Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

BÀI CHIA SẺ VỀ ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG

Viếng Thăm Là Dạo Khúc Cho Sứ Vụ Của Chúa Giêsu
Chuyển ngữ: Cao Tấn Tĩnh

1- Trong đoạn trình thuật về Cuộc Viếng Thăm, Thánh Luca cho chúng ta thấy, sau khi tràn đầy hồng ân Nhập Thể, Ðức Maria đã mang ơn cứu độ và niềm vui đến cho gia đình bà Êlizabét ra sao. Ðấng Cứu Thế nhân trần, được cưu mang trong lòng Mẹ mình, đã tuôn đổ Thánh Linh xuống, qua việc tỏ mình ra ngay từ lúc mới vào trần gian của mình.

Khi diễn tả việc khởi hành của Ðức Maria lên đường đi xuống Giuđêa, Thánh Ký đã dùng động từ "anistemi," nghĩa là "chỗi dậy," là "bắt đầu di chuyển." Nếu động từ này được các Phúc Âm sử dụng để nói đến việc Phục Sinh của Chúa Giêsu (Mk 8:31, 9:9,31; Lk 24:7,46), hay những tác động thể lý ám chỉ nỗ lực về tâm linh (Lk 5:27-28, 15:18,20), chúng ta có thể cho rằng Thánh Luca muốn dùng cách diễn tả này để nhấn mạnh đến cái nhiệt tình mạnh mẽ, theo ơn soi động của Thánh Linh, đã thúc đẩy Ðức Maria ban tặng cho thế giới Vị Cứu Tinh của nó.

2-
 Bản văn Phúc Âm cũng trình thuật rằng Ðức Maria "vội vàng" (Lk 1:39) lên đường. Ngay cả ghi chú về việc Người "đến một miền đồi núi," Phúc Âm Thánh Luca cũng cho thấy một ý nghĩa sâu xa của nó, hơn là chỉ cố ý nói đến một địa dư vậy thôi, vì nó gợi lại cho chúng ta thấy hình ảnh một vị sứ giả loan báo tin mừng trong Sách Tiên Tri Isaia: "Ðẹp thay trên các núi đồi bước chân của người loan báo tin vui, của người rao truyền an bình, của người mang tin thiện phúc, của người rao truyền ơn cứu độ, của người nói với Sion rằng: ‘Thiên Chúa của các người hiển trị’" (Is 52:7).

Như Thánh Phaolô, vị nhìn nhận đoạn sách tiên tri này đã được nên trọn ở việc loan truyền phúc âm (Rm 10:15), Thánh Luca hình như cũng muốn mời gọi chúng ta hãy nhìn nơi Ðức Maria như là "vị truyền bá phúc âm" tiên khởi, vị loan truyền "tin mừng," khai mào các cuộc hành trình thừa sai cho Người Con thần linh của Người.

Sau hết, hướng đi trong cuộc hành trình của Ðức Trinh Nữ cũng có một ý nghĩa đặc biệt, ở chỗ, Người đi từ Galilê xuống Giuđêa, giống như cuộc hành trình truyền giáo của Chúa Giêsu vậy (x 9:51).

Thật thế, cuộc viếng thăm bà Êlizabét của Ðức Maria là một dạo khúc cho sứ vụ truyền giáo của Chúa Giêsu, và ngay từ ban đầu, với vai trò làm mẹ cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Con mình, Người đã trở nên một mẫu gương cho những ai thuộc về Giáo Hội muốn ra đi mang ánh sáng của Chúa Kitô và niềm vui đến cho con người ở mọi thời và khắp mọi nơi.

3- Cuộc gặp gỡ bà Elizabét có tính cách của một biến cố cứu độ vui mừng, vượt lên trên những cảm xúc tự nhiên của tình nghĩa gia đình. Nơi đang ở vào hoàn cảnh bối rối về hành động thiếu tin tưởng, được tỏ hiện qua tình trạng bị câm lặng của ông Zacaria, thì Ðức Maria đã làm bừng lên niềm vui của một đức tin mau mắn và cởi mở của Người: "Người đã vào nhà ông Zacaria và chào bà Elizabét" (Lk 1:40).

