Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

BÀI CHIA SẺ LỄ MẸ FATIMA

Sứ điệp Fatima đã tự vượt qua được mọi thách đố
Lm Nguyễn Hữu Thy
Nguồn: www.kinhmungmaria.com

Nói một cách khách quan, trước hết người ta phải công nhận rằng sau hơn 90 năm biến cố Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, hiện ra tại Fatima vào năm 1917 với ba trẻ chăn chiên đã nghiễm nhiên trở thành một sự kiện lịch sử khách quan, đã tác động một cách mạnh mẽ và đã gây được những ảnh hưởng sâu rộng trên cuộc sống của hàng triệu người, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, như chúng ta chứng kiến hiện nay.

Nhưng một sự thật khác người ta cũng cần phải ghi nhận, đó là nếu ngày nay biến cố Fatima đã đạt được những thành quả tích cực và thực tiễn, đã chinh phục được thế giới, hay nói đúng hơn, đã chinh phục được sự xác tín của hàng triệu tâm hồn như thế, thì không phải do ảnh hưởng của bất cứ quyền lực ngoại tại nào khác, nhưng là do chính sức mạnh siêu nhiên của Sứ điệp Fatima. Do đó, Đức Hồng Y Cerejeira, Thượng Phụ Lissabon, thủ đô Bồ Đào Nha, đã phát biểu: „Không phải Giáo Hội đã làm cho thế giới chấp nhận Sứ điệp Fatima, nhưng chính Sứ điệp Fatima đã tự chinh phục được thế giới“(1).

Thật vậy, từ khởi đầu cho tới mãi ngày nay, Sứ điệp Fatima vẫn luôn phải đối mặt với những chống đối đến từ nhiều phía, nhất là những thóa mạ hằn học cũng như những cáo buộc vô căn cứ của những kẻ thù của Giáo Hội, như các thành phần thuộc hội Tam điểm và những kẻ vô thần, khi họ chủ quan cho rằng biến cố Fatima chỉ là một sự lừa gạt dối trá và tinh xảo của hàng Giáo Sĩ, nhất là của mấy ông thầy Dòng Tên bày bịa ra. Nhưng sự thật luôn vẫn là sự thật và chiến thắng sau cùng bao giờ cũng thuộc về sự thật. Vâng, cuộc chiến của những kẻ thù Giáo Hội chống lại Sứ điệp Đức Mẹ Fatima có mưu mô, xảo quyệt và thâm độc đến đâu đi nữa, thì sau cùng vẫn vô hiệu quả và hoàn toàn bị thất bại chua cay. Đó là một điều tất yếu; vì làm thế nào mà sức mạnh tự nhiên có thể chiến thắng được sức mạnh siêu nhiên? và làm thế nào mà con người là một thụ tạo hèn yếu lại có thể chiến thắng được Thiên Chúa Tạo Hóa toàn năng? Việc làm của những kẻ thù Giáo Hội chống đối và thóa mạ Sứ điệp Fatima là một việc làm khờ dại, là việc lấy trứng chọi với đá. Sau đây chúng ta hãy nhìn lại sự diễn tiến của những thái độ ấy đối với Sứ điệp Fatima.

1.  Kẻ thù Giáo Hội: Fatima là một bịa đặt của hàng Giáo Sĩ

Nhưng trước khi đi sâu vào những luận cứ vô lý của những kẻ thù  Giáo Hội nói chung và của những kẻ thù của Sứ điệp Fatima nói riêng, chống lại sự thật siêu nhiên của biến cố lịch sử Fatima, chúng ta hãy nhìn qua những biến động chính trị của nước Bồ Đào Nha vào tiền bán thế kỷ XX.

Sau khi loại bỏ thể chế quân chủ vào năm 1910 và tiếp liền sau đó vào năm 1911 là sự tách biệt hoàn toàn giữa Nhà nước và Giáo Hội, giữa chính trị và tôn giáo. Và trên thực tế, hậu quả của sự tách biệt này đã không nhằm mục đích là đưa Nhà nước vào vị thế trung lập trong những vấn đề thuộc tôn giáo, như người ta bình thường vẫn dự đoán một cách lý thuyết, nhưng là sự loại trừ hoàn toàn tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo ra khỏi đời sống công cộng, đến nỗi việc tổ chức các cuộc rước kiệu hay các lễ nghi tôn giáo bên ngoài các Nhà Thờ, Nhà Nguyện hay Tu viện đều bị nghiêm cấm. Nhà cầm quyền Cộng hòa ở Bồ Đào Nha vào lúc bấy giờ tuyên truyền chủ nghĩa tự do phóng khoáng dưới hình thức sự tự do tư tưởng hoàn toàn và theo khuynh hướng hội Tam điểm. Theo họ, một người có tư tưởng tự do là người không bị ràng buộc hay lệ thuộc bởi bất cứ uy quyền hay thế giá nào (thường được hiểu là uy quyền tôn giáo), nhưng hoàn toàn chỉ dựa theo các nguyên tắc hợp lý của trí năng. Nói cách khác, theo quan điểm này, thì chỉ hiện hữu những gì trí năng con người có thể kiểm chứng được, còn những gì khác nằm ngoài phạm trù hiểu biết của trí năng đều chỉ là giả tưởng, hoàn toàn không hiện hữu.

Nhưng nếu người ta chỉ công nhận sự hiện hữu của những gì đã được trí năng kiểm chứng bằng các nguyên tắc hợp lý, thì tất nhiên đối với họ, các thực tại siêu nhiên, các mầu nhiệm, các lần hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria và các phép lạ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua sự can thiệp của Mẹ Maria, trước hết là phép lạ trọng đại „mặt trời quay“ vào ngày 13.10.1917, không chỉ là một sự dối trá bịp bợm, mà còn là một sự khiêu khích đối với cả nhân loại. Vâng, đối với họ, một người hoàn toàn có tư tưởng tự do, thì không thể nào hiểu được là làm sao một người hợp lý lại có thể chấp nhận được hiện tượng một mặt trời vĩ đại, có sức nóng khủng khiếp, luôn đứng quay tại chỗ và là trung tâm điểm của cả một hệ thống các hành tinh bao la rộng lớn hầu như ngoài sức tường tượng của con người như thế, lại có thể quay cuồng nhảy lộn gần sát mặt đất như một vòng lửa được. Theo họ, những ai chấp nhận và tin theo điều vô lý ấy, thì chắc chắn hoặc là một người ngu ngốc – cũng vì thế người ta thường ghép các tín hữu Công Giáo vào thành phần những kẻ ngu muội và thiếu học thức –, hoặc là một người thiếu thành thật, nếu như người đó có trí năng thông minh bình thường.

Theo bộ tài liệu hoàn toàn mang tính cách phê bình khách quan về biến cố Fatima „Documentacáo Critica“, gồm tám tập, vừa được Trung tâm Hành hương quốc tế Fatima xuất bản, thì những kẻ thù cực đoan chống đối biến cố Fatima cho rằng Fatima chỉ là trò hề (Comedia), chỉ là một sự lừa đảo của những kẻ phản động (burla reaccionaria), của các Giáo sĩ, của mấy ông Thầy Dòng Tên. Và họ đã hô hào: „Hỡi những người có tư tưởng tự do, hãy đứng lên trục xuất mấy ông Thầy Dòng Tên, hãy dẹp bỏ những trò hề Fatima“.

