Hằng năm Giáo hội dành riêng tháng 3 để tôn kính Thánh Giuse và mời
gọi các Kitô hữu chiêm ngưỡng và học hỏi gương thánh nhân. Chúng ta
đang sống trong tâm tình của Năm Thánh Linh Mục, việc tôn kính này
lại mang nhiều ý nghĩa hơn, hầu giúp cho mọi người noi gương thánh
nhân để sống sứ mạng làm con cái Chúa và anh chị em với nhau và với
thụ tạo ngày một hoàn thiện hơn.
Các trang sách Tin Mừng ít ỏi đề cập đến thánh Giuse không hề thuật
lại cho chúng ta một lời nào của thánh nhân. Cuộc đời của thánh
Giuse là một tình yêu thầm lặng. Nhưng những gì ngài đã sống, đã
thực hiện trong vai trò một “người tôi trung” của Thiên Chúa, một
người cha, một người chồng trong Gia đình Nazarét, cũng đủ toát lên
một mẫu gương thánh thiện và công chính nơi ngài. Trong bài suy niệm
này, ch1ung ta cùng chiêm ngưỡng thánh Giuse như là “mẫu gương của
đời sống thánh hiến”.
Theo quan điểm thần học hiện đại, thì đời sống tu trì hay thánh hiến
là bước theo dấu chân của Đức Kitô sát hơn, hầu sống Giao Ước tình
yêu với Thiên Chúa. Việc dấn thân quyết liệt của người tu sĩ được
diễn tả trong lời tuyên khấn quen thuộc: “Tôi tuyên khấn cùng Thiên
Chúa, giữ đức Vâng phục, Khó nghèo và Khiết tịnh”. Nghóa laø yeâu
meán Thieân Chuùa vaø con ngöôøi: heát loøng “Khieát tònh”, heát
linh hoàn “Vaâng phuïc”, heát söùc mình “Ngheøo khoù”. (x. J.C.
Garcia Paredes, Đời tu, các lời khuyên Phúc Âm, Đỗ Ngọc Bảo chuyển
ngữ, 2007, tr 53). Đây cũng chính là những gì mà thánh Giuse đã sống
một cách sung mãn trước khi đời sống thánh hiến xuất hiện trong Giáo
hội.
Thánh Giuse sống vâng phục
Trong Tin Mừng Matthêu 1,19-20, thánh Giuse được trình bày như một
người “công chính”. Theo ý hướng của Tin Mừng thứ nhất thì từ “công
chính” ở đây được hiểu là lòng đạo đức được xây trên việc hoàn toàn
trung thành với Lề luật. Thực vậy, khi đọc lại các trình thuật về
thời thơ ấu của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy thánh Giuse là người
luôn luôn lắng nghe và luôn luôn đáp trả thánh ý Thiên Chúa, dù cho
đó là những điều mà Ngài không mong đợi. Chẳng hạn trong việc thánh
nhân, đang thắc mắc về sự mang thai của Maria, và ngài đã định tâm
lìa bỏ Maria cách kín đáo. Nhưng ngay sau đó, thánh Giuse đã nghe
lời sứ thần báo tin và mau mắn đón Maria về nhà mình. Rồi trong việc
đem Chúa Giêsu và Mẹ Maria trốn sang Ai Cập và trở về Nazarét, ngài
cũng cùng một sự vâng phục mau mắn như thế. Có lẽ hơn 30 năm trong
mái nhà Nazarét ngài cũng luôn lắng nghe thánh ý Chúa và đáp trả một
cách trung thành qua việc gìn giữ và bảo vệ Đức Maria và Chúa Giêsu,
nhất là trong việc nuôi dưỡng và giáo dục Hài Nhi Giêsu.
Sự vâng phục của thánh Giuse trước thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa
cũng như lời thưa “fiát” của Đức Maria đã phần nào thấm nhập vào đời
sống kinh nguyện và lời rao giảng của Đức Giêsu sau này. Chúa Giêsu
đã từng có một quyết định thể hiện sự vâng phục triệt để thánh ý
Chúa Cha trong lúc Ngài đau khổ, cảm thấy bị xao xuyến, bị bỏ rơi
trong Vườn dầu: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải
uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha."(Mt
26,40). Thư Do thái cũng đã diễn tả rất hay sự vâng phục của Chúa
Giêsu: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Ngài cũng đã phải trải qua nhiều đau
khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 6,8).
