Con Không Biết Cha Mẹ Lo Lắng Tìm Con Sao?
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Mạc Khải Thánh Mẫu:
(Trích Thần Đô Huyền Nhiệm,
phần truyện hợp với bài Phúc Âm Lễ Trái Tim Mẹ)
Năm Chúa Giêsu lên 12 tuổi, Thánh Gia cũng trẩy lễ Vượt Qua như các năm trước. Lễ Vượt Qua kép dài suốt bảy ngày. Ngày cuối cùng, khi mọi người phải ra về, Chúa Giêsu đưa Mẹ vào một cuộc thị kiến chí năng; giác quan Mẹ không còn cảm thấy gì xảy ra chung quanh nữa. Còn Thánh Giuse, Chúa nâng lên chiêm ngắm cao xa, trầm tư mặc tưởng những sự trên trời, cứ tin chắc rằng Chúa Giêsu đi với Mẹ Maria. Trong lúc đó, ở ngay cửa thành, Chúa lìa khỏi cha mẹ mà ở lại, không về. Tại Do Thái thời đó có tục là trong cuộc kính viếng Đền Thờ ấy, lúc ra về, nam giới đi riêng một ngả, và nữ giới cũng đi riêng một ngã; còn trẻ con muốn đi với ai cũng được. Lúc thôi trầm mặc, không thấy Chúa Giêsu đi với mình, Thánh Giuse nghĩ rằng Chúa đi với Mẹ Maria, vì tin thật rằng Chúa và Mẹ không thể rời nhau được bao giờ. Còn Mẹ, khi ra khỏi thị kiến, không thấy Chúa Giêsu, lại nghĩ rằng Chúa tặng cho Bạn Thánh của mình được cái vui đồng hành, với niềm tin đó, cả hai đều bình thản mà đi suốt một ngày đường, như thánh ký Luca đã thuật lại. Nhưng khi tới nơi đã định gặp nhau trước để qua đêm, Mẹ và Thánh Giuse mới chết lịm vì Chúa chẳng đi với ai cả. Thế là lạc mất Chúa rồi. Mẹ và Thánh Cả đau đớn qúa không sao nói được lên lời, ai cũng nhận là tại lỗi mình mà lạc mất Chúa. Đôi Bạn liền trở lại Thành Thánh ngay, hỏi han khắp nơi về Chúa. Không một ai đã gặp Ngài. Mỗi lúc đau đớn một tăng thêm, Mẹ đành hỏi thăm các Thiên Thần hầu cận các vị này trả lời một cách lững lờ không dứt khoát, làm lòng Mẹ càng thêm đoạn trường trăm khúc, nước mắt càng tuôn chảy tran hòa. Mẹ tự hỏi không biết có phải là Vua Arkêlau đã dò ra tung tích Chúa mà bắt giam rồi không; có lúc lại ngờ rằng Chúa đã vào sa mạc thăm Gioan tiền sứ của Ngài rồi. Mẹ nức nở trong lòng, than van những lời ảo não: “Oi Con là Tình Yêu tha thiết của Mẹ, Mẹ biết tìm Con ở đâu bây giờ? Con lại muốn chia lìa Mẹ để Mẹ chết hay sao? Con hãy cho Mẹ biết phải làm gì để đáng tìm được con đi! Con đi đâu, Mẹ cũng muốn theo đến sống ở đó, dầu là nơi rừng thiên nước độc, dầu là nơi giáo nhọn gươm trần, dầu là chỗ ấy đầy đau thương khốn cực. Lúc con che khuất mắt Mẹ Thần Tính của Con, Mẹ còn được thấy ít là Nhân Tính của Con. Nhưng bây giờ, cả Thần Tính và Nhân Tính của con, Mẹ cũng không thấy. Mẹ chỉ biết sợ hãi khóc than thôi, Con ơi!”.