Còn thái độ đầy ghen tượng và ngạo mạn đối với ba trẻ được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra, một nữ phóng viên sau khi đã viết trong một bài báo những lời hết sức khiếm nhã: „sem educacáo nem inteligencia tipos bocais: lũ thiếu giáo dục, thiếu hiểu biết, bọn người ngu đần“, còn mỉa mai: „phải chăng mặt trời đã bỏ vị trí của nó trong vũ trụ?“(2) Chính nữ phóng viên này cũng vì thế đã nhạo báng cả việc lần hạt Mân Côi của các tín hữu Công Giáo. Và ảnh hưởng của những kẻ thù quá khích, của Giáo Hội nói chung và của Sứ điệp Đức Mẹ Fatima nói riêng, đã gây nên những hiểu lầm và những tác hại không nhỏ trên quan niệm nhiều người đương thời, đến nỗi người ta đã cho rằng việc xây dựng các vườn trẻ và trường học phải được ưu tiên hàng đầu và quan trọng hơn việc xây dựng các Thánh Đường và Nhà Nguyện. 

Nhưng ở  đây người ta tự hỏi: Nếu vậy, theo ý kiến những kẻ tự cho mình có tư tưởng tự do, tức những kẻ phủ nhận và chống đối một cách cực đoan Sứ điệp Đức Mẹ Fatima, thì lý do nào đã thúc đẩy các Giáo Sĩ tin tưởng và truyền bá „trò hề“ Fatima?

Dĩ nhiên theo họ, trước hết phải là „lý do chính trị“ (uma especulacáo politica). Những kẻ thù của Giáo Hội và của Sứ điệp Fatima đã chủ quan và bất công tố cáo hàng Giáo Sĩ Bồ Đào Nha đã bịa đặt ra biến cố Fatima để nhằm mục đích tái khôi phục lại thể chế Quân chủ độc đoán và lỗi thời. Họ cũng cho rằng tham vọng bá quyền và có lẽ cả lòng ham hố tiền bạc là „lý do duy nhất“ (uma especulacáo clerical) của „trò hề“ Fatima do các Giáo Sĩ bịa đặt ra.

Nhưng chính những tư duy chủ quan, một chiều và thiển cận của những kẻ tự cho mình là những người có tư tưởng tự do và tiến bộ đã vô tình trở thành những rào cản ngăn chặn họ trên con đường tìm gặp được đức tin chân chính, trên con đường khám phá ra và nhận thức được những thực tại siêu nhiên và những mầu nhiệm cứu rỗi trọng đại. Vì cố thủ trong bóng tối duy lý của họ, nên đa số họ đã không có mặt tại Fatima vào ngày 13.10.1917, để có thể chứng kiến tận mắt phép lạ vĩ đại „mặt trời quay“ (3xin xem Lm Nguyễn Hữu Thy, Sứ điệp Fatima, Trung tâm Mục Vụ CGVN Giáo phận Trier/CHLB Đức xuất bản, Trier 2008, trang 73) như hàng ngàn người khác – ước lượng vào khoảng từ 50 đến 70.000 người – và cũng vì thế họ vẫn là những kẻ vô tri trước những thực tại siêu nhiên cao cả ấy.

2.  Cuộc chiến chống đối Fatima đầy thảm bại chua cay

Tất cả những ai có hiểu biết và phán đoán bình thường đều cảm thấy những lời chỉ trích và chống đối cực đoan biến cố Fatima của những người vô thần và của những thành phần hội Tam điểm, những người tự cho mình là có tư tưởng tự do tiến bộ như vừa nói trên, khi cho rằng sự kiện Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, hiện ra với ba trẻ chăn chiên ở Fatima là sự bịa đặt của các Giáo Sĩ với mục đích tìm cách khôi phục lại chế độ Quân chủ, là hoàn toàn thiếu trung thực và vô căn cứ. Trong bộ hồ sơ „Documentacáo Critica“ người ta tìm gặp được những dẫn chứng quan trọng và cụ thể, minh chứng sự vô lý và thiếu căn cứ của những thái độ phủ nhận, chống đối và thoá mạ sự thật hiển nhiên của biến cô Fatima.

Trước hết có lẽ chúng ta phải nói đến thái độ của hàng Linh Mục nói chung. Khởi đầu, hầu như tất cả các vị đều nghi ngờ và hờ hửng đối với những tin tức và những đồn thổi về việc Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại Fatima(4): 

Chẳng hạn một vị Viện Phụ đã công khai khen ngợi một tờ báo Công Giáo vì đã có thái độ phủ nhận biến cố hiện ra của Đức Mẹ và ngài cho đó là một thái độ khôn ngoan trong sứ mệnh bảo vệ giáo lý chân chính của Giáo Hội.

Nhất là vị Linh Mục Quản xứ Fatima vào lúc bấy giờ cũng cảm thấy là ngài cần phải có lập trường rõ ràng về sự kiện Fatima, sau khi ba trẻ bị nhà cầm quyền bắt giam vào tháng 8.1917, đó là ngài đã hoàn toàn phủ nhận sự kiện hiện ra. Dẫn chứng rõ ràng về thái độ phủ nhận của vị Quản xứ này, trước hết ngài đã đồng quan điểm với ông quận trưởng là cần phải có biện pháp mạnh ngăn chặn những gì liên quan tới sự kiện Fatima và tiếp đến là ngài đã không bao giờ có mặt tại đồi Cova da Iria trong các ngày 13 mỗi tháng, khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ.

Còn các vị Linh Mục khác, những vị đã từng đến thăm và tìm hiểu ba trẻ Fatima, thì thường đã làm cho các em sợ hãi khi phải đối diện và phải trả lời những câu hỏi khó khăn và phức tạp các ngài nêu lên, kèm theo những thái độ nghiêm nghị, nếu không nói là đầy đe dọa của các ngài.

Vậy, nếu hầu như tất cả hàng Giáo Sĩ Bồ Đào Nha lúc bấy giờ đều có một thái độ xa lạ, hờ hửng, nếu không nói là hoàn toàn phủ nhận biến cố Fatima như thế – ít là lúc đầu –, thì làm sao người ta có thể gán ghép cho các ngài đã xúi dục hay bịa đặt ra biến cố Đức Mẹ hiện ra được?

Đàng khác, nếu trên thực tế, lúc đầu thái độ xa lạ và chống đối của hàng Giáo Sĩ đã gây cho biến cố Đức Mẹ hiện ra cũng như cho ba trẻ thị kiến nhiều trở ngại khó khăn, thì chính thái độ ấy lại biện minh cho sự vô can của các Giáo Sĩ trong vụ việc và nhất là càng minh chứng cho xác thực của biến cố. Hơn nữa, chính đoàn lũ đông đảo dân chúng lúc bấy giờ, những người từng chứng kiến và hoàn toàn xác tín sự thật của biến cố, cũng đã phàn nàn là họ cảm thấy bị hàng Giáo Sĩ bỏ rơi. Do đó người ta có thể nói được rằng trong biến cố Fatima, nếu đứng về phía nhân loại mà nói, thì dân chúng là chủ động còn các Giáo Sĩ hoàn toàn bị động, nghĩa là các Giáo Sĩ chỉ là những người bị quần chúng lôi cuốn theo mà thôi. Đó cũng là một bằng cứ rõ ràng chứng minh cho thấy những lời tố cáo và buộc tội của những người tự nhận có tư tưởng tự do tiến bộ và những thành phần thuộc hội Tam điểm cho rằng biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima là trò hề, là sự bịa đặt của các vị Linh Mục, hoàn toàn hồ đồ và vô căn cứ.

Ngoài ra, một thực tại khác cũng khiến người ta phải suy nghĩ, đó là để có thể tạo nên một sự bịa đặt giả dối như thế trong hoàn cảnh thực tế vào lúc bấy giờ ở Bồ Đào Nha là một điều hoàn toàn bất khả, vì các quyền hạn, uy thế và ảnh hưởng của Giáo Hội đều hầu như được giới hạn trong Hội đồng các Giám Mục(5). Thế nhưng trong thời điểm Đức Mẹ hiện ra, Fatima thuộc Tổng Giáo phận Lissabon dưới quyền Đức Hồng Y Thượng Phụ D. Antonio Mendes Belo, mà vào lúc bấy giờ ngài đang bị đày biệt xứ. Và chỉ từ tháng giêng năm 1918, Leiria-Fatima mới được ĐTC Bênêđíctô XV nâng lên hàng Giáo phận và vào năm 1920, Đức Cha José Alves Correia da Silvo được đặt làm Giám Mục tiên khởi.

