Chúa Nhật XXVIII - Thường Niên - Năm B
LỰA CHỌN HAI KHO TÀNG
Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ

Một bác nông dân người Anh có dịp nghe John Wesley giảng thuyết. John Wesley là một nhà giảng thuyết nổi tiếng: hôm ấy ông giảng về việc sử dụng tiền của. Wesley bắt đầu bài giảng bằng tư tưởng; Phải ra công tích luỹ tối đa, phải dùng hết khả năng tìm cách làm giàu. Bác nông dân gật gù bảo người bạn ngồi bên cạnh: Đúng lắm! Rồi wesley triển khai điểm thứ hai: Phải tiết kiệm tối đa. Ông lên án thói phung phí tiêu xài quá đáng. Bác nông dân xuýt xoa: bài giảng tuyệt vời! Cám ơn Chúa, mình vẫn sống tiết kiệm. Cuối cùng, nhà giảng thuyết đi tới điểm thứ ba: Phải chia sẻ tối đa. Hãy coi hoàn cảnh thiếu thốn của người chung quanh là thuộc trách nhiệm của mình. Nghe đến đây, bác nông dân lắc đầu rồi bỏ nhà thờ đi ra…

Anh chị em thân mến

Chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng hôm nay cũng thế. Anh muốn theo Chúa Giêsu để được sống đời đời. Nhưng khi nghe Chúa Giêsu bảo: “Hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Sau đó, hãy đến theo tôi”. “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng thương tiếc, vì anh ta vốn là một người rất tốt. Anh đã tuân giữ các điều răn của Chúa từ thuở nhỏ. Chúa Giêsu tỏ ra thán phục anh ta, nhưng đồng thời Ngài lại cho anh ta thấy rõ: Kitô Giáo không phải chỉ là việc tuân giữ các điều răn một cách tiêu cực: “Không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, không làm hại ai…”. Kitô giáo mang tính tích cực hơn nhiều. Chúa Giêsu nói thẳng với anh chàng giàu có: anh chưa bao giờ làm gì gây thiệt hại cho ai, vì anh có nhiều tiền của, có vợ đẹp con khôn, đâu cần phải đi ăn trộm, ăn cướp hay ngoại tình… nhưng anh đã làm gì để giúp đỡ ai chưa? Anh đã dùng tiền của để cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người trần trụi ăn mặc, cho kẻ vô gia cư có nơi trú ngụ chưa? Chính khi nghe điều này, anh chàng giàu có kia đã nhận ra mình vẫn còn nhiều khiếm khuyết biết bao. Vì vậy, Chúa Giêsu mới thách thức anh: Nếu muốn theo Tôi, anh hãy thay đổi cách nhìn đi. Đừng chỉ nhắm đến sự tốt lành một cách tiêu cực, chẳng hạn như không gây thiệt hại cho ai. Anh hãy nhắm sống tốt lành một cách tích cực hơn, chẳng hạn như giúp đỡ những người nghèo đói. Cứ thực hành điều này, anh sẽ tìm thấy hạnh phúc ngay trong cuộc sống này và cả trong cuộc sống mai sau. Thách đố Chúa Giêsu đặt ra cho chàng thanh niên giàu có có thể tóm lược như sau: Anh có dám chấp nhận mọi thiệt thòi để đạt được cuộc sống vĩnh cửu mà anh mong muốn không? Anh có quan niệm bước theo Tôi là bị thiệt thòi không? Nghĩa là anh có sẵn sàng hy sinh của cải của anh để được sống đời đời không? Anh chàng giàu có trả lời: Thưa Thầy, tôi cũng muốn theo Thầy lắm, nhưng tôi không muốn chấp nhận sự thiệt thòi kia! Thế là chàng thanh niên giàu có đành từ chối lời mời gọi của Chúa Giêsu. Việc sử dụng của cải ngoài mục đích lo riêng cho bản thân và gia đình xem ra là một hy sinh quá lớn đối với anh.

