Chúa Nhật Truyền Giáo - Năm B |
CHỨNG NHÂN TRONG SỰ HIỆP NHẤT YÊU THƯƠNG |
Lm.Jos Tạ duy Tuyền |
Thế giới ngày hôm qua cũng như hôm nay luôn ngưỡng mộ những chứng nhân cho tình yêu. Một Tê-rê-sa thành Calcutta nhỏ bé nhưng có một trái tim lớn lao đã làm cho cả thế giới kính phục. Ở Việt Nam, người công giáo hay không công giáo họ vẫn nói với nhau về một vị giám mục dám bỏ ngai tòa để đến ở cùng những người cùi tại trại cùi Di linh. Đó chính là Đức Giám mục Cassien. Ngài đã dùng tình yêu để xoa dịu những những đau đớn cho người cùng khổ. Ngài đã chết cho tình yêu, nên tình yêu của Ngài mãi ở lại nơi dương thế qua mọi thời đại. Hôm nay ngày khánh nhật truyền giáo, thiết tưởng là dịp thuận lợi để chúng ta nhìn lại tinh thần chứng nhân tin mừng của giáo hội sơ khai. Một giáo hội non trẻ nhưng có sức mạnh biến đổi trần gian. Một giáo hội bị cấm đoán nhưng vẫn lan tỏa đến tận cùng thế giới. Một giáo hội nhỏ bé nhưng ai cũng có tinh thần truyền giáo, khiến thánh Phao-lô đã từng nói rằng: “Tôi trồng, Apolo tưới, Thiên Chúa mới cho mọc lên”. Vậy đâu là điểm son để giáo hội có thể vượt qua mọi trở ngại để phát triển và canh tân bộ mặt trái đất? Thưa đó chính là tinh thần hiệp nhất yêu thương. Theo sách tông đồ công vụ, thời giáo hội sơ khai, các tín hữu “sống hiệp nhất với nhau, và để mọi sự là của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Tđcv 2, 44). Họ hợp nhất với nhau không chỉ về niềm tin mà còn hiệp nhất trong tình liên đới chia sẻ của cải vật chất cho nhau. Sự liên đới này tạo nên một cộng đoàn bác ái yêu thương, trong đó mỗi người đều được cộng đồng quan tâm, nâng đỡ và chia sẻ cho nhau tùy theo nhu cầu của từng người. Chính đời sống yêu mến nhau nơi các tín hữu mà Giáo hội sơ khai đã được toàn dân thương mến. Sự thương mến đó đã đem nhiều người về với Chúa. Sự thương mến đó cũng là nơi bảo vệ các tín hữu khỏi những cuộc tàn sát của bạo chúa hung tàn. Vâng, nếu ngày xưa cộng đoàn Giáo hội sơ khai đã được “toàn dân thương mến” (Tđcv 2,47a), thì đời sống của xứ đạo chúng ta hôm nay, cũng phải là một cộng đoàn được những người chung quanh nhìn bằng ánh mắt trìu mến thân thương. Đó cũng là cách chúng ta ca tụng Chúa và giúp cho “càng ngày càng có nhiều người gia nhập Giáo hội” (Tđcv 2, 47b) Thế nên, tinh thần truyền giáo mời gọi chúng ta hỗ trợ nhau không chỉ về tinh thần mà còn cả về vật chất, không chỉ là những người có đạo mà còn cả những người lương dân. Đồng thời sự chia sẻ này cũng nói lên sự xóa bỏ những tị hiềm, ghen ghét trong cộng đoàn để đón nhận nhau trong tinh thần bác ái huynh đệ. Lấy “dĩ hòa vi quý” để sống hài hòa, nâng đỡ đùm bọc lẫn nhau tạo nên một cộng đoàn chan hòa yêu thương, bác ái, chia sẻ, cảm thông. Đó cũng là dấu chỉ cho thấy chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu, là chứng nhân của Tin mừng giữa lòng dân tộc Việt Nam. Vì chưng, giới luật quan trọng nhất của kytô giáo chính là Mến Chúa – yêu người, thì người người ky-tô hữu chúng ta phải thể hiện điều đó qua từng lời nói, từng việc làm, luôn được cân nhắc cho vừa ý trời và phù hợp với luân thường đạo lý làm người. Vì vậy, một đời sống chứng nhân Tin mừng cũng phải thể hiện bằng một đời sống hòa hợp với cộng đồng, với tha nhân. Nhất là biết thể hiện sự tương thân tương ái nơi cộng đồng giáo xứ, sự hiệp nhất yêu thương trong tình huynh đệ với tha nhân, nhờ đó mà Tin mừng mới nở hoa trên từng môi trường sống của người tín hữu. Chúng ta không thể là một người kytô hữu tốt mà lại đối xử thật tồi tệ với anh chị em chung quanh. Lối sống này không chỉ là lỗi luật Chúa mà còn là cớ vấp phạm cho những người chưa biết Chúa. Nhà lãnh tụ Ganhi của An Độ đã từng nói: “Nếu những người kytô giáo sống đúng tinh thần giáo lý của họ. Tôi sẽ mời gọi cả dân tộc Ấn trở lại”. Chúng ta không thể truyền giáo mà còn mang nặng tính bè phái, tỵ hiềm, chia rẽ. Lối sống này đã không thu góp về cho giáo hội những tín đồ mới mà còn đẩy biết bao người ra khỏi giáo hội bởi lối sống ích kỷ, độc đoán của chúng ta. Thực tế đã có rất nhiều những cộng đoàn, những xứ đạo đổ vỡ vì sự bè phái đã phá đổ tình hiệp nhất yêu thương. Đã có rất nhiều người bỏ đạo, chối đạo vì sự bất khoan dung của chúng ta đã đẩy họ ra khỏi Giáo hội, khỏi cộng đoàn. Và cũng có rất nhiều cái nhìn thiếu thiện cảm của anh em lương dân nhìn đến chúng ta, chỉ vì chúng ta sống thiếu công bình, thiếu lòng bác ái, thiếu lòng bao dung. Thế nên mỗi người tín hữu phải biết sống tinh thần truyền giáo khởi đi từ lòng mến Chúa, yêu người nơi mỗi người chúng ta. Chúng ta mến Chúa nên chúng ta hăng say truyền giáo. Chúng ta yêu mến tha nhân nên chúng ta muốn chia sẻ niềm vui với tha nhân. Tình yêu mến mời gọi chúng ta đi đến với tha nhân bằng một tình yêu chân thành, không khoe khoang, không giả dối. Tình yêu mến mời gọi chúng ta dấn thân một cách quảng đại để đem tình yêu Chúa nối kết tình người, đưa con người đến cùng Thiên Chúa và giúp con người xích lại gần nhau. Nguyện xin Chúa Giê-su là Đấng đã từ trời xuống để gieo tin mừng yêu thương vào cho nhân thế, nâng đỡ và giúp chúng ta sống ơn gọi truyền giáo bằng một tình yêu mến nồng nàn. Ước gì đời sống chúng ta cũng trở thành một lời chứng sống động cho tin mừng khi chúng ta dám sống triệt để theo những đòi hỏi của tin mừng là mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Amen |