Chúa Nhật XXXIV - Thường Niên - ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ |
ĐỨC GIÊSU LÀ VUA Ư? |
Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn |
“Chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian: ấy là để làm chứng cho chân lý. Phàm ai thuộc về chân lý thì nghe được tiếng tôi” (Ga 18:37). Không ít người khi mới tìm hiểu về Kitô giáo, hoặc có dịp đọc qua một vài trang sách Phúc Âm, đã vội đưa ra vài nhận xét về Đức Giêsu như sau: Ngài không phải là một chính trị gia xuất chúng và cũng chẳng phải là một thương gia đại tài. Bởi vì những lời Ngài nói, những điều Ngài hứa hẹn không giống với các chính khách hay các nhà buôn thời nay tí nào. Thay vì lôi kéo quần chúng bằng những lời mời gọi hấp dẫn, có tính chất quyến rũ thị hiếu của người ta, để họ sẵn sàng đi theo ủng hộ, thì Đức Giêsu lại nói, “Ai muốn theo Ta, hãy chối bỏ chính mình, hãy vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Đã vậy rồi khi có người đi theo, Ngài lại phán thêm những câu mà mới nghe qua đã muốn bất mãn. Chẳng hạn như, “Ai không từ bỏ cha mẹ, anh em, vợ con và ngay cả mạng sống mình thì không xứng đáng làm môn đệ của Ta” (Lc 14:26); hoặc “Ta không đến để đem bình an, nhưng là gươm giáo” (Mt 10:34). Thật là khác lạ! Thay vì hứa hẹn một cuộc sống sung túc nhẹ nhàng thoải mái, êm ấm bình an, thay vì cứ hoá bánh ra thật nhiều và hoá thường xuyên để nuôi dân chúng, và như thế thì làm gì mà họ chẳng theo, thậm chí còn ủng hộ, bỏ phiếu bầu mình làm thủ lãnh, chứ đàng này Ngài lại dạy phải chịu đau khổ, phải từ bỏ chính mình, phải nhân nhượng kẻ thù, hay nói cách khác là phải chịu mất mát thiệt thòi. Thế thì làm sao mà lôi kéo dân chúng được! Khi suy luận như thế, tất nhiên sẽ có không ít người tin tưởng mình sẽ nắm chắc phần thắng khi đánh cuộc nếu Đức Giêsu mà ra tranh cử, dù thời xưa hay thời nay, thế nào cũng bị loại ngay từ vòng đầu thôi. Nhất là khi họ thấy thân xác của Ngài bị đóng đinh thê thảm trên thập giá, kết thúc cuộc đời không một chút oai phong vinh quang, thì chẳng mấy ai dám khẳng định Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Vua dân Do thái, hay là Chúa của muôn dân. Có chăng chỉ là một sự nhạo báng! Ấy thế mà kẻ bị đóng đinh ô nhục trên thập giá giữa những tên trộm cướp, người đã từng bị nhạo báng là vua, là Mêsia, lại thật sự là Đức Kitô, Vua của muôn muôn tỉ tâm hồn. Sẽ có người ngạc nhiên nêu vấn đề: Tại sao nghịch lý thế? Do đâu mà một tử tội lại được người ta bước theo đông đảo như vậy? Phải chăng vì người đó chính là chân lý-phải chăng vì người đó đã đến để giải thoát nhân loại bằng chân lý, và nay lại dám hiến mình chịu chết cho chân lý? Nhưng “chân lý là gì”? Câu hỏi không cần câu trả lời của Philatô lại là đề tài suy tư của nhiều thế hệ. Chân lý đó chính là Thiên Chúa yêu thương con người. Bất cứ ai tin nhận chân lý này sẽ tìm thấy cho mình một sức sống phong phú, một niềm vui linh thiêng tràn đầy, nhất là sẽ múc được hồng ân cứu thoát, dù rằng người đó có đang quằn quại trong nỗi đau của thân xác như người trộm lành bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu. Trong nỗi đau đớn tột cùng trước những hình khổ do quân Roma bày ra, anh trộm lành đã nhận chân con người của Đức Giêsu. Anh Đã bênh vực cho Ngài khi lên tiếng: “Ông này đâu có làm điều gì sai trái” (Lc 23:41). Nói cách khác, anh đã thừa nhận Đức Giêsu đã làm điều đúng. Ngài chỉ làm theo sự thật, đã sống cho chân lý yêu thương con người, và nay ngài chết cũng vì chân lý yêu thương đó. Từ chỗ tin nhận và bênh vực sự vô tội của Đức Kitô, anh trộm lành đã khám phá ra vương quyền và thiên tính của Ngài. Kết quả, anh đã lên tiếng khẩn cầu: “Khi nào về Nước, xin Ngài nhớ đến tôi” (Lc 23:42). Lạ quá! Làm sao trước một thân xác rã rời với đinh sắt, máu me thế kia mà anh ta có thể cất lên được lời kêu nài như thế là lời thỉnh cầu trước một quốc vương? Làm sao trước hình hài của một kẻ đang chịu đau khổ chẳng thua kém gì anh ta thế kia mà anh lại đem lòng thần phục như đối với một vị vua uy quyền như vậy? Câu trả lời sẽ là: Chân Lý đã gặp gỡ anh và anh đã tin nhận Chân Lý. Đức Kitô gặp anh và anh đã tin phục Ngài. Chính sự tin phục cùng tin nhận này mà ơn cứu độ, phần thưởng của sự sống linh thiêng được trao ban cho anh ngay trong ngày đó. Đã có rất nhiều người gặp Đức Giêsu, nhưng không phải tất cả đều nhận ra Ngài là Chân Lý, là Vua của tâm hồn, là Chúa của yêu thương. Philatô đã gặp Đức Giêsu đấy chứ, nhưng lòng ham mê quyền hành đã che khuất chân lý; những người luật sĩ biệt phái đã thấy Đức Giêsu đấy chứ, nhưng những ghen tương đố kị, những mưu cầu ảnh hưởng cá nhân đã làm lu mờ khuôn mặt của chân lý; rất nhiều người trong đám đông dân chúng Do thái về dự lễ Vượt qua ngày xưa đã thấy Đức Giêsu đấy chứ, nhưng chỉ vì thích hùa theo tính bạo động của đám đông, bất chấp chuyện đúng sai, bất chấp kẻ vô tội là Giêsu hay là Baraba. Thế nên, cuối cùng Chân Lý đã bị họ đóng đinh. Trong tuần cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội muốn đặc biệt nhắc nhở với mọi người tín hữu về gương mặt của Chúa Giêsu Vua, gương mặt của chân lý yêu thương con người-chân lý duy nhất mang lại hạnh phúc và niềm vui tâm hồn. Thử hỏi chân lý yêu thương đó có ngự trị tâm hồn của tôi chưa? Tôi đã dám bước trên những gì là quyền hành, dù đó là quyền hành của một người cha, người chồng, hay người chủ, tôi có dám vượt thoát những gì là ghen tương đố kị, lợi ích riêng tư, tôi có can đảm chế ngự những bạo động của dục tình hay nóng giận để làm cho hình ảnh của chân lý yêu thương là Vua Giêsu được bừng sáng hơn trong gia đình và cộng đoàn tôi không? Xét lại chính mình nhân ngày cuối năm phụng vụ để xác định thái độ tin phục và suy tôn cần có đối với Vua Giêsu, hầu sự bình an và niềm hạnh phúc thiên đàng mà Ngài đã tặng ban cho người trộm lành xưa, cũng chiếm ngự tâm hồn, gia đình, và cộng đoàn chúng ta. |