Nhiều người trong chúng ta có lẽ cũng giống như chàng thanh niên giàu có kia. Chúng ta biết rõ mình có thể trở thành một Kitô hữu tốt hơn, nhưng chúng ta vẫn thiếu nhiệt tình để sống tích cực Tin Mừng của Chúa. Chúng ta đã tuân giữ các điều răn, nhưng chúng ta vẫn chưa đủ quảng đại đối với những người túng thiếu, trần trụi, đói khát. Vì việc đó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, phải chấp nhận thiệt thòi, đau khổ, phải can đảm và phải khôn ngoan sáng suốt để nhận ra rằng sự hy sinh đó là cần thiết để đem lại bình an và niềm vui trong tâm hồn. Và để có thể hy sinh và chấp nhận những thiệt thòi đau khổ đó, điều hết sức quan trọng là phải có một động lực mạnh để thúc đẩy ta, và động lực đó chính là tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Tình yêu đó sẽ thúc đẩy chúng ta làm nhiều hơn những đòi hỏi tiêu cực của các điều răn: không hại người, không gian dối, không trộm cắp… Một thanh niên yêu một thiếu nữ sẽ không chỉ hài lòng với việc không làm hại nàng, không nói dối, không xúc phạm đến nàng. Tình yêu khiến anh phải làm tích cực hơn như thế rất nhiều, vì nếu không làm hơn được như thế, chắc chắn đó không phải là tình yêu. Cũng vậy, nếu chúng ta chỉ hài lòng với những điều răn Chúa dạy, chúng ta chỉ là người “quen biết” Chúa chứ chưa phải là người yêu Chúa. Nếu chúng ta không muốn làm điều gì tích cực hơn nữa, chính là vì chúng ta thiếu tình yêu. Chúng ta chưa yêu Chúa và chưa yêu tha nhân.

Rất nhiều người trong chúng ta có tâm trạng hài lòng vì đã được biết Chúa, tự mãn vì mình đã giữ các điều răn của Ngài từ thuở nhỏ, giống như chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng. Đó là một điều rất đáng khen, vì Thiên Chúa cũng rất hài lòng vì chúng ta đã sống được như vậy. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhìn chàng thanh niên đó một cách thiện cảm và đem lòng yêu thương. Nhưng qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn kêu mời chúng ta đi xa hơn một bước nữa, đó là sẵn sàng hy sinh nhiều hơn nữa cho Chúa và cho anh em. Đang khi bên cạnh chúng ta còn biết bao nhiêu người nghèo khổ túng thiếu, cần đến sự giúp đỡ cụ thể của chúng ta. Chúng ta không thể nói mình yêu Chúa mà lại làm ngơ hay phớt lờ những nhu cầu của họ. Tình yêu thúc đẩy chúng ta phải làm một cái gì cụ thể để thoả mãn phần nào những nhu cầu thiết yếu của anh em. Và chúng ta cũng cần có con mắt nhận xét và tâm hồn nhạy bén để nhận ra những nhu cầu ấy nơi những người sống gần mình nhất.

Chàng thanh niên nghe Chúa Giêsu nói phải phân phát tiền của cho người nghèo, anh đã buồn rầu bỏ đi, vì anh quá thiết tha với tiền của. Từ đó Chúa Giêsu đưa ra nhận định: “Người giàu có khó vào được Nước Trời”. “Khó vào” chứ không phải là không vào được, nếu không biết chia sẻ, giúp đỡ những người túng thiếu, nghèo đói, để được một kho tàng trên trời. Dĩ nhiên, tiền của cần cho cuộc sống, nhưng tiền của dễ làm cho con người trở nên mù quáng và ích kỷ. “Tiền của là đầy tớ tốt nhưng là ông chủ xấu”. Tiền của là đầy tớ đắc lực cho mọi người, nhưng khi chúng ta coi tiền của như một ông chủ, thì lúc đó nó sẽ trở thành ông vua thống trị với những luật lệ ác nghiệt của nó, nó hành hạ, sai khiến chúng ta như tên nô lệ. Vì thế, Chúa đã nói: “Không ai vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của” (Lc 16,13). Phải lựa chọn một.

Chúa Giêsu đã tỏ ra tuyệt đối trong đòi hỏi của Ngài: “Ai trong anh em không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Thầy” (Lc 14,33). Từ bỏ của cải không nhất thiết là từ bỏ quyền sở hữu. Từ bỏ đây, đối với đa số Kitô hữu là có của mà lòng không tham lam, không nô lệ cho tiền của. Có của mà biết dùng của để mua sắm kho tàng không bao giờ hư nát trên trời. Có của mà biết quan tâm đến nhu cầu của người khác, coi hoàn cảnh thiếu thốn của người chung quanh là thộc trách nhiệm của mình. Đó phải là cách sống của tất cả những ai muốn thực sự là môn đệ của Chúa Kitô.