Chúa Nhật XXXI - Thường Niên - Năm B . Lễ Các Thánh Nam Nữ
DÒNG DÕI CÁC THÁNH
   Lm, Thiên Ngọc, CMC

“Này là dòng dõi những kẻ tìm Chúa” (Tv 23,6)

Thưa các bạn thân mến,

Có một câu chuyện thú vị về tổ phụ Abraham cầu xin cho thành Sôđôma và Gômôra (Stk 18,16-31). Sách Sáng Thế Ký thuật lại chuyện tổ phụ Abrraham cầu xin Chúa tha phạt hai thành ấy. Hai thành này tội lỗi đã kêu thấu tới trời nên sắp bị hủy diệt. Abraham thấy thương nên đứng ra khẩn cầu Chúa tha thứ, và đặc biệt, Ông đã mặc cả kỳ kèo khi đưa ra lý lẽ với Chúa: “Lạy Chúa, chẳng lẽ Chúa lại tiêu diệt cả người lành cùng với kẻ dữ trong hai thành ấy hay sao? Nếu con tìm được 50 người lành trong thành ấy liệu Chúa có tha không? Chúa không chần chừ mà đồng ý ngay! Tổ phụ Abrraham thấy Chúa tha dễ quá nên mừng, nhưng lại lo sợ không đủ 50 nên đã xin rút xuống còn 45. Rồi lại lo sợ không đủ số 45, nên xin giảm dần dần xuống còn 40…30…20… và cuối cùng chốt lại còn 10 người lành! Mà lạ thay, Chúa cũng đồng ý với con số tối thiểu ấy!?!

Chưa cần biết kết thúc câu chuyện ra sao, nhưng ngẫm nghĩ cái hậu tức thì của việc “mặc cả người lành” ấy, chúng ta thấy nổi lên một ý tưởng lớn: Vì những người lành, Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho nhân loại tội lỗi!

Vậy là người lành thánh có một thế giá rất lớn trước tòa Chúa, và tầm ảnh hưởng của họ đến nhân loại cũng không vừa!

1. Thế lực (ảnh hưởng) của người lành:

- Trước Thiên Chúa: Thiên Chúa sẽ tha thứ tội lỗi, quên đi sự bất xứng của người ta, và rộng ban ơn sủng cho con người qua sự chuyển cầu của người lành thánh.

- Trước mọi người: người lành như đèn soi vì “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”, như gương sáng vì “lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn”, họ canh tân thế giới nhẹ nhàng như vết dầu loang. Đúng là người lành thánh như nam châm, như ngọn đèn đường, như nắm men, như muối ướp…

2. Còn vắng họ?

Sa mạc mà thiếu ốc đảo thì sẽ rất khốc liệt, khó lòng cho khách bộ hành vượt qua nếu không muốn nói là bỏ xác trong đó. Thế giới thiếu người thánh thiện sẽ đầy bóng tối, sẽ nực mùi xú uế, tanh hôi… 

3. Như thế nào là người lành người thánh?

 Thánh Gioan tông đồ đã thị kiến trong sách Khải Huyền: “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” (…). Một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi tôi: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy ? Họ từ đâu đến ?”. Tôi trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó”. Vị ấy bảo tôi: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,9-14).

Các thánh đã “giặt sạch và tẩy trắng áo trong Máu Con Chiên” bằng Tám Mối Phúc (Mt 5,1-12a), như Thầy Giêsu đã chỉ rõ: “phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”, “phúc thay ai hiền lành”, “phúc thay ai sầu khổ”, “phúc thay ai khát khao nên người công chính”, “phúc thay ai xót thương người”, “phúc thay ai có tâm hồn trong sạch”, “phúc thay ai xây dựng hoà bình”, “phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính”, “phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa, anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

