Tông Huấn - Người Trông Nom Đấng Cứu Thế |
QUAN THẦY HỘI THÁNH NGÀY NAY |
§ Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị |
28. Vào một thời kỳ khó khăn trong lịch sử Giáo Hội, Đức Thánh Cha Piô IX vì muốn đặt Giáo hội dưới sự bảo trợ uy quyền của thánh Tổ phụ Giuse, nên đã công bố Người là “Quan thầy của Giáo hội Công Giáo”. (42) Đối với Đức Piô IX thì đây không phải là một việc dư thừa, bởi dựa vào phẩm giá cao vời Thiên Chúa đã ban cho người tôi tớ tín trung nhất là thánh Giuse, mà “Giáo Hội luôn trọng kính, ca tụng, cầu Người cứu giúp giữa những điêu linh, chỉ sau hiền thê Người là Đức Trinh nữ được chúc phúc”. Lý do nào dẫn tới sự tín nhiệm lớn lao ấy? Đức Lêô XIII đã giải thích điều này như sau: “Chính vì Thánh Giuse đã là hôn phu của Đức Maria và là cha nuôi của Chúa Giêsu, mà Giáo hội nhận Người làm Quan thầy đặc biệt, và rồi từ đó, Giáo hội hy vọng tràn trề vào sự chăm sóc và bảo trợ của Ngài... Xưa kia, thánh Giuse làm giám hộ hợp pháp và tự nhiên của Thánh gia, là gia trưởng và người bảo vệ...Phẩm giá của Thánh Giuse quả xứng hợp và thích đáng để, như trước đây Người đã một lần không ngừng chăm nom gia đình Nagiarét, thì nay từ trời cao Ngài tiếp tục che chở và bảo vệ Giáo hội Chúa Kitô như vậy”. 29. Giáo Hội phải năng khẩn cầu sự bảo trợ luôn luôn cần thiết này, không chỉ để bảo vệ chống mọi nguy hiểm, mà tiên vàn là thúc đẩy Giáo hội đổi mới quyết tâm dấn thân vào việc truyền giáo khắp thế giới và tái truyền giáo trên những mảnh đất và quốc gia – như Tôi đã viết trong Tông Huấn Christideles Laici – nơi mà “trước đây đạo giáo và sức sống Kitô giáo đã hưng thịnh... mà nay đang gặp thử thách nặng nề”. (45) Để mang đến lời rao giảng lần đầu tiên về Chúa Kitô, hay công bố lại ở nơi hững hờ hay chốn đã lãng quên, Giáo Hội cần đến “quyền năng đặc biệt từ trời cao ban xuống” (cf. Lk 24,49; Cv 1,8): đó chính là ân huệ của Chúa Thánh Thần, một ân huệ từng được liên kết với lời cầu bầu và đời sống gương mẫu của các Thánh. 30. Ngoài việc tin tưởng vào sự bảo vệ chắc chắn của Thánh Giuse, Giáo Hội còn tin tưởng vào gương mẫu cao quý của Ngài, một mẫu gương siêu vượt trên mọi bậc sống cá nhân và dùng làm mẫu mực cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu noi theo, dù ở bất kỳ hoàn cảnh hay chức vụ cá biệt nào. Như Công Đồng Vatican II đã đề cập đến trong Hiến chế về Mạc Khải thái độ căn bản của toàn thể Giáo Hội phải là “nghe lời Chúa với niềm kính trọng”, (46) là tuyệt đối sẵn sàng trung tín phục vụ ý muốn cứu chuộc của Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Kitô. Ngay lúc khởi đầu của công trình cứu rỗi nhân loại, sau Đức Maria, chúng ta tìm thấy một mẫu gương vâng lời hoá thân nơi Thánh Giuse, một người được tiếng là luôn thi hành trọn vẹn mệnh lệnh của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã mời gọi chúng ta khẩn cầu sự bảo trợ của Thánh Giuse “như Giáo Hội thường làm trong thời gian gần đây, trước hết cho chính mình, với suy tư thần học tự phát về sự liên kết giữa hành vi thần linh và hành vi nhân linh trong nhiệm cục Cứu chuộc cao cả, trong nhiệm cục ấy, hành vi thứ nhất – hành vi thần linh thì toàn toàn tự đầy đủ, trong khi hành vi thứ hai- hành vi nhân linh – là hành vi của loài người chúng ta, tuy bất túc (x. Ga 15,5), nhưng cũng không được miễn chước mà phải góp phần cộng tác tuy khiêm nhường nhưng cần thiết và cao cả. Giáo Hội cũng nguyện xin Thánh Giuse làm Người Chăm Nom lòng ao ước sâu xa và luôn.... phục hồi sức sống của Giáo Hội ngày xưa với những nhân đức chiếu toả tin mừng được rạng ngời nơi Thánh Giuse”. (47) 31. Giáo Hội biến đổi những nhu cầu này thành kinh nguyện. Ý thức rằng Thiên Chúa