Mặc dù lúc đầu, Đức Tân Giám Mục cũng tỏ ra dè dặt, nhưng người ta phải nhìn nhận rằng vị Giám Mục tiên khởi này là một hồng ân, là một may mắn cho tân Giáo phận Leiria-Fatima nói chung và cho biến cố Fatima nói riêng. Thật vậy, lần đầu tiên vào năm 1921, Đức Cha José Alves Correia da Silvo đã ban phép cho cử hành Thánh Lễ tại chỗ Đức Mẹ hiện ra ở ngọn đồi Cova da Iria, và đồng thời ngài cũng cho tổ chức một chương trình Mục Vụ tổng quát cho khách hành hương, đang mỗi ngày một đông đảo thêm. Trong khi ngài có một quan điểm tích cực đối với biến cố Fatima như thế, thì các Giám Mục khác ở Bồ Đào Nha vẫn có thái độ nghi ngờ (6). Điều này lại một lần nữa minh chứng cho thấy rằng Hội đồng các Giám Mục Bồ Đào Nha không thể là những người đã „chủ xướng“ hay đã bịa đặt ra biến cố Fatima.

Còn về những chống đối và thóa mạ khác, Đức Cha José Alves da Silva đã đề cập đến rất đầy đủ trong Thư Chung đề ngày 13.10.1930 gửi cho các thành phần dân Chúa trong Giáo phận của ngài. Trong đó ngài thông báo kết quả tích cực về biến cố Fatiam của Ủy ban Điều tra do ngài thiết lập (7), nhất là để bịt miệng những lời vu khống, chê bai và sỉ nhục ba trẻ Fatima là lũ vô học thức, dốt nát, thì Đức Giám Mục đã trích lời thánh Phaolô trong Thư Cô-rin-thô để trả lời cho họ, như sau: „Thưa anh em, anh em hãy thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy ai khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Nhưng những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ ngôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người“ (1Cr 1,26-29). Cũng chính vì thế, Chúa Giê-su đã truyển chọn các Tông Đồ vốn là những người làm nghề chài lưới đơn sơ, vì Thiên Chúa thường kén chọn những gì người đời cho là kém giá trị.

Một điểm khác cũng đáng nghi nhận nữa, đó là tuy ba trẻ hoàn toàn bị tách biệt mỗi em một nơi, nhưng tất cả các câu trả lời của các em trước các câu hỏi của các nhà chức trách, đời cũng như đạo, đều rõ ràng và hoàn toàn trùng hợp với nhau trong từng chi tiết nhỏ, chứ không một chút mâu thuẫn. Hơn nữa cả ba trẻ Fatima đều nhất mực từ chối tất cả mọi quà tặng của bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức gì.

Ngay trong phần mở đầu Thư Chung của ngài đề ngày 03.5.1922 (8), nhân dịp thành lập „Ủy ban Điều tra“ biến cố Fatima, Đức Giám Mục Giáo phận Leiria-Fatima đã đề cập nhiều tới một vấn đề khác: Vấn đề các phép lạ. Và các phép lạ ở đây, trước hết người ta phải nói đến phép lạ – o milagre – mặt trời quay, và dĩ nhiên cũng bao gồm cả những phép lạ được khỏi bệnh một cách lạ lùng của các bệnh nhân thuộc đủ mọi thứ bệnh, vì đã vượt khỏi biên giới các khả năng chuyên môn của y khoa.

Nhưng đồng thời Đức Giám Mục cũng tránh đi sâu vào các chi tiết của biến cố, mà các báo chí lúc bấy giờ đang đưa ra bàn cãi sôi nổi. Ngài chỉ xác định rằng các phép lạ xảy ra tại Fatima là một minh chứng hùng hồn cho thấy trong biến cố ấy có „bàn tay vô hình“ của Thiên Chúa can thiệp vào, mặc dầu với sự khôn ngoan thượng trí của Người, Thiên Chúa  luôn tôn trọng các luật tự nhiên mà chính Người đã thiết đặt cho sự tuần hoàn trật tự của vũ trụ, chứ Người không dễ dàng làm phép lạ, trừ khi hoàn cảnh đòi hỏi một cách nhất thiết. Bởi vì, phép lạ là một hiện tượng ngoại thường và vượt tự nhiên.  

Vì thế, vấn nạn phép lạ mặt trời quay thường đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ và bàn cãi ngay cả trên các nhật báo hồi ấy, đến nỗi có người đã nêu lên thắc mắc là phải chăng xét về phương diện thiên văn học đã có sự thay đổi nào đó ở mặt trời? Và nếu câu trả lời là không, thì người ta sẽ đi đến kết luận là trong vụ việc Fatima đã xảy ra hiện tượng bệnh tâm thần tập thể, khiến cho cả đám quần chúng đông đảo bị cuốn hút vào một ảo giác.

Nhưng thiết tưởng một sự kết luận như thế là quá hàm hồ, thiếu lý tính và thiếu tính cách thuyết phục, vì người ta tự hỏi là làm thế nào một ảo giác bệnh hoạn lại có thể tạo được những cảm xúc, những cảm nhận và những trải nghiệm đồng nhất nơi một tập thể đông đảo vào khoảng từ 50 đến 70.000 người như phép lạ mặt trời quay vào ngày 13.10.1917 tại Fatima?

Ngay cả ý nghĩa và sự tác động của phép lạ mặt trời quay trên vấn đề đức tin cũng được đưa ra bàn luận, và người ta đã tự hỏi: Phải chăng đó là chứng cứ của đức tin, nghĩa là một điều bó buộc phải tin, một sự kiện của siêu nhiên đòi phải chấp nhận?

Một ví dụ điễn hình chúng ta có thể trích dẫn một suy tư sau đây được đăng trên tờ báo O Almonda (9). Tác giả bài báo hoàn toàn bác bỏ ý kiến cho rằng biến cố Fatima và các phép lạ (đặc biệt phép lạ mặt trời quay) đã xảy ra tại đó chỉ là sáng kiến của những người Công Giáo, của các Thầy Dòng Tên bày đặt ra, cốt để tìm hiểu xem liệu người ta có thể quảng bá sự mê tín trong dân chúng đến mức độ nào. Tác giả bài báo cũng xác nhận rằng chẳng những Giáo Hội Công Giáo không hề tham gia vào biến cố đó, vì phản ứng khôn ngoan muôn thuở của Giáo Hội là trước tiên luôn tỏ ra dè dặt trước tất cả những gì xảy ra tại Fatima, cũng như Giáo Hội từng cư xử đối với sự kiện Đức Mẹ hiện ra trước kia tại Lộ Đức hay tại bất cứ nơi nào khác. Tác giả bài báo còn viết tiếp là với các phép lạ người ta cũng không thể giải tỏa được thắc mắc đầy tranh cãi về sự thật của biến cố. Về điểm này, tác giả đã đề cập đến trường hợp các người Tin Lành và nhất là trường hợp Thủ tướng Pháp Freycinet vào lúc bấy giờ, một người vô thần. Nhưng chính Thủ tướng Freycinet đã khuyên người bạn thân của mình là ông Lasserre, một người tín hữu Công Giáo bị mù, hãy lấy nước suối Đức Mẹ Lộ Đức mà rửa mắt. Nhưng người bạn của Thủ tướng đã từ chối, không chịu lấy nước ở hang đá Lộ Đức để rửa mắt, vì ông ta sợ là nếu được lành bệnh thì cuộc sống của ông ta sẽ phải thay đổi. Nhưng cuối cùng ông cũng đành chấp nhận lấy nước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức xức vào mắt mình, và bỗng nhiên ông ta đã hết mù và nhìn thấy được. Sau khi được khỏi bệnh, ông ta đã viết nhiều sách có giá trị về phép lạ Đức Mẹ Lộ Đức. Trong khi đó, mặc dầu đã đích thân được trải nghiệm những phép lạ hiển nhiên như thế và đã sống đến 95 tuổi đời, Thủ tướng Freycinet vẫn vô thần chứ không ăn năn hối cải. Và tác giả bài báo đã kiết luận: Quả thực „chỉ phép lạ một mình mà thôi thì không thể hoái cải được ai cả“. Ngoài ra tác giả cũng nhắc đến thái độ tương tự của ông E. Zola. Trong cuốn sách của ông viết về Lộ Đức, Zola đã hoàn toàn không đả động gì tới các tường thuật về phép lạ mà chính ông đã trải nghiệm, nếu không nói là ông còn truyền bá các ý kiến sai lạc của mình.

