Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm C |
VỌNG CHÚA ĐẾN |
Linh muc Thiên Ngoc, CMC |
“Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội. Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời” (Is 45,8) Thưa các bạn thân mến, Cứ mỗi lần Mùa Vọng về, bài thánh ca Trời Cao trên đây lại được vang lên trong khắp các thánh đường, như thúc giục chúng ta hòa cung điệu tâm hồn với muôn dân nước mong chờ Đấng Thiên Sai đến. Mà quả thật, Chúa Cứu Thế đã đến cách đây 2024 năm, như ứng nghiệm lời các tiên tri đã loan báo: “Đã đến ngày Ta thực hiện tin mừng Ta loan báo về nhà Isrrael và nhà Giuđa. Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Đavit một chồi công chính. Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ được sống yên ổn” (Bài đọc 1 Gr 33,14-16). Thế nhưng, Tin Mừng hôm nay lại nhắc cho chúng ta về ngày tận thế: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hoàng chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Bài Tin Mừng Lc 21,25-28.34-36). Vì thế, ơn trọng cần thiết là xin Chúa Kitô giúp chúng ta sống công chính thánh thiện mà phụng thờ Ngài và mong đợi ngày Ngài lại đến: “Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các Thánh của Người” (Bài đọc 2 1Tx 3,12-4,2). Trong ngày đầu Năm Phụng Vụ mới, tức Chúa Nhật 1 C Mùa Vọng, chúng ta nghĩ về hai điều: Mùa Vọng là Mùa như thế nào, và thái độ sống Mùa Vọng của chúng ta ra sao? 1. Ý nghĩa Mùa Vọng Giáo Hội dạy: “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến với loài người lần thứ nhất; vừa là Mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như là Mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (AC 39). Thử so sánh hai lần đến của Chúa Giêsu Kitô, theo thánh Syrilô Giêrusalem (Kinh Sách CN 1 MV): Lần thứ nhất, Chúa đến lặng lẽ âm thầm như hạt giống gieo vào lòng đất, bao hàm đau khổ, bọc trong tã đặt nằm trong máng cỏ, vác thập giá chẳng nề nhuốc hổ, bị xét xử như một tội nhân, và để thuyết phục nhân loại theo lòng nhân ái. Lần thứ hai, Chúa ngự đến oai hùng rạng rỡ, biểu lộ vương quyền của Thiên Chúa, khoác áo cẩm bào muôn ánh hào quang, chiến thắng khải hoàn, có đạo binh thiên quốc hộ tống để xét xử muôn dân trong tư cách Thẩm Phán, và nhân loại bó buộc phải nhìn nhận vương quyền của Người. 2. Thái độ sống Mùa Vọng a. Luôn mong chờ hy vọng nơi Chúa: “Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa” (Đáp ca Tv 24,1). “Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa và dạy bảo con lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con” (c 4-5). b. “Tỉnh thức và cầu nguyện” ( Lc 21,36) - Tỉnh thức: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em, vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Khi người ta nói: “bình an biết bao, yên ổn biết bao!”, thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống, tựa như cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được” (1Tx 5,1-3). Câu chuyện: Theo trang Wikipedia, Titanic là chiếc tàu vượt đại dương chở khách chạy bằng động cơ hơi nước đã đi vào lịch sử ngành hàng hải vì vụ tai nạn hàng hải đã xảy ra với nó cũng như những bí ẩn liên quan. Tên chính thức của nó là RMS Titanic (RMS là viết tắt của Royal Mail Ship). Tàu bắt đầu được đóng vào năm 1909 và được hạ thủy năm 1912. Là con tàu lớn, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng nhất lúc đó, Titanic mang theo tham vọng thống trị tuyến đường biển xuyên Đại Tây Dương của công ty sở hữu nó, hãng vận tải biển The White Star Line. Tuy nhiên, trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó vào tháng 4 năm 1912, Titanic đã đắm do đâm vào một tảng băng trôi, khiến hơn 1.500 người tử nạn. Vụ đắm tàu này đã đi vào lịch sử như là vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong thời bình. Chuyện con tàu Titanic tham vọng thống trị đại dương, nhưng vừa khởi hành đã đụng phải băng ngầm và chìm sâu dưới đáy đại dương với nhiều sinh mạng cùng sự xa hoa lộng lẫy của nó, là bài học dạy phải tỉnh thức như người quản gia tốt lành, như đầy tớ trung tín, như năm cô trinh nữ khôn ngoan. - Cầu nguyện: Đó là sống trong sự hiện diện của Chúa Kitô. Vấn đề quan trọng là ý thức sự hiện diện của Chúa Kitô. Mặc dù Chúa đã đến trần gian và đã về Trời, nhưng Người vẫn luôn hiện diện với chúng ta, trong Lời Ngài, trong Thánh Thể và trong Hội Thánh: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 24,20). Nếu tâm hồn chúng ta không có Chúa hiện diện, thì sự thể sẽ như thế nào? Thánh Macariô, giám mục nói: “Một căn nhà vắng chủ sẽ tối tăm, đáng kinh tởm và đầy rác rưởi phân dơ. Cũng vậy, linh hồn không có Chúa hiện diện sẽ chìm ngập trong bóng tối tội lỗi, trong đam mê xấu xa và mọi thứ ô nhục. Khốn cho con đường không còn người đi lại, không còn nghe tiếng người, vì nó sẽ thành sào huyệt cho muôn thú! Khốn cho linh hồn không được Chúa lui tới và lên tiếng xua đuổi loài ác thú thiêng liêng. Khốn cho căn nhà vắng chủ! Khốn cho mảnh đất không người canh tác! Khốn cho con tàu không có hoa tiêu! Khốn cho linh hồn không có Đức Kitô hiện diện! (…). Khốn cho linh hồn không được Đức Kitô chăm lo vun trồng để có thể sinh hoa thơm trái ngọt của Thần Khí! (…). Đức Kitô vừa là Vua Trời vừa là nhà nông đích thực, khi đến với nhân loại hoang tàn vì tật xấu (…). Người bứng rễ gai góc ác thần, nhỏ hết cỏ lùng tội lỗi, lấy lửa thiêng đốt sạch rơm rác tội lỗi (…). Người biến nó thành khu vườn tuyệt diệu của Thần Khí, khu vườn ấy sẽ đem lại cho Thiên Chúa là Chủ Vườn đủ thứ hoa rất thơm, trái rất ngọt” (Kinh Sách Thứ Tư tuần 34). c. Sống bác ái yêu thương: Thánh Phaolô trong bài đọc hai gửi tín hữu Thessalonica dạy: “Anh em thân mến, xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người thêm đậm đà thắm thiết cũng như tình thương của chúng ôi đối với anh em. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các Thánh của Người” (1Tx 3,12-13). Lời nguyện CN 1 MV: Lạy Chúa Cha toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, mà đón chờ Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian. Nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu và gọi vào hưởng phúc Nước Trời. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen |
|