Chúa Nhật XXXII - Thường Niên - Năm B |
DÂNG TẤT CẢ |
Lm Anthony Việt Toàn |
"Người nghèo nào là người nghèo nhất? Có lẽ là người không có tiền? Không nhà ở? Không sức khoẻ? Không. Người nghèo … nghèo nhất Ấy là kẻ nghèo tình yêu" (H. Camara)
Phải chăng đây cũng chỉ là những lời tự an ủi và ru ngủ cho nỗi cùng khổ của mình? Không phải vậy. Nhưng chính là những suy tư được chắt lọc từ Tin Mừng, một Tin Mừng thường xuyên làm đảo lộn bậc thang giá trị quen thuộc trong cuộc sống con người và mời gọi mỗi chúng ta trở về với cái thật của mình, làm nền móng cho mối quan hệ đích thật giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. Và Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay đưa mỗi chúng ta vào những suy tư đó.
Người nghèo là điểm gặp nhau giữa bài đọc I và bài Tin Mừng qua khuôn mặt người phụ nữ Sarepta và bà goá đang lên đền thờ cầu nguyện. Cả hai đều nghèo. Chỉ nguyên rơi vào tình trạng goá bụa đã là một nỗi nghèo đáng thương. Một phụ nữ mất chồng cũng có nghĩa là mất nơi nương tựa trong đời, trở thành kẻ cô thân cô thế trong xã hội. Chính vì thế mà các goá bụa thường được xếp chung với trẻ mồ côi và khách kiều cư, những người dễ bị chèn ép. Đã nghèo vì thân cô thế cô, lại thêm cái nghèo vật chất hành hạ. Khi Tiên tri Elia gặp goá phụ sarepta, bà đang trong tình cảnh đi " nhặt vài que củi về nướng chiếc bánh cuối cùng cho con ăn rồi chờ chết đói". Còn bà goá đã bỏ vào hòm tiền của đền thờ được coi tất cả những gì bà có để nuôi thân lại là hai đồng tiền kẽm. Tất cả chỉ có thế. Đúng là mạt hạng.
Tương phản với cái nghèo mạt hạng của các goá bụa là sự phong phú giàu có của các luật sĩ và biệt phái. Kẻ nghèo thì nghèo đủ thứ , còn người giàu thì lại giàu đủ mặt. Giàu củaq cải, vật chất đã đành, lại giàu cả quyền thế, Đi đến đâu cũng được thiên hạ bái chào, giàu cả danh giá vì luôn được ngồi ghế nhất trong hội đường và đám tiệc
Tuy nhiên, đối với vị Thiên Chúa của những nghịch lý, là Thiên Chúa giàu có đã nên nghèo khó, vị Thiên Chúa toàn năng đã nên yếu đuối…thì chính những người nghèo kia lại là những người giàu có nhất. Dù nghèo về của cải nhưng lại có tâm hồn rộng mở. Chỉ có tấm bánh cuối cùng cho sự sống mà vẫn dám cho đi, chỉ còn một đồng xu dính túi mà vẫn không ngại dâng hiếng tất cả.
Cho đi như thế, họ mới thực sự là người giàu có trước mặt Thiên Chúa. Quả phụ sarepta sẽ còn sống tiếp với hũ bột không cạn và bình dầu không vơi và bà goá nghèo chỉ có tài sản là 2 đồng tiền kẽm lại được Thiên Chúa đóng ấn là người giàu có vì đã dâng hiến cả sự sống của mình.
Còn ngược lại, trước mặt Thiên Chúa, những kẻ tự hào là giàu sang chỉ còn là những kẻ đang trách, bởi vì giàu có của cải nhưng lại nghèo tấm lòng, nên tôn giáo củaq họ chỉ còn là những nghi thức không hồn, tệ hơn nhữa còn trở thành phương thế bóc lột"đọc kinh cho dài để nuốt tài sản các bà goá".
Thưa ACE, như vậy ở đời giàu hay nghèo còn tuỳ vào bậc thang giá trị mà người ta dựa vào để đánh giá. Mà bậc thang giá trị của Thiên Chúa lại không giống như người đời lầm tưởng. Thiên Chúa là đấng sung mãn vô biên, chính Ngài đã dựng nên muôn loài. Nơi Ngài không có gì là thiếu thốn để con người mong lấp đầy cái nghèo nàn của mình. Điều Ngài mong đợi chính là tấm lòng, là tình yêu mà con người tự nguyện hiến dâng.
Nơi bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu đến với mỗi chúng ta qua dấu chỉ rất khiêm tốn là tấm bánh và chén rượu, nhưng lại chan chứa tình yêu dâng hiến. Ước gì hôm nay mỗi chúng ta cũng đến với Chúa Giêsu và với nhau bằng những gì bé nhỏ và nghèo nàn của mình, như tấm bánh nhỏ của bà goá Sarepta, như hai đồng tiền kẽm của bà goá đã bỏ vào hòm tiền của Đền thánh , nhưng khi được hâm nóng bởi lòng mến yêu, những món quà nhỏ bé đó lại chất chứa giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa vàlà những hạt mầm xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu cho mai sau. |