nơi những người họ hàng và quen biết. Khi trở lại Giêrusalem thì mới gặp Người trong đền thờ, các vị bỡ ngỡ khi thấy Người “ngồi giữa các vị tôn sư, vừa nghe họ nói vừa đặt vấn đề với họ” (Lk 2:46). Cử chỉ của Người hình như có vẻ bất bình thường. Đối với cha mẹ của Người thì việc tìm thấy Người vào ngày thứ ba chắc chắn đã làm cho các vị khám phá ra một khía cạnh khác nơi con người cũng như nơi sứ vụ của Người.

Người Mẹ hỏi thiếu nhi Giêsu rằng: “Con ơi, sao con lại xử với chúng tôi như thế?
Cha con và mẹ đã lo lắng đi tìm kiếm con đó” (Lk 2:48). Đến đây chúng ta có thể nhận ra âm vang của những “cái tại sao” được rất nhiều bà mẹ đặt ra trước nỗi khổ đau do con cái gây ra cho các bà, cũng như nhận ra những vấn nạn phát xuất từ cõi lòng của hết mọi con người nam nữ ở vào những lúc gặp phải gian nan thử thách.

3.- Câu trả lời theo hình thức nghi vấn của thiếu nhi Giêsu có một ý nghĩa rất sâu xa: “Các vị tìm kiếm tôi làm chi? Các vị không biết rằng tôi phải ở trong nhà Cha của tôi hay sao?” (Lk 2:49).

Trả lời như thế, Người muốn tỏ cho Mẹ Maria và Thánh Giuse thấy mầu nhiệm về bản thân của Người một cách bất ngờ ngoài dự tưởng, để mời gọi các vị hãy vượt ra ngoài những cái dáng vẻ bề ngoài, cũng như để mở ra cho các vị thấy chân trời mới về tương lai của Người.

Trong câu trả lời cho Người Mẹ sầu khổ của mình, Người Con đã trực tiếp tỏ ra cho thấy lý do về hành vi cử chỉ của Người. Mẹ Maria nói: “cha của con”, Mẹ có ý chỉ về Thánh Giuse; thiếu nhi Giêsu đáp lại: “Cha của tôi”, nghĩa là Người Cha trên trời.

Nói đến nguồn gốc thần linh của mình, Người không có ý nhấn mạnh đến đền thờ, nhà Cha của Người, là một “nơi” tự nhiên đối với việc hiện diện của Người, cho bằng Người muốn nói đến tất cả những gì liên quan đến Cha Người và dự án của Cha. Người có ý nhấn mạnh là ý muốn Cha của Người là qui chuẩn duy nhất buộc Người phải vâng phục mà thôi.

Vấn đề qui chiếu về việc Người toàn hiến cho dự án của Thiên Chúa này đã được nổi bật nơi đoạn Phúc Âm này, ở những lời: “Tôi phải”, những lời sau này cũng được thấy xuất hiện khi Người báo trước về Cuộc Khổ Nạn của Người (x Mk 8:31).

Bởi vậy cha mẹ của Người được yêu cầu là hãy để cho Người ra đi thi hành sứ vụ của Người hoàn toàn theo ý muốn Cha trên trời của Người.

4.- Thánh Ký nhận định là: “Các vị không hiểu gì về lời Người nói với các vị” (Lk 2:50).

Mẹ Maria và Thánh Giuse không thấy được ý nghĩa nơi câu trả lời của Người, cũng như không thấy được cách thức (rõ ràng là phủ nhận) Người tỏ ra đối với mối quan tâm của các vị. Với thái độ như thế, thiếu nhi Giêsu có ý mạc khải cho thấy những khía cạnh mầu nhiệm về mối thân tình của Người với Cha Người, những khía cạnh Mẹ Maria chỉ trực giác thấy chứ không hiểu được liên hệ giữa chúng với cuộc thử thách Mẹ đang phải chịu như thế nào cả.

Những lời của Thánh Luca dạy chúng ta về cách thức Mẹ Maria đã sống ở trường hợp thực sự bất thường này như thế nào nơi con người sâu thẳm của Mẹ. Mẹ “đã giữ lấy tất cả những điều ấy trong lòng mình” (Lk 2:51). Mẹ Chúa Giêsu đã liên kết những biến cố này với mầu nhiệm Con Mẹ, mầu nhiệm được tỏ ra cho Mẹ biết ở Biến Cố Truyền Tin, và suy nghĩ về chúng trong âm thầm chiêm niệm, sẵn sàng cộng tác theo tinh thần của lời “xin vâng” tái diễn.

Như thế, mối liên kết đầu tiên này đã được móc thành một chuỗi biến cố sẽ từ từ dẫn Mẹ Maria vượt ra ngoài vai trò tự nhiên làm mẹ của Người, đến chỗ Mẹ hiến thân phục vụ cho sứ vụ của Người Con thần linh của Mẹ.

Tại đền thờ ở Giêrusalem, trong dạo khúc tấu lên sứ vụ cứu độ của Người này, thiếu nhi Giêsu đã liên kết Mẹ Người với bản thân Người; Mẹ không còn là Vị đã sinh ra Người, mà là một Nữ Lưu có thể cộng tác vào mầu nhiệm Cứu Chuộc bằng việc Mẹ tuân phục ý định của Cha Người.

Bởi thế, việc giữ lấy trong trái tim mình một biến cố chất chứa đầy những ý nghĩa ấy, Mẹ Maria đã đạt đến một chiều kích mới của việc Mẹ cộng tác vào ơn cứu độ.
 
(ĐTC Gioan Phaolô II, Thứ Tư 15/1/1997,
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
dịch từTuần san L’Osservatore Romano,
ấn bản Anh ngữ ngày 22/1/1997)