Còn tác giả bài báo đã nói trên, dĩ nhiên ông ta có lý khi cho rằng một phép lạ không thể bó buộc ai phải tin theo, vì thực ra phép lạ là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, là một ơn lành Chúa ban – như nơi trường hợp những người tin tưởng vào sự xác thực của biến cố hiện ra – và chính những người có tư tưởng tự do và những người vô thần cũng đã tỏ ra vô cùng bối rối và bất an trước các phép lạ mà họ đã chứng kiến nhãn tiền. Tuy nhiên, qua các suy tư của mình, tác giả đã tỏ ra không nhìn thấy được điều đó, và cho rằng đức tin chỉ có thể được củng cố bằng các luận cứ hợp lý mà thôi.

Mặc dầu các tư tưởng trên mang tính cách hòa hoãn, nhưng trên thực tế quan điểm của hai phía, của các tín hữu Công Giáo cũng như của những kẻ vô thần, hoàn toàn bất hòa giải, hoàn toàn không thể dung hòa với nhau được, như thể nước và lửa.

Thật vậy, một đàng, các người tự nhận có tư tưởng tự do tiến bộ khẳng định rằng chủ thuyết duy lý của họ không thể chấp nhận được những hiện tượng siêu nhiên vượt ra ngoài phạm vi của lý trí. Họ chỉ chấp nhận phép lạ mặt trời quay theo nghĩa thiên văn-vật lý học, và họ cho rằng chiến lược của những người Công Giáo là một chủ đích thiếu thành thật, tức vì chỉ muốn thí nghiệm xem quần chúng thiếu học thức có thể chấp nhận sự mê tín của họ đến mức độ nào. Vì thế, trong „Der freie Gedanke“   ký giả José Lopes dos Santos đã viết những lời chống lại các người mà ông gọi là „bọn phản động“ và các Thầy Dòng Tên (10) như sau: „Chúng tôi không chống lại những xác tín về đức tin của quần chúng tốt, nhưng chúng tôi chỉ chống lại sự tuyên truyền lố lăng về những phép lạ, mà nếu được nhìn dưới ánh sáng khoa học thì toàn là những điều không thể có được,  như trường hợp các phép lạ Fatima. Đấy chỉ là công trình lừa đảo đồ sộ do mấy ông Thầy Dòng Tên dàn dựng lên, cốt ngăn cản quần chúng không đặt niềm tin tưởng vào sự hết sức khả tín của những người có tư tưởng tự do (…). Phải chăng những kẻ phản động đã đồng lõa với nhau để chống lại sự tiến bộ? (…) Vậy, hỡi những người có tư tưởng tự do, hãy tỉnh thức!“ Tiếp đến, Lopes kêu gọi hãy chiến đấu cho chân lý, cho sự công bằng và cho sự tự do tư tưởng. Một tờ truyền đơn „Hỡi quần chúng có tư tưởng tự do, hãy vùng đứng lên“ (như trên, Doc. 307) của một nhóm người bài Giáo sĩ khác cũng đã kêu gọi tương tự là hãy đem tình yêu chống lại hận thù, đem sự thiện chống lại sự ác (dĩ nhiên theo quan điểm chủ quan của họ), đã viết: „Chúng ta hãy lấy khoa học làm tôn giáo của chúng ta và tôn giáo khoa học của chúng ta là sự tự do tư tưởng.“ – „Từ sự chiến thắng của tiến bộ, của khoa học, của sự tự do, của sự tư duy tự do, con người sẽ lãnh nhận được sự hạnh phúc, niềm vui, tình yêu, tình huynh đệ.“

Còn phía những tín hữu Công Giáo, những người tin tưởng vào sự xác thực của biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, sẽ phản ứng ra sao?

Trước hết, người ta đã cố gắng tránh loan báo một cách quá vội vàng và chưa chắc chắn rõ ràng về các phep lạ. Các hiện tượng được khỏi bệnh một cách lạ lùng cần phải được các bác sĩ xét nghiệm và chứng thực một cách hoàn toàn khách quan(11).

Đặc biệt nhất là phép lạ mặt trời quay, một phép lạ đã được bài cãi và phân tích rất cặn kẽ. Ở đây một điểm đáng ghi nhận là vào năm 1917 người ta đã có thể chụp được các hình ảnh về phép lạ đó và chính những hình ảnh ấy là những bằng cứ rất thực tiễn, góp phần tích cực vào các cuộc tranh luận. Dĩ nhiên, đó không phải là những bức hình đã chụp trực tiếp được chính mặt trời khi nó quay cuồng bay lộn, nhưng là chụp những phản ứng của đám quần chúng hiện diện lúc ấy ở Fatima. Qua những bức hình giá trị lịch sử ấy, người ta thấy có người đang nhìn vào ống kính của các máy chụp hình, có người lại lấy tay che trên mắt và hướng nhìn lên trời. Rồi có hình chụp cả một đám quần chúng đông đảo, kẻ đứng người quỳ gối, đang chăm chú nhìn lên trời như đang theo dõi một sự kiện gì đó, v.v…(12). Những phản ứng ấy cho thấy là hiện tượng hay phép lạ mặt trời quay là có thật và đã tạo nên những ấn tượng mạnh không thể diễn tả được nơi hàng ngàn ngàn người có mặt hôm đó tại Fatima.

Nhưng người ta có thể cắt nghĩa điều ấy như thế nào? Những người tự nhận tiến bộ, có tư tưởng tự do và vô thần, thì cho hiện tượng đó chỉ là một sự cố thuộc vật lý-thiên văn học, và vì thế họ đã hoàn toàn phủ nhận việc coi đó là một sự thật siêu nhiên, vì họ sợ rằng ý niệm về tôn giáo lại tái hồi sinh, một ý niệm vốn đã chết từ lâu nơi nhiều người ở Bồ Đào Nha, nhất là nơi những người tự cho mình là thành phần trí thức và cấp tiến. Hơn nữa, người ta cũng xác nhận là các nhà thiên văn học với những máy móc khoa học tối tân của họ cũng đã không ghi nhận được gì cả về hiện tượng „mặt trời quay“ và những người ở chung quanh vùng Fatima cũng không ghi nhận được gì (13) về những hiện tượng mà khoảng 70.000 người khác ở tại Fatima đã tận mắt chứng kiến. Nhà thiên văn học Fr. Oom (14) giải thích rằng nếu giả thử có sự cố thuộc không gian đã thực sự xảy ra, thì tất nhiên các máy móc khoa học đã có thể ghi lại được, nhưng trong trường hợp „Fatima“ thì các máy móc chẳng ghi nhận gì hết. Vì thế, ông cho rằng hiện tượng hàng ngàn người nhìn thấy mặt trời quay vào ngày 13.10.1917 tại Fatima là một sự „thôi miên tập thể“ (sugestáo coletiva).

