Thánh Giuse là một vị thánh âm thầm. Nhưng tại Giáo Hội
Việt Nam, Ngài rất được yêu mến với cái nhìn thân thương.
Thực vậy, trong Hội Thánh Việt Nam, thánh Giuse được tôn kính trong hầu
hết các nhà thờ, trong hầu hết các cộng đoàn, trong hầu hết các gia
đình. Ngài rất gần gũi với các tâm hồn, đặc biệt là với các thân phận
nghèo khổ bệnh tật, cô đơn.
Khi tình hình trở nên khó khăn, người công giáo Việt Nam hay chạy đến
thánh Giuse. Ngài luôn đáp trả rộng lượng những ai cậy tin Ngài, sẵn
sàng vâng phục thánh ý Chúa.
Nếu cần ca tụng thánh Giuse, tôi xin dựa vào kinh nghiệm riêng của tôi.
Quả thực, đời tôi đã trải qua nhiều chặng đường lịch sử phức tạp. Xét về
phương diện người được Chúa sai đi phục vụ Hội Thánh, cuộc đời của tôi
đến nay có thể coi là khá dài. Cuộc đời đó luôn như trên đường mạo hiểm,
với những khúc lầy lội, tăm tối, hiểm nguy.
Biết mình được sai đi với sứ mạng phục vụ Tin Mừng, nên trong bất cứ
hoàn cảnh nào, tôi hay cầu xin thánh Giuse thương giúp đỡ tôi. Ơn tôi
thường tha thiết nài van là ơn khôn ngoan.
Xưa thánh Giuse đã bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ một cách khôn ngoan. Nay
xin Ngài cũng thương giúp tôi biết phục vụ Hội Thánh một cách khôn
ngoan.
Thánh Giuse nhậm lời tôi. Ơn khôn ngoan, mà tôi cảm nhận đã được phần
nào nhờ sự cầu bầu của thánh Giuse, có thể tóm tắt vào một điều. Điều đó
là: Hãy vâng phục thánh ý Chúa.
Theo Ngài, vâng phục thánh ý Chúa là một ơn Chúa ban. Nó không dựa trên
lý luận, nhưng dựa trên một xác tín về liên hệ thân mật giữa Chúa và kẻ
được Chúa thương yêu.
Khi đi vào cụ thể, xác tín đó được nổi bật lên trong những điểm sau đây:
1/ Nhận biết Chúa Giêsu là quà tặng lớn nhất không gì sánh được
Thánh Giuse đã nhận thức được điều đó. Nên Ngài sung sướng phục vụ Chúa
Giêsu. Nhất là khi thánh Giuse được thiên thần cho biết Chúa Giêsu là
Emmanuel "Thiên Chúa ở cùng chúng ta." (Mt 1,23), "Chính Người sẽ cứu
dân Người khỏi tội lỗi của họ" (Mt 1,21).
Chúa Giêsu ở giữa dân Người một cách khiêm nhường và đầy chia sẻ. Như
tác giả thư gởi dân Do Thái sau này đã viết: "Vị thượng tế (Chúa Giêsu)
của chúng ta không phải là không biết cảm thương nỗi yếu hèn của chúng
ta. Vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng
không phạm tội." (Dt 4,15).
Không những Chúa Giêsu ở giữa loài người một cách khiêm nhường, mà còn
tự nguyện chịu mọi đau khổ vì loài người. Về điểm này, thánh Phaolô nói
một cách rất rõ ràng dứt khoát: "Hồi còn giữa anh em, tôi đã không muốn
biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu
đóng đinh vào thập giá." (1 Cr 2,2).
Thánh Giuse còn hơn thánh Phaolô trong sự gắn bó với Chúa Giêsu là tình
yêu Thiên Chúa cao cả, cho dù thánh Phaolô đã dám nói: "Tôi coi tất cả
là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu,
Chúa của tôi." (Pl 3,8).
Suốt đời tôi, tôi coi sự gắn bó mật thiết và tuyệt đối với Chúa Giêsu
chính là điều Chúa muốn để nên người khôn ngoan, nhất là trong lãnh vực
tu đức, mục vụ và truyền giáo.
