Chúa Nhật II thường niên - Năm C
MÙA CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

    Lm. Thiên Ngọc CMC

“Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân” (Tv 95,3).

Thưa các bạn thân mến,

Xin đặt tựa đề cho Chúa Nhật 2 năm C: Mùa Của Lòng Thương Xót.

Thử nghĩ xem về Đáp ca: “Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân”. Tác giả mời ta tường thuật phép lạ nào vậy? Phải chăng phép lạ hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana qua bài Tin Mừng? Nhưng đó là điều sẽ xảy ra thật lâu về sau này và vẫn mãi vang vọng trong những người tin. Chúng ta hãy chú ý bài đọc 1 sách tiên tri Isaia, Thiên Chúa phán: “Ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích” và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa (…)” (Is 62,4-5). Vị tiên tri có ý nói lên lòng Chúa thương xót dân Người vì họ đang khốn cùng của kiếp lưu đày. Người sẽ nhớ đến họ với lòng thương yêu lớn lao qua những phép lạ, để phục hồi, tái thiết và bang trợ.

Bài đọc 2, Thánh Phaolô đề cập đến những ơn riêng Chúa Thánh Thần ban cho con người: “Thánh Thần tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì mưu cầu ích chung. Người thì được Thánh Thần ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được lòng tin ; kẻ thì cũng được những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri ; kẻ thì được ơn phân định thần khí ; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ” (1Cr 12,7-10). Tất cả những ơn ấy khác nào là hiệu quả phong phú của lòng Chúa thương xót, nhằm phục vụ cho hạnh phúc trường tồn của con người.

Trộm nghĩ, Thánh Kinh là một mạc khải huy hoàng rực rỡ về lòng thương xót, hay nói đúng hơn, đó là một pho sách đề cập về lòng Chúa thương xót nhân loại. Khởi đầu sáng tạo, dù biết trước con người sa ngã, nhưng lòng Ngài đã không chịu thua, Ngài vẫn dựng nên con người, cho con người hiện hữu trên trần gian này và trao cho con người một ơn gọi một sứ mệnh. Thế rồi khi con người lợi dụng ân huệ của Thiên Chúa để chà đạp tình yêu Ngài, thì Ngài đã thương xót họ, đến mức hạ thấp tới những tội nhân hèn kém nhất. Lòng thương xót Chúa có dư đủ bao la để ôm trọn tất cả tội lỗi khổng lồ của nhân loại và đốt cháy thành tro bụi trong lò lửa tình thương nơi Thánh Tâm Con Một yêu dấu. Về phương diện thể xác, lòng thương xót Chúa đã khiến kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ đói khát được no đầy (x. Lc 7,22). Về phương diện tinh thần, Chúa còn làm những chuyện lạ lùng lớn lao hơn nữa: cho người nghèo được nghe giảng Tin Mừng, kẻ dốt được nên khôn, người sợ hãi nên mạnh sức, kẻ trắc nết nên trong sạch, cho tội nhân nên thánh thiện..., sự hư vô nên con Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng Ga 2,1-11 kể lại phép lạ tại tiệc cưới Cana miền Galilêa. Đây là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm khi khởi đầu sứ vụ. Dầu “giờ” của Người chưa đến, Chúa vẫn làm phép hóa sáu chum nước lã dùng vào việc thanh tẩy theo thói lệ, thành rượu ngon hảo hạng không đâu sánh bằng, vì đám cưới lúc bấy giờ đã hết rượu rồi. Nhân loại, qua hình ảnh tiệc cưới Cana, khởi đầu đầy tràn niềm vui như nơi Adong Eva trước khi sa ngã. Nhưng tội lỗi đã biến niềm vui thành nỗi sầu, biến con người tự do thành nô lệ, và thảm họa giăng mắc khắp nơi như sư tử rình mồi. Vì thế, mọi thời mọi nơi thâm sâu nhân loại khắc khoải mong chờ Đấng Cứu Thế. Chúa Kitô đã đến trần gian và Người đem lại niềm hoan lạc của đời sống mới, khi biến đổi những gì cũ kỹ thành mới mẻ tinh khôi, biến hoang tàn thành phong nhiêu, kẻ kẻ bị ruồng bỏ lại trở thành người được Chúa yêu thích. Mà Chúa Giêsu đã đổi lấy cho ta số phận diễm phúc ấy bằng cả mạng sống của mình.

Nhưng, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên tại Cana ấy là vì Đức Maria, Mẹ Người. Ra là vậy, vào lúc bắt đầu cuộc hành trình đức tin của Hội Thánh, cuộc lữ hành xuyên qua lịch sử loài người, Đức Maria đã hiện diện, và Mẹ vẫn luôn hiện diện giữa lòng Hội Thánh lữ hành. Vì thế, trong Hội Thánh, Đức Nữ Trinh được kêu cầu qua nhiều tước hiệu: Trạng Sư, Vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian (LG 62).

Nhưng tại sao Đức Maria lại có tâm hồn tinh tế trung gian khẩn cầu kịp thời cho nhân loại như vậy? Đức Trinh Nữ luôn chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và đồng thời luôn lắng nghe những nhu cầu và lời khẩn nài của muôn muôn triệu người. Khi chiêm ngưỡng và yêu mến Chúa, Mẹ trông thấy trong Chúa, như một tấm gương trong sáng vô cùng, những gì Thiên Chúa thấy. Hay nói cụ thể hơn, Đức Maria được tham dự vào sự hiểu biết của Thiên Chúa, và nhờ đó, Mẹ nhìn thấy, một đàng, những nhu cầu và lời khẩn nguyện của nhân loại, và đàng kia, ước mong của Thiên Chúa muốn nhờ Mẹ để giúp đỡ mọi người. Lại nữa, để cầu bầu cho nhân loại, Mẹ chỉ cần nhìn vào Thiên Chúa, và cái nhìn của Mẹ nói lên nhiều hơn bất cứ trạng sư nào. Đức Mẹ nhìn Con mình với một ánh mắt mến yêu tín thác, và Chúa Con đáp lại chỉ bằng một nụ cười ưng thuận âu yếm.

Thưa các bạn quý mến,

Cảm nghiệm về lòng thương xót Chúa và trở nên hình ảnh của lòng thương xót, là việc chúng ta nên làm. Để thực sự trở nên như vậy, một nhà tu đức đã nói rằng ngay từ bây giờ ta “phải đưa tình yêu vào trong hết mọi việc ta làm: phải làm tất cả vì yêu mến, những việc khiêm nhường, hãm mình, bác ái huynh đệ, kinh nguyện, công việc hằng ngày. Hết mọi tiểu tiết đời ta phải là cách biểu lộ tình thương. Tất cả phải lấy sinh khí từ sự say mê cao độ nhất: say mê Thiên Chúa, Đấng yêu mến của lòng ta” (Đức Ái, Paul Jaegher SJ).