Nhưng chính những bức hình ghi lại những phản ứng khác nhau của đám quần chúng quá đông đảo đang có mặt tại hiện trường lúc bấy giờ đã làm cho người ta phải nghi ngờ lời giải thích của nhà thiên văn học Fr. Oom. Thật vậy, nếu đó quả thực là một sự thôi miên tập thể, thì đương nhiên mỗi người trong đám quần chúng ấy khi nhắm mắt lại vẫn còn tiếp tục bị ảnh hưởng sự thôi miên ấy.

Chẳng bao lâu sau đó, phép lạ mặt trời quay tựa như một làn chớp, đã được loan truyền hết sức nhanh chóng ra khắp nơi ở Bồ Đào Nha và trên thế giới bằng miệng và thư tín của khoảng 50 đến 70.000 nhân chứng sống động đã có mặt tại Fatima trong ngày hôm đó, chứ không phải bởi các phương tiện truyền thông đại chúng như trong các biến cố khác; trái lại, nếu không nói là đại đa số trong các phương tiện truyền thông tại Bồ Đào Nha lúc bấy giờ đã hết lời nhạo cười và chế giễu. Nhưng đối mặt với thái độ khôn ngoan dè dặt (prudente reserva) của hàng trí thức Công Giáo (os entenditos), những người có tư tưởng tự do và vô thần luôn chờ đợi một tuyên bố công khai về hiện tượng mặt trời quay. Nhưng phải chăng con người có đủ thẩm quyền để giải thích hay tuyên bố về một „điều siêu nhiên“? 

Các cuộc hành hương vĩ đãi tới đồi Cova da Iria, nơi Đức Mẹ hiện ra, là những dấu tích hữu hình và cụ thể của sự kiện, vào các ngày 13 mỗi tháng, nhất là các ngày 13 tháng năm và 13 tháng mười là những ngày hành hương đặc biệt nhất. Mỗi cuộc hành hương như thế thường có tới hàng chục ngàn người thuộc đủ mọi thành phần xã hội tham dự.

Ở đây, có lẽ người ta cũng cần phải nhắc đến đức tin mạnh mẽ và lòng hy sinh to lớn của các khác hành hương. Vì điều kiện hạ tầng cơ sở – đường sá đi lại, điều kiện ăn ngủ, cho khách hành hương – ở Fatima vào thời gian đầu còn quá thô sơ thiếu thốn, nên đa số khách hương từ khắp nước đã đi bộ suốt đêm, dù trời mưa hay nắng, và sau khi đã sốt sắng xem lễ, lần hạt Mân Côi và kính viếng nơi Đức Mẹ hiện ra, họ lại lên đường trở về nhà trong cùng ngày, cũng có nhóm người ngủ qua đêm ngoài trời hoặc trong các Nhà Thờ.

Và trên đường đi hành hương như thế, tất cả mọi người đều cùng nhau lớn tiếng lần hạt Mân Côi hay hát các bài Thánh ca. Mặc dầu đi đường xa mệt nhọc vất vả và còn phải kiêng ăn uống (15) mọi người đều đông đảo tập trung về nhà thờ Giáo xứ Leiria hay Giáo xứ Fatima để xem lễ và rước lễ. Ngoài ra, theo luật cũ xưa kia, mọi người còn phải xưng tội trước khi rước Mình Thánh Chúa nữa. Và đối với các khách hành hương tới vào bất cứ giờ nào trong đêm hay vào sáng sớm, đều được hướng dẫn một cách vồn vả chu đáo của giáo dân địa phương cũng như của các vị Linh Mục. Đó là một trải nghiệm đẹp, có ấn tượng sâu xa nhất nơi mỗi khách hành hương. Nhưng một điều đặc biệt nhất là các cuộc hành hương đã tập trung thành một biển người vĩ đại tại Fatima như chưa từng xảy ra bao giờ, đã gây cho mọi khách hành hương một sư ý thức mạnh mẽ và rõ rệt về đức tin Công Giáo của mình, và qua đó củng cố thêm cho sự tự tin của mỗi người tín hữu khi họ lên đường trở về nhà.

Chính sự hồ hởi tham dự vào các cuộc hành hương của mọi tầng lớp đông đảo dân chúng, cũng như tinh thần phấn khởi và niềm vui tinh thần dạt dào nơi các khách hành hương, đã làm cho các kẻ vô thần chống đối biến cố Fatima cảm thấy thất ngượng ngùng và xấu hổ. Hơn nữa, những người có tư tưởng tự do tiến bộ, vô thần và bè Tam điểm ấy luôn xác tín một cách chủ quan rằng, một đàng không thể có chuyện can thiệp huyền nhiệm của Thiên Chúa trong những gì đã xảy ra, và theo nguyên tắc thì tất cả mọi hiện tượng xảy ra trên trái đất này đều có thể giải thích một cách khoa học được, và một đàng khác, những gì đã xảy ra ở Fatima chỉ là trò bịp bợm của các Giáo Sĩ bày ra để lừa dối dân đen, nên bọn họ đã sử dụng bạo động để dẹp bỏ. Họ cũng cho rằng tất cả người Công Giáo đều không phải là những người có tư tưởng tự do tiến bộ.

Nhưng cuối cùng những bạo hành của những kẻ thù của Sứ điệp Fatima đã quay lại làm hại chính họ. Sự thù ghét của họ chống lại Giáo Hội Công Giáo còn mạnh mẽ hơn cả lòng trung thành của họ đối với các nguyên tắc tự do mà họ đã đề xướng lên như là các tín điều bất khả ngộ. Thái độ đó được bày tỏ rõ rệt vào ngày 13.8.1917, khi ông quận trưởng ra lệnh cho tách biệt ba trẻ – cả ba trẻ vào lúc ấy còn dưới 10 tuổi – ra khỏi cha mẹ các em và cho giam vào nhà tù, cốt để dọa nạt, làm mất tinh thần và bắt ép các em phải khai ra các bí mật và hứa không đi tới đồi Cova da Iria nữa(16). Người ta dọa sẽ nướng sống các vào một cái chảo dầu đang sôi. Sơ Lucia kể: „Thế là họ đã gọi Gia-xin-ta và cho em hay rằng em là đứa đầu tiên sẽ bị thiêu sống (…). Tiếp đến, họ cho gọi Phan-xi-cô và nói dối em là Gia-xin-ta đã bị thiêu sống rồi, và em cũng sẽ chịu chung một số phận tương tự, nếu như em không nói ra các bí mật. Sau cùng đến lượt con (Lucia), họ củng đã nói với con là em họ con (Gia-xin-ta) đã bị thiêu sống và con cũng chịu cùng số phận ấy.“

Mặc dù bị đe dọa khủng khiếp như thế, cả ba trẻ đều can đảm giữ vững lập trường một cách phi thường cho đến cùng, chứ các em không hề tỏ ra sợ sệt chút nào cả. Phan-xi-cô còn nói: „Nếu họ thực sự giết chết chúng con, thì chúng con càng mau được về Thiên đàng.“ Em còn cầu nguyện cho Gia-xin-ta đừng sợ hãi. Chính sự can đảm của ba trẻ vốn được tác động và củng cố bởi sức mạnh siêu nhiên, đã khiến cho mưu mô và kế hoạch xảo quyệt của vị quận trưởng vô thần hoàn toàn thất bại.

Một hành động bạo lực khác nữa của những kẻ thù là họ đặt mìn làm nổ tung mái Nhà Nguyện nơi Đưc Mẹ hiện ra, cốt gây hoang mang cho các khách hành hương, nhất là họ hy vọng sẽ làm cho mọi người coi thường và mất tín nhiệm đối với Sứ điệp Fatima. Nhưng chính vì hành động phạm thượng này đối với Mẹ Thiên Chúa, người ta đã tổ chức vào ngày 13.5.1922 một cuộc hành hương vĩ đại với khoảng 40 đến 50.000 người tham dự, cốt để đền bù phạt tạ tại Fatima, và đã gây một sự quan tâm đặc biệt trên thế giới.

