BÀI CHIA SẺ LỄ MẸ FATIMA
Fatima : Lời mời gọi cầu nguyện và sám hối của Mẹ Thiên Chúa Trong ngày 13 tháng 5 hôm đó và những ngày 13 của các tháng kế tiếp, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa đã hiện ra và truyền đạt cho ba trẻ chăn chiên một Sứ Điệp mà cả thế giới mãi cho tới hôm nay vẫn chưa quên, và đồng thời cũng là một Sứ Điệp đòi nhân loại phải có một quyết định dứt khoát, hoặc tiếp nhận hoặc khước từ : Sự cứu rỗi của Thiên Chúa, nền hòa bình giữa các dân tộc và tình thân giao với Thiên Chúa. Nếu nhân loại khước từ Sứ Điệp đó, nhiều dân tộc sẽ bị tiêu diệt và cả nhân loại sẽ liều mình đánh mất ân sủng của Thiên Chúa và sẽ phải ngụp lặn trong máu lửa chiến tranh tàn khốc, đúng như lời Đức Mẹ đã nói với ba trẻ tại Fatima: «Nếu người ta nghe theo những mong muốn của Bà, thì nước Nga sẽ ăn năn trở lại và sẽ có hòa bình; nếu không, chủ nghĩa cộng sản sẽ bành trướng tà thuyết của mình ra khắp nơi trên thế giới; chiến tranh và những cuộc đàn áp Giáo Hội sẽ tiếp diễn; những người lành sẽ bị bách hại; Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ; nhiều dân tộc sẽ bị tiêu diệt» (1). Lời kêu gọi ăn năn sám hối và lần hạt Mân Côi Sứ Điệp mà Đức Mẹ truyền đạt cho nhân loại ở đây, mọi tín hữu và mọi người thiện tâm trên khắp thế giới đều có thể hiểu được. Lời nhắn nhủ của Mẹ Thiên Chúa thật khẩn thiết và nghiêm trọng, bởi vì Mẹ yêu mến Giáo Hội và thế giới với tất cả tình mẫu tử sâu đậm. Lời nhắn nhủ của Mẹ là kêu gọi mọi con cái loài người của Mẹ hãy sám hối ăn năn, cải thiện cuộc sống, quay trở về cùng Thiên Chúa và hãy siêng năng cầu nguyện; lời kêu mời đó sẽ không bao giờ ngừng vang dội đến mọi góc cùng ngõ hẻm, từ những trung tâm hành hương vĩ đại cho tới những thánh địa hẻo lánh xa xôi, từ thị thành tấp nập cho đến chốn thôn quê vắng lặng. Đối với những tín hữu Công Giáo chúng ta, lời kêu gọi của Mẹ Thiên Chúa còn là một câu tự vấn: Chúng ta có hết lòng quan tâm tới nền hòa bình thế giới, tới sứ vụ truyền bá đức tin Công Giáo chân chính, việc cứu vớt những kẻ tội lỗi quay trở về cùng Thiên Chúa và phục vụ Giáo Hội không? Tất cả mọi khắc khoải đó được liên kết chặt chẽ với sứ điệp Fatima. Ở Fatima, Đức Trinh Nữ Maria không những đã tỏ bày cho chúng ta nỗi băn khoăn lo lắng của Mẹ đối với vận mệnh nhân loại, Mẹ còn trao tận tay chúng ta những phương tiện vô cùng quý báu và hữu hiệu, để chúng ta có thể lôi kéo được ơn lành của Thiên Chúa và sự cứu rỗi xuống cho Giáo Hội và cho thế giới. Một trong những phương tiện khẩn thiết và quan trọng nhất mà Mẹ Maria giới thiệu cho nhân loại, đó là việc lần hạt Mân Côi: «Các con hãy lần hạt Mân Côi mỗi ngày», như Mẹ đã nhắn nhủ ba trẻ chăn chiên Fatima xưa kia, và cả hôm nay nữa, Mẹ cũng muốn nhắn gửi đến mọi người thành tâm trên khắp thế giới. Và trong 90 năm qua, hàng triệu tín hữu trên hoàn cầu đã sốt sắng đáp lại lời kêu mời đó của Mẹ. Còn chúng ta, thái độ chúng ta thế nào đối với Kinh Mân Côi? Chúng ta có yêu mến và ham chuộng việc lần hạt mỗi ngày không? Hay: chúng ta khinh thường phép lần hạt Mân Côi và coi đó là việc làm mất thời giờ, chỉ dành cho ông bà già và những người