Suy Niệm Về
Thánh Giuse |
THÁNH GIUSE BỐ NUÔI ĐẤNG CỨU THẾ |
§ Nguyễn Quang Tuyến |
I. Lễ kính Thánh Giuse Từ xa xưa, Giáo hội hoàn vũ chỉ có lễ kính Thánh Giuse Bầu Cử (hay Kết bạn) vào ngày 19 tháng 3 mỗi năm. Nhưng nay theo lịch phụng vụ còn có lễ kính Thánh Giuse Lao Động. Vậy nên tìm hiểu về hai lễ kể trên: 1. Lễ Thánh Giuse Bầu Cử Ngược dòng lịch sử, từ thế kỷ đầu, các giáo hữu đầu tiên đã có lòng sùng kính Thánh Cả Giuse. Cho tới thế kỷ XII và XIII các thánh Bênađô, Tôma và Giêtruđê đã nêu cao các nhân đức của Thánh Giuse. Đến đời Đức Gioan XXIII, lễ Thánh Giuse Bạn Trinh Khiết Đức Maria được thành lập vào ngày 19-3-1334. Sang thế kỷ XV và XVI nhà thần học Gerson và Thánh Bernađinô Siênna, đặc biệt là Thánh Têrêxa Avila đã nhiệt thành cổ động lòng sùng kính Thánh Cả Giuse. Năm 1621 Đức Grêgôriô XV đã quyết định lễ Thánh Giuse 19 tháng 3 là Lễ buộc trong Giáo hội Công giáo, và cho tới năm 1714 Đức Clêmentê XI đã qui định các bài lễ và giờ kinh phụng vụ kính Thánh Cả Giuse. Hồi nhỏ khi đi nhà thờ, nhìn ngắm chân dung Thánh Cả, tay trái Ngài ẵm Chúa Hài Đồng, tay phải cầm cành hoa huệ, tôi thấy ngộ vì không biết tại sao Thánh Cả già như vậy mà lại còn phải bế Chúa? Có lần tôi thấy tượng Thánh Antôn cũng Bồng Chúa Giêsu như tượng Thánh Giuse, tôi về nhà hỏi lại cha mẹ mới được cắt nghĩa về bức tượng Thánh Giuse bằng ba câu thơ như sau: Ông Thánh Giuse cầm cành hoa huệ, Ông Thánh Giuse đứng trên cái bệ, Ông Tháng Giuse bế đứa trẻ con. À rà là thế. Về sự tích cành hoa huệ Theo dã sử xanh, Trinh Nữ Maria đã dâng mình trong đền thơ và khấn đời sống khiết tịnh. Nhưng từ trước muôn đời, Thiên Chúa đã chọn Bà làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa. Bà sẽ chịu thai bởi phép Thánh Linh chớ không theo tập tục của thế gian. Là những bậc vị vọng trong đền thờ, các thầy cả thượng phẩm đã tổ chức một lễ tuyển chọn người “bạn đường” cho Maria. Các ngài đã ra lệnh cho tất cả các thanh niên trong thành, ai muốn cùng Maria kết nghĩa trăm năm, phải đến đền thờ khai tên tuổi và mang theo một cây gậy, trong số đó cũng có cả chàng thanh niên Giuse. Trước giờ tổ chức, các Thầy cả thu thập những gậy lại và để trên bàn thờ. Cầu nguyện vừa xong, tự nhiên một cây gậy khô cằn, trên đầu đã nở một cành hoa huệ tươi mát, xem ra mới biết đó là gậy của Giuse và kết quả đã được tuyên bố tức khắc. Giuse với nét mặt vui mừng hớn hở, còn các thanh niên khác với nét mặt tựa “chiếc bánh bao chiều”, giọng hằn học, sau đó tiếng gậy bẻ kêu “lốp đốp” và họ đã lần lượt ra về. Nhưng nếu quí vị có dịp về thăm quê hương của Chúa tại thành thánh Nazareth, trong một dịp đẹp trời nào đó, đoàn xe chở khách du lịch sẽ đưa quí vị đến thăm viếng ngôi “Thánh đường Truyền Tin”, đây là một thánh đường nguy nga đồ sộ, là một trong những thánh đường Kitô giáo lớn nhất tại trung Đông. Trong khuôn