Lễ Thánh Giuse, ngày 19-03

  Chu Toàn Giới Luật Của Chúa

Thánh Giuse Trong Thánh Kinh

Chu Toàn Giới Luật Của Chúa

"Vào lúc ấy, cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để cử hành những nghi lễ liên quan đến Người, như thiên hạ thường làm theo luật dạy" (Lc 2,27).

Theo luật Israel, người con đầu lòng phải được dâng lại cho Chúa. Luật này vừa để nhắc nhở người dân về biến cố Vượt qua, vừa để tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã cứu thoát các con đầu lòng của Dân; khi đó sứ thần Thiên Chúa đã giết chết các con đầu lòng tại Ai Cập, của loài vật cũng như của loài người, chỉ nhà nào có bôi máu chiên vượt qua trước cửa mới được an toàn.

Thánh Giuse là một người Israel chân chính, nên không thể nào không chu toàn giới luật đó với một niềm tạ ơn sâu xa đối với Thiên Chúa. Con đầu lòng phải thuộc về Chúa, thánh Giuse cũng như Mẹ Maria chắc hẳn phải hiểu hơn bất cứ người Israel nào khác về luật này, chẳng những vì con trẻ Giêsu là con đầu lòng của hai ông bà, nhưng hơn nữa, các ngài hiểu rằng con trẻ Giêsu là một hồng ân đặc biệt Thiên Chúa ban cho gia đình hai ngài, cũng như cho toàn thể dân Israel, con trẻ có một sứ mệnh đặc biệt do chính Chúa giao phó.

Như vậy việc dâng hiến Đức Giêsu vào đền thờ, các ngài đã thi hành "như thiên hạ thường làm", mà lại mang lại một ý nghĩa hết sức đặc biệt, sâu xa hơn những cuộc tiến dâng khác nhiều. Các người khác dâng con để tưởng nhớ một biến cố dĩ vãng, còn thánh Giuse và Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu là để Ngài thi hành điều sẽ thực hiện trong tương lai. Các người khác dâng con để tạ ơn Chúa đã cứu thoát Dân, còn hai ngài dâng con là để Chúa Giêsu sẽ lại cứu độ cả nhân loại. Và khi mang con trẻ lên đền thờ, hai ông bà đã gặp cụ già Simêôn tiên báo: "Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng" (Lc 2,34). Như thế, thánh Giuse và Mẹ Maria chắc hẳn thấy được rằng việc dâng Chúa Giêsu trong đền thờ cũng có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận một sứ vụ khó khăn Chúa trao cho, một sứ vụ cao cả, nhưng cũng làm mình đau lòng biết bao. Con trẻ thực sự thuộc về Thiên Chúa, nên sẽ phải thi hành chương trình của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa hiến dâng thực sự chứ không còn phải chỉ là việc tuân giữ một lề luật, không chỉ là niềm tạ ơn, không chỉ là tưởng nhớ dĩ vãng.

Con cái Chúa ban cho cha mẹ, đó là hồng ân của Chúa, đó là tình yêu thương của Ngài đối với các bậc cha mẹ. Nhưng hồng ân đó không phải để các bậc cha mẹ giữ riêng con cái cho mình, chỉ để vui cho mình, để thực hiện công việc của mình. Theo tiến trình phát triển bình thường, con cái phải được sinh ra từ lòng mẹ, rồi được lớn lên, và đến lúc phải gánh vác công việc của xã hội,phải liên đới trách nhiệm đối với những người khác nữa. Giữ con cái cho mình mãi, đứa con sẽ chẳng thể trưởng thành được và mãi mãi vẫn chỉ là một đứa trẻ, hoặc vẫn chỉ như một "bào thai" hoàn toàn lệ thuộc vào lòng mẹ mà thôi. Con cái là hồng ân của Chúa, con cái được Chúa giao cho cha mẹ chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ, nhưng chỉ có một mình Thiên Chúa mới thực sự là chủ của nó mà thôi.