ăn không rồi nghề? Quả thực, «kinh Mân Côi là một kinh đơn sơ giản tiện nhất», như lời Đức Gioan Phaolô II đã nói, nó không đòi hỏi một sự sửa soạn to lớn bên ngoài nào cả; nó không đòi phải đọc trong một nơi chốn hay trong một thời gian nhất định nào cả. Chúng ta có thể lần hạt Mân Côi trên đường đi làm việc hay trên đường trở về nhà; chúng ta có thể lần hạt trong nhà thờ, tại tư gia, trong giờ rảnh hay trên giường bệnh. Vâng, có trăm ngàn dịp thuận lợi để chúng ta có thể lần hạt. Chúng ta chỉ cần khám phá và tận dụng những dịp đó để đáp lại lời mời gọi thiết tha của Mẹ Maria. Có bao nhiêu âu lo sợ hãi đã đè nặng lên tâm tư chúng ta và đã làm xáo trộn cuộc sống chúng ta? Nhưng phải chăng những lo lắng đó thực sự quá quan trọng và có tính cách quyết định như thế? Phải chăng chúng ta đã không bị các phương tiện truyền thông vô trách nhiệm và các quan niệm sống thác loạn của thời đại ngày nay chi phối? Trong cuộc sống có nhiều điều thực sự có thể dẫn đưa chúng ta tới gần Thiên Chúa hay tách lìa chúng ta ra khỏi Người. Và đó chính là những điều quan trọng đã được Mẹ Thiên Chúa quan tâm ghi nhận. Có rất nhiều điều làm cho chúng sao nhãng sự cầu nguyện và thường được che đậy một cách ngụy biện dưới những trách nhiệm khẩn thiết, đến nỗi khiến chúng ta nhiều khi coi việc cầu nguyện chẳng những như một điều thiếu cần thiết mà còn làm mất thời giờ nữa. Nhiều người còn chủ trương thà bỏ việc cầu nguyện và nhất là việc lần hạt Mân Côi, để có giờ làm việc Mục Vụ bác ái. Thực ra, việc cầu nguyện không bao giờ là một việc làm mất thời giờ. Việc lần hạt Mân Côi sẽ giúp chúng ta khám phá ra được sự nhận xét sai lạc đó; Kinh Mân Côi sẽ giúp chúng ta tìm ra được sự quân bình hợp lý và cần thiết giữa lao công và cầu nguyện. Như vậy, Tràng Chuỗi Mân Côi sẽ là «sợi dây êm ái ràng buộc chúng ta lại với Thiên Chúa », như lời chân phước Bartolo Longo, vị Tông đồ của Tràng Chuỗi Mân Côi đã nói, và đã được Đức Gioan Phaolô II trích lại trong Tông thư về Kinh Mân Côi của ngài năm 2002.(2). Khi còn là Tổng trưởng Thánh bộ Đức Tin, Đức Hồng Y Josef Ratzinger và nay là ĐTC Bênêđíctô XVI, đã nhấn mạnh tầm quan trọng biến cố Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, hiện ra ở Fatima, mà ngài gọi là «những mặc khải riêng tư», và như thế, Đức Bênêđíctô XVI đã công nhận và đánh giá cao sứ điệp Fatima. Trong hồ sơ nghiên cứu về biến cố Fatima của ngài, Đức Hồng Y Josef Ratzinger đã viết: «Chuẫn độ về sự thật và giá trị của một sự mặc khải riêng tư là sự qui thuộc của nó vào chính Đức Kitô. (…) Điều đó không loại trừ rằng một sự mặc khải riêng tư có thể làm dấy lên một hình thức của lòng đạo đức mới hay đào sâu và bành trướng lòng đạo đức vốn có. