Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

BÀI CHIA SẺ LỄ MẸ FATIMA

Một biến cố đầy ý nghĩa

 LM Đỗ Văn Lực

MỘT BIÊN CỐ Ý NGHĨA (Ga 14:23-29)

Năm 1917, vào đúng năm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, một biến cố đã xảy ra tại Fatima.  Mục đích huy động đoàn con cùng Mẹ Maria bước theo Chúa Kitô.  Mẹ ban hành Ba Mệnh Lệnh như phương tiện giúp nhân loại đạt tới hòa bình.  Kèm theo Ba Mệnh Lệnh là ba Bí Mật Fatima cũng được Mẹ “bật mí” cho ba trẻ Fatima.  Ba Mệnh Lệnh Fatima khởi nguồn từ Trung tâm Tin Mừng.

SỨC MẠNH LỜI CHÚA

Trung tâm Tin Mừng chính là lòng “yêu mến Thày,” (Ga 14:23)  vì “Thày là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”(Mt 16:16)   Tình yêu Chúa Kitô sẽ quyết định tất cả.  Tình yêu và sự trung tín gắn bó mật thiết với nhau, như nhân với quả.  Thực tế, sự trung tín không ngừng sáng tạo.  Chỉ những ai yêu mến và vâng nghe lời Chúa, mới có thể đón nhận mạc khải sâu xa nhất về Chúa mà thôi.  Trái tim con người thật nhỏ bé.  Vậy mà khi yêu, trái tim con người có thể chiếm đoạt trọn vẹn trái tim Thiên Chúa.  Một sự chênh lệch khủng khiếp !  Nhưng đó lại là điều Chúa Giêsu quả quyết trong Ga 14:23.  Nhân danh Chúa Giêsu, Chúa Cha sẽ sai Thánh Linh đến làm cho Người hiện diện sống động trong những tâm hồn yêu mến Chúa.

Nếu không liên kết sâu xa với Chúa, chúng ta không thể hiểu sức mạnh kỳ diệu của Lời Chúa.  Sở dĩ “Lời Thày nói với anh em là thần khí và là sự sống,” (Ga 6:63) vì “là lời của Chúa Cha, Ðấng đã sai Thày.” (Ga 14:24)  Nguồn gốc Thiên giới đó bảo đảm Lời Chúa hoàn toàn siêu việt và chân thực.  Bởi thế, nếu có sự hiện diện đích thực của Chúa Cha và Chúa Con trong tâm hồn, chúng ta có thể sống trong thế giới Thiên Chúa.   Từ đó, mới hiểu được đòi hỏi duy nhất của Lời Chúa là tình yêu.  Chỉ có tình yêu mới đọc và hiểu được ngôn ngữ tình yêu.  Lòng yêu mến Thày luôn được bù đắp xứng đáng.   

Ai sẽ làm cho Thiên Chúa hiện diện trong chúng ta, nếu không phải là Thánh Linh ?  Ðúng hơn, Thánh Linh, tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con, cũng sẽ dẫn đưa chúng ta vào cuộc hiệp thông tuyệt vời với Thiên Chúa. 

Cũng chính Thánh Linh sẽ dạy và làm cho chúng ta nhớ lại mọi điều Chúa nói (x. Ga 14:26).   Không những thế, Người còn làm cho Lời Chúa có sức sống trong tâm hồn và cộng đoàn.  Chính Người “bơm” thần khí và sự sống vào Lời Chúa.  Nhờ thế, Lời Chúa có thể xâm nhập vào mọi nền văn hóa và biến cải mọi tâm hồn.  Thánh Linh giúp Lời Chúa nhập thể vào cuộc sống.  Không có Thánh Linh, Lời Chúa sẽ trở thành những hàng chữ vô hồn.  Thánh Linh vô cùng cần thiết cho sự sống và sự phát triển Giáo hội.

Một khi đã sống trọn vẹn trong tình yêu và dưới sự chở che của Chúa, môn đệ rất yên tâm.  Ðó không phải là thành quả tự nhiên, nhưng là kết quả của lời hứa và bao hy sinh vô cùng cao quý của Chúa trên cây thập giá.  Sự bình an đó tươi đẹp như ánh sáng  Phục sinh.  Bình an vững chắc như sự sống của chính Ðấng Phục Sinh vậy !  Bình an thế gian chỉ là im tiếng súng.  Bình an của Chúa Kitô bảo đảm vững chắc trong mọi hoàn cảnh.  Từ nay chúng ta không còn sợ gì trong hiện tại hay tương lai.  Chính Thánh Linh sẽ đổ tràn tâm hồn tín hữu sự bình an của Ðức Kitô.[1]  Nếu sẵn sàng đón nhận sự bình an của Chúa, chúng ta sẽ chiến thắng tội lỗi, nỗi hoài nghi, sự sợ hãi và mọi đối lực trong ta.  Hơn nữa, sự bình an đó còn được bảo đảm vững chắc vì Chúa sẽ nắm toàn quyền trên trời dưới đất khi về cùng Chúa Cha (x. Ga 14:28).  