Hiến dâng con cho Thiên Chúa, đó là hoàn toàn chấp nhận chương trình của Ngài đối với những gì thân thiết nhất của mình, đối với chính máu, thịt, ruột rà của mình. Ngày xưa Abraham đã can đảm dự định sát tế Isaac để dâng cho Chúa, hành động của Abraham đã làm cho ông trở nên cha của những kẻ có lòng tin. Cũng thế, người Kitô hữu, nhất là các bậc cha mẹ, là con cái của Abraham theo lòng tin, thì cũng phải thâm tín rằng con cái là của Chúa ban, chỉ mình Ngài có hoàn toàn quyền hành trên con người. Bởi vậy, tin tưởng vào Thiên Chúa, các bậc cha mẹ cũng hiểu rằng phải để cho con cái ra đi thi hành những công việc Chúa đã trao cho nó.

Hơn nữa, suy niệm về thái độ của thánh Giuse trong biến cố dâng con này, chúng ta hiểu rằng cuộc sống của mỗi người Kitô hữu đều đã được Thiên Chúa chuộc lại rồi. Thay vì làm nô lệ cho ma quỉ. Con người được Thiên Chúa cho làm con và được gia nhập vào Giáo Hội. Mỗi người Kitô hữu đều phải dâng lại cho Chúa, để cũng được nghe lời tiên báo về đời mình: "Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống đối", đó là ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi người. Chỉ khi thực hiện ý định của Chúa thì cuộc sống của ta mới trở nên có ý nghĩa được. Chúa dùng ta để ban cho người khác, và lại ban người khác cho ta. Mỗi người phải hoàn toàn ra khỏi cái tôi ích kỷ, luôn chỉ muốn bo bo giữ gìn những điều quí báu nhất cho riêng mình, nhưng ngược lại, biết sống vì Chúa, vì mọi người.

Khi dâng đời mình cho Chúa, đó thực sự là ta trả lại cho Ngài những điều thuộc về Ngài. Cuộc sống của người Kitô hữu không còn phải là của mình nữa, và mỗi người đều phải nói được như thánh Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi" . Cuộc sống của người Kitô hữu không phải là sống cho mình, nhưng là sống cho Chúa, sống vì Chúa và sống để thực hiện chương trình của Chúa trong cuộc đời mình.

Khi dâng đời mình cho Chúa, thực sự chúng ta phải cảm tạ Ngài, vì chính Ngài đã đón nhận con người hèn mọn của ta và thực hiện những chương trình cao cả của Ngài. Khi được Thiên Chúa tiếp nhận, chúng ta trở thành những người cùng cộng tác với Thiên Chúa. Cuộc hiến dâng đó bao giờ cũng có mất mát, bao giờ cũng cảm thấy đau xót, tiếc nuối, nhưng đó lại là nẻo đường tìm được chính mạng sống của mình, như lời Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn tìm mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai muốn hy sinh mạng sống mình thì sẽ tìm lại được". Dâng lại cuộc đời mình cho Chúa, đó là cách thức duy nhất để cuộc đời ta được hoàn thành tốt đẹp, được đi vào chương trình cứu độ của Ngài và khi đã được cứu độ thì ta cũng trở thành người tông đồ mang Chúa đến cho những người khác nữa.

Lời nguyện

Lạy Chúa, chúng con cũng đã nghe nói:
sống là hy sinh, yêu thương là trao ban.
Nhưng tự sức chúng con, điều đó khó quá.
Chúng con muốn nhận hơn là cho,
muốn hưởng thụ hơn là chấp nhận hy sinh.
Cả một cuộc đời, chúng con cứ đi tìm mình,
tìm sung sướng thỏa mãn cho mình.

Còn thánh Giuse, Ngài đã dám từ bỏ mình
để chấp nhận sứ vụ gian lao, khó nhọc.
Xin Chúa cho chúng con luôn ý thức cuộc đời mình
đã được Chúa chuộc lại bằng cái chết của Chúa Giêsu,
để chúng con được sống dâng hiến trong niềm tạ ơn
và thật can đảm chấp nhận bất cứ điều gì Thánh Ý Chúa muốn.

Trang Giuse | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments