Chúa Nhật XXXIV - Thường Niên - ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ
 Lm, Thiên Ngọc, CMC

“Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực đến muôn đời. Amen” (Kh 1,6)

Thưa các bạn quý mến,

Quỹ thời gian của năm phụng vụ Hội Thánh đã gần hết. Hôm nay, với Chúa Nhật cuối cùng, Chúa Nhật 34, Hội Thánh mời gọi chúng ta mừng đại lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, có ý để suy tôn Ngài mãi mãi và cũng để trở nên thần dân đích thực trong Vương quốc của Ngài.

Thật vậy, tiên tri Đaniel đã nói từ xa xưa về Vương quốc của Đức Kitô: Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi khi nào bị cất mất, vương quốc của Ngài không khi nào bị phá hủy. (Đn 7,13-14).

Hòa với cung giọng trang trọng của tiên tri Đaniel, vua Đavid cũng đã tuyên xưng: “Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai. Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. Và Ngài đã giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, từ đời đời vẫn có Chúa” (Tv 92,1-2).

Nghe những lời tiên báo trên, chúng ta có cảm tưởng Chúa Kitô là một vị vua trần thế uy phong lẫm liệt, muôn dân run sợ khiếp oai. Chính người Do Thái cũng luôn nghĩ về Đấng Thiên Sai như thế. Thế nhưng, trong bài Tin Mừng theo Thánh Gioan, chúng ta lại thấy trái ngược ! Trước tòa án quan Phila, Đức Kitô lại xuất hiện trước mắt chúng ta như là một phạm nhân. Chưa kể hôm sau, Ngài bị nhạo báng về vương vị của Ngài khi bị khoác cho chiếc áo choàng đỏ, tay cầm cây sậy như vương trượng, đầu đội vòng gai như mũ triều thiên, bị lột áo trần truồng và thập giá là ngai vàng khi bị đóng đinh treo lơ lửng giữa đất và trời trong ô nhục ... Quả vậy, Chúa Giêsu Kitô đã bị các thượng tế, luật sĩ, kỳ lão dân Do Thái mưu bắt trong đêm tại vườn Cây Dầu. Sáng hôm sau, Ngài bị điệu đến trước tòa Philatô trong dáng vẻ của một trọng phạm, bị đánh đập dã man suốt đêm, đến nỗi không còn dáng vẻ bình thường nữa, huống chi là hơi hám của một vị vua. Điều ấy làm cho tổng trấn Philatô quá đỗi ngạc nhiên. Và ông đã hỏi Chúa Giêsu rằng: Ông có phải là vua dân Do Thái không?”, một câu hỏi nói lên thắc mắc cao độ về vương quyền của Đức Kitô. Chúa Giêsu đã không ngần ngại khẳng định điều đó: Tôi là vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng về chân lý. Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng Tôi” (Ga 18,37). Ngài cũng nói rõ cho vị tổng trấn ngoại đạo đang muốn tìm hiểu biết sự thật này: Nước Tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước Tôi thuộc về thế gian này thì những người của Tôi đã chiến đấu để Tôi không bị nộp cho người Do Thái, nhưng mà nước Tôi không thuộc chốn này” (Ga 18,36).

Vậy nước của Chúa Kitô là nước như thế nào? Các thần dân của Ngài ra sao và Ngài cai trị họ như thế nào?

Trước hết, Bài đọc 2 sách Khải Huyền theo thánh Gioan tông đồ nói rõ với chúng ta: “Chúa Kitô là thủ lãnh các vua trần thế. Ngài thương yêu chúng ta, đã dùng máu mình mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người” (Kh 1,6-7). Chúa Kitô được Chúa Cha tôn phong lên làm Vua của muôn loài thọ sinh này, một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, cả đời này lẫn đời sau, vì tuy vốn là Thiên Chúa, Ngài đã ra như hủy mình đi khi mặc lấy thân phận tôi đòi, giống như con người mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, và chết trên thập giá, thể hiện tình yêu đến cùng của Vị Thiên Chúa làm người. Ngài được Chúa Cha siêu tôn làm Vua các vua, Chúa các chúa, vì bản tính Thiên Chúa của mình, và vì Ngài đã vâng phục thánh ý, khi yêu thương hiến thân chịu chết để cứu vớt nhân loại khốn cùng (x.Pl 2,6-11).  

Từ đó, nhân loại chúng sinh, một khi đã được Chúa Giêsu hiến thân cứu chuộc, thì không ai thuộc về mình hay làm tôi một vị vua nào khác nữa, mà là thuộc về Chúa Giêsu, là sở hữu của Ngài. Thánh Phaolô còn nói thêm rằng chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta (2Cr 5,15). Suy phục Vua Kitô vừa là lẽ phải mà cũng là vừa tự nguyện do tình yêu thúc bách, vì tình yêu chỉ được đáp trả bằng tình yêu. Cho nên, thật đẹp thay gương Á Thánh Anrê Phú Yên. Ngài chịu tử đạo mới 19 xuân xanh, được mệnh danh là vị tử đạo đầu tiên của các anh hùng tử đạo Việt Nam (1625-1644). Trong ngục tù cũng như trên đường tiến ra pháp trường, Thầy đã nói vẫn một lời với những người thương mến đi theo mình, rằng : “Hãy đem tình yêu đáp trả tình yêu, hiến dâng mạng sống đáp đền mạng sống. Anh chị em ơi, hãy yêu mến Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời !”. Thánh Bênađô khi bình luận về sách Diễm Ca có nói: “Trong mọi hoạt động, cảm xúc và tâm tình của linh hồn, chỉ có tình yêu có thể giúp thụ tạo đáp lại Đấng Tạo Hoá, dầu không tương xứng, thì ít ra cũng giống nhau được phần nào. Vì khi Thiên Chúa yêu, thì Người không muốn điều gì khác hơn là được yêu: Thật vậy, Thiên Chúa yêu, thì Người không nhằm điều gì khác ngoài được yêu lại, vì Người biết ai yêu mến Người thì sẽ được hạnh phúc nhờ chính tình yêu đó”.

Chúa Giêsu đã phục vụ nhân loại với tình yêu cao cả, và chúng ta đi theo Ngài, phụng thờ tôn vinh Ngài cũng với một trái tim yêu thương, đến mức hết lòng hết tâm hồn hết trí khôn và hết sức, và cũng yêu thương tha nhân như gương Ngài đã yêu (x.Mc 12,29.30). Ai phụng sự Đức Kitô với tình yêu như thế sẽ là thần dân đích thực và tuyệt đẹp của Ngài, sẽ mãi mãi ở trong Vương quốc tình yêu của Ngài, để hoan hỉ chiêm ngưỡng Tôn Nhan Thiên Chúa Tình Yêu và sống trong tình yêu thương đến muôn đời.

Nguyện xin Đức Maria, Người Mẹ của chúng ta, giúp chúng ta trở nên một tâm hồn đức ái trọn hảo trong cuộc sống nhân sinh này.