viên thánh đường này quí vị sẽ được thăm viếng ngôi nhà thờ Thánh Giuse. Phần trên là nơi thiết lập một bàn thờ nhỏ để khách hành hương có chỗ tổ chức thánh lễ nhưng không rộng lắm. Chúng tôi quan sát kỹ lưỡng thấy một cửa sổ kính màu ở phía trên, hình ảnh một buổi lễ kết hôn của Giuse và Maria trước sự chứng giám của Thầy cả. Giuse và Maria cũng ăn mặc bình thường nhưng nhìn kỹ ra cả cô dâu, chú rể cùng đi “chân đất”. Phía trước mặt bàn thờ là một hàng rào sắt bao quanh, đứng ở trên có thể nhìn thấy cảnh sinh hoạt hằng ngày của Thánh Gia Thất xưa, với cảnh đơn nghèo, đời sống chật vật về cả mọi mặt. Cũng có đường vòng và cầu thang đưa du khách xuống mục kích tận mắt dưới phòng hầm này. 2. Lễ Thánh Giuse Lao Động Lễ này mới được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập vào năm 1955, thánh lễ được mừng kính vào ngày 01 tháng 05 mỗi năm, và là bổn mạng của giới lao động. Nhìn qua chân dung của tượng Thánh Giuse lao động, chúng ta nhận ra ngay một dáng điệu của bác thợ mộc, nước da sạm nắng, chân tay gân guốc, tay phải luôn cầm chiếc thước thợ. Lễ Thánh Giuse lao động đã được mừng kính trong ngày lễ Lao động phần lớn thuộc các quốc gia Âu châu, nước Việt Nam chúng ta cũng cùng mừng lễ Lao động trong dịp này. Trong Chương 4 của Tông Thư “Redemptoris Custus”. Chương này đề cao tính cách lao công qua nghề thợ mộc của Thánh Giuse đã làm như một kế sinh nhai hằng ngày, để nuôi sống Chúa Giêsu và Đức Maria trong gia đình Thánh Gia, đã biểu tượng cho lao động một giá trị mới. Chương 4 đã viết: “…Vậy nếu gia đình Nazareth là gương sáng và mẫu mực cho các gia đình nhân loại trong việc cứu độ và thánh hoá, thì việc Chúa Giêsu lao công bên Thánh Giuse cũng là một mẫu gương. Ngày nay, Giáo Hội kính nhớ Thánh Giuse Lao Công vào ngày 01 tháng 5. Lao công con người nhất là lao động đã chiếm một chỗ trổi vượt trong Phúc âm. Cùng Con Thiên Chúa trong tính nhân loại, lao công đã được thi hành trong mầu nhiệm nhập thể và đã được phục hồi giá trị cách đặt biệt. Trong xưởng thợ nơi Ngài làm việc cùng Chúa Giêsu, Thánh Giuse đã đưa lao công con người đến gần mầu nhiệm Cứu Chuộc” (số 22). II. Thánh Giuse Bầu Cử là Quan Thầy Giáo Hội Việt Nam Theo giáo sử đã chép lại, từ khi giáo sĩ Ordonnez Cevallos bị trục xuất cho đến đời Vua Lê Thần Tôn (1619-1643), mới có vị thừa sai dòng Tên đầu tiên đến Bắc Hà, đó là giáo sĩ Baldinotti (người Ý) cùng với một tu sĩ người Nhật tên Giulo Piano. Ít lâu sau vì ở Bắc Hà dân tình rất tốt và thích hợp cho công vuộc truyền giáo, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và P. Marquez thuộc dòng Tên được phái qua Bắc Hà. Hai giáo sĩ này đi tàu thuỷ gặp bão đánh dạt vào cửa Bạng, Thanh Hoá, tức năm 1627, đúng ngày 19 tháng 03 cũng là ngày kính Thánh Giuse; mấy vị thừa sai đã đặt chân lên đất Việt Nam, cùng quỳ xuống hôn đất, dâng việc