4. Nên thánh trong bổn phận

Thế giới hôm nay có rất nhiều những mẫu gương lành thánh: Mẹ Têrêsa Calcutta, Đức Gioan Phaolô II, nữ bác sĩ Joanna Molla,…. Nhưng cũng có vô vàn những tâm hồn âm thầm ẩn khuất nên thánh trong bổn phận, theo gương Đức Mẹ và Thánh Giuse. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng quanh ta có nhiều vị thánh, các thánh ở gần bên chúng ta. Người ông (bà) chịu đựng những đau khổ do tuổi già bệnh tật, nhưng cũng luôn vâng phục, luôn chấp nhận thánh ý Chúa: đó là một vị thánh. Người cha người mẹ, quên mình khi vất vả mưu sinh, yêu thương chăm sóc giáo dục những đứa con Chúa trao: đó là những vị thánh. Một người phụ nữ đã không pha mình vào những chuyện nói hành nói xấu người khác, nhưng thông cảm và đoán ý ngay lành cho họ, chu toàn công việc bổn phận hằng ngày: đó là một vị thánh, v.v…

Vì sao chúng ta có thể nên thánh trong bổn phận? Theo Giáo lý Hội Thánh, “Lao động hay bổn phận là một phương tiện thánh hóa và thấm nhiều thực tại trần gian bằng Thần Khí Chúa Kitô” (GLHTCG số 2427). Theo Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận, cứ chu toàn việc bổn phận là đủ để nên thánh: “Bổn phận là giấy thông hành đi vào Nước Trời”; theo ngài, người công nhân nên thánh trong xưởng thợ, nông dân nên thánh trên ruộng đồng, học sinh nên thánh trong lớp học, thầy cô nên thánh trên bục giảng, cha xứ nên thánh trên tòa giảng, giáo dân nên thánh trong giáo xứ, cha mẹ nên thánh trong gia đình, v.v…

Nhưng có điều quan trọng cần chú ý: phải làm việc bổn phận theo tinh thần thái độ nào mới được? Hãy yêu mến Thiên Chúa trước đã, rồi mới làm những gì bạn muốn” (Thánh Augustinô).

* “Nếu cứ xét bề ngoài, thì việc làm của Thánh Giuse chẳng có gì đáng nổi bật đáng chú ý, nhưng những việc làm ấy là có một giá trị đặc biệt trước mặt Chúa vì dự kiện tâm hồn mà Ngài đặt vào khi chu toàn bổn phận” (Thánh Giuse - Jean Galot, SJ). Dự kiện tâm hồn đó là đức bác ái: yêu Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và mọi người. “Việc nhỏ, nhưng do sức mồ hôi nước mắt mà quí, việc thường nhưng tình yêu tha thiết mà trọng. Người con thảo mặc chiếc áo len cũ rích nhưng không chịu đổi với bất cứ áo đắt tiền nào khác, vì mỗi mũi len đối với anh ta là một cử chỉ yêu thương của mẹ” (ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận - Đường Hy Vọng, số 821).

* Trước mắt thế gian, công việc của Đức Mẹ rất tâm thường: giúp đỡ bà chị Isave, lo lắng cho Hài Nhi Giêsu khi sinh hạ trong máng cỏ, chu toàn bổn phận ở Nazareth, đi chầu lễ ở Giêrusalem, chôn cất Thánh Giuse, chịu sỉ nhục đau đớn ở Canvariô… Nhưng dưới mắt siêu nhiên, đời Đức Mẹ phi thường: Mẹ đã làm tất cả mọi việc vì yêu mến Chúa Giêsu và nhân loại.

- Những việc trong gia đình cũng như những việc ngoài xã hội, tự nhiên hay thánh thiêng, không được tách rời khỏi động lực siêu nhiên của cuộc sống theo lời thánh Tông đồ Phaolô: “Hết thảy công việc anh em làm trong lời nói, hay trong hành động, hãy nhân danh Chúa Giêsu Kitô mà thực hành, nhờ Người mà cảm tạ Chúa Cha là Thiên Chúa” (Col 3,17) (Công Đồng Vatican II TD 4a).

- “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm làm nên một đường dài,

Phút này nối tiếp phút nọ, muôn triệu phút kết thành một đời sống.

Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp,

Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.

Đường hy vọng dệt bằng ngàn vạn chấm hy vọng,

Đời hy vọng dệt bằng triệu phút hy vọng”.

(ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận - Đường Hy Vọng, số 978)

Hãy cậy nhờ Đức Mẹ giúp chúng ta khi làm việc bổn phận: nghĩa là làm việc vì yêu mến Chúa, yêu mến tha nhân và trong sự cậy nhờ Mẹ hoàn toàn. Đó là con đường nên thánh của chung mọi người và không quá tầm tay mọi người.