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, mục đích phải nhắm đạt tới là sự mặc khải tư đó phải củng cố đức tin, lòng trông cậy và tình yêu, con đường bền vững của sự cứu rỗi cho tất cả mọi người» (3). Từ một nội dung phong phú, đề cập tới tới nhiều phương diện của Sứ Điệp Fatima, trước hết người ta có thể ghi nhận điều quan trọng này là: · Qua sự cầu nguyện, nhất là việc lần hạt Mân Côi với tất cả những bản kinh quan trọng nhất trong kho tàng Kinh Nguyện của Kitô giáo, sẽ củng cố và phong phú hóa đức tin của chúng ta. · Qua sự hy sinh đền bù phạt tạ của kẻ khác, người tội lỗi sẽ được Chúa ban cho ơn ăn năn hối cải; và nhờ thế, mọi người lại đầy hy vọng có thể tìm lại được ơn cứu rỗi, mà tội lỗi đã làm đánh mất. · Sau cùng, sự thật lòng ăn năn thống hối quay trở về cùng Thiên Chúa là con đường đúng đắn và tuyệt hảo nhất để thiết lập và thăng tiến sự an bình trong tâm hồn và nền hòa bình thế giới; đồng thời mở rộng tâm hồn mình đón nhận sự tác động của Chúa Thánh Thần, hầu chúng ta luôn luôn nhận biết được chân lý của Người và giữ vững được đức tin trước những giả trá lừa lọc ở đời. Nương nhờ nơi sự che chở của Mẹ Thiên Chúa Cả là một sự trùng hợp lạ lùng : Đúng vào ngày 13.05.1917 và vào cùng giờ, khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn chiên ở Fatima, thì ở Roma Đức Hồng Y Eugenio Pacelli, sau này là Đức Giáo Hoàng Piô XII, cai quản Giáo Hội từ năm 1938 đến năm 1958, được tấn phong Giám Mục. Chính Đức Piô XII đã nhiều lần nhìn nhận sự trùng hợp lạ lùng đó mang một ý nghĩa tiền định của Trời Cao. Ngày 04.06.1951, trong bài phát biểu của ngài trước phái đoàn hành hương đến từ Bồ Đào Nha, Đức Piô XII nói: «Ngày vĩ đại đó (13.05.1917) thật vô cùng ý nghĩa đối với cuộc sống của Cha, vì trong kế hoạch an bài vô cùng nhiệm mầu của Thiên Chúa, mà Cha không ngờ tới, ngày đó chính là một sự sửa soạn cho một ngày còn trọng đại hơn nữa, ngày Thiên Chúa đã đặt lên vai Cha trọng trách dìu dắt Giáo Hội hoàn vũ. Chính trong cùng giờ phút đó (giờ ngài được phong chức Giám Mục) ở ngọn đồi Fatima, Đức Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi đã thân hành hiện ra lần đầu tiên. Qua sự kiện đó, Đức Mẹ cả trời đất muốn nói cho Cha hay rằng trong những năm tháng hỗn mang của triều đại Giáo Hoàng Cha, một trong những xung đột trầm trọng nhất của lịch sử nhân loại, Cha sẽ được bênh vực, che chở và hướng dẫn bởi sự phù trợ chắc chắn và đầy tình mẫu tử của vị Nữ Tướng vĩ đại, bách chiến bách thắng của Thiên Chúa.» Sau khi Đức Piô XII nói xong những lời đó, một khách hành hương trong đám đông đã đứng lên hô to: «Vạn tuế vị Giáo Hoàng của Đức Mẹ Fatima!» và Đức Thánh Cha đã mĩm cười nói: «Và vị Giáo Hoàng đó chính là Cha đây.» (4) Từ đó, tất cả các Đức Giáo Hoàng kế tiếp đều đánh giá và chuẩn y biến cố Fatima. Đặc biệt nhất là Đức Gioan Phaolô II, vị Tông đồ vĩ đại của lòng tôn sùng Mẹ Maria, đã bày tỏ sự gắn bó thân thiết của ngài với thánh địa Fatima. Chính Đức Gioan Phaolô II trong một bức thư đề ngày 19.04.2000 gửi Đức Ông Tarcisio Bertone, Thư ký của Thánh bộ Đức tin lúc bấy giờ, đã đề cử Đức Ông nhân danh ngài đến gặp Sơ Lucia vào ngày 27.04.2000 và nêu lên cho Sơ một số thắc mắc quan trọng. Trong số đó có câu: Phải chăng nhân vật chính trong thị kiến của « Bí mật thứ ba Fatima » có phải là đức Thánh Cha không? Và Sơ Lucia đã trả lời là đúng thế và Sơ còn thêm: «Chúng con không biết tên của vị Giáo Hoàng; Vị Thiên Nữ (Đức Trinh Nữ Maria) không nói cho chúng con biết tên của vị Giáo Hoàng; Chúng con không biết có phải là Đức Bênêđictô