Chúa Nhật III Mùa Vọng - Năm C |
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG C |
Lm Giuse Đinh tất Quý |
Kính thưa anh chị em, Các bản văn Phụng vụ hôm nay nói nhiều đến niềm vui. Nhưng tại sao lại vui như vậy? Thưa vì Chúa sắp đến. Cha Gutzwiller một nhà chú giải Kinh Thánh nổi tiếng có viết một câu rất đơn sơ nhưng ý nghĩa rất đẹp: Gặp được Chúa là gặp được niềm vui. Và trong bài Tin Mừng hôm nay Gioan Tẩy Giả sẽ chỉ cho chúng ta cách để chúng ta có thể có được niềm vui của Chúa. A. Như anh chị em đã thấy, khi Gioan xuất hiện ở bên bờ sông Giorđanô để rao giảng thì có rất nhiều người tuốn đến với ông. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy trước mặt ông là cả một đám rất đông quần chúng. Đây là thành phần được Gioan Tẩy Giả dành cho những tình cảm đặc biệt. Ngoài ra, ta còn thấy có hai nhóm nhỏ hơi đặc biệt một chút. Đó là những người thu thuế và một số lính tráng, những thành phần không mấy được ưa chuộng, thậm chí còn bị liệt vào số những người tội lỗi cần phải tẩy chay. Nhưng tất cả đều cảm thấy có một khát vọng phải làm một cái gì đó sau khi được nghe những điều Gioan nói. Họ thành khẩn xin Gioan Tẩy Giả chỉ cho họ và Gioan đã không phụ lòng họ. 1. Đầu tiên là đám đông quần chúng Họ cảm thấy bị lay động một cách mạnh mẽ trước những lời Gioan giảng. Họ cảm thấy phải làm một cái gì đó như Gioan mong đợi. 2. Tiếp đến là những người lính. 3. Cuối cùng là những người thu thuế. Đây là giai cấp bị người Do Thái ghét cay ghét đắng và luôn tìm cách xa lánh. B. Bây giờ chúng ta hãy nghe Gioan Tẩy Giả khuyên dạy. 1. Để được hiểu rõ hơn những lời Gioan Tẩy Giả nói, ta phải lưu ý một vài chi tiết này. a- Trước hết ta thấy Gioan có đầu óc. Ông biết những gì cần phải nói và nói những việc có thể làm được. Gioan cũng là người rất thực tế. Ông hiểu cuộc sống của từng lớp người. Ông hiểu những gì người ta có thể làm được. Ông không đòi hỏi những điều trên mây trên gió. Ông thấy được mỗi người cần phải làm gì trong chính hoàn cảnh cụ thể của mình. Đòi hỏi một điều mà người ta không thể thi hành được thì chẳng khác gì làm một việc vô ích. b- Bây giờ chúng ta đi vào một vài chi tiết. Tin Mừng hôm nay ghi lại. + Với đám đông: Ông đòi hỏi họ phải biết chia sẻ. Họ phải thực hiện Bác ái. "Ai có hai áo, hãy cho người không có. Ai có của ăn cũng hãy làm như vậy"(Lc 3,11) + Với những người thu thuế ông bảo họ: "Các ngươi đừng đòi gì quá mức ấn định cho các ngươi"(Lc 3,13) + Với những người lính thì ông lại khuyên khác: "Đừng ức hiếp ai. Đừng cáo gian ai. Hãy bằng lòng với số lương của mình"(Lc 3,14) c- Qua những lời nói trên chúng ta thấy Gioan xứng đáng là một bậc thầy. Rất khôn khéo và cũng rất tế nhị. Không gay gắt trong ngôn từ nhưng rất quả quyết và rỏ ràng trong hành động. + Với những người vốn đã có một đời sống tốt đẹp như đa số đám đông quần chúng là những người đã được luật Công Bình của Cựu Ước giáo dục và chỉ dẫn, thì ông khuyên họ hãy đưa cuộc sống họ lên cao hơn một bậc nữa. Đó là cuộc sống Bác ái. Đây là cuộc sống lý tưởng mà chính Chúa Giêsu sau này cũng đòi hỏi như thế. + Nhưng đối với những người mà hai tiếng Công Bình còn quá xa lạ với họ như những người lính và những người thu thuế lời khuyên của Gioan hơi khác. Ông không đòi hỏi những người thu thuế phải đoạn tuyệt với người Roma mà họ đang cộng tác. Ông cũng không đòi hỏi những người lính đang phục vụ trong đạo binh của Hêrođê phải đào ngũ. Họ cứ việc giữ nguyên nghề nghiệp của họ. Thế nhưng vì họ xin ông chỉ cho họ cách họ phải làm gì thì chúng ta thấy Gioan cũng chỉ đòi hỏi họ phải đưa cuộc sống của họ lên cao hơn một bậc. Ông đề nghị với họ hãy từ bỏ những cách cư xử thiếu Công bằng: "đừng đòi gì quá mức ấn định - đừng cáo gian ai - đừng ức hiếp ai". Đòi hỏi quá mức - cáo gian - ức hiếp người khác - Cách cư xử đó chẳng khác gì cách cư xử của muôn loài cầm thú. Cư xủ như thế là cư xử theo luật rừng. Gioan khuyên họ hãy biết sống Công bằng đối với nhau: "Hãy bằng lòng với số lương đã được ấn