giảng đạo tại Việt Nam cho Thánh Giuse. Sau đó các Giám mục tiên khởi Đàng Ngoài và Đàng Trong đã duyệt y lời khấn đó và dâng các địa phận Việt Nam cho Thánh Giuse. Ngày 21-03-1678, Thánh Bộ Truyền Giáo Rôma, theo lời thỉnh nguyện của các Giám mục và Linh mục thừa sai tại Việt Nam, đã tuyên bố Thánh Giuse là Thánh Bổn Mạng của Giáo Hội Việt Nam. III. Lòng sùng kính Thánh Giuse trong Giáo Hội Qua các Thánh Giáo Phụ, các Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần viện dẫn các chứng minh tại sao các Kitô hữu phải sùng kính Thánh Giuse, vì đời sống Thánh nhân không thể tách rời khỏi Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và Ngài là một trong ba vị của gia đình Thánh Gia, Ngài cũng là gia trưởng cả Thánh Gia Thất. Trong thông điệp “Quanquam Pluries”, Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã viết rằng: “Mọi Kitô hữu, bất luận ở thứ bậc nào, cũng phải noi gương bắt chước đời sống và các nhân đức của Thánh Giuse…” Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X, trong sắc lệnh phê chuẩn kinh cầu (Litanie) Thánh Giuse vào năm 1900, đã kêu gọi mọi tín hữu hãy hết lòng cậy trông vào Thánh Cả vì Ngài là Đấn cầu bầu thế lực nhất của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Năm 1920, Đức Giáo Hoàng Benoit VX đã ban hành một tự sắc “Motu Proprio” kêu gọi mọi tín hữu hãy cầu xin với Thách Cả, vì Ngài là Đấng gìn giữ mọi gia đình khỏi mọi trào lưu vật chật và vô thần. Ngày 10-03-1935, Đức Thánh Cha Piô XI đã việt: “Thánh Cả Giuse là Đấng có thể cầu bầu cho ta mọi ơn lành, bất luận là khó thực hiện đến đâu đi nữa, bởi Đức Mẹ và Chúa Giêsu không thể từ chối Ngài ơn gì”. Đức Giáo Hoàng Piô XII khi thành lập lễ Thánh Giuse Lao Động, mừng kính vào ngày 1 tháng 5, đã long trọng tuyến bố đặt Thánh Cả Giuse là Quan Thầy mọi Kitô hữu trên thế giới và mọi tổ chức trong Giáo Hội. Ngày 19-03-1961, Đức Gioan XXIII, trong thơ triệu tập Công đồng Vaticanô II đã long trọng tuyên bố: “Thánh Cả Giuse là Quan Thầy của Công đồng Vaticanô II”. Ngài đã truyền buộc phải nêu tên Thánh Cả vào các kinh nguyện Thánh Thể trong Thánh lễ… Ngày 15-08-1989, Đức Giáo Hoàng Giaon Phaolô II đã ban hành Tông Thư “Redemptoris Custos” (Đấng Bảo Vệ Chúa Cứu Thế), nói về thân thế và sứ mạng Thánh Giuse trong đời sống Chúa Giêsu và Giáo Hội. Mục đích Tông Thư này để kỷ niệm Đệ bách chu niên Thông điệp “Quamquam Pluries” của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã ca tụng Thánh Ca Giuse, và để: “Mọi Kitô hữu hướng về Thánh Cả với lòng tôn sùng nồng nhiệt, tin tưởng khẩn cầu Ngài bảo vệ, và luôn luôn đặt trước mặt tấm gương khiêm tốn, các thế phục vụ hữu hiệu trong chương trình Cức Độ”. Hiện nay trên thế giới đã có hơn 50 dòng tu nam, nữ với danh hiệu là Dòng Tu Thánh Giuse. IV. Thánh Giuse với cộng đồng Dân Chúa Việt Nam 1. Đốt với hàng Giáo sĩ và