XV, hay là Đức Piô XII, hay Đức Phaolô VI hay Đức Gioan Phaolô II, nhưng đó chính là một vị Giáo Hoàng, và ngài phải đau khổ nhiều.» Sơ Lucia cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Đức Gioan Phaolô II khi Sơ nói: «Chính bàn tay hiền mẫu của Mẹ Maria đã điều khiển hướng bay của viên đạn, và Đức Giáo Hoàng khi phải trực diện với tử thần như thế, đã được che chở khỏi phải chết.» (5). Một điều lạ lùng khác nữa là một trong 4 viên đạn mà tên Hồi Giáo quá khích Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, đã bắn vào người Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma vào ngày 13.05.1981, khi được ngài cho gắn vào mũ triều thiên của tượng Đức Mẹ Fatima, thì hoàn toàn vừa đúng sít sáo với cái lỗ đã được làm sẵn ở bức tượng. Ngoài ra, một sự kiện trùng hợp khác mà người ta còn phải ghi nhận ở đây nữa, đó là Sơ Lucia và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đều được Chúa gọi về Quê Trời trong cùng một năm, chỉ cách nhau một vài tháng. Điều quan tâm cuối cùng của Sơ Lucia khi Sơ nằm trên giường bệnh là lá thư của Đức Giáo Hoàng đã gửi cho Sơ và chính Sơ cũng đã đọc lá thư đó vào buổi sáng trước khi Sơ qua đời, lá thư mang tới cho Sơ sứ điệp và phép lành của Đức Thánh Cha. Cả hai vị, Đức Gioan Phaolô II và Sơ Lucia, những tâm hồn hết lòng trung thành tôn sùng Đức Maria, đã được Mẹ đưa dẫn bước vào cõi Trường Sinh: Sơ Lucia qua đời ngày 13.02.2005 và Đức Gioan Phaolô II băng hà ngày 02.04.2005. Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maira Ngày 13.07.1917, Đức Mẹ đã long trọng tuyên bố: «Cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ toàn thắng.» Chính Mẹ đã chỉ cho nhân loại con đường được cứu rỗi và để các linh hồn khỏi phải sa vào hỏa ngục là hãy tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Lời Mẹ nhắn nhủ: «Để cứu vớt các linh hồn tội lỗi, Thiên Chúa muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ trên khắp thế giới. Nếu người ta làm theo những điều Mẹ dạy bảo, nhiều người sẽ được cứu rỗi.» Những lời này của Đức Mẹ cùng với thị kiến về hoả ngục, đã từng làm cho ba trẻ chăn chiên phải khiếp sợ, luôn vang dội bên tai chúng ta từ 90 năm qua và luôn mời gọi chúng ta hãy cộng tác vào việc cứu rỗi các linh hồn. Lucia, Francisco va Jacinta đã không thể quên được thị kiến đó. Với sự tự nguyện hy sinh, can đảm chịu đựng mọi đau khổ của mình, ba trẻ đã đáp lại lời kêu mời của Đức Mẹ để cầu nguyện cho các kẻ tội lỗi biết ăn năn trở lại. Đối với chúng ta, việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria, việc lần hạt Mân Côi, dâng lên Mẹ những hy sinh đau khổ hằng ngày để đền bù phạt tạ tội lỗi mình và tội lỗi nhân loại, là những phương tiện thiết yếu, hầu góp phần vào sự chiến thắng Mẹ đã hứa. Chúng ta hãy sốt sắng tham dự vào các Thánh Lễ và các giờ chầu kính Mẹ Fatima vào ngày 13 mỗi tháng trong các giáo xứ chúng ta và tại các địa điểm hành hương. Chẳng những thế, chúng ta còn cần phải thăng tiến và quảng bá phong trào tôn sùng Mẹ Fatima đó nữa. Còn những nơi các tín hữu thiếu điều kiện để cùng nhau hội họp cử hành các giờ kinh như Mẹ Maria mong muốn, ơn lành và sự