Tinh thần vâng phục của thánh Giuse, đươc thể hiện trong lời khấn
vâng phục của người tu sĩ hôm nay. Điều này Công đồng Vaticanô II
tái khẳng định: “Nhờ khấn giữ đức vâng lời, các tu sĩ tận hiến ý
muốn của mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó họ
được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách kiên trì và chắc chắn
hơn” (Perfectae Caritatis, số 14).
Tóm lại, Đời sống vâng phục của Thánh Giuse là sống cho Thiên Chúa,
và hiến dâng cuộc đời cho tình yêu và đức ái trọn hảo mà không so đo
hơn thiệt. Ngài đã chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa và đặt niềm tin
nơi một mình Thiên Chúa. Chính nhờ sự tuân phục này mà kế hoạch cứu
độ của Thiên Chúa được thực hiện và hậu quả của nó hẳn sẽ làm cho
đời sống của thánh Giuse thêm phong phú và hoàn thiện hơn, đồng thời
nó cũng mở ra với những chiều kích khác của cuộc sống tròn đầy.
Thánh Giuse sống khó nghèo
Nhìn vào cuộc sống của gia đình Nazarét, chúng ta thấy thánh Giuse
đã sống một cuộc sống khó nghèo về vật chất và tinh thần cùng với Mẹ
Maria và Chúa Giêsu.
Thực vậy, Chúa Giêsu không chọn cho mình một người cha giàu có,
nhưng Ngài đã chọn thánh Giuse một người thợ mộc nghèo, dân dã. Cảnh
nghèo này được thánh Luca mô tả qua trình thuật Giáng Sinh. Ở Bêlem
thánh Giuse không có đủ tiền để thuê phòng trọ cho Đức Maria, khi Mẹ
đến giờ mãn nguyệt khai hoa. Vì thế, Chúa Giêsu đã phải sinh ra ở
một nơi nào đó, bên vệ đường, nơi máng cỏ, trong gió sương vào mùa
đông năm ấy. Và có lẽ những năm tháng nơi ngôi làng Nazarét, gia
đình Thánh gia đã sống một cuộc sống thanh bần và lam lũ như bao
người dân bình dân khác. Ơ đó, thánh Giuse đã phải hy sinh lao nhọc
để đủ lương thực cho mẹ Maria và Chúa Giêsu. Là một người công
chính, chắc ngài cùng với Mẹ Maria cũng đã chia sẻ một cách quãng
đại cho những người nghèo khổ hơn mình. Điều mà sau này Chúa Giêsu
nói: “Cho thì có phúc hơn là nhận”. Một cuộc sống thành bần “đói cho
sạch, rách cho thơn” này đã ăn sâu vào trong lối sống của Đức Giêsu:
“Con chim có tổ, con chồn có hang, nhưng con người không có chỗ gối
đầu” (Lc 9, 58).
Nhưng điều đáng bàn hơn vẫn là cuộc sống khó nghèo tinh thần của
thánh Giuse. Ngài đã chấp nhận từ bỏ tất cả những kế hoạch riêng tư
của cuộc đời, để đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa, hiến thân phục vụ
chương trình cứu độ của Ngài. Giá trị của khó nghèo nơi cuộc đời
thánh Giuse là vâng Ý Chúa, sẵn sàng quên mình vì Chúa và người khác
qua sự sẻ chia cuộc sốngi, những ưu tư, những vui buồn với Mẹ Maria
và Chúa Giêsu. Nhờ thế, Ngài trở nên người giàu có về niềm vui, niềm
hạnh phúc. Đời sống khó nghèo của thánh Giuse thể hiện một đời sống
khó nghèo triệt để của Tin Mừng mà Chúa Giêsu sẽ rao giảng: “Phúc
thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ” (Mt 5,3).