Nhưng các nhà chức trách địa phương lúc bấy giờ vẫn chưa chịu bó tay thua cuộc. Họ đã dựa vào luật tách biệt giữa Nhà nước và Giáo Hội (nghĩa là không được tổ chức các nghi lễ tôn giáo cách công khai bên ngoài Nhà thờ), để cấm tất cả những cuộc tập trung đông người như tại Fatima, và họ cho các đoàn vệ quốc quân diễn hành tại hiện trường và ngăn chặn tất cả mọi con đường dẫn tới đồi Cova da Iria. Nhưng rồi trước sự phản ứng, tuy bất bạo động nhưng đầy cương quyết và kiên trì, của đông đảo quần chúng, cả chiến thuật ma quái này của các nhà chức trách vô thần cũng phải hứng chịu sự thất bại hoàn toàn.

Thật vậy, khi thấy các ngã đường dẫn tới đồi Cova da Iria bị lính chặn hết, các phái đoàn hành hương kéo nhau đi bộ qua các cánh đồng hay các đồi núi để tới cho bằng được chỗ Đức Mẹ hiện ra. Điều đó đã làm lệnh phong tỏa các ngã đường ở Fatima của các nhà chức trách thành vô hiệu hóa. Các vệ quốc quân đành bó tay, không thể làm gì khác được.

Khi nhận thấy các nhà chức trách địa phương hoàn bất lực trong việc ngăn chặn sự tập trung quá đông của hàng vạn khách hành hương từ khắp nơi kéo về Fatima, Thủ tướng Bồ Đào Nha lúc bấy giờ cũng đâm ra lo sợ và không dám ra lệnh cấm các cuộc hành hương của dân chúng. Một điểm đặc biệt là dù tấp nập và đông đảo như thế, tất cả các phái đoàn khách hành hương đều có ý thức kỷ luật cao và tuyệt đối giữ trật tự trong việc di chuyển – kẻ tới người ra về – cũng như khi cử hành các lễ nghi Phụng Vụ, như lần hạt Mân Côi, hát các bài Thánh ca, cầu nguyện, v.v… đều diễn ra trong hài hòa và trât tự.

Do đó, các nhóm cảnh sát và quân đội được gửi đến Fatima để ngăn cản khách hành hương hay để giữ trật tự, đã trở nên dư thừa, không cần thiết. Bởi vì, họ không thể cầm gậy đánh hay chĩa súng bắn đám dân chúng đang cầu nguyện trong ôn hòa và trật tự như thế, nếu không nói là nhiều người trong họ cũng đã quỳ gối cầu nguyện và hát kinh cùng với các khách hành hương. Bởi vì, đa số họ không phải là những người thuộc ý thức hệ tư tưởng tự do và vô thần, nhưng là những người phát xuất từ quần chúng. Đó cũng là lý do cắt nghĩa hiện tượng tại sao hằng ngày tất cả các chuyến xe quân đội, trên đường trực chỉ hướng Fatima để làm nhiệm vụ được giao phó, đều đã mời các khách hành hương mà họ gặp dọc đường lên xe và chở tới Fatima. Thái độ cư xử tốt với các khách hành hương như thế của đoàn vệ quốc quân, đã khiến các nhà chức trách vô thần hay thuộc hội Tam điểm vô cùng tức giận, đến nỗi họ đã đem vụ việc ra bàn cãi ở trong quốc hội và đã nêu câu hỏi đầy đê tiện nhỏ nhoi là ai sẽ trả tiền xăng cho các chuyến xe chở khách hành hương như thế?

Tiếp đến, thái độ của một thầy giáo cũng bị tố cao và bêu xấu, khi ông này nhân dịp có cuộc hành hương tới Fatima đã cho học sinh nghỉ học và đóng cửa nhà trường. Khi bị tra vấn tại sao, ông thầy giáo đã trả lời là vì các học sinh của ông phải đi hành hương chung với cha mẹ các em, nên không thể đến nhà trường được. Điều đó cũng muốn nói lên rằng ảnh hưởng của biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima đã thực sự ăn sâu vào ý thức của đại đa số dân chúng, bất kể địa vị, giai cấp hay trình độ văn hóa.

Cũng vì thế, người Công Giáo lúc bấy giờ đã bình thản coi sự hiện diện của các vệ quốc quân ở Fatima như một điều bình thường, chứ không có gì là khó chịu hay vướng mắc cả. Chẳng những thế, họ còn vui đùa gọi các vê quốc quân là đoàn lính danh dự của Fatima. Tình hình diễn biến này đã khiến chính phủ Bồ Đào Nha lúc bấy giờ trở nên lo sợ. Họ sợ người Công Giáo sẽ mỗi ngày một trở nên ý thức hơn và dựa vào các quyền lợi của họ đã được pháp luật bảo đảm, họ sẽ đòi hỏi Nhà nước phải tôn trọng quyền tự do của họ. Hơn nữa, các báo chí cũng càng ngày càng đứng về phía người Công Giáo (17) và thường công khai đề cao các cuộc hành hương của đủ mọi thành phần và tuổi tác, xuất phát từ dân chúng, kể cá các thành phần hàn lâm khoa bảng (chứ không còn coi những người Công Giáo chỉ là những thành phần ngu dân). Do đó, các đối thủ của Sứ điệp Fatima mỗi ngày mỗi trở nên tự ti mặc cảm, thủ thế, thụ động và bảo vệ ý thức hệ của mình một cách thiếu xác tín. Nếu xét theo phương diện tâm lý, thì bạo động thường là dấu hiệu của sự sợ hãi, của sự thiếu tự tín và của sự thiếu các luận cứ hợp lý. Nhiệm vụ chính của đoàn vệ quốc quân là giữ gìn an ninh trật tự (18), nhưng trước sự ý thức kỷ luật cao độ của người Công Giáo, nhiệm vụ của họ đã trở thành dư thừa và buồn cười.

3.  Sứ điệp Fatima đã tự vượt qua được mọi thách đố

Dĩ nhiên, khi nói „Sứ điệp Fatima đã tự vượt qua được mọi thách đố“, thì không hề có ý phủ nhận hay đánh giá thấp lòng can trường và đức tin mạnh mẽ của các tín hữu Công Giáo Bồ Đào Nha trước các hành động đe dọa, ngăn cấm và khiêu khích của các nhà chức trách vô thần thời ấy, hay các chiến thuật cũng như phương thức hành xử rất khôn ngoan, thận trọng và cương quyết của Đức Giám Mục D. José Alves Correia da Silva và của tiến sĩ Dr. Formigáos, chủ tịch Ủy ban Điều tra biến cố Fatima hay của bất kỳ ai khác, nhưng chỉ muốn nói rằng biến cố Fatima đã vượt qua được mọi thách đố cực kỳ khó khăn và đã dành được chiến thắng như chúng ta chứng kiến ngày nay, thì chính yếu và trên hết là nhờ vào sự tác động của sức mạnh siêu nhiên từ Trời cao.

Người ta có thể nói rằng vào năm 1917, trước tiên những người có tư tưởng tự do tiến bộ, những người vô thần và các thành viên hội Tam điểm hoàn toàn tự tín và hung hăng, trong khi đó các tín hữu Công Giáo lại rụt rè và nhát đảm. Nhưng rồi trong mấy năm tiếp sau đó, tình thế hoàn toàn xoay đổi ngược lại, và khởi đầu là cuộc hành hương vĩ đại vào ngày 13.5.1922, để công khai tôn vương Đức Trinh Nữ Maria và để đền bù phạt tạ tội phạm thánh của những kẻ thù vô thần, đã dám cho mình nổ tung mái Nhà Nguyện ở chỗ Đức Mẹ hiện ra. Từ đó, người Công Giáo càng trở nên can đảm và tự tín hơn. Họ đã đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng các quyền lợi chính đáng của họ đã được ghi rõ trong hiến pháp Nhà nước Bồ Đào Nha, và đồng thời họ cũng đã đẩy các kẻ thù đầy quyền thế của họ vào lúc bấy giờ phải rơi vào thế bị động.