Thánh Luca cho thấy mối liên hệ này là: "Khi bà Elizabét nghe lời chào của Ðức Maria thì con trẻ trong lòng bà liền nhẩy mừng" (Lk 1:41). Lời chào của Ðức Maria đã khiến cho người con trai của bà Elizabét nhẩy lên vui sướng, ở chỗ, qua việc làm của Ðức Maria, việc Chúa Giêsu vào nhà của bà Elizabét đã mang đến cho vị tiên tri thai nhi này một niềm vui được Cựu Ước tiên báo như là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Ðấng Thiên Sai.

Với lời chào của Ðức Maria, niềm vui cứu độ đã đến với cả bà Elizabét nữa, để rồi, "được đầy Thánh Linh. bà đã lớn tiếng kêu lên rằng ‘Người có phúc hơn mọi phụ nữ, và phúc cho hoa trái trong lòng của Người’ (Lk 1:41-42).
Nhờ được ơn soi sáng từ trên cao, bà hiểu được sự cao trọng của Ðức Maria, vị còn hơn cả Jael và Judith là những nhân vật tiền thân của Người trong Cựu Ước, Người có phúc hơn mọi người nữ bởi quả phúc trong lòng Người là Chúa Giêsu, Ðấng Thiên Sai.

Lời bà Elizabét hô lên ấy, hô một cách "lớn tiếng," chứng tỏ cho thấy cả một tấm lòng nhiệt thành sốt sắng chân tình, một tấm lòng nhiệt thành sốt sắng chân tình sẽ được tiếp tục vang vọng trên môi miệng của tín hữu qua kinh "Kính Mừng," một kinh nguyện như một bài ca của Giáo Hội chúc tụng những việc trọng đại được Ðấng Tối Cao thực hiện nơi Người Mẹ của Con Ngài.

Trong việc tuyên tụng Người "có phúc hơn mọi người nữ," bà Elizabét muốn nói đến đức tin của Ðức Maria là lý do đã làm cho Người được diễm phúc: "Phúc cho Người vì đã tin rằng những gì Chúa nói cùng Người sẽ được thực hiện" (Lk 1:45). Sự cao cả và niềm vui của Ðức Maria phát xuất từ việc Người là một con người tin tưởng.

Thấy được vai trò tuyệt hạng nơi Ðức Maria, bà Elizabét cảm thấy cái vinh dự mình được Người đến viếng thăm: "Tôi làm sao lại có diễm phúc là được Mẹ Chúa tôi đến thăm tôi?" (Lk 1:43). Bằng lời xưng tụng "Chúa tôi," bà Elizabét đã nhìn nhận phẩm vị hoàng tộc, đúng hơn, phẩm vị thiên sai nơi Người Con của Ðức Maria. Trong Cựu Ước, lời này quả thực được dùng để xưng tụng đức vua (x 1Kgs 1:13,20,21 v.v.) cũng như để nói về Vị Vua Thiên Sai (Ps 110:1). Thiên Thần đã nói về Chúa Giêsu rằng: "Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của Ðavít tổ phụ của Người" (Lk 1:32). "Ðược đầy Thánh Thần," bà Elizabét cũng có cùng một minh thức như thế. Cuộc vinh hiển vượt qua của Chúa Kitô sau này mới tỏ cho thấy ý nghĩa cần phải hiểu về danh hiệu này, một ý nghĩa siêu việt (x Jn 20:28; Acts 2:34-36).

Bằng việc vang lên lời chúc tụng ấy, bà Elizabét mời gọi chúng ta hãy cảm nhận tất cả những gì do sự hiện diện của Ðức Maria mang đến như là một ân phúc cho đời sống của mọi tín hữu.

Qua việc Viếng Thăm này, Người Trinh Nữ đã mang Chúa Giêsu đến cho mẹ của Vị Tẩy Giả, một Chúa Kitô là Ðấng tuôn đổ Thánh Linh. Vai trò trung gian môi giới này phát xuất từ chính những lời của bà Elizabét: "Này, khi tai tôi vừa nghe thấy tiếng Người chào thì con trẻ trong lòng tôi liền nhẩy mừng" (Lk 1:44). Với tặng ân Thánh Linh được ban phát bấy giờ, sự hiện diện của Ðức Maria đóng vai trò như một dạo khúc cho Cuộc Hiện Xuống, một Cuộc Hiện Xuống xác nhận việc hợp tác, được bắt đầu từ Biến Cố Nhập Thể, cần phải được thể hiện nơi toàn cục diện cứu độ thần linh.

(ÐTC Gioan Phaolô II, Thứ Tư 2/10/1996,
Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 9/10/1996)