Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở lại trang

BÀI SUY NIỆM LỄ MẸ NÚI CAMÊLÔ

Ý Nghĩa Áo Đức Bà
 Kim Hà

Các dấu chỉ trong đời sống

 Thế giới chúng ta đang sống có rất nhiều sự vật mang ý nghĩa biểu tượng: ánh sáng, lửa, nước,…Cũng vậy, trong đời sống hằng ngày, những cảm nghiệm trong tương quan giữa con người với nhau cũng được diễn đạt và biểu tượng qua những thực tại thâm sâu hơn như ăn chung (dấu chỉ của tình bằng hữu), tham gia diễu hành (dấu chỉ sự đoàn kết), tham dự một buổi lễ của dân tộc (dấu chỉ của căn tính).

Chúng ta cần các dấu chỉ và biểu tượng để giúp chúng ta hiểu được những gì đang diễn ra ở hiện tại, hoặc trong quá khứ, làm ta ý thức mình là ai trong tư cách cá nhân và tập thể.

Các dấu chỉ trong đời sống Kitô giáo

Chúa Giêsu là dấu chỉ tuyệt vời và là quà tặng vô biên của tình yêu Chúa Cha. Chúa Giêsu đã thiết lập Hội Thánh như dấu chỉ và khí cụ của tình yêu Người. Đời sống Kitô giáo cũng có dấu chỉ. Chúa Giêsu đã dùng bánh, rượu và nước để giúp ta hiểu những điều cao hơn mà chúng ta không thể thấy, không thể tiếp xúc được.

Trong cử hành Thánh Thể và các bí tích (rửa tội, thêm sức, giải tội, hôn phối, truyền chức, xức dầu bệnh nhân), các biểu tượng (nước, dầu, đặt tay, nhẫn) tất cả mang ý nghĩa riêng và đưa chúng ta vào trong tương giao với Thiên Chúa, Đấng hiện diện qua các bí tích.

Như các dấu chỉ trong phụng vụ, Hội Thánh còn có các dấu chỉ khác liên quan đến biến cố, đến truyền thống hoặc một nhân vật nào đó. Một trong những dấu chỉ ấy là Áo Đức Bà Núi Cát Minh.

Một trong các dấu chỉ trong truyền thống Giáo Hội từ nhiều thế kỷ qua là Áo Nâu Đức Bà Núi Cát Minh. Đây là một dấu chỉ được Giáo Hội phê chuẩn và Dòng Cát Minh đón nhận như một dấu chỉ thể hiện lòng mến dành cho Mẹ Maria, thể hiện sự tín thác mà những người con đặt nơi Mẹ, và sự dấn thân sống như Mẹ.

Chữ “áo” nói lên một dạng trang phục mà các vị tu sĩ mặc trong lúc làm việc.

Thời gian trôi đi, người ta bắt đầu thêm vào đó ý nghĩa biểu tượng: vác thánh giá mỗi ngày như các môn đệ và những người đi theo Chúa Kitô. Một vài Dòng tu, như Dòng Cát Minh, Áo Đức Bà trở nên dấu chỉ của một lối sống. Áo Đức Bà biểu tượng cho sự dâng hiến đặc biệt của tu sĩ Cát Minh dành cho Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, và diễn tả niềm tín thác vào sự chở che từ mẫu của Mẹ cũng như ước ao sống như Mẹ đã dấn thân vì Chúa Kitô và vì người khác. Thế nên, áo Đức Bà trở thành dấu chỉ về Đức Maria.

 Từ Dòng Tu đến với Dân Chúa

Thời Trung Cổ, nhiều Kitô hữu muốn được liên đới với các Dòng thành lập trong thời gian đó: Phanxicô, Đa Minh, Augustinô và Cát Minh. Các nhóm giáo dân bắt đầu xuất hiện những hội đoàn như huynh đoàn và liên đoàn.

Tất cả các Dòng muốn trao cho giáo dân một dấu chỉ chứng nhận sự gia nhập và thông phần trong tinh thần và tác vụ của Dòng. Dấu chỉ thường là một phần của áo dòng: áo choàng, dây thắt, Áo Đức Bà.

Với các tu sĩ Cát Minh, việc gia nhập giáo dân bắt đầu khi một mẫu Áo Đức Bà nhỏ được chấp nhận như dấu chỉ thuộc về Dòng và diễn tả linh đạo của Dòng.