Nỗi đau khổ của Mẹ trong những ngày ấy thật cao vượt hơn hết tất cả những khổ hình các vị tử đạo đã phải chịu. Nhưng một điều lạ lùng là Mẹ không bao giờ Mẹ mất sự bằng an trong tâm hồn, không ngớt ca tụng Thiên Chúa và trông cậy ở Ngài. Sau ba ngày tìm tòi uổng công, không ăn, không ngủ, không cả nghỉ ngơi, Mẹ có ý tưởng đi vào sa mạc tìm Chúa, nhưng các Thiên Thần ngăn cản lại. Mẹ liền định đi Bêlem, nghĩ rằng có thể Chúa Giêsu trở lại thăm nơi sinh hạ. Các Thiên Thần cũng khuyên Mẹ đừng đi thế là Mẹ phải quay về Giêrusalem. Vừa đi vừa hỏi thăm người ta, và tả ra dáng hình dung mạo Con mình. Trong một phố nọ, có người đàn bà thưa lại: “Dạ, tôi có thấy một Cậu trai như bà nói đó. Hôm qua, Cậu ấy đến xin tôi làm phúc. Thật, trông thấy Cậu, lòng tôi khoái vui khác lạ lắm”. Nhiều người khác cũng nói như thế. Bấy giờ lòng Mẹ mới bớt áy náy đôi chút, Mẹ vào một nhà tiếp rước người nghèo hỏi thăm, người ta nói có một con trẻ hình dung như Mẹ tả, đã ba hôm nay, ngày nào cũng đến đây giúp đỡ và an ủi người nghèo. Nghe vậy, nhưng bóng Người Con yêu dấu Mẹ vẫn biệt tích. Sau cùng, Mẹ nẩy ra ý tưởng là có lẽ Chúa Giêsu ở trong Đền Thờ. Các Thiên Thần liền phụ hoạ ngay vào ý tưởng đó: “Thưa Đức Nữ Vương, xin Mẹ bước gấp lên. Mẹ sắp được an ủi rồi”. Một thiên thần khác vội báo tin cho Thánh Giuse đang tất tả đi tìm Chúa ở một ngã đường khác. Ngài rất đau đớn, đến nỗi nếu Thiên Chúa không ban thêm sức mạnh, Ngài có thể nguy đến mạng sống. Sau nhiều ngược xuôi vất vả, Ngài gặp được Bạn Thánh mình vừa đi vừa khóc trên đường. Cả hai cùng nhau vào Đền Thờ.
Chúa Giêsu đang ở đó. Trong ba ngày hôm trước, Chúa đã tự đi xin của bố thí để độ nhật, đi an ủi người nghèo khổ, chữa lành người bệnh tật, thánh hóa các linh hồn, nhất là những linh hồn đã tỏ lòng bác ái với Chúa. Sau cùng, ngày thứ ba, Chúa đến dự một cuộc hội họp của các nhà luật sĩ trong Đền Thờ. Trong cuộc họp này, họ tranh luận về việc Đấng Cứu Thế ra đời. Những biến cố khác thường xảy ra trong nước Do Thái ít lâu nay đã tăng thêm niềm tin của quần chúng về việc Chúa Cứu Thế đã xuất hiện, chẳng hạn việc Gioan sinh hạ, việc các Vương Tước Đạo Sĩ phương đông đến chiêm bái ở Bêlem hơn 10 năm trước. Nhưng các nhà tiến sĩ luật đó không đồng một quan điểm với nhau trong việc giải thích các lời tiên tri báo trước về Chúa Cứu Thế: lời tả Ngài dưới những nét quan vinh rực rỡ, lời lại tả Ngài bằng những nét nhục nhã ê chề. Chúa Giêsu là Thầy dạy muôn đời, là chính chân lý, là chính Chúa Cứu Thế, mà thấy họ sai lầm về chân dung của Đấng Cứu Thế như vậy. Ngài không đành lòng để họ phại đi trong mờ tối. Ngài đem tình thương khai quang cho thần trí họ. Khi các nhà luật sĩ đó im tiếng, Chúa Giêsu đứng lên, với một vẻ uy nghi mỹ lệ, bắt mọi người phải tôn kính và chú ý. Ngài nói: “Làm thế nào mà dung hoà được những lời tiên tri có vẻ trái ngược nhau đó, nếu những lời ấy không có nghĩa là Đấng Cứu Thể phải đến hai lần? Lần thứ nhất, Ngài đến để giải phóng thế gian khỏi quyền ma qủy thống trị, để dạy dỗ loài người, đền bồi thay cho tội lỗi của họ, và lập một nước thiêng liêng trên khắp toàn cầu, chứ không phải là lập một nước trần tục. Việc người Rôma thống trị Do Thái, việc hoàn tất bảy tuần năm mà tiên tri Danien nói, những sự kiện lạ ở Bêlem, việc ba vị Vương Tước Đạo Sĩ từ Phương Đông đến chiêm bái ở Bêlem, tất cả những việc ấy đều đã được báo trước cả; mà đến nay nó đã xảy ra, vậy nó chẳng chứng tỏ là Chúa Cứu Thế đã đến rồi đó ư? Còn việc Ngài đến lần hai sẽ khác hẳn. Lần thứ nhất, Ngài đến cứu chuộc thế gian; lần thứ hai, Ngài đến phán xét thế gian. Ngài sẽ ban thưởng cho các bạn thân của Ngài, còn thù địch Ngài sẽ bị Ngài trừng phạt. Lần nãy Ngài mới tỏ ra uy quyền lẫm liệt mà các nhà tiên tri nói”.
