Chúa Nhật Truyền Giáo - Năm B |
TRUYỀN GIÁO VÀ YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ |
Lm, Thiên Ngọc, CMC |
“Phố đêm, đèn mờ giăng giăng, màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên”… Đó là đoạn mở đầu bài hát Phố Đêm của nhạc sĩ Tâm Anh. Bài hát với cung giọng trữ tình, man mác, sâu lắng hẳn đã làm rung động không ít tâm hồn. Nhưng, nếu có phải bình chọn một đoạn nào hay nhất và sâu sắc nhất, thiển nghĩ xin là đoạn kết: “Cho tôi mười ngón thiên thần, Cho tôi mười ngón thiên thần, Để tôi dìu người tôi yêu, Dìu người không yêu, Và người chưa yêu”. Hay nhất và sâu sắc nhất, vì nó chuyển tải một cái nhìn rất nhân bản, nói lên tâm ý của người nhạc sĩ là muốn dùng đôi tay “mười ngón thiên thần”, dùng cuộc đời “phong sương”, “vai áo bạc phai mầu” của mình, để nâng đỡ anh chị em đồng loại, dù họ là người “tôi yêu”, hay “chưa yêu” và kể cả “không yêu”. Thưa các bạn thân mến, Sau Công Đồng Vaticanô II, có một nhận định rằng Hội Thánh tại Á châu vươn lên cách mạnh mẽ. Có nhiều giáo dân nhiệt thành, tràn đầy Thần Khí và ý thức hơn về ơn gọi chuyên biệt của mình trong cộng đoàn. Có nhiều phong trào tông đồ và đoàn sủng mang đến một luồng sinh khí mới cho giới trẻ và gia đình trong việc sống Tin Mừng. Có nhiều chứng tá anh dũng đến mức đổ máu là nguồn mạch cho sự giàu có thiêng liêng, và là hạt giống phát sinh một mùa gặt các linh hồn chín mùi phong phú. Được như thế là vì Hội Thánh tại Á châu, ý thức mạnh mẽ hơn về bản tính truyền giáo và trách nhiệm truyền giáo của mình, đồng thời nỗ lực dấn thân trong việc loan báo Tin Mừng. Như Hội Thánh Việt Nam, phần lớn người tín hữu vẫn nhiệt thành dự lễ, ít là ngày Chúa Nhật và lễ trọng; tham gia việc tông đồ, việc bác ái, để trợ giúp những người đang gặp nghịch cảnh phần xác hay phần hồn… Một thể hiện của sự dấn thân loan báo Tin Mừng Chúa Kitô, mà hiệu quả của nó góp phần không nhỏ vào sứ mạng truyền giáo, đó là việc phục vụ khởi từ đức bác ái. Thật thế, trong tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Tới, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng “tình bác ái khai mở một sự phục vụ phổ quát, nó linh hứng trong chúng ta sự dấn thân yêu người cách thực tế và cụ thể. Đó là một phương diện phải đánh dấu rõ ràng cuộc sống Kitô hữu cũng như toàn bộ hoạt động và chương trình mục vụ của Hội Thánh. Thế kỷ và ngàn năm mới đang bắt đầu bây giờ phải cần thấy, và hy vọng còn thấy rõ hơn, cộng đồng Kitô hữu phải cống hiến tới mức nào để có thể đến với những kẻ nghèo nhất qua đức ái” (số 49). Theo Thánh Giáo Hoàng, bên cạnh những trẻ nhỏ, Chúa Giêsu đặt những anh chị em thấp hèn nhất, đó là những kẻ khốn cùng, những người nghèo, những kẻ đói khát, những người ngoại kiều, những kẻ không áo mặc, những bệnh nhân, những anh chị em bị giam cầm..v.v... Khi tiếp đón, yêu thương và phục vụ họ, hoặc ngược lại khi đối xử cách lãnh đạm và từ chối họ, chúng ta nói lên thái độ của mình đối với Chúa, bởi vì Chúa hiện diện đặc biệt nơi những anh chị em đó (x. Mt 25,35-37). Và chắc rằng khi phục vụ cho tha nhân theo gương Chúa Kitô, Lời