Từ sự gắn bó với Chúa Giêsu, thánh Giuse đưa tôi đến một sự khôn ngoan
khác, đó là hãy theo gương Ngài biết sống đức ái với mọi chi tiết cao
đẹp.
2/ Biết sống đức ái với mọi chi tiết cao đẹp
Về điểm này, thánh Giuse cũng chẳng viết gì. Nhưng khi đọc thư thánh
Giacôbê, tôi thấy thánh tông đồ xem như nói thay thánh Giuse. Ngài viết:
"Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước hết là thanh
khiết, sau là hiền hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa
thơm trái tốt, không thiên vị cũng không giả hình." (Gc 3,17).
"Nếu trong anh em có sự ghen tương hay chua chát và tranh chấp, thì anh
em đừng có tự cao tự đại, nói dối, trái với sự thật. Sự khôn ngoan đó
không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian,
của con người tự nhiên, của ma quỷ.” (Gc 3,14-15).
Đời sống của thánh Giuse giữa những người xung quanh không những là hài
hoà, khiêm tốn, mà còn tích cực nâng Ngài lên thế giới các nhân đức cao
cả. Như bài ca đức ái của thánh Phaolô tông đồ đã diễn tả:
"Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu,
không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
không nóng giận, không nuôi hận thù.
Không mừng khi thấy sự gian ác,
nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả,
hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả." (1 Cr 13,4-7).
Những chi tiết cao đẹp trên đây nói về đức ái, khi áp dụng vào đời sống
của thánh Giuse, tôi có cảm tưởng là còn chưa đủ. Có được những tâm tình
tốt là điều hay, nhưng biết diễn tả những tâm tình tốt là một đòi hỏi
quan trọng. Thánh Giuse đã biết diễn tả khôn khéo, tế nhị những tâm tình
tốt đối với đủ mọi thứ người trong suốt cuộc đời bảo vệ Chúa Giêsu và
Đức Mẹ.
Đây là một ơn khôn ngoan, mà tôi thấy rất cần cho mọi người công giáo
nói chung, và các nhà truyền giáo nói riêng. Nhất là trong những hoàn
cảnh lịch sử phức tạp. Tôi thấy đôi khi chỉ một vài sơ suất nhỏ đã có
thể gây nên đại hoạ. Giống như một tàn lửa có thể gây nên một đám cháy
lớn. Thời sự hiện nay về nguy cơ nghi kỵ và xung đột tôn giáo là một
nhắc nhở về sự khôn ngoan đối xử trong việc diễn tả thái độ đối với
nhau.
Yếu tố sau cùng của ơn khôn ngoan nơi thánh Giuse là tỉnh thức và cầu
nguyện.
3/ Tỉnh thức và cầu nguyện
Phúc Âm nói rất ít về thánh Giuse. Nhưng có một điều chắc chắn đã giúp
Ngài chu toàn bổn phận bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Điều đó là tỉnh thức
và cầu nguyện.
Ngài biết mình mong manh, hoàn cảnh đời đạo phức tạp, ý Chúa nhiệm mầu,
biết được ý Chúa là điều không dễ, thực thi ý Chúa càng không dễ chút
nào. Nên Ngài coi việc tỉnh thức và cầu nguyện là điều cực kỳ quan trọng
cho ơn gọi của Ngài.
Mặc dầu chức cao quyền trọng, Ngài đã chọn cách sống âm thầm nghèo khó.
Sẽ không thể có lựa chọn đó, nếu Ngài không tỉnh thức và cầu nguyện.
Trong tỉnh thức và cầu nguyện của Ngài luôn có tạ ơn, xin ơn và phó thác
khiêm nhường. Còn đối với chúng ta, tỉnh thức và cầu nguyện còn đòi phải
thêm sám hối ăn năn.
Hơn bao giờ hết, Hội Thánh Việt Nam đang rất cần những vị lãnh đạo khôn
ngoan. Chúng ta tha thiết cầu xin ơn đó, đặc biệt trong tháng Ba này là
tháng kính thánh Giuse, Quan Thầy Hội Thánh Việt Nam. |