BÀI SUY NIỆM VỀ ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG
ĐỨC MARIA TRINH NỮ VƯƠNG Sưu tầm Vào đầu thế kỷ thứ I, nước ta còn bị lệ thuộc nhà Đông Hán (25-220) bên Trung Hoa, Thái thú Giao Chỉ là Tô Định vô cùng bạo ngược, làm lắm điều tàn ác, người người oán hận. Chính sách ngoại biên của nhà Hán với nhiều luật lệ ngặt nghèo, khắt khe đã khơi dậy ngọn lửa oán hờn trong lòng dân nước Việt. Trưng Trắc sinh năm Giáp Tuất (năm 14 sau Tây Lịch), quê ở Mê Linh (Yên Lãng, Phúc Yên nay thuộc vùng Hạ Lôi, Yên Lãng, Vĩnh Phú). Cha là Trưng Định, làm quan Lạc Tướng ở huyện Mê Linh. Mẹ là bà Man Thiên, tức Trần Thị Đoan, dòng dõi Hùng Vương. Thi Sách và Trưng Trắc cùng chung chí hướng, tài giỏi võ nghệ, tâm đầu ý hợp nên kết nghĩa phu thê. Năm 39, Tô Định giết Thi Sách. Vừa giận thù nhà, vừa hận nợ nước, nên Trưng Trắc cùng với em là Trưng Nhị chiêu binh mãi mã phất cờ khởi nghĩa đánh quân nhà Hán. Sau khi làm lễ để tang chồng, Trưng Trắc thảo tờ hịch kể tội ác của quân nhà Hán và kêu gọi dân chúng đứng dậy chống giặc thù để phổ biến khắp nơi. Dưới bóng cờ nương tử, nghĩa binh Mê Linh phá quận trị Giao Chỉ của nhà Hán, ngày càng có thêm nhiều đoàn quân từ các nơi đổ về dưới bóng cờ khởi nghĩa nhằm tiêu diệt quân xâm lăng. Chẳng bao lâu, quân của Hai Bà Trưng đã đánh hạ được tất cả 65 thành, Tô Định khiếp sợ, chạy về Nam Hải chịu tội với vua Hán. Tin thắng trận bay đi, nhân dân các quận Hợp Phố (Quảng Đông ngày nay), Cửu Chân và Nhật Nam (Bắc Việt và Bắc Trung Việt ngày nay) hưởng ứng rất đông theo tiếng gọi của hai vị nữ anh thư. Thanh thế của lực lượng khởi nghĩa thật lừng lẫy. Trưng Trắc lên ngôi vua, tự xưng là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh chấm dứt 150 năm Bắc thuộc lần thứ nhất (111 trước Tây Lịch đến 39 sau Tây Lịch). Trưng Trắc lên ngôi vua, phong cho Trưng Nhị làm Bình Khôi Tướng Quân, nắm giữ toàn thể quân lực. Việt Nam ta có Trưng Nữ Vương, vị vua nữ giới đầu tiên của lịch sử nước Nam đã làm rạng danh cho đất nước, dân tộc. Người Kitô hữu cũng có một vị vua nữ, cũng thống lĩnh Giáo hội, cai quản mọi linh hồn, giúp các thần dân đánh đuổi 3 thù : ma quỷ, thế gian, xác thịt; nhưng không phải bằng sức mạnh trần thế mà bằng tình thương vô bờ bến. Người nữ ấy có tên là MARIA. Vào thế kỷ thứ tư, Thánh Ephrem gọi Ðức Maria là Hoàng Hậu và sau đó các Giáo Phụ cũng như các Tiến Sĩ Hội Thánh tiếp tục dùng danh xưng này. Các thánh thi từ thế kỷ 11 cho đến 13 đề cập đến Ðức Maria như một hoàng hậu: "Kính mừng Hoàng Hậu Thánh Thiện," "Kính mừng Hoàng Hậu Thiên Ðàng." Tràng hạt dòng Ðaminh và dòng Phanxicô cũng như biết bao lời cầu khẩn Ðức Maria trong kinh nguyện đều mừng kính tư cách nữ vương của Ngài. Mãi đến ngày 1/11/1954, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã làm một cử chỉ long trọng đặt triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ Maria và công bố Đức Mẹ là TRINH NỮ VƯƠNG và truyền mừng lễ này vào ngày 22/8 hằng năm. Đức Thánh Cha có ý tôn vương Mẹ làm Nữ Vương để xin Mẹ cai quản Giáo hội và mọi quốc gia và để nhờ Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho mọi tín hữu trên khắp hoàn cầu. Trên môi miệng những người tín hữu chúng ta vẫn thuộc nằm lòng những câu kinh : “Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.Thân lạy Mẹ chúng con, con cháu Eva ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương, hỡi ơi ! Bà là Chúa bầu chúng con. Xin ghé mặt thương xem chúng con…” lược dịch từ bài bình ca bất hủ bằng tiếng La tinh : “Salve Regina…” đã tỏ hiện lòng xác tín của những con dân tin tưởng vào sự cầu bầu của Mẹ trước ngai toà Chúa. Nhận Đức Maria làm nữ vương của lòng mình, chúng ta phải sống sao cho xứng đáng một thần dân của Mẹ : biết vâng lời Mẹ, sống hết mình với Mẹ, hy sinh vì Mẹ có như thế chúng ta mới mong có được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên Thiên Đình cùng với Mẹ. Lạy Mẹ Maria, chúng con xin lập lại 3 lần câu : “Nữ Vương ban sự bằng yên – cầu cho chúng con” để xin Mẹ hãy ban cho thế giới này không còn chiến tranh, cho xã hội này không còn tranh giành, cho mỗi gia đình không còn cảnh xào xáo và cho mỗi tâm hồn có được sự bình yên của Chúa. |