Sư khó nghèo tuyệt thánh mà thánh Giuse đã sống được thể hiện nơi
lối sống của Đức Kitô từ hơn hai nghìn năm trước, nay lại được đông
đảo Kitô hữu bắt chước và noi theo. Điều đó thể hiện rõ trong giáo
huấn của Công đồng Vaticanô II: “Nghèo khó tuyên xưng rằng Thiên
Chúa là tài sản duy nhất và chân thật của con người. Được sống theo
gương Đức Kitô, Đấng vốn “giàu sang phú quý đã tự trở nên nghèo khó”
(2Cr 8,9), lời khấn thánh bần trở thành biểu tượng của sự trao ban
bản thân trọn vẹn mà Ba Ngôi đã trao ban cho nhau” ((Perfectae
Caritatis, số 13). Thánh Phanxicô Assisi thời Trung cổ là người chọn
sống khó nghèo triệt để theo tin Mừng, ngõ hầu trả lời cho thách đố
rao giảng Đức Kitô khó nghèo trong một Giáo hội giàu sang và trần
tục. Ngài là hiện thân của khó nghèo vui tươi và đã biến khó nghèo
thành trung tâm của linh đạo. Tài liệu Chung kết của Tổng Tu nghị
Dòng Phanxicô, năm 2009 cũng mời gọi các tu sĩ Phan sinh trở về
nguồn để sống tinh thần khó nghèo triệt để này: “Chúng ta đừng quên
rằng sự hèn mọn của chúng ta, lấy sự hèn mọm của Đức Kitô làm gương
mẫu […], phải được diễn ra thành những chọn lựa can đảm: những chọn
lựa đó đưa chúng ta đến chỗ “từ bỏ những địa vị trong xã hội và Giáo
hội, để với sự quyết tâm hơn, chúng ta chọn sống chiều kích bờ biên
của đời sống tu trì, và trãi nghiệm tình trạng bên lề xã hội như cốt
lõi của căn tính Phan sinh chúng ta” (Những người mang quà tặng Tin
Mừng, số 23).
Đời sống khó nghèo của thánh Giuse được thể hiện qua Giáo huấn và
cuộc đời của Chúa Giêsu và đến lượt những giá trị này trở thành
gương mẫu cho người tu sĩ hôm nay. Đó là tiêu chuẩn giúp chúng ta có
được đời sống nghèo khó thanh thoát và vui tươi, thoát ra khỏi những
bịn rịn về tiền bạc vật chất, nhưng biết quãng đại sẻ chia cho người
nghèo khổ. Hơn nữa, sống nghèo trong xã hội hôm nay là biết sống
trung thực với những giá trị Tin Mừng và can đảm đi ngược dòng với
những tiêu chuẩn, những mức thang giá trị của xã hội tiêu thụ (x.
Nguyễn Thái Hợp, Bước theo Đức Kitô, tr 181).
Thánh Giuse sống khiết tịnh
Nhìn vào các tượng thánh Giuse, chúng ta thấy ngài được phác hoạ như
cụ già, râu tóc bạc phơ, một tay bế Chúa Giêsu, tay kia cầm một
nhành huệ trắng. Có lẽ người ta muốn diễm tả sự đồng trinh của thánh
Giuse như một bông huệ trắng trong, thuần khiết. Hơn nữa, qua đó
người ta cũng muốn bênh vực cho sự đồng trinh của Đức Maria. Đây là
một truyền thống đạo đức tốt đẹp, chúng ta không muốn phủ nhận nó.
Nhưng trong thực tế chúng ta có thể tưởng tượng thánh Giuse là một
thanh niên đẹp trai, đạo đức và khoẻ mạnh. Một người như thế mới có
thể chăm lo cho đời sống của gia đình Nazarét, nhất là trong việc
bảo vệ và giáo dục Chúa Giêsu. Vậy, chúng ta lý giải thế nào về đời
sống khiết tịnh của thánh Giuse trong khi ngài vẫn sống trong môi
trường gia đình với vợ hiền và con ngoan như thế?
Thánh Inhatiô thành Antiôkia cho rằng: “Ma quỷ không hề biết về sự
trinh khiết, sự sinh con của của Đức Maria, cũng như về sự chết của
Chúa, ba mầu nhiệm này hoàn toàn nằm trong bí mật của Thiên Chúa”.
Cũng thể, ta có thể thêm một điều “Ma quỷ không hề biết về sự đồng
trinh của thánh Giuse. Đây cũng là bí mật của Thiên Chúa”. Nhưng
theo niềm tin truyền thống chúng ta biết được thánh Giuse có đời
sống trinh khiết.
Thánh Tôma Aqiunô đã lập luận rằng: Thánh Giuse được khỏi tội tổ
tông từ lòng mẹ. Còn thánh Têrêxa tiến sĩ thì nối:"Thánh Giuse trong
trắng tựa Thiên Thần, nên thiên Thần năng hiện đến cùng ông". Trong
kinh cầu thánh Giuse, giáo hội vẫn tuyên xưng ngài là “Quan thầy của
các kẻ đồng trinh”.