cứu rỗi của Thiên Chúa vẫn được các tâm hồn tôn sùng mẹ khẩn cầu cho Giáo Hội và thế giới. Trên bàn thờ của mỗi gia đình và trong các phòng của nhà mình, chúng ta hãy treo ảnh tượng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Fatima, như một nhắc nhủ để chúng ta luôn biết dâng lên Mẹ lòng biết ơn thảo hiếu của mình. Đặc biệt nhất là chúng ta hãy thánh hóa các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng để dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ như Mẹ đã mong muốn khi hiện ra tại Pontevedra vào năm 1929. Sự thực hành thánh thiện này cần phải được tái khám phá và lại được làm sống động trong các giáo xứ. Trong những văn từ ghi chép cuối cùng của chính Sơ Lucia trình bày về Sứ Điệp Fatima («Wie ich die Botschaft von Fatima durch die Zeit und durch die Ereignisse?», 16.29 » - Tôi nhìn Sứ Điệp Fatima qua thời gian và qua các biến cố như thế nào?), Sơ đã ghi lại những tư tưởng cảm động sau đây, mà chúng ta có thể dùng để luôn tự nhắc nhủ mình về giá trị và sự khẩn thiết của Sứ điệp Fatima: «Hôm nay chúng ta đang sống và ngày mai chúng ta sẽ chết và đi vào cõi hư không của mộ phần. Mặc dù chúng ta từ bỏ trái đất, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục sống trong nơi vĩnh cửu, một cách hạnh phúc hay một cách bất hạnh, tùy theo những điều chúng ta đã làm, hoặc là việc lành hay việc dữ. Những gì chúng ta đã làm trong đức tin, trong sự phó thác và trong tình yêu thương hay những điều chúng ta đã làm với lòng bất tín, với lòng ham muốn vật chất, với sự ích kỷ, sự ghen ghét, hận thù, trả đũa, thiếu tình bác ái đối với tha nhân; tất cả đều có thể làm cho chúng ta muôn đời được hạnh phúc hay bất hạnh, và về điều đó mỗi người phải tự gánh lấy trách nhiệm. Thiên Chúa luôn luôn là một Người Cha đầy thông cảm và nhân hậu. Người luôn nhân từ với những ai biết thật lòng ăn năn hối cải, cầu mong sự tha thứ, biết đền bù tội lỗi và cải thiện cuộc sống mình. Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta như những con người tự do, vì thế mỗi người sẽ tự chọn cho mình con đường phải đi. (…) Nhưng Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta sự ăn năn đền tội nào? Trước hết là sự hy sinh mà chính mỗi người tự đặt ra cho mình, để quyết tâm từ bỏ cuộc sống tội lỗi, và bước đi trên con đường của sự chân thành, của lòng trong sạch, của đức công bằng, của chân lý và của lòng bác ái vị tha.» Vâng, nếu chúng ta luôn thành tâm và can đảm bước đi trên con đường của sự ăn năn sám hối mà Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa đã đích thân chỉ cho chúng ta tại Fatima qua sự trung gian của ba trẻ chăn chiên, thì sự chiến thắng khải hoàn của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ sẽ gần kề, và điều đó có nghĩa là Thiên Chúa được vinh danh, cả nhân loại tránh được cảnh diệt vong và được cứu sống. _______________ 1. Lời Đức Mẹ nói cùng Lucia trong lần hiện ra thứ ba vào ngày 13.07.1917 2. Đức Gioan Phaolô II, Tông thư «Rosarium Virginis Mariae», số 44. 3. Verlaubarungen des Apostolischen Stuhls 147, 36. 4. Stadt Gottes 5/1957, 146. 5. Verlaubarungen des Apostolischen Stuhls 147,29tt. |