tu sĩ Tại Việt Nam, những nhà nguyện của các Dòng Kín (Carmêlô): Hà Nội, Bùi Chu, Huế, Sàigòn đều nhận Thánh Giuse làm Bổn mạng, và giáo dân thường chạy đến các nơi ấy để cầu khẩn với Thánh Nhân. Vì Thánh Têrêxa mẹ, vĩ đại cải cách Dòng Kín, đã tại cổ võ lòng sùng kính Thánh Giuse cho người Kitô hữu Tây phương. Riêng con đường Cường Để Sàigòn, chỗ gần Hải quân Công xưởng Bason, từ trước tới nay có hai cơ sở lớn nhất của Giáo phận Sàigòn là Dòng Kín và Đại chủng viện Sàigòn đều nhận Thánh Giuse làm Quan Thầy. Tại Đại chủng viện Sàigòn trong các thập niên cận đại, đã cung cấp cho Giáo Hội Việt Nam nhiều vị chủ chăn thánh thiện, gương mẫu và đầy lòng quả cảm như các Đức Cha Trân Thanh Khâm (Phụ Tá TGP Sàigòn); Phạm Văn Thiên (GM Phú Cường); Nguyễn Văn Thiện (GM Vĩnh Long, hiện đang dưỡng bệnh tại Pháp); Trần Văn Thiện (GM Mỹ Tho); Nguyễn Văn Mầu và Nguyễn Văn Diệp (GM Chánh và Phó Vĩnh Long hiện nay); Huỳnh Văn Nghi (GM Phan Thiết) v.v… và nhiều Đức Cha được tuyển chọn sau 1975 tới nay. Vào thánh Hai năm 1670, khi Đức Cha Lambert de la Motte soạn thảo Hiến pháp cho Dòng Nữ Tu Mến Thánh Giá, Ngài đã chọn Thánh Giuse làm Bổn Mạng cho Tu Hội này (khoản 14 trong Hiến pháp). Vào năm 1926, đặc biệt một Tu Hội được thành lập tại Nha Trang (Việt Nam), dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse do Cha Setz, sau làm Giám Mục Kontum. Dòng này có khoảng 50 tu sĩ hành sự như các Thầy Giảng nhưng có lời khấn hẳn hoi, đã hoạt động rất đắc lực trong ba giáo phận Nha Trang, Qui Nhơn và Đà Nẵng. 2. Về Phía giáo dân Ngoài viện tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ, việc tôn sùng Thánh Cả Giuse vẫn đứng hàng đầu. Tại các giáo xứ miền quê, mỗi khi chọn tên thánh lúc Rửa tội hay Thêm sức, người ta thường chọn tên Thánh Giuse. Mỗi năm Giáo hội dành tháng Ba để kính Thánh Giuse. Ban sáng trước khi dân Thánh lễ Misa, bổn đạo hay đọc 5 chục kinh theo ngày, thứ Tư thường là 5 chục kinh mùa Mừng, đoạn đọc Kinh Cầu Ông Thánh Giuse và tham dự Thánh lễ. Tối đến, giáo dân lại đến nhà thờ làm việc kính Thánh Cả Giuse; ngắm 7 sự đau đớn cùng 7 sự vui mừng ông Thánh Giuse, kinh cầu Thánh Giuse, đoạn nghe đọc sách về tháng kính Thánh Giuse; bàn thờ kính Thánh Giuse là một ba bàn thờ chính. Nơi nào nhận Thánh Giuse làm Bổn Mạng thì bàn thờ chính giữa dành riêng để ảnh Thánh Nhân. Các tư gia đều có trưng ảnh Thánh Giuse trên bàn thờ, nếu không cũng có ảnh Thánh Gia Thất. Lý do đạo đức và lòng tôn sùng Thánh Giuse nơi giáo dân Việt Nam rất dễ hiểu, vì người là Đấng Công chính, là Phu Quân của Đức Maria và là Bố Nuôi Đấng Cứu Thế. Ơn nữa, Thánh nhân là Quan Thầy Giáo Hội Việt Nam, là Đấng Bảo Trợ Giáo Hội hoàn vũ. Riêng tại Cửa Bạng, Thanh Hoá, hiện nay có hai cơ sở tôn giáo lớn đáng ghi nhớ đời đời: Nhà Thờ xứ Ba Làng, một họ đạo đầu tiên mà Cha Đắc Lộ đã giảng đạo cho