Thực tế, Giáo hội cũng chưa bao giờ định tín về sự đồng trinh của
thánh Giuse, nhưng nếu chúng ta xét xem một vị tiền hô của Chúa là
Gioan Tẩy giả với vinh dự giới thiệu Chúa Giêsu mà còn được Thiên
Chúa chuẩn bị từ lâu trong chương trình của Ngài, để cho thánh nhân
không vướng vấn tội lỗi, phương chi thánh Giuse là Cha nuôi Chúa
Giêsu, người sẽ được bồng bế, che chở, nuôi dưỡng Chúa Cứu Thế và Mẹ
thánh của Ngài? Chắc rằng Thiên Chúa đã chọn lựa cho con của mình
một người cha tốt lành thánh thiện và trinh sạch.
Theo quan niệm của một số tác giả ngày nay thì: Qua các biến cố
Giáng sinh của Chúa Giêsu, các thiên thần ca hát, các Đạo sĩ đến thờ
lạy, rồi khi dâng Chúa trong đền thờ, các ngôn sứ đã nói tiên tri về
Ngài…hẳn Đức Maria và thánh Giuse đã hiểu ra rằng trong Chúa Giêsu
sự phong phú của tình yêu hôn ước của các ngài đã tròn đầy vượt quá
mọi niềm mơ ước nhân loại.
Hơn nữa, chúng ta cũng phải cúi đầu trước quyền năng của Thiên Chúa,
vì ngài đã thực hiện một cách kỳ diệu nơi tình yêu của thánh Giuse
và Đức Maria. Để hôm nay, chúng ta luôn tin tưởng rằng “Đức Maria là
Đấng trọn đời đồng trinh”, và chúng ta cũng có thể nói và tin như
thế với trường hợp thánh Giuse, Cha nuôi Con Thiên Chúa. (x. Lucien
Deiss, Giuse Maria Giêsu, tr 54-55).
Với những ý kiến này, chúngg ta có thể nói tình yêu của thánh Giuse
dành cho Đức Maria là một tình yêu trinh sạch, vẹn toàn và vượt lên
trên mọi ham muốn của trần gian.. Và như thế nó trở nên lời tiên tri
về tình yêu vĩnh cửu tồn tại trong vương quốc Phục Sinh. Một tình
yêu không bao giờ biết đến nhục dục, nhưng chỉ biết đến những nụ hôn
của ân sủng. Một tình yêu không bao giờ chiếm hữu người yêu cho
riêng mình, nhưng chỉ là một sự hiến thân thuần tuý. Một tình yêu
canh giữ mọi phong phú của khác biệt giới tính và biến đổi chúng
thành những tặng ân của ân sủng.
Thực vậy, đời sống khiết tịnh của thánh Giuse là mẫu mực của tình
yêu cho đời sống thánh hiến hôm nay. Điều mà Chúa Giêsu đã nói “Ai
hiểu được thì hiểu”. Một tình yêu hiến thân cho Thiên Chúa “bằng một
con tim không chia sẻ”, để làm chứng cho Nước trời ở trần gian.
Tóm lại, thánh Giuse mãi là gương mẫu của đời sống thánh hiến, ngài
đã sống và tiên báo trước một lối sống theo các giá trị Tin Mừng,
điều mà về sau Chúa Giêsu đã sống, đã rao giảng và mời gọi các môn
đệ bước theo Ngài, để đạt đến sự trọn lành Phúc Âm.
Chúng ta cũng là những môn đệ của Đức Kitô, chúng ta tin rằng Ngài
cũng đã yêu thương và chọn gọi chúng ta làm môn đệ của Ngài. Và như
thế, chúng ta cũng đang mang trên cuộc đời chúng ta sứ mạng trở
thành dấu chỉ Nước Trời, dấu chỉ về niềm hy vọng Kitô giáo cho một
thế giới trần tục hóa và con người đang chìm trong sự vô vọng và bế
tắc.
Nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse, xin Chúa ban ơn, giúp sức cho
mỗi người trong chúng ta biết không ngừng noi gương thánh Giuse và
sống trung thành với những gì chúng ta đã cam kết trong bí tích
Thánh tẩy và trong lời khấn hứa với Thiên Chúa, hầu làm cho đời sống
của chúng ta luôn trổ sinh những bông hoa thánh thiện và lừng ngát
hương thơn cho Chúa và anh chị em xung quang chúng ta.