Ở đây, có lẽ người ta sẽ tự hỏi: Ai đã có thể làm xoay đổi được cục diện như thế?

Các kẻ thù của Giáo Hội đã quả quyết đó là do ảnh hưởng ngu muội của các Giáo Sĩ và do sự sắp đặt gian xảo của mấy ông Thầy Dòng Tên. Nhưng như đã nói trên, vào lúc bấy giờ Đức Hồng Y Thương Phụ Lissabon đang bị lưu đày, và miền Leiria-Fatima mãi sau này mới được nâng lên hàng Giáo phận, chứ vào lúc ấy chưa có ai lãnh đạo cả; còn hàng Giáo Sĩ thì hầu như tất cả đều tỏ ra nghi ngờ và ít quan tâm tới về những gì liên quan đến biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Nói chung là vào thời ấy, nội bộ Giáo Hội Bồ Đào Nha rất bệ rạc và thiếu tổ chức.

Nhưng khởi đầu sự thay đổi tình hình và cục diện một cách ngoạn mục như thế là chính sự ảnh hưởng thiêng liêng, sâu sắc và mạnh mẽ trên các tâm hồn của sáu lần Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ, mà đỉnh cao của những lần hiện ra ấy là lần hiện ra cuối cùng vào ngày 13.10.1917 với phép lạ trọng đại „Mặt trời quay“. Vì đã được báo trước là sẽ có một dấu lạ phi thường xảy ra, nên ngày ấy đã thu hút được một đám quần chúng đông đảo vào khoảng 50 đến 70.000 người, và phép lạ „Mặt trời quay“ đã chứng nhận cho lời báo trước của ba trẻ và qua đó cũng chứng nhận sự  xác thực của biến cố hiện ra(19). Và trong những năm tháng tiếp sau đó và mãi cho tới ngày nay, người ta vẫn tiếp tục cảm nghiệm được một cách cụ thể sự can thiệp của Trời cao qua các phép lạ lành bệnh ngoại thường tại Fatima.

Sự hiện diện huyền nhiệm của Trời cao còn được tỏ bày ra một cách rõ ràng qua:

      Sự can đảm phi thường của ba trẻ chưa quá mười tuổi đời, khi các em bị bắt giam vào tù và phải trải qua những cuộc khảo hạch đầy mưu mô lừa lọc của nhà cầm quyền vào ngày 13.8.1917.

      Và cả sự cương quyết và sự xác tín sâu xa của các khách hành hương. Họ đã luôn bình tỉnh thản nhiên, chứ không một chút sợ hãi hay lùi bước trước đoàn vệ quốc quân luôn có thái độ khiêu khích và hăm dọa.  

Vâng, quyền lực trần thế không chỉ đã tỏ ra bất lực hoàn toàn trước sức mạnh vô biên của Trời cao, mà còn cộng tác tích cực và trực tiếp vào biến cố Fatima, như việc quân đội đã lấy xe đón rước các khách hành hương, mà chúng ta đã nói đến ở trên. Bởi vậy, sau sự kiện quả mìn nổ trên mái Nhà Nguyện Fatima, tờ báo A Epoca đã mỉa mai gọi Bồ Đào Nha là „đất nước của bom mìn“. Còn trong Thư Cô-rin-thô (1Cr 1, 26-31 của ngài, thánh Phaolô đã trình bày rõ ràng các tiêu chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa như chúng ta đã trích ở trên, đó là: sự yếu đuối, khờ dại và thấp kém. Vì thế, trong Thư Chung của ngài đề cập đến việc công nhận sự xác thực của biến cố Đức Mẹ hiện ra, Đức Giám Mục Giáo phận Leiria-Fatima đã trích dẫn đoạn Kinh Thánh trên để bịt miệng những kẻ thù Giáo Hội, luôn kiêu căng ngạo mạn khinh bỉ tất cả các tín hữu Công Giáo và ba trẻ thị kiến, và coi họ là những thành phần xã hội thiếu văn hóa, dốt nát và thấp hèn (ba của Lucia là một người nghiện rượu)(20). Nhưng sự can cương, ý chí sắt đá và sự khôn ngoan tột bậc của những người đơn sơ bé nhỏ này đã khiến cho những kẻ tự mãn kia phải suy nghĩ và đã hoán cải được nhiều người trong họ quay trở về với đức tin Công Giáo. Nói tắt, nguyên tắc tuyển chọn muôn thuở của Thiên Chúa lại một lần nữa được thể hiện rõ ràng tại Fatima, như xưa Người đã làm khi chọn lựa các Tông Đồ vậy.

Chính sự ngây thơ trong trắng của ba trẻ Fatima qua những câu trả lời thành thực, nhưng hoàn toàn nhất quán của các em – chứ không phải bằng những lời hoa mỹ bóng bẩy – cho những câu tra hỏi dò xét tinh vi của các nhà cầm quyền dân sự hay của các vị Linh Mục, chứ không hề có một chút mâu thuẩn nào, là cả một bằng chứng hùng hồn nói lên sự khả tín đầy thuyết phục của biến cố Fatima. Thêm vào đó, tuy tuổi đời các em chưa quá 10 tuổi, nhưng tất cả ba trẻ – đặc biệt là Phan-xi-cô và Gia-xin-ta – đều vui vẻ và sẵn sàng chịu mọi đau khổ, mọi cực hình và mọi bệnh tật một cách anh hùng và phù hợp tinh thần Tin Mừng, để đền bù cho các kẻ có tội, là những bằng chứng hùng hồn nhất, góp phần biện minh cho sự xác thực của biến cố Fatima. 

Tờ báo Mensageiro (D 1) đã đưa tin đầy đủ về cuộc hành hương vĩ đại chưa từng có vào ngày 13.5.1923, và gọi đó là một imposante „manifestacáo de fe“, một cuộc biểu dương đức tin hết sức ấn tượng. Tác giả bài báo ước chừng có khoảng từ 80 đến 100.000 người tham dự. Và tuy đoàn vệ quốc quân đã được trang bị đầy đủ súng ống và các dụng cụ cho sự đàn áp, nhưng sau đó họ đã cảm thấy bất lực trước đám đông, nên đành phải rút lui. 

Các phái đoàn hành hương đều mang theo các cờ quạt có thêu hình ảnh Chúa, Đức Mẹ và các Thánh rất uy nghi chỉnh tề. Sau bài giảng, Thánh Lễ đã được cử hành trọng thể và sốt sắng cho khách hành hưong. Và dĩ nhiên, tất cả mọi người có mặt đều đã lần hạt Mân Côi.

Vì thế, để ám chỉ đoàn vệ quốc quân với súng ống và vũ khí đầy mình, đã được phái tới Fatima để nhằm đe dọa và ngăn chặn các cuộc hành hương, các báo chí đã nhận định: „Ở Fatima không cần súng ống đạn dược. Vũ khí mà những người đi tới đó mang theo, là chuỗi tràng hạt Mân Côi và tượng Thánh Giá“. Các khách hành hương cùng nhau đứng yên lặng hay cầu nguyện; và ngay cả sau trưa người ta vẫn tiếp tục cầu nguyện. Trên đường về nhà, mọi người đều trầm trồ: „Chúng tôi ra về trong sự cảm phục lạ lùng và ngạc nhiên, vì làm sao một đám quần chúng quá đông đảo đến cả trăm ngàn người như thế, lại có thể tự động tập trung về đây, chứ không có ai đứng ra tổ chức và mời gọi cả; và tất cả đều hoàn toàn diễn ra trong trật tự, nếu như họ đã không được một sức mạnh huyền bí từ Trời cao mời gọi.“ 

Nhân dịp này, tờ báo A Epoca (x. Documentacáo IV, 3, DOC 492, 493) đã phê bình thái độ của chính phủ Bồ Đào Nha trong vụ việc nhà thờ Santa Joana (21) và việc cấm cản các cuộc hành hương tại Fatima, nhất là tờ báo đã phê bình sự thụ động quá lâu của người Công Giáo trước những thái độ và hành động bài Giáo Sĩ của những kẻ thù Giáo Hội và sự đày ải Đức Hồng Y Thương Phụ Lissabon, chứ không có bất cứ sự chống đối nào. Sự phê bình thẳng thắn này đã có ảnh hưởng rộng rãi trong quần chúng và mang lại những tác động tích cực cho biến cố Fatima. Chính tờ báo này cũng đã gọi lệnh cấm các cuộc hành hương và tụ họp cầu nguyện của dân chúng tại Fatima là bất hợp pháp, và coi cuộc rước kiệu ngày 13.10.1924 là một cuộc biểu dương đức tin một cách hoành tráng và có ấn tương mạnh mẽ.

Tất cả các vệ quốc quân được phái tới Fatima cũng nhận thức được rõ ràng là họ không thể dùng bạo lực để đàn áp các tín hữu chỉ biết cầu nguyện, vì họ cảm thấy sự biểu dương đức tin của các tín hữu là cả một „sức mạnh tuy hoàn toàn hài hòa, nhưng bất khả chống cự lại“ (forca pacifica, mas irresistivel). Tờ báo này (22) đã đưa ra những nhận xét về cuộc hành hương: Trước hết, nhà cầm quyền loan báo là quân đội sẽ thực thi lệnh cấm tụ họp ở Fatima một cách nghiêm ngặt, nhưng rồi mọi sự lại xảy ra bình thường như không có lệnh cấm nào cả. Nhưng đặc biệt nhất là sự tuyên xưng đức tin một cách toàn bộ và thống nhất nơi hànhg trăm ngàn khách hành hương cũng như sự suy niệm trong thinh lặng và trật tự tuyệt đối của một đám quần chúng đông đảo như thế đã gây nên một ấn tượng sâu xa nơi tác giả bài báo. Một khách hành hương đã kể lại cảm nhận của mình rằng „sự hồi sinh đức tin Công Giáo của dân tộc Bồ đào Nha“ đã thực sự xảy ra. Và tác giả bài báo đã kết luận bằng lời nhận xét của ông Giovanni Papini. „Thế giới ngày nay mong ước hòa bình hơn là sự tự do và một nền hòa bình bền vững chỉ tìm gặp được nơi ách của Đức Kitô“.

Bộ tài liệu „Documentacáo Critica“ đã nói đến „cuộc chiến chống lại người Công Giáo“. Nhưng trong cuộc chiến ấy, người Công Giáo đã tranh đấu mỗi ngày một mạnh mẽ và hăng hái hơn cho các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của họ, mặc dầu họ tranh đấu với chính quyền vô thần Bồ Đào Nha thời ấy chỉ bằng sự cầu nguyện và hoàn toàn bất bạo động.

Có lẽ thái độ hài hòa này của các tín hữu tại Fatima lại nhắc người Công Giáo Việt Nam chúng ta nhớ đến các cuộc tranh đấu đòi công lý của bà con giáo dân Việt Nam ở Hà Nội, Đồng Chiêm, Thái Hà, Ninh Bình, Tam tòa, Loan Lý, Cồn Dầu, v.v…, tất cả cũng đều diễn ra trong hòa bình trật tự và chỉ cầm vũ khí duy nhất trong tay là tràng chuỗi Mân Côi và tượng Thánh Giá.

Nhưng chỉ một điều hoàn toàn khác biệt giữa hai cuộc tranh đấu cho công lý ấy, của các tín hữu Công Giáo ở Fatima xưa kia và của các tín hữu Công Giáo ở Việt Nam ngày nay, là ở chỗ: Chính quyền cộng sản vô thần Bồ Đào Nha xưa kia đã tự rút lui, chứ không nhẫn tâm dùng bạo lực để đàn áp và xua đuổi các tín hữu ngoan đạo đang cầu nguyện tại Fatima, còn chính quyền cộng sản vô thần ở các địa phương nói trên tại Việt Nam lại đã sử dụng hơi cay, dùi cui điện, báng súng và chó dữ nghiệp vụ để đàn áp vá đánh đập các tín hữu Công Giáo tay không một cách cực kỳ vô nhân đạo, đến nỗi nhiều người đã bị ngất xỉu tại chỗ, phải chở vào phòng cấp cứu tại các bệnh việc, để được điều trị hàng bao nhiêu thánh trời và có người đã bị tê liệt suốt đời!

Còn sự xác tín cho rằng sự kiện „đức tin được hồi sinh“ trong dân tộc Bồ Đào Nha và sự thất bại thảm thương của những kẻ thù vô thần, chắc chắn đã phát xuất từ sức mạnh siêu nhiên của biến cố Đức Mẹ hiện ra. Vâng, người Công Giáo Bồ Đào Nha đã từ từ nhận thức được sợi dây liên đới huynh đệ đang nối kết và thắt chặt tất cả họ lại với nhau mỗi ngày một hơn và nhờ thế họ cũng trở nên tự tín hơn.

Sau cùng, qua các giờ cầu nguyện, lần hạt Mân Côi và hát các bài Thánh ca chung với nhau, cũng như sự lãnh nhận sốt sắntg các Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, hầu như tất cả những người tham dự các cuộc hành hương tại Fatima đều đã cảm nhận được tính chất liên đới nhân loại của mình và Giáo Hội Công Giáo quả thực là một „thế giới đại đồng“ đúng nghĩa, nhất là niềm vui thiêng liêng tràn ngập trong tâm hồn và sự cảm nhận ấy đã củng cố đức tin Công Giáo của họ thêm vững vàng kiên cố hơn.

(Suy tư trong Tháng Mân Côi 2010)

_________________________

1.     Nguyệt San „Kirche heute“, số tháng 7.2010, trang 14.

2.     xem Documentacáo Critica III 3, Doc. 674, 676 (FKTh 22, trang 277.

3.     xin xem Lm Nguyễn Hữu Thy, Sứ điệp Fatima, Trung tâm Mục Vụ CGVN Giáo phận Trier/CHLB Đức xuất bản, Trier 2008, trang 73.

4.     x. FKTh 17,64, Documentacáo Critica II, trang 193tt.

5.     x. Documentacáo Critica II, trang 11tt.

6.     như trên, trang 25.

7.     như trên, trang 263-276.

8.     như trên, trang 42-50.

9.     x. Documentacáo IV, trang 300.

10.  x. Documentacáo IV, 2, Doc. 305.

11.  x. Documentacáo IV, 2, Doc. 314; 361; 380; 403.

12.  x. Documentacáo III, 1, Doc. Trang 56tt.

13.  x. Documentacáo III, 1, Doc. Trang 236, 111, 151.

14.  x. Documentacáo III, Doc. 124,128, 180, 348.

15.  Luật Giáo Hội trước Công đồng Vatican II buộc tất cả những ai muốn rước lễ phải nhịn ăn nhịn uống 3 giờ đồng hồ trước đó.

16.  x.Documentacáo II, trang 142; Schwester Lucia spricht über Fatima, trang 122.

17.  x. FKTh 23 (2007) 208.

18.  x. Documentacáo IV, 1, DOC 5.

19. x. G. Solze: Und die Sonne tanzte über Fatima, Fulda 2006.

20.  x. Documentacáo IV, 3, DOC 531.

21.  Nhà Thờ Santa Joana là một ngôi Thánh đường Công Giáo đã bị chính phủ trịch thu một cách trái phép và đưa đấu giá các đồ thờ phượng trong Nhà Thờ.

22. x. cùng chỗ như trên, trang 494.