định cho các người" Đó là những lời khuyên rất cụ thể và thực tế cho những người đến xin ông chỉ dẫn. Còn đối với cá nhân của Ông thì sao? C. Khi người ta hỏi ông về vai trò của mình, ông đã trả lời một cách rất sòng phẳng và thành thật. Ở điểm này thì chúng ta phải cảm phục sự thành thật của ông. Ông không lạm dụng lòng tin của quần chúng. Giữa lúc mọi người tin rằng ông chính là Đấng Kitô, Đấng phải đến thì ông lại bảo: Ông không phải là đấng đó. Đúng là một con người ngay thẳng. Có sao thì nói vậy. Có gì thì nhận nấy. Một lời cũng không thêm, nửa chữ cũng không bớt. Khó mà tìm được một con người như thế nhất là trong xã hội nghèo khó, dầy giai cấp của người Do thái lúc đó. Ông cũng là một con người rất khiêm nhường. Ông tự ví mình như một người không xứng đáng dù là chỉ cúi xuống cởi dây dép cho Chúa. Vâng! Ông thành thực, ông khiêm nhường. Ông không muốn gì cho ông. Điều mà ông muốn đó là làm cho người ta nhận ra Đức Kitô. Chính Ngài mới thật là Đấng có uy quyền. Ngài mới là Đấng rửa trong Thánh Thần. Gioan chỉ rửa bằng nước. Ngài mới là Đấng đến để thánh hóa những kể thống hôí ăn năn và trừng phạt những kẻ cứng lòng. Như vậy Gioan cũng như Sophonia, các ngài chỉ là những ngôn sứ. Các ngài là những người chỉ đóng vai trò loan báo và dọn đường. Chúa Cứu thế mới là Đấng phải đến và đã đến như lời của các ông loan báo. Ngài đến để thực hiện lời hứa cứu độ cho cả loài người. Người là Tình yêu. Ai gặp được Ngài là gặp được niềm vui. Cha John Diamond kể lại một câu truyện như sau: Một hôm kia có một người chẳng ưa gì đạo hỏi một cô bé có đạo: - Em có thể cho tôi biết Thiên Chúa của em ở đâu không? + Xin ông vui lòng chỉ cho cháu biết chỗ nào không có Thiên Chúa! - Thế Thiên Chúa của em có to lớn không? + Dạ có. - Thế Thiên Chúa của em có nhỏ không? + Dạ có - Làm sao mà lại vừa lớn vừa nhỏ như thế được? - Vâng Ngài lớn đến nỗi cả bầu trời không chứa nổi. Nhưng lại nhỏ, nhỏ đến mức có thể ngự vào tâm hồn nhỏ bé của em. Kính thưa anh chị em Chúng ta sắp sửa lại mừng lễ Giáng Sinh của Chúa. Đây không phải chỉ là một việc làm ôn lại quá khứ mà là sống lại một biến cố trọng đại: Biến cố Thiên Chúa đã làm người vì chúng ta. Sự việc Ngài làm người quả đã làm cho mối tương quan giữa Ngài với con người hoàn toàn được đổi mới. Một Thiên Chúa uy quyền cả bầu trời không chứa nổi nhưng lại có thể đến ngự ở trong mỗi tâm hồn nếu chính con người biết mở cõi lòng đón nhận. Nhưng làm sao để cho chung ta có thể có được Ngài? Lời của Gioan Tẩy Giả nói với dân chúng, nói với những người thu thuế và lính tráng cũng chính là những lời Chúa muốn mượn miệng lưỡi của Gioan mà nói với chúng ta. Không phải thay đổi nghề nghiệp, cũng không phải thay đổi hoàn cảnh mà là phải thay đổi cách sống…sống sao cho Công Bằng, cho Bác ái. Được như thế chúng ta sẽ xứng đáng với sự Giáng Sinh của Chúa, không cần phải bằng một con người xương thịt như thuở xưa, nhưng bằng Thánh Thần và ơn Thánh Hóa để chúng ta được sống một cuộc sống xứng đáng hơn, làm con người và làm con Thiên Chúa. Amen.
03 VC-Quy-2013-DacBiet A. Qua bài Tin Mừng hôm nay tuy không nói ra bằng lời nhưng Luca cũng gián tiếp cho chúng ta được thấy cuộc sống của con người trên đất từ xưa tới nay và từ bây giờ cho đến mãi mai sau được chi phối bằng những luật lệ nào. 1. Trước hết là luật rừng - Có từ thời có cuộc sống con người trên trái đất và nói còn tồn tại mãi.. - Cho thí dụ 2. Luật công bằng nói một cách công bằng thì bắt đầu từ thời Moisen - Cho thi du. Mắt thế mắt, răng đền răng. 3. Cuối cùng là luật Bác ái. - Luật này co từ thời Chúa Giêsu - Cắt nghĩa. B. Áp dụng vào bài Tin Mừng 1. Gioan đòi hỏi dân chúng là những người đã được luật công bình hướng dẫn hãy vươn lên luật bác ái Ai có hai áo, chia cho người khác một cái. Ai có của ăn cũng làm như vậy. Cho thí dụ 2. Gioan đòi những người lính và thu thuế: Đừng hà hiếp ai, hãy bằng lòng với đồng lương của mình. Cho thi dụ và nói tại sao C. Chúa Giêsu muốn chúng ta sống theo luật nào? Cho thi dụ. |