Tìm Hiểu Về
Thánh Giuse |
LỊCH SỬ TÔN KÍNH THÁNH GIUSE |
§ Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT |
1. Thời kỳ phôi thai Sự tôn kính Thánh Giuse có căn bản trong Phúc Âm, nhưng đã phát triển từ từ, khác nào hạt giống lâu năm mới thành cây cao bóng cả, che rợp cảnh vườn Giáo Hội. Giêsu-Maria-Giuse, ba Ðấng liên kết chặt chẽ với nhau theo mối quan hệ gia đình hết sức tự nhiên. Không thể nghĩ tới Con, tới Mẹ mà lại không nghĩ tới Cha được. Ngay từ những thế kỷ đầu, Giáo Hội đã công khai thờ kính Chúa Giêsu, Ðức Mẹ và các Thánh Tử Ðạo, còn Thánh Giuse, cứ theo các di tích sử, thì xem ra ít được chú trọng. Là vì ban sơ, Giáo Hội đang cần củng cố Thiên tính của Chúa Giêsu và sự đồng trinh của Mẹ Ngài. Lại cũng cần khuyến khích đức tin giáo hữu trong cơn bắt bớ bằng việc tôn kính các anh hùng tử đạo. Bởi thế, về địa vị Thánh Giuse, Chúa Quan Phòng còn muốn để lu mờ, cho các tín điều kia được nổi bật và in sâu trước đã. Tuy nhiên, có nhiều Giáo phụ thời đó như Gioan Kim Khẩu, Giêrônimô, Augustinô đã nhiệt liệt ca ngợi quyền cao chức trọng của Thánh Giuse trong bài giảng và văn phẩm của các ngài. 2. Thời kỳ phát triển Thế kỷ XII là thế kỷ đánh dấu sự thăng tiến của Thánh Giuse. Nhiều nhân vật có thế giá, nhất là Thánh Bênađô (1153) trong những bài giảng hùng hồn đã đề cao vai trò Thánh Giuse trong thời thơ ấu Chúa Giêsu, tuyên dương những vinh hiển và nhân đức của Ngài. Dòng Ða Minh với Thánh Thomas tiến sĩ (1274), và dòng Phanxicô đã góp một phần lớn vào phong trào sùng kính ấy. Thế kỷ XV, nhà thần học Gerson đọc một bài diễn văn hùng hồn tại Ðại Công đồng Constancia (1416) về quyền chức Thánh Giuse và đề nghị lập lễ kính Ngài, để xin ơn bình an cho Giáo Hội đang trong cơn khủng hoảng. Ðồng thời, Hồng y Phêrô Ailly xuất bản cuốn sách "Những vinh hiển và đặc ân của Thánh Giuse". Từ đó, lễ Thánh Cả được phổ biến trong Giáo Hội. Khắp Âu Châu, nhiều thánh đường được xây cất để kính Ngài. Thế kỷ XVI, Thánh Nữ Têrêxa tiến sĩ (1528) cải tổ dòng Cát Minh và dâng kính hầu hết các tu viện bà sáng lập cho Thánh Giuse . Ðồng thời, bà chép sách cổ vũ việc sùng kính Thánh Cả. Bà đáng được gọi là tông đồ số một của Ngài. Thế Kỷ XVII càng sáng lạn hơn nữa. Tại nước Pháp, Giám mục Bossuet (1704) đọc một bài diễn văn thời danh tán dương Thánh Giuse, gây ảnh hưởng lớn đến nỗi Ðức Urbanô VIII đã nâng lễ Thánh Giuse lên bậc lễ buộc trong nước Pháp. Tại nước Áo, vua Leopolđô (1677) tôn Thánh Giuse làm Đấng bảo trợ quốc gia và xin phép Ðức Giáo Hoàng cho lập lễ Hôn phối Thánh Giuse và Ðức Mẹ, hầu cảm tạ Thánh Giuse đã cho nhà vua sinh được con nối dòng là vua Giuse I, cũng như đã cứu thành Vienna khỏi quân Thổ Nhĩ Kỳ đánh phá. Nhưng thế kỷ XIX mới là đỉnh vinh quang của Thánh Giuse. Năm 1870, Ðức Piô IX, thể theo đề nghị của hàng giám mục thế giới đang nhóm họp Ðại Công Ðồng Vatican I, đã long trọng tôn phong Thánh Giuse làm Ðấng bảo trợ toàn thể Giáo Hội và truyền phải mừng lễ vào ngày 19-3 hằng năm cho trọng thể. Năm 1889, Ðức Lêo XIII ra một thông điệp thời danh, đáng gọi là Hiến chương Thần học, tuyên dương sự vinh hiển Thánh Giuse và truyền lấy tháng 3 làm tháng kính Ngài. Từ đó tới nay, sự sùng kính Ngài lan rộng khắp nơi, đến nỗi sau Ðức Mẹ thì chẳng có Ðấng Thánh nào sánh kịp.
3. Tại
Giáo hội Việt
Giáo hội Việt
Các nhà truyền giáo
đầu tiên đã tôn Ngài làm quan thầy nước Việt "Ngày 12-3-1627, lễ Thánh Gregoriô, tôi và thầy Antôn Marques xuống tàu tại Áo Môn để sang Ðàng Ngoài. Chúng tôi vượt biển, thuận buồn xuôi gió cho tới chiều ngày thứ bảy. Khi toan vào cửa, bỗng bão nổi lên với nhiều hình quái dị khiến mọi người kinh hãi. Nhưng qua hôm sau là lễ Thánh Giuse thì biển yên sóng lặng, hình quái gở đã biến đi, nên chúng tôi vào cửa bình an. Cửa ấy, dân địa phương gọi là cửa Bạng (Thanh Hoá), nhưng chúng tôi đặt tên là Cửa Thánh Giuse, hầu kính nhớ ơn Ngài đã phù hộ chúng tôi tới đó bình an". Năm 1678, Ðức Inôxentiô XI, theo đề nghị của các Giám Mục Truyền giáo phương Ðông, đã phong Thánh Giuse làm Thánh Bảo trợ nước Việt Nam và các nước lân cận. Nên các giáo hữu nước nhà càng có lý do mà tôn kính, cậy trông Ngài hơn nữa". Lạy Thánh Giuse rất đáng kính trọng, xin cầu cho chúng con. Theo http://ltpolycarp.com/htmlfiles/Giusefiles/Giuse-lichsuviectonkinh.htm |