cha ông chúng ta trong ngày Lễ Thánh Giuse vào năm 1627, cùng những ngày tháng kế tiếp. Giáo dân ở đây có tinh thần đức tin cao độ, không chấp nhận chung sống với lũ vô thần, nên đã nổi tiếng vùng lên đấu tranh với cộng sản để được di cư vào Nam Việt Nam. Toà nhà nguy nga của Chủng viện Thánh Giuse. Chủng viện này nay mang tên là Đại Chủng viện Vinh Thanh, vì đào tạo chung các chủng sinh cho hai địa phận Vinh và Thanh Hoá. Giáo phận Thanh Hoá đã trống ngôi Giám Mục từ lâu, nên nay mọi công tác dành cho Đại Chủng viện này đều do công lao của Đức Cha Phêrô Trần Xuân Hạp, Giám mục Giáo phận Vinh, và mới được thêm Đức Cha Phó Cao Đình Thuyên hiệp lực. V. Hãy đến cùng Giuse Chắc trong chúng ta không ai là không nhớ tích truyện ông Giuse đã bị anh em bán sang đất Ai Cập. Trong thời kỳ an cư tại đây, ông đã giải mộng cho nhà về những điềm báo mộng kinh hãi. Vì trọng tại tiên đoán của ông, nhà vua đã phong cho ông một chức vụ nắm vận mệnh kinh tế trong nước, Sau một thời gian đất nước Ai Cập bị đói kém mất mùa, dân chúng khổ sở cơ hàn, nhưng riêng hoàng cùng của Pharaon, đã tích trữ được biết bao nhiêu lúa gạo đầy kho, dù có kéo dài bao nhiêu năm tháng cũng không sợ gì đến sự đói khát. Dân chúng thấy vậy liền kéo đến xin cùng vua Pharaon ban cho chút ít lương thực để qua cơn cơ hàn. Nhưng, vua Pharaon đã nói với họ: “Hãy đến cùng Giuse ‘ Ite ad Joseph” (Kn 41:55), họ đã vâng theo và làm như vậy, cuối cùng dân tình giảm bớt được sự đói khổ. Là những người “Việt di tản”, chúng ta cũng nên bắt chước dân chúng Ai cập thuở xưa và theo như lời của vui Pharaon “Hãy đến cùng Giuse”, vì Giuse chúng ta đến cầu khẩn dây là Thánh Cả Giuse luôn phù thợ Giáo Hội hoàn vũ, là Bổn Mạnh Giáo Việt Nam, là gương sự nhịn nhục, Ngài mến sự khó khăn và là mẫu mực các kẻ làm ăn v.v. Vậy muốn được an ủi và hạnh phú trên các miền đất mới khắp thế giới, muốn giải quyết những phức tạp của đời sống ly hương, muốn cân bằng những tập tục trong gia đình theo lề lối cổ truyền của cha ông chúng ta từ ngàn xưa tại quê hương Việt Nam, chúng ta hãy đến cùng Thánh Cả Giuse, chắc không có vị Thánh nào thấu hiểu tình cảnh di tản của chúng ta cho bằng Thánh Nhân, vì chính Ngài đã phải di tản để bảo vệ đời sống của Hài Nhi Giêsu và Mẹ chí thánh Người qua những vùng đồi núi hiểm nguy và tại miền đất tạm cư. Nhưng, Thánh Nhân di tản và cũng đã có ngày “trở về quê cũ”. Chúng ta cũng xin Thánh Gia Thất cầu bầu, để một ngày kia con dân Việt di tản, sẽ cùng nhau trở lại quê hương để thăm lại những miền đất do ông cha đã gây dựng, thăm lại những con đường rộng thênh thang suốt từ Bắc chí Nam, tự ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau, và cùng nhau hát lại những thánh ca trìu mến để biệt kính Thánh Gia nói chung và Thánh Cả Giuse nói riêng, với muôn đời cậy trông nơi lòng xót thương của Thánh Nhân |