 Áo Đức Bà có nguồn gốc từ trong truyền thống của Dòng, được xem như là dấu chỉ của sự chở che từ mẫu của Mẹ Maria. Thế nên, Áo Đức Bà có một ý nghĩa thiêng liêng lâu đời từ nhiều thế kỷ đã được Hội Thánh Công Giáo phê chuẩn:

- Áo Đức Bà biểu lộ sự dấn thân theo Đức Giêsu như Mẹ Maria, người mẫu mực nhất trong các môn đồ của Chúa Giêsu. Sự dấn thân này bắt nguồn từ phép Rửa Tội, là bí tích làm cho chúng ta trở nên con cái Chúa. Đức Trinh Nữ Rất Thánh dạy chúng ta:

· mở lòng ra với Chúa, với thánh ý Ngài tỏ hiện qua các biến cố cuộc sống;

· lắng nghe Lời Chúa trong Phúc Âm và trong đời sống, tin tưởng và thực thi những đòi hỏi của Lời Chúa;

· cầu nguyện không ngừng: như là một lối sống tìm kiếm sự hiện diện của Chúa trong tất cả những gì đang xảy ra chung quanh;

· sống tương quan với người khác, để tâm đến nhu cầu của họ.

- Áo Đức Bà nối kết ta với Dòng Cát Minh, một cộng đoàn tu sĩ nam nữ tồn tại trong Hội Thánh hơn tám thế kỷ qua. Áo Đức Bà luôn mời gọi ta sống lý tưởng của gia đình Cát Minh: sống tương quan mật thiết với Chúa trong cầu nguyện.

- Áo Đức Bà nhắc nhở ta mẫu gương của các thánh Cát Minh, những người mà chúng ta gắn bó gần gũi như anh chị em.

- Áo Đức Bà diễn tả niềm tin tưởng rằng chúng ta sẽ được gặp Chúa trong sự sống vĩnh hằng mai sau nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria.

 Một số quy tắc thực hành:

- Áo Đức Bà chỉ được trao một lần duy nhất, do một vị linh mục hoặc một người được ủy quyền.

- Sau khi nhận áo, có thể thay Áo Đức Bà bằng một tượng với một mặt có hình Thánh Tâm Chúa Giêsu và mặt kia có hình Đức Mẹ.

- Áo Đức Bà buộc chúng ta phải sống như những Kitô hữu đích thực theo giáo huấn Phúc Âm, phải nhận lãnh các bí tích, phải chứng tỏ lòng sùng kính đặc biệt của chúng ta dành cho Đức Trinh Nữ. Lòng sùng kính này phải được biểu lộ mỗi ngày, ít là đọc ba kinh Kính Mừng.

Nghi thức trao Áo Đức Bà (ngắn)

Hãy nhận lấy Áo Đức Bà này, dấu chỉ của sự gắn bó đặc biệt giữa con với Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà con nguyện bắt chước. Xin cho Áo Đức Bà nhắc con nhớ phẩm vị người Kitô hữu của mình qua việc phục vụ người khác và bắt chước Mẹ Maria.

Hãy mang Áo Đức Bà này như dấu chỉ được Mẹ che chở và dấu chỉ thuộc về Gia Đình Cát Minh, thành tâm thực thi ý Chúa và dấn thân xây dựng thế giới đại đồng, công lý và hoà bình trong kế hoạch của Chúa.

Áo Đức Bà

không phải là:

- lá bùa hộ mệnh

- bảo đảm chắc chắn cho ơn cứu độ

- lý do để miễn sống những đòi hỏi của đời sống Kitô hữu

là dấu chỉ:

- được Giáo Hội chuẩn nhận từ bảy thế kỷ qua

- diễn tả quyết định đi theo Đức Giêsu như Mẹ Maria, Đấng đã:

· mở lòng ra với Chúa và thánh ý Người

· được lòng tin, cậy và mến hướng dẫn

· sát cánh với những nhu cầu của người khác

· cầu nguyện liên lỉ

· khám phá sự hiện diện của Chúa trong những gì xảy ra xung quanh

- giới thiệu giáo dân vào trong Gia Đình Cát Minh

- hướng về niềm hy vọng được diện kiến Chúa trong cuộc sống vĩnh hằng nhờ sự trợ giúp, che chở và chuyển cầu của Mẹ Maria.