Chúa sau đây vốn đã ứng nghiệm nới Chúa Kitô, nay cũng sẽ ứng nghiệm nơi người yêu thương phục vụ: “Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu” (Is 53,10). Những hoạt động xã hội khởi đi từ bác ái là những lời rao giảng dễ được đón nhận. Tuy nhiên, Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, với biệt tài dí dỏm, đã cảnh báo chúng ta về một số loại bác ái nhãn hiệu, bác ái giả hiệu. Có loại bác ái ồn ào: bác ái phóng thanh! Có loại bác ái kể công: bác ái ngân hàng! Có loại bác ái nuôi người: bác ái sở thú! Có loại bác ái khinh người: bác ái chủ nhân! Có loại bác ái theo ý: bác ái độc tài! (Đường Hy Vọng, số 756). Ngài còn tế nhị nhắc chúng ta rằng: “Ký sổ vàng, mua vé số, cho quần áo cũ có khi đó chỉ là những việc bác ái để khỏi bị quấy rầy! Yêu thương mới là khó. Hãy để lòng con trong sổ vàng, trong vé số, trong gói quần áo cũ!” (số 740). “Tại sao con hà tiện một tiếng khen, tiếc nuối một nụ cười, một siết tay với người ta? Bao nhiêu người không cần tiền bạc, chỉ cần lòng con” (số 785). Vì thế, chúng ta đừng bao giờ nói: “Tôi không làm việc bác ái được, vì tôi không có tiền!”. “Chỉ có tiền mới bác ái sao? Bác ái bằng nụ cười, bác ái bằng bắt tay, bác ái bằng thông cảm, bác ái bằng thăm viếng, bác ái bằng cầu nguyện” (số 741). Tất cả những điều đó kêu gọi chúng ta thể hiện ngay trong chính gia đình mình. Tình yêu trong gia đình không phải là tình yêu xin-cho, không phải là tình yêu chủ nhân, không phải là tình yêu ngân hàng, không phải là tình yêu sở thú, không phải là tình yêu độc tài… Tình yêu đó phải là tình yêu thương phục vụ, theo gương Vị Thiên Chúa làm người yêu thương phục vụ chúng ta: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Nơi Đức Maria, phục vụ và truyền giáo chỉ là một. Nói cách khác, nơi Mẹ, sự phục vụ và truyền giáo không gì khác hơn chính là trao ban Chúa Giêsu, hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật thế, nơi Tiệc cưới Cana, Mẹ quan tâm phục vụ thực khách và hai họ bằng cách giới thiệu Chúa Giêsu cho gia nhân khi tiệc hết rượu (x.Ga 2,1-12). Mẹ Maria nghèo khó, không tiền không bạc, có lúc không cửa không nhà, Mẹ không đi rao giảng, nhưng Mẹ có một món quà quý nhất để cho các mục tử ở Bêlem, cho ba vị đạo sĩ phương Đông, cho Simeon và Anna ở Đền Thánh, và cho nhân loại ở Gôlgôtha. Mẹ đã thinh lặng cho họ Chúa Giêsu, món quà mà chỉ Mẹ có, món quà ấy giảng thay cho Mẹ, vì đó là Ngôi Lời (sđd số 932). “Người đương thời sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy, bởi vì chính các thầy dạy cũng là những chứng nhân” (Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 41). Nhân ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, xin Đức Maria giúp chúng ta có một trái tim yêu thương và một đôi tay nhiệt thành rộng mở, biết khiêm tốn phục vụ để sống chứng nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa, phục vụ cho phần rỗi và hạnh phúc các linh hồn. Như thế cả cuộc đời ta là đoạn kết: “Cho tôi mười ngón thiên thần, Cho tôi mười ngón thiên thần, Để tôi dìu người tôi yêu, Dìu người không yêu, Và người chưa yêu”. |