Người khởi xướng việc tôn sùng Thánh Giuse trước tiên trong Giáo Hội là Đức Hồng Y Patricio Daily. Ngài đã chép nhiều sách để cổ võ cho mọi người thêm lòng tin tưởng và sùng kính Thánh Cả.
Thế kỷ thứ 15 ông Gerson Giám đốc Trường Đại học Paris, là một nhà Thần học lỗi lạc giữa thế kỷ, đã tiếp tục việc cổ động này. Một hôm trong Đại Hội nghị Constantinô, trước mặt đông đủ các vị Sứ thần Tòa thánh, các Thần học gia, các Luật gia .... Ông đã thuyết trình một bài rất hùng hồn về thế lực và lòng cha nhân lành của Thánh Giuse. Kết quả Hội Đồng đã tôn nhận Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ Đại hội.
Cũng vào thế kỷ thứ 15 cũng có cha Bernadin Dòng Phanxicô, một diễn giả thời danh, đã đi khắp nước Ý để cổ động mọi người đọc kinh cầu Thánh Giuse và lập đền thờ kính Ngài.
Đến thế kỷ thứ 16 có cha Isidere De Isolanis cũng thuộc Dòng Thánh Phanxicô và bà Thánh Têrêsa Mẹ cổ động lòng sùng kính Thánh Cả. Bà Têrêsa đã dùng chính đời sống mình để làm gương khuyến khích các chị em trong Dòng. Bà hãnh diện nói rằng :"Chưa bao giờ tôi kêu cầu Ngài mà Ngài không giúp đỡ tôi. Nhất là việc nhờ sửa lại Dòng Kín". Cha Olie (1608-1658) viết :"Thánh Giuse là vị Thánh mà trên trời Chúa đã ủy nhiệm đích thị việc săn sóc các linh hồn".
Giáo hội cũng cậy nhờ vào sự phù trợ của Thánh Giuse mà nhiều sự khốn khó được vượt qua một cách dễ dàng. Giáo Hội sau nhiều lần chiến thắng đã truyền dùng cả Tháng Ba để tôn kính và tạ ơn Ngài. Lại khuyên mọi giáo hữu đọc kinh cầu Thánh Cả, để xin Người tiếp tục gìn giữ Giáo Hội.
Cuối Thế kỉ 19, Ngày 1 tháng 5, Đức Giáo Hoàng Lêô 13 và Đức Giáo Hoàng Piô 11, cũng cổ động lòng tôn sùng Thánh Giuse dưới tước hiệu Thánh Giuse Gương Mẫu Đời Lao Công. Sau nữa Đức Thánh Cha Piô 12 đã nhuận thấm tinh thần Thánh Giuse vào con người lao động để đặt Thánh Giuse làm chủ các gia đình, để mọi người noi theo gương lành của gia đình Nazareth hầu đáng được Người che chở.
Những việc làm kính Thánh Cả:
Thực hành:
1. Hằng ngày : Sáng sớm khi thức dậy, ta cung kính kêu tên cực trọng Giêsu-Maria-Giuse và dâng mình cho ba Đấng. Thế rồi khi cầu nguyện, lúc làm việc, ta năng nâng tâm hồn lên cùng Thánh Cả, nhất là lúc gặp khó khăn hoặc cơn cám dỗ. Trong ngày hãy đọc một kinh kính Thánh Cả và nếu có thể thì đọc thêm 7 kinh Lạy Cha, 7 kinh Kính Mừng, kính nhớ 7 sự vui mừng và đau khổ của Ngài. Ban tối trước khi đi ngủ kêu ba tên cực trọng và xin Thánh Cả ban ơn chết lành.
2. Hàng tuần : Trong ngày Thứ Tư kính Thánh Cả, ta hãy làm thêm việc lành như đọc thêm kinh, đọc sách về Thánh Cả và từ bỏ tính xấu, tập thêm nhân đức, làm việc bố thí.
3. Hàng tháng : Ta nhớ ngày Thứ Tư đầu tháng là ngày kính Thánh Cả, nên đi dự lễ, để giờ đi thăm hỏi bạn bè hay thân nhân, nhất là những người mất lòng mình.
4. Hằng năm : Có Tháng Ba là tháng Giáo Hội dành để kính Thánh Cả, ta nên sửa sang tòa có hoa nến, để kính Ngài. Mỗi tối, cả nhà xum họp trước tòa cùng nhau khấn nguyện, xin ơn bình an và những ơn khác. Đọc sách Thánh và kết thúc bằng một bài hát. Đức Thánh Cha Lêô thứ 13 đã nhiệt liệt cổ võ việc sùng kính này. Ngài nói :"Có nhiều nơi giáo dân lấy Tháng Ba làm tháng kính Thánh Cả và làm việc lành phúc đức. Điều ấy thật đáng ca ngợi."
Trong dịp trước lễ kính Thánh Giuse (mùng 1 tháng 5 và 19 tháng 3) ta nên làm tuần 3 ngày hoặc tuần 7 ngày dọn mình mừng lễ Ngài cho long trọng, Cũng nên lo xưng tội rước lễ, xin lễ, dọn tòa, rước kiệu tôn kính Ngài, để đáng lãnh ơn phúc Ngài ban trong các dịp lễ của Ngài.
Ngoài ra còn nhiều việc sùng kính khác như mang ảnh trong mình, bày tượng ảnh trong nhà, lập đài nơi khu xóm, cất đền nơi xứ đạo, tôn Ngài làm quan thầy các Hội đoàn, phát hành báo chí, tranh ảnh, bài hát.... kính Ngài nữa.
Chứng Tích: Thánh Cả Giuse, Đấng Cứu chữa
Thánh nữ Têrêsa Avila (1515-1582) là vị cải tổ Dòng Cát Minh. Bà đã thành lập 18 đan viện Cát Minh cải cách và giúp thánh Gioan Thánh Giá lập 13 Dòng nam Cát Minh. Năm 1970 bà được phong Tiến Sĩ Hội Thánh cùng với thánh nữ Catarina Sienna. Đoạn văn sau đây trích từ cuốn Tự Truyện bà viết do đức vâng lời, liên hệ đến thời kỳ ba năm bà bị bệnh bất toại (22-24 tuổi). Môt tài liệu quí giá để chúng ta thâm tín hơn về việc sùng kính Thánh Giuse.
"Thấy mình còn trẻ mà bị bất toại, lại thấy tình trạng đáng buồn do các y sĩ trần gian đưa đẩy tôi vào, tôi quyết định chạy đến cùng các y sĩ trên trời để được khỏi bệnh....
Tôi nhận Thánh Giuse vinh hiển làm Đấng Bảo trợ tôi. Tôi cậy nhờ Người cách rất thiết tha. Ơn cứu giúp của Người nổi bật nhãn tiền. Đấng bảo vệ và Cha hiền của linh hồn tôi đã cứu tôi khỏi tật bệnh suy tàn về thể xác, cũng như người đã giải thoát tôi khỏi những hiểm nguy trầm trọng hơn về mặt khác, có thể làm hại hạnh phúc đời đời của tôi. Tôi nhớ rõ, chưa bao giờ tôi cầu xin sự gì cùng Thánh Cả Giuse mà không được như ý. Kỳ diệu thay, những ơn đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban đầy tràn cho tôi, và đã giải thoát tôi khỏi mọi hiểm nguy phần hồn cũng như phần xác, do lời cầu bầu của vị thánh vinh phúc này.
Dường như Đấng Tối Cao ban ơn cho các thánh giúp chúng ta việc này việc nọ, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết thì Thánh Giuse vinh hiển có quyền năng rộng rãi giúp chúng ta trong mọi việc. Như thế là Chúa muốn cho chúng ta hiểu rằng, như xưa Chúa đã vâng phục Thánh Cả dưới thế, đã nhìn nhận Người với quyền làm Cha và làm Giám Quản, thì nay, ở trên trời, Chúa cũng sẵn lòng chiều theo ý của Người, mà nhận mọi lời Người cầu xin. Những người khác mà tôi khuyên dạy đến cùng Vị Bảo Trợ này, cũng nhận thấy điều ấy như tôi, do kinh nghiệm. Vậy nên số các linh hồn sùng kính Thánh Cả Giuse ngày càng gia tăng, và những hiệu quả tốt lành do sự chuyển cầu của Thánh Cả càng xác nhận lời tôi nói là sự thật....
Qua kinh nghiệm lâu dài như vậy, ngày nay được biết rõ uy thế rất lạ lùng của Thánh Giuse trước tòa Thiên Chúa, tôi muốn thuyết phục mọi người tôn kính, sùng mộ Thánh Giuse cách đặc biệt. Cho đến nay tôi vẫn thấy những ai có lòng sùng kính Người đích thực và chứng tỏ bằng việc làm, họ đều tiến tới trên đường nhân đức, vì Đấng Thánh Bảo Trợ trên trời hằng giúp đỡ rõ rệt về đường tiến đức cho những ai cậy nhờ Người". (Trích Vie de Sainte Thérèse écrite par elle-mème, traduite sur le manuscript original par le Morcel Bouiz, s.j.15, éd. 1904).