Nếu Chúa không về cùng Chúa Cha, làm sao Thánh Linh được sai đến ?  Nếu Thánh Linh không đến, làm sao nhân loại nghe loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa ?  Thánh Linh không những bảo đảm độ chính xác trong Tin Mừng, nhưng còn giúp tín hữu trung thành tuân giữ giáo huấn của Chúa.  Giá trị Tin Mừng hoàn toàn tùy thuộc vào Thánh Linh, Ðấng sẽ giúp các môn đệ nhớ lại những gì Chúa dạy.  Họ là những chứng nhân sống động của Lời Chúa.  Chắc chắn Tin Mừng là những bản ghi nhận chính xác những điều Chúa nói và làm (x. 1 Cr 2:10-14), dưới cái nhìn của từng thánh ký. 

HÒA ÐIỆU TUYỆT VỜI

Mặc dù Thày đã cống bố đầy đủ Lời Chúa, nhưng các môn đệ cần phải được soi sáng mới thấu hiểu dần.  Ngay từ thời các tông đồ, nếu không có Chúa Thánh Linh, chắc chắn không thể khai thông những bế tắc khi áp dụng Lời Chúa vào hoàn cảnh cụ thể của Giáo hội.  Huống chi, trong thế hệ sau này, cần phải có Thánh Linh, tín hữu thấy ý nghĩa tiềm ẩn trong Lời Chúa.  Nói khác, trải qua bao đời, Kitô hữu mới thấu triệt ý nghĩa tròn đầy của Lời Chúa.[2]    Bởi đó, nhìn về tương lai, Chúa tiên đoán : “Ðấng Bảo Trợ sẽ dạy anh em mọi điều,” (Ga 14:26) và “Người sẽ lấy những gì là của Thày mà loan báo cho anh em.” (Ga 16:14)  Biến cố chỉ có một.  Nhưng việc hiểu biết biến cố ấy tiến triển theo thời gian.

Khi hiện ra tại Fatima, Ðức Mẹ cũng muốn nhắc lại ý nghĩa then chốt của Tin Mừng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3:2)  Mẹ không muốn mọi người tập trung vào Mẹ, nhưng hướng tới điểm nòng cốt trong Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô : Chúa Cha yêu thương mọi người đến nỗi họ sẽ ăn năn sám hối.  Người ban ân sủng cần thiết để họ có thể sống trọn tình con thảo với Chúa.  Như Chúa Thánh Linh, Ðức Maria cũng nhắc mọi người nhớ lại lời Ðức Giêsu đã dạy (x. Ga 14:26) về công việc chuẩn bị đón nhận Nước Trời.  Sứ điệp Fatima khẩn thiết kêu gọi mọi người trở về với Chúa.  Chắc chắn Fatima là biến cố cận đại có ý nghĩa tiên tri lớn nhất.

Mặc dù được công nhận là “mạc khải tư,” biến cố Fatima  “không có vai trò hoàn thành Mạc Khải cuối cùng của Ðức Kitô, nhưng giúp chúng ta sống trọn vẹn Mạc Khải của Chúa trong một giai đoạn nhất định của lịch sử.”[3]  Như vậy, “mạc khải tư” giúp ta hiểu Mạc Khải cuối cùng của Chúa.  Ba Mệnh Lệnh Fatima rõ ràng minh họa và vang vọng toàn bộ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.  Ngay từ Mệnh Lệnh đầu, Mẹ Maria đã hợp ý với Con kêu gọi mọi người ăn năn sám hối.  Ðó là con đường duy nhất để đón nhận Nước Trời.  Không sám hối, làm sao có sự công chính ?  Không công chính làm sao tìm được “sự bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14:17) ?

Nếu không công chính, Mẹ Maria đã không thể được diễm phúc làm Thánh Mẫu Thiên Chúa.  Không công chính, Mẹ đã không thể thưa “xin vâng” ý Chúa.   “Lời thưa xin vâng của Mẹ Maria, phát xuất từ lòng Mẹ, đã biến đổi lịch sử thế giới, vì đem Ðấng Cứu Thế vào trần gian,”[4] để cứu chuộc và đem lại bình an cho toàn thể nhân loại. 

Sứ điệp bình an đó đã vang dội tại Fatima.  Mẹ lo lắng đến số phận toàn thể nhân loại.  Bởi vậy, Mẹ đã tìm một con đường cứu độ mọi người.  Như vậy có sự hòa hợp tuyệt vời giữa sứ điệp Fatima và Tin Mừng.  Fatima đã hội đủ tiêu chuẩn để trở thành một mạc khải tư có giá trị thực sự, vì hướng về chính Ðức Kitô.  Nhờ sứ điệp Fatima, tín hữu nhận ra Ðức Kitô hiện diện trong thời đại mình.  Nhờ tin tưởng như thế, chúng ta có thể hiểu những dấu chỉ thời đại và đáp ứng ngay.[5] 

Ðể củng cố cho Ba Mệnh Lệnh Fatima, hình như Mẹ Maria còn tìm cách “răn đe” qua những thị kiến kinh hoàng, gói gọn trong ba bí mật Fatima.   Phần I và II đặc biệt nói về cảnh khủng khiếp trong hỏa ngục, việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, Thế Chiến Thứ Hai, và sau cùng tiên báo về sự thiệt hại vô vàn nước Nga sẽ gây ra cho nhân loại vì từ bỏ niềm tin Kitô và đi theo thuyết Cộng sản toàn trị. Ðó là những thị kiến về tương lai thế giới. ÐGH Gioan Phaolô II đã quyết định công khai hóa phần III “bí mật Fatima.”   Theo đó, phải chăng nhân loại sắp bị hủy diệt hoàn toàn ?   

Chúng ta phải hiểu những hình ảnh răn đe đó theo nghĩa nào ?  Khi còn làm Bộ Trưởng Thánh Bộ Ðức Tin, ÐGH Bênêđictô XVI  đã có những giải thích tuyệt vời về các thị kiến đó.  Thiên thần cầm gươm lửa đứng  bên trái Thánh Mẫu Thiên Chúa nhắc lại những hình ảnh tương tự trong Sách Khải Huyền.  Ðó như những lời đe loi về ngày tận thế.  Thị kiến cho thấy ánh sáng huy hoàng của Thánh Mẫu Thiên Chúa đầy quyền năng chống lại lực lượng hủy diệt.  Nhờ đó, Mẹ kêu gọi mọi người sám hối.  Ðây là cách nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do con người : tương lai không phải là một sự kiện không thể thay đổi.  Thực vậy, toàn thể thị kiến muốn đem tự do vào toàn cảnh và đưa tới một chiều hướng tích cực.  Thị kiến mang ý nghĩa huy động các lực lượng  theo một chiều hướng đúng đắn.  Thị kiến muốn nói đến những nguy hiểm và chỉ lối thoát hiểm.  Bằng chứng cụ thể, ngày 13.05.1981, ÐGH Gioan Phaolô II bị mưu sát tại quảng trường thánh Phêrô.  ÐGH đã thoát chết.  Người tự giải thích tại sao mình sống sót : “… chính  tay một người mẹ đã hướng viên đạn đi nẻo khác và trong cơn xao động, Giáo Hoàng đã dừng lại trước ngưỡng cửa tử thần.”[6]  “Bàn tay một người mẹ” làm lệch hướng viên đạn định mệnh, cho thấy không có một định mệnh bất biến.  Ðức tin và lời cầu nguyện là những sức mạnh ảnh hưởng tới lịch sử.   Cuối cùng, lời cầu nguyện còn mạnh hơn những viên đạn và đức tin có sức mạnh lớn hơn các đạo quân.[7]  Ðó là lý do tại sao sau khi kêu gọi sám hối, Mẹ Fatima khuyên chúng ta lần hạt Mân Côi.

Như vậy, Mệnh Lệnh Fatima giúp chúng ta đạt đến sự bình an của Chúa.  Chỉ có bình an này mới làm cho chúng ta lớn lên trong đức tin, cậy và mến.  Ðó cũng là mục đích Mẹ nhắm tới khi hiện ra tại Fatima.  Mẹ luôn quan tâm tới đoàn chiên của Chúa.  Như bạn đời của Chúa Thánh Linh, Mẹ dạy chúng ta mọi điều và làm chúng ta nhớ lại những điều Chúa đã nói trong Tin Mừng (x. Ga 14:26).  Ðể cứu thế giới và nhất là để bảo vệ đoàn chiên Chúa, Mẹ không thể không lên tiếng để ngăn chặn chó sói đột nhập phá hoại đoàn chiên.

NHÌN VÀO ÐOÀN CHIÊN HÔM NAY

Mẹ Maria đã mạnh mẽ lên tiếng cảnh giác toàn thể đoàn chiên Chúa và đoàn con Mẹ trước những nguy cơ sắp tới.  Mẹ là hình ảnh tuyệt vời của Giáo hội.  Nếu Mẹ đã can đảm canh giữ đoàn chiên Chúa, tại sao Hàng Giáo Phẩm GHVN không noi gương Mẹ,  lên tiếng trước cảnh bầy chó sói đang cắn xé đoàn chiên ?

Ðoàn chiên Chúa ở Việt nam đang tan tác vì những “con chó Nhà Ðức Chúa Trời”[8] không dám sủa để báo động cả đoàn chiên trước nạn sói rừng.  Theo Cộng đồng Vatican II, Giáo hội là Dân Thiên Chúa, chứ không phải là Hàng Giáo Phẩm. Không thể đồng hóa Hàng Giáo Phẩm với Giáo hội !   Ðúng hơn, Hàng Giáo Phẩm cũng chỉ là những “con chó Nhà Ðức Chúa Trời”[9] !  Họ có trách nhiệm canh giữ đoàn chiên, chứ không phải đoàn chiên có bổn phận canh giữ các tòa nhà đồ sộ của họ. Trong hoàn cảnh đất nước đầy dẫy bất công và tràn ngập cảnh đàn áp nhân quyền, nhất là tự do tôn giáo, giáo dân chờ đợi những vị đại diện Giáo hội lên tiếng cho dân biết ý Chúa.  Nếu những “con chó Nhà Ðức Chúa Trời” không “sủa” đúng lúc, đoàn chiên biết chạy theo hướng nào và biết núp vào đâu ? 

Rất may, trong Giáo hội, bên cạnh hàng tư tế, còn có các ngôn sứ.  Các ngôn sứ có bổn phận đánh thức hàng tư tế và dân Chúa.  Xin đừng “thần thánh hóa” Hàng Giáo Phẩm quá đến độ “bịt miệng” các ngôn sứ.  Trong lịch sử Nước Chúa, dù biết thân phận mình luôn bị bách hại, các ngôn sứ vẫn không ngừng lên tiếng cảnh giác lương tâm hàng tư tế trước những đòi hỏi của Lời Chúa.  Nếu không được Lời Chúa nuôi dưỡng và soi sáng, chắc chắn dân Chúa không thể làm theo thánh ý Chúa và không thể tuân “giữ Lời Thày.” (Ga 14:24)  Hậu quả, họ sẽ không được “Cha Thày và Thày đến và ở lại” (Ga 14:23) với họ.  Như thế, làm sao họ tránh được cơn xao xuyến và sợ hãi ?  Làm sao họ vui được trước cảnh Thày ra đi ?  Vắng Thày, họ biết tin ai bây giờ ?

Lời Chúa vẫn thôi thúc các ngôn sứ nói lên những đòi hỏi của công lý.  Công lý đòi phải chu toàn bổn phận.  Chúng ta không thể là những con chó câm trong Nhà Ðức Chúa Trời !  Không bao giờ có thể quên được tiếng nói thân thương của Thày :  “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.  Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.” (Ga 10:11-13) 

Tiêu chuẩn duy nhất để phân biệt “mục tử nhân lành” với “người làm thuê” là sự hy sinh.  Khi mục tử không dám “hy sinh mạng sống mình,” đoàn chiên sẽ trở thành mồi ngon cho sói dữ.   Ðoàn chiên tan tác, “mục tử” sống với ai ?    Hậu quả khôn lường ! 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ Fatima hết lòng canh giữ đoàn chiên Chúa khỏi bày lang sói hôm nay.  Xin đừng để chúng con bịt miệng các ngôn sứ Chúa sai đến thời đại này.  Nhưng xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa từ nơi dân Chúa hầu có thể đồng cảm với họ.    Xin sai Thần Khí tới giúp chúng con trở thành những  mục tử dám dấn thân theo Ðức Kitô hiến cả cuộc đời tranh đấu để “trả lại tự do cho  người bị áp bức.” (Lc 4:19)  Amen.
----------

[1] Xin coi Pl 4:6,7 để biết thêm vê kinh nghiệm sự bình an của Thiên Chúa.

[2] Giáo Lý Công Giáo, số 66.

[3] Sđd, số 67.

[4] Ratzinger, J., Giải thích “bí mật” Fatima.

[5] sđd.

[6] ÐGH Gioan Phaolô II, 13.05.1994.

[7] Ratzinger, sđd.

[8] LM Nguyễn Hữu Thy, VietCatholicNews 04.05.2007.

[9] Sđd