muốn trao phó những giai đoạn đầu công cuộc cứu chuộc chúng ta cho Thánh Giuse chăm nom, Giáo Hội cầu xin Thiên Chúa ban ơn để được tín thành cộng tác vào công trình cứu chuộc; để Giáo Hội nhận được lòng tín thành và trái tim tinh tuyền vốn đã gây cảm hứng cho Thánh Giuse phục vụ Ngôi Lời Nhập Thể; và để Giáo Hội tiến bước trước mặt Chúa trong đường thánh thiện và công chính, noi gương thánh Giuse và qua lời cầu bầu của Người. (48) Một trăm năm trước, Đức Thánh Cha Lêô XIII đã khuyến khích thế giới Công Giáo cầu nguyện xin được sự bảo vệ của Thánh Giuse, Quan thầy của Giáo Hội. Tông thư Quamquam Pluries thỉnh cầu tới “tình phụ tử... dành cho Trẻ thơ Giêsu” của Thánh Giuse và phó thác nơi Người, như “một người bảo hộ được quan phòng để chăm lo Thánh Gia”, “cái di sản quí mến mà Chúa Giêsu Kitô đã mua bằng chính máu mình”. Kể từ đó – như Tôi đã nhắc lại ở đầu Tông huấn này - Giáo Hội đã cầu xin sự che chở của Thánh Giuse dựa trên căn bản của “mối giây liên kết thánh thiện của đức ái đã hiệp nhất Người với Trinh Nữ Vô Nhiễm Mẹ Thiên Chúa”, và Giáo Hội đã phó thác nơi Thánh Giuse hết tất cả mọi lo âu kể cả những hiểm nguy đang đe doạ gia đình nhân loại. Ngày nay, chúng ta có nhiều lý do để cầu nguyện tương tự: “Lạy Cha rất thương yêu! Chúng con xin người phá tan mọi sự dối trá cùng mọi tội lỗi..xin Người dủ lòng thương mà che chở chúng con đang khi chiến trận cùng kẻ thù tối tăm... Như xưa Người đã gìn giữ Đức Chúa Chúa Giêsu cho khỏi cơn hiểm nghèo thể nào, thì rầy chúng con cũng xin Người cứu chữa Hội Thánh, cho khỏi mắc mưu kẻ thù, cùng các sự gian nan khốn khó như vậy” (49). Ngày nay chúng ta vẫn còn có lý do để phó thác mọi người cho Thánh Giuse. 32. Nguyện vọng thâm sâu của Tôi là những tư tưởng trên đây về con người Thánh Giuse sẽ hâm nóng trong chúng ta niềm sùng kính sốt sắng mà Đấng Tiền Nhiệm của Tôi đã mời gọi một thế kỷ trước đây. Những lời cầu nguyện của chúng ta và chính con người của Thánh Giuse đã mang lại một ý nghĩa mới cho Giáo Hội trong thời đại chúng ta ngày nay dưới ánh sáng của Thiên Niên Kỷ Kitô thứ III. Công Đồng Vatican II đã giúp tất cả chúng ta một lần nữa quan tâm tới “những điều vĩ đại mà Thiên Chúa đã làm”, cùng với “nhiệm cục cứu rỗi” mà Thánh Giuse là một thừa tác viên đặc biệt. Vì thế chúng ta hãy phó thác chính mình để được Thánh Giuse chăm sóc, người mà Thiên Chúa tin tưởng phó thác “những kho tàng vĩ đại và quí báu nhất,” (50) đồng thời hãy học hỏi nơi Người cách làm đầy tớ phục vụ trong “nhiệm cục cứu rỗi”. Mong Thánh Giuse trở thành người thầy đặc biệt dạy chúng ta phục vụ sứ mạng cứu rỗi của Chúa Kitô, một sứ mạng mà mỗi người chúng ta và mỗi thành viên của Giáo hội đều có trách nhiệm: vợ, chồng, cha mẹ, những người sinh sống bằng lao động chân tay hay bất cứ công việc gì, những người được gọi vào đời sống chiêm niệm và những ai làm việc tông đồ. Con người công chính này, mang trong mình tất cả di sản của Cựu Ước, cũng đã được đưa vào thời ”khởi đầu” của Giao Ước Mới và Vĩnh cửu trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện xin Người sẽ chỉ cho chúng ta những lối đường của Giao Ước cứu rỗi này trong lúc chúng ta đứng trước ngưỡng của thiên niên kỷ kế tiếp, trong đó “sự viên mãn của thời gian” vốn thuộc về mầu nhiệm khôn tả của Ngôi Lời Nhập Thể phải được nối tiếp và phát huy không ngừng. Nguyện xin Thánh Giuse mang lại cho Giáo Hội và thế giới, cũng như mỗi người chúng ta, phúc lành của Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Công bố tại Đền Thánh Phêrô, Rôma, ngày 15 tháng Tám – Ngày kính trọng thể Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời – năm 1989, năm thứ 11 Giáo triều của Tôi. |