Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

BÀI CHIA SẺ VỀ LỄ TRUYỀN TIN

Vì yêu dấn thân bước trao ban

Tác giả Anthony Hoàng

Ca dao Việt Nam có câu: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sống cũng lội, mấy đèo cũng qua”, và khi yêu nhau thật sự thì dù có những bất xứng như thế nào người ta cũng tìm cách để làm cho nên cân xứng, tốt đẹp: “Yêu nhau đắp điếm mọi đàng, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Có lẽ chỉ trong biến có truyền tin hôm nay, chúng ta mới thấy được những câu ca dao này hiện thực nơi mối tình của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Sau khi nguyên tổ phạm tội, người ta thường cho rằng nhân loại mòn mỏi đợi trông Chúa Cứu Thế. Nhưng thực ra, Thiên Chúa còn trông chờ giờ phút giao duyên đó hơn con người gấp bội, để từ đó Ngài đem tình yêu phủ đầy trái tim trống vắng của nhân loại.

Nếu tính theo lịch sử của Kinh Thánh được viết ra, thì khoảng 4000 năm từ khi lời Thiên Chúa nói với con rắn và cũng là lời hứa cho Nguyên Tổ Adam – Eva: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy” (St 3,15), Thiên Chúa luôn theo bước loài người để chờ giây phút tỏ bày tình yêu đó. Nhưng nhân loại như một thiếu nữ xấu xa nhưng lại đỏng đảnh, lẳng lơ, luôn chạy xa Thiên Chúa: Từ Cain giết Abel, đến Giacob – Esau lừa đảo nhau, kế đó, anh em nhà Giacob bán Giuse, rồi nữa, Nam Bắc Israel phân tranh nhau... Nói chung, Israel tượng trưng cho nhân loại, luôn phạm tội chống lại Thiên Chúa và xâu xé lẫn nhau. Dẫu thế, Thiên Chúa vẫn như một gã si tình, cứ chạy theo nhân loại để chờ cơ hội biểu tỏ tình yêu. Thiên Chúa chờ một tấm lòng tuyệt trong tuyệt sạch để Ngài phái gửi Ngôi Lời, Con của Ngài đến làm người, để yêu để thương nhân loại - thụ tạo thấp hèn so với vị trí cao vời của của Thiên Chúa. Thiên Chúa chờ loài suốt 4 thế kỷ theo dòng lịch sử Do-thái và chờ đợi cả hàng triệu năm theo lịch sử của khoa học ngày nay, cho đến khi, Ngài thấy một thiếu nữ Israel, quê ở Nazareth, tên là Maria. Một thiếu nữ mà thiên thần đã phải nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28). Một thiếu nữ, mà đời sống thánh thiện đến nỗi trong trái tim không thiếu một ân sủng nào của Thiên Chúa, thì thật xứng đáng làm Đấng cưu mang Con Thiên Chúa!

Yêu nhau mấy núi cũng trèo; yêu nhau, hàng trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng. Nhiều lần nhân loại đã bội phản tình yêu, đã chối từ Thiên Chúa, đã quay đầu đi theo sự mời mọc, dụ dỗ của ma quỷ. Nhân loại bao lần chìm đắm trong khổ sầu tục lụy nhục dục, ích kỷ, hận thù. Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, đã không thể kìm nổi trái tim của mình, Ngài quyết quên chính địa vị tối cao của mình, quên đi sĩ diện của một Thiên Chúa để đến làm một phàm nhân. Sách tiên tri Isaia có lần nói: Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng loài người bấy nhiêu (x. Is 55,9). Nếu tư tưởng khác biệt như thế, thì phẩm vị cũng vậy. Trong vũ trụ mà có những hành tinh từ trái đất chúng ta đến đó phải đi cả hàng tỉ năm ánh sáng mới tới, mà ngôi sao đó vẫn chưa phải là chóp đỉnh của trời cao, chưa phải là vành rìa của vũ trụ, càng cho thấy phẩm vị của Thiên Chúa cách biệt muôn trùng với phẩm vị của con người. Ấy thế mà Thiên Chúa đã chấp nhận làm một phàm nhân bình thường nơi thôn xóm Nazareth để ở cùng nhân loại. Nhiệm mầu làm sao ai mà hiểu được! Có lẽ vì thế mà thi sĩ tài hoa Hàn Mạc Tử đã thốt lên:

Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú ?
Người có nghe náo động cả muôn trời ?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, -- bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh ?

Một đế vương hạ mình yêu một thôn nữ, một minh tinh màn bạc mà yêu một gái quê đã là việc hết sức xôn xao trong thiên hạ, hết sức ngỡ ngàng cho muôn dân. Ấy thế, Thiên Chúa tối cao, Đấng chí tôn chí thánh, Đấng tự hữu đến mang thân xác phàm nhân để yêu một nhân loại tội lỗi, thụ tạo của mình. Quả tình yêu là một mầu nhiệm mà chỉ có trời mới có thể giải thích nổi, đúng như vị thi sĩ họ Nguyễn tên là Trong Trí nói:

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu rung trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu ...

 Mong ước của những người yêu nhau đích thực có lẽ chẳng gì khác hơn là được ở cùng nhau, sống bên nhau, và vì thế, khi Thiên Chúa làm người, thì nói như tiên tri Isaia: con người được hạ sinh bởi một trinh nữ có tên là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng (x. Is 7,14).

Nhưng Thiên Chúa ở cùng không phải là để cho mình được nhận lãnh tình yêu của nhân loại, mà là để cho nhân loại được dư đầy sự sống và hạnh phúc của Người, như thư gửi tín hữu Do Thái nói: “Trước hết, Ðức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Ðức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.”

Tình yêu đền đáp tình yêu. Thiên Chúa đã yêu nhân loại bằng mối tình muôn thưở (x.Gr 31,3). Trong mối tình dọc dài thời gian đó, đã có một người đáp trả, có thể nói trọn vẹn nhất, mà hôm nay chúng ta được chiêm ngắm: Đức Maria. Mẹ đã đáp trả và Mẹ đã ngập tràn hạnh phúc; Mẹ đã đi vào vĩnh cửu trong vương quốc tình yêu. Ước mong sao đàn con của Mẹ, theo quy luật “Mẹ nào con nấy”, cũng dám đáp trả tình yêu của Thiên Chúa với trái tim trong sáng và quảng đại nhất, để tình yêu của nhân loại cũng được nối kết với tình yêu bất tử của Thiên Chúa, hầu mỗi người đi vào vĩnh cửu tình mến và thế giới bất hoại muôn đời.