Chúa nói nhiều, nói dài, với những lời trích dẫn rõ rằng từ Thánh Kinh, khiến khi Ngài ngưng tiếng tất cả các luật sĩ đều kinh ngạc ngồi yên, không biết nói lại cách nào. Các ông chỉ nói nhỏ hỏi nhau: ‘Cậu nhỏ giỏi quá! Oà con cái nhà ai mà một tí tuổi đã thông thạo thánh kinh đến thế nhỉ? Cậu ta ở đâu đến đây vậy?”. Rồi họ ngưng tranh luận. Chính trong lúc đó, Mẹ Maria và Thánh Giuse trông thấy Chúa. Đôi Bạn Thánh chỉ nghe thấy đoạn cuối lời Chúa nói thôi. Hai Ngài đến gần Chúa, đầy kinh ngạc, như thánh Luca đã viết. Các luật sĩ đã lần lượt im lặng bỏ đi rồi, nên coi như chỉ còn có ba đấng của thánh gia. Mẹ Maria thốt lên: “Con ơi! Sao con lại xử với cha mẹ như thế? Này Cha Con và Mẹ phải đau đớn hết sức đi tìm con đây”. Đó là một tiếng kêu thoát mọi nỗi ưu phiền, và tràn đầy hoan lạc. Một tiếng kêu nhuộm thắm vẻ tôn kính sâu xa nhất và tình yêu thắm thiết nhất. Chúa Giêsu trả lời: “Cha Mẹ tìm con làm gì? Cha Mẹ không biết con phải làm việc của Cha Con sao?”.
Thánh ký Luca viết rằng Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse không hiểu được lời nói mầu nhiệm đó. Có như vậy là vì Mẹ và Thánh Cả đến quá muộn, nên không hiểu được mối liên lạc giữa lời nói ấy với bài dài Chúa nói trước. Ngoài ra, còn vì Mẹ và Thánh Cả được tràn ngập trong hạnh phúc tìm lại được con mình; và sau cùng, vì tấm màn che khuất không cho Mẹ nhìn thấy nội tâm Con Mẹ, nội tâm mà một ít lâu sau mới được tỏ ra. Dầu vậy, khi Mẹ được ở một mình với Chúa, Mẹ đã ẵmhôn Chúa mà nói: “Con của Mẹ, nếu Mẹ đã lạc mất con vì lỗi của Mẹ, xin con tha cho Mẹ. Rồi, xin con từ nay đừng bắt Mẹ phải vắng mặt con nữa”. Chúa Giêsu thoả lòng nhận lời Mẹ xin, và hứa sẽ là Thầy dạy, là Bạn thiết của Mẹ suốt trong thời gian còn lại cho tới khi vâng ý Chúa Cha. Lúc Thánh Gia đã ra khỏi Giêrusalem một quãng xa, nơi cánh đồng vắng vẻ Mẹ mới xấp mình mình xuống xin Chúa ban phép lành cho, vì lúc còn trong thành Mẹ chưa làm việc ấy. Chúa nâng Mẹ dậy cách nhân từ, mà mở tâm hồn ra cho Mẹ xem. Mẹ đã thấy tất cả những gì xảy ra trong suốt ba ngày Chúa vắng mặt và trong cuộc đàm luận với các luật sĩ. Sau một lát nghỉ ngơi, ăn uống chút ít, thánh gia lại lên đường, vừa đi Chúa vừa nói lại cho Mẹ nghe tất cả những gì Chúa đã nói với các luật sĩ, điều mà, Chúa vừa mới cho Mẹ nhìn thấy trong Linh Hồn mình. Chúa và Mẹ, trong cuộc trở về Nagiarét này cũng cải thiện một số lớn tội nhân và chữa lành nhiều người bệnh tật, theo thói quen vẫn có khi đi đường.
Từ đó, như thánh Luca viết, Chúa Giêsu luôn luôn tùng phục Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Thiên Chúa đã ban xuống cho Mẹ Maria nhiều ân sủng đặc biệt, dàn dụa linh hồn Mẹ, tràn sang cả Thánh Giuse, Người Cha Đồng Trinh của Ngôi Lời Nhập Thể, để hai Đấng có đủ khả năng chỉ huy một Người Con cao trọng duy nhất trong loài người. Về phía Mẹ, Mẹ đáp lại sự Chúa tuân phục Mẹ bằng một đức khiêm nhượng, một lòng biết ơn, một sự mau mắn, một niềm tỉ mỉ và một tình yêu mến tế nhị làm Tâm Hồn Chúa phải ngây ngất. Chúa có thể sẽ ban cho Mẹ tràn ngập những khoái vui còn lớn lao hơn nữa, Nếu Chúa chỉ nghe theo có xu hướng lòng yêu vô cùng của mình. Nhưng Chúa lại không muốn sự tràn ngập ấy ngăn cản Mẹ lập đầy những công nghiệp Chúa đã định cho Mẹ, nên Chúa không tỏ cho Mẹ hết mọi thoả nguyện như lòng Chúa mong muốn. |