New Mexico bên Hoa Kỳ, có chiếc cầu thang thật đặc biệt với nguồn gốc lạ thường, đáng được nhắc đến trong khuôn khổ tháng 3 dâng kính Thánh Cả GIUSE.
Cách đây gần 140 năm - vào năm 1872 - Đức Giám Mục giáo phận Santa Fe là Đức Cha Jean Baptiste Lamy (1814-1888), gốc Pháp, dự định xây cất một Nhà Nguyện dâng kính Đức Bà Loreto (Loretto Chapel) với mục đích làm nơi thờ phượng cho Cộng Đoàn gồm 4 Nữ Tu thành Loreto (Sisters of Loretto). Các Chị vừa thành lập Cộng Đoàn ở đây.
Công việc xây cất ủy thác cho kiến trúc sư P. Mouly, người Pháp. Ông khởi công ngày 25-7-1873 và hoàn thành 5 năm sau đó. Nhà Nguyện dài 22,5 mét, rộng 7,5 mét và cao 25,5 mét. Nhà Nguyện dâng kính Thánh Cả GIUSE.
Khi Nhà Nguyện hoàn thành thì người ta mới thấy có một thiếu sót trầm trọmg. Nhà Nguyện không có cầu thang đi lên gác-đàn (dành cho Ca Đoàn). Nhiều nhà chuyên môn được mời đến để nghiên cứu xem phải giải quyết vấn đề như thế nào. Mọi người đều thấy không còn chỗ để xây cầu thang, ngoại trừ việc làm một đường hầm hoặc xây một cầu thang theo hình con ốc.
Sau khi nghe các ý kiến, Các Nữ Tu cảm thấy vô cùng bối rối và lo âu. Nhưng Các Chị đặt trọn lòng tin tưởng nơi sự trợ giúp đặc biệt của Thánh Cả GIUSE, Đấng mà Các Chị rất sùng kính. Các Chị quyết định làm Tuần Cửu Nhật dâng kính Thánh Cả GIUSE, van xin Người cầu bầu cùng THIÊN CHÚA Quan Phòng.
Vào ngày cuối Tuần Cửu Nhật, có Người Khách Lạ xuất hiện nơi cửa Tu Viện. Ông có mái tóc muối tiêu và mang theo con lừa, trên lưng chở vật dụng. Người Khách xin gặp Mẹ Bề Trên lúc ấy là Nữ Tu Maddalena. Khi Mẹ Bề Trên ra tiếp thì Người Khách Lạ cho biết Ông sẵn sàng chấp nhận công tác xây chiếc cầu thang.
Kể sao cho xiết nỗi vui mừng của Mẹ Bề Trên và toàn thể Cộng Đoàn. Các Chị thấy rõ lời cầu xin đã được THIÊN CHÚA lắng nghe.
Người Thợ Mộc bắt tay ngay vào việc. Các Nữ Tu thỉnh thoảng ghé qua chiêm ngắm công việc của Ông.
Để làm chiếc cầu thang, Người Thợ Mộc chỉ dùng 3 dụng cụ: cái cưa, thước đo góc và cái búa. Rồi thay vì dùng đinh, Ông chỉ dùng các chốt bằng gỗ và ngâm các chốt này trong nước. Vỏn vẹn sau ba tháng, chiếc cầu thang hoàn thành.
Khi công việc xong xuôi, Mẹ Bề Trên Maddalena chuẩn bị tiền để trả công cho Người Thợ Mộc. Nhưng Ông biến mất không để lại dấu vết và tông tích.
Các Nữ Tu dò hỏi các tiệm thủ-công-nghệ và tiệm bán đồ gỗ trong thành phố thì không nơi nào đã bán bất cứ vật dụng gì cho Người Thợ Mộc. Vã lại, loại gỗ được dùng để xây cầu thang, cũng không tìm thấy trong vùng.
Riêng về chiếc cầu thang thì thật là lối kiến trúc diệu kỳ, độc nhất và khác thường, không trông thấy ở bất cứ nơi đâu. Cầu thang bỗng trở thành đối tượng tò mò cho các cuộc viếng thăm hiếu kỳ. Ai ai cũng nức lời trầm trồ khen ngợi.
Cầu thang gỗ có tất cả 33 bậc và xoay quanh trên hai vòng xoắn đúng 360 độ. Cầu thang khởi đầu dưới hầm và lên đến tận gác-đàn dành cho Ca Đoàn. Chỉ có thế thôi. Cầu thang không hỗ-trợ đỡ-nâng bởi bất cứ cột trụ nào khác. Nghĩa là cầu thang tự đứng thẳng trên chính nó. Thêm vào đó, khi bước trên các bậc thang, người ta có cảm giác êm-ái nhẹ-nhàng nhún-nhẩy như đi trên các bậc thang làm bằng chất nhựa mềm. Thật lạ lùng và thật khác thường!
Rất nhiều kiến trúc sư và các nhà xây cất đến tận nơi xem xét và chiêm ngắm chiếc cầu thang lạ lùng. Điều kỳ diệu hơn nữa, là trải qua hơn 130 năm, chiếc cầu thang được sử dụng lên xuống hàng ngày, vậy mà nó vẫn đứng vững nguyên vẹn, không bị sụp đổ!
Loại gỗ dùng làm cầu thang cũng không thể xếp vào thứ gỗ nào. Nó cũng không được tìm thấy bất cứ nơi đâu trong toàn tiểu bang New Mexico của Hoa Kỳ và cũng không rõ đến từ vùng nào miền nào trên trái đất này.
Riêng về phía các Nữ Tu Loreto, Các Chị không dám quả quyết Người Thợ Mộc khác lạ kia chính là Thánh Cả GIUSE. Chỉ có điều chắc chắn là Các Chị xác tín rằng Chiếc Cầu Thang hoàn thành nhờ lời chuyển cầu của Thánh Cả GIUSE, Đấng mà Các Chị đặt trọn lòng tin tưởng phó thác và đã cùng nhau sốt sắng làm Tuần Cửu Nhật dâng kính Thánh Cả GIUSE.
Chiếc cầu thang kỳ lạ trên đây hàng năm thu hút khoảng hơn 250 ngàn du khách hiếu-kỳ đến viếng thăm.
(”IL MESSAGGIO DELLA SANTA CASA - LORETO”, Anno 